Nhà vệ sinh ở Nhật và những điều có thể bạn chưa biết

Đăng ngày 03/10/2014 bởi Mr. Kro
caption

Một bồn toa lét điển hình của Nhật (ảnh: Wikipedia)

Như các bạn có thể đã biết, Nhật Bản là một trong số những nước “chăm chút” đến toa lét nhất, với bệ ngồi được sưởi ấm và có thể điều chỉnh hiệt độ, cũng như một bảng điều khiển gắn ở bên hoặc trên tường toa lét với chức năng điều khiển cơ cấu phun nước rửa.

Người nước ngoài mới đến Nhật và sử dụng kiểu toa lét “hiện đại” này của Nhật lần đầu tiên chắc chắn sẽ bị bối rối trước một loạt các mút bấm: phun chùm, phun tia, dừng, điều chỉnh độ mạnh tia nước, và đôi khi còn có nút phun nước hoa khử mùi, hay nút phát tiếng xả nước được thu âm…

Đến đây bạn có thể tự hỏi, vì sao toa lét lại cần có chức năng phát tiếng xả nước? Lý do là vì một số người hơi “ồn ào” trong quá trình “hành sự” có thể cảm thấy xấu hổ – hoặc cảm thấy khiếm nhã – nếu người khác nghe được âm thanh họ tạo ra, vì thế chức năng này ra đời để cho những người như vậy có thể bật tiếng nước chảy lên và át đi những âm thanh không mong muốn. Sự phức tạp của các nút bấm toa lét là một trong những chủ đề rất “nóng” giữa những người nước ngoài đến Nhật du lịch hoặc sinh sống.

toiletcontrol

Bên cạnh chiếc điều khiển là hướng dẫn sử dụng chi tiết của từng nút bấm trên điều khiển

Vẫn biết các chức năng kể trên được sinh ra để phục vụ cho sự thoải mái tiện nghi tối đa của người dùng, nhưng có thể đôi khi người Nhật đã đi hơi quá trong việc công nghệ hóa nhà vệ sinh của mình. Ảnh trên được chụp tại một nhà vệ sinh công cộng, nơi mà các nút điều khiển chức năng rửa được đặt trên… một chiếc điều khiển từ xa(!).

Khi chụp bức ảnh này tôi đã nặn óc suy nghĩ về lý do tại sao người ta phải đưa chức năng điều khiển từ xa vào toa lét trong trường hợp này:  Để người dùng có thể đứng ở xa trong khi vòi rửa trong bồn cầu phun nước rửa? Không, chắc chắn người được rửa phải đang ngồi trên bồn cầu. Vậy điều khiển này để cho một người khác đang đứng ở xa có thể điều khiển được? Vậy thì người này phải ở trong nhà vệ sinh cùng người được rửa… trong suốt “quá trình”? Hoặc anh ta ở bên ngoài và đợi khi người bên trong cho phép thì sẽ bấm nút? Đến giờ tôi vẫn không thể lý giải được điều “bí ẩn” này.

toilet0

(ảnh: Wikipedia)

Bên cạnh các nút bấm, một điều khác cũng được xem là thường thức ở Nhật, đó là ở đâu có tồn tại nhà vệ sinh, ở đó hầu như chắc chắn phải tồn tại cả nhà vệ sinh riêng dành cho người tàn tật. Nhà vệ sinh này khác biệt với các nhà vệ sinh thông thường ở chỗ nó có hệ thống tay vịn tại bồn cầu và bồn rửa, để người dùng có thể vịn vào để đứng lên hay ngồi xuống, hoặc dễ dàng sử dụng kể cả khi đang ngồi xe lăn, và đôi khi còn có nhiều chức năng khác để kể cả người tàn tật cũng có thể sử dụng dễ dàng.

Cùng với việc xây dựng các đường dốc thoải bên cạnh tất cả các bậc thang ở nơi công cộng – “làn đường” dành cho những người đi xe lăn không đi được cầu thang – cũng như hệ thống còi píp po định hướng cho người mù tại các ngã ba ngã tư, vạch nổi trên vỉa hè hỗ trợ người mù đi bộ…, sự tồn tại song song của nhà vệ sinh dành cho người tàn tật với nhà vệ sinh thông thường đem lại cho tôi một ấn tượng về hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng của Nhật Bản vô cùng thân thiện với người tàn tật…

toilet45

Dòng chữ: “Toa lét dành cho người tàn tật không dùng được, xin vui lòng sử dụng toa lét ở tầng 45” (ảnh chụp tại tầng 5 tòa nhà)

… Tuy nhiên trong một số trường hợp, các cơ sở hạ tầng này có thể cũng không được thân thiện cho lắm.

toiletdecor

Không chỉ ở Nhật mà ở nhiều nước khác, nhà vệ sinh trong một tòa nhà càng sạch sẽ và được trang hoàng bóng bẩy thì càng thể hiện sự sang trọng cao cấp của tòa nhà đó. Tuy nhiên trong trường hợp này… có thể người quản lý tòa nhà nên dành những đồ trang trí này cho tiền sảnh hay hành lang thì đúng hơn.

Bồn cầu kiểu Nhật - 和式トイレ Washiki Toire

Bồn cầu kiểu Nhật – 和式トイレ Washiki Toire

Bên cạnh những nhà vệ sinh hiện đại công nghệ cao hay được trang trí lộng lẫy, ở Nhật còn tồn tại vô cùng nhiều những toa lét xổm kiểu này. Bạn có thể tự hỏi, không lẽ  Nhật không đủ kinh phí hay nhân lực để thay hết những toa lét này bằng toa lét bệt “văn minh”, nhưng lý do rõ ràng không phải là như vậy. Ở Nhật còn rất nhiều người không quen sử dụng toa lét bệt và quen dùng kiểu xổm truyền thống – được gọi là 和式 – này hơn, và vì thế những toa lét này phải tồn tại để phục vụ những người như vậy. Nên nhớ Nhật là nước có tuổi thọ trung bình cao, người già khỏe mạnh và thường ra ngoài, vì thế thành phần những “người của ngày xưa” sử dụng nhà vệ sinh công cộng cũng là không nhỏ.

toiletac

Khi một tòa nhà có điều hòa thì nhà vệ sinh của nó cũng được “hưởng lây”, nhưng kể cả khi tòa nhà không có điều hòa, những người quản lý ở đây vẫn muốn khách hàng của mình được “tác nghiệp” dưới nhiệt độ thoải mái dễ chịu. Nhà vệ sinh nam rộng khoảng 5-6m2, và có 1 chiếc điều hòa đang chạy.

toiletfun

Bên trái: “Nhà vệ sinh đa chức năng”, bên phải: “Cấm sử dụng dưới cho các chức năng trừ chức năng nhà vệ sinh”

Có thể sau khi xây dựng một nhà vệ sinh với nhiều chức năng hơn là chỉ mỗi chức năng ban đầu của một nhà vệ sinh, người quản lý ở đây đã nhận ra nhà vệ sinh ở đây chỉ nên có một chức năng duy nhất là chức năng ban đầu của một nhà vệ sinh.

Bài + Ảnh: Mr. Kro (Trừ các ảnh đã ghi rõ nguồn)

One thought on “Nhà vệ sinh ở Nhật và những điều có thể bạn chưa biết

Trả lời