Câu chuyện về Kyoto và bom nguyên tử: Hoà bình tình yêu và tự do

Đăng ngày 12/01/2018 bởi iSenpai

Cho tới gần đây nhiều người vẫn tin rằng nguyên nhân Kyoto và cố đô Nara không bị tàn phá bởi các đợt không kích trong Thế chiến thứ II là do các giá trị văn hoá và kiến trúc của hai nơi này. Nhưng một sự thật Kyoto là thành phố đứng đầu trong danh sách để dành cho mục tiêu tấn công bằng bom nguyên tử (A-bomb) do đó đã không bị không kích.

Có nhiều điều kiện được đặt ra để chọn thành phố mục tiêu thả A-bomb. Thành phố đó phải chưa bị tàn phá bởi các loại bom thông thường để có được thông tin chính xác khi sử dụng loại bom mới. Địa hình được bao quanh bởi các dãy núi, nhằm đạt được tối ưu sức mạnh của A-bomb. Do thoả mãn hai điều kiện trên cộng với việc có nhiều nhà máy sản xuất vũ khí và không có nhà tù nên cuối cùng Hiroshima là một trong hai thành phố được chọn (cùng với Nagasaki). Hậu quả, trong vòng 4 tháng sau khi A-bomb được thả xuống Hiroshima ngày 6/8/1945 đã khiến khoảng 160,000 người thiệt mạng tương đương 38% dân số Hiroshima lúc bấy giờ.

Tại sao đứng đầu danh sách mục tiêu mà Kyoto lại không được chọn?

Bộ trưởng chiến tranh của Mỹ thời đó là Henry Stimson sau khi nhận được danh sách từ ban cố vấn các thành phố mục tiêu để tấn công bằng A-bomb, ông đã ngay lập tức gạch đi tên của thành phố ở vị trí số một là Kyoto.

Lý do hồi trẻ Stimson có tới thăm Kyoto và đã thấy rất yêu thành phố này, sau đó cùng vợ mới cưới quay lại đây để hưởng tuần trăng mật.

Khi Bắc Triều Tiên đe doạ tấn công hạt nhân Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ ngày càng khiến không chỉ những người sống tại ba quốc gia này không khỏi lo lắng (hôm qua trên bloomberg có đăng mẩu tin nếu Seoul và Tokyo bị tấn công sẽ có thể cướp đi sinh mạng hơn 2 triệu người) thì câu chuyện tình yêu đã cứu cho thành phố này tránh khỏi thảm hoạ, được vẹn toàn và đẹp tuyệt vời như ngày hôm nay càng khiến chúng ta trân trọng cuộc sống, yêu thương nhau và yêu hoà bình hơn ở mọi nơi trên hành tinh này.

Không chỉ riêng Stimson ngày trước đã yêu thành phố này ngay lần đầu đến đây và quay lại hưởng tuần trăng mật, mà có lẽ còn rất nhiều người khác nữa. Những người bạn của mình ở khắp nơi khi tới thăm Kyoto đều dành cho thành phố này một tình cảm đặc biệt và luôn muốn quay trở lại.

“Chiến tranh khiến con người thù hận, hận kẻ địch, hận làng xóm. Hận bất cứ kẻ nào khác biệt. Hoà bình cho phép chúng ta yêu thương. Biến thù thành bạn. Biến căm ghét thành tình yêu và tình bạn.” – (Trích Hoà bình tình yêu và tự do của Tom G. Palmer)

Archivu TD

Trả lời