Câu chuyện về nữ doanh nhân Việt tay trắng làm nên công ty doanh số 10 triệu USD trên đất Nhật

Đăng ngày 11/10/2016 bởi iSenpai

(Nguồn Cafebiz): Câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam nỗ lực hết mình và đã thành công trong môi trường đầy khó tính và khắc nghiệt như Nhật

Câu chuyện về nữ doanh nhân Việt tay trắng làm nên công ty doanh số 10 triệu USD trên đất Nhật

Chị Vũ Thu Hà. Ảnh: NVCC

Người Nhật có lòng tự tôn dân tộc rất cao, một biểu hiện quan trọng là họ luôn muốn người nước ngoài bắt buộc phải nói giỏi tiếng Nhật, dù làm việc trong môi trường doanh nghiệp nào đi nữa. Kể cả đối với các tập đoàn tài chính nước ngoài, dù kinh nghiệm chuyên môn của bạn có xuất sắc đến đâu nhưng nếu không có tiếng Nhật, gần như không có cơ hội thành công trên đất Nhật.

Người viết có một số người bạn làm việc tại tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ ở Tokyo, chuyên môn công nghệ của họ rất khá nhưng tiếng Nhật chưa thực sự giỏi. Những người bạn kể lại, với các vấn đề chuyên môn phức tạp, nhiều lần họ đề nghị được nói tiếng Anh cho dễ hiểu, ngược lại, người Nhật chỉ cúi mặt xuống, viết ra giấy bằng chữ Kanji và người đối diện phải tự tra cho hiểu.

Ngoại ngữ là rào cản thứ nhất nhưng giới tính và việc đã kết hôn lại trở thành rào cản khác ngăn cản bạn thành công trong môi trường doanh nghiệp và kinh doanh Nhật. Quan điểm cống hiến hết mình cho công việc của các ông chủ doanh nghiệp Nhật thể hiện rất rõ nét với phụ nữ nước ngoài. Trong những năm đầu làm việc, đa phần những nữ nhân viên nước ngoài thường chỉ ký hợp đồng 1 năm một, sau đó hết một năm lại gia hạn, trong khi đó với người lao động nam, họ có thể ký 3 đến 5 năm với kinh nghiệm bằng cấp tương đương.

Nói tóm lại, nước Nhật không phải môi trường dễ sống cho phụ nữ nước ngoài và những người kém tiếng Nhật. Thế nhưng đã có rất những người phụ nữ Việt Nam nỗ lực hết mình và đã thành công trong môi trường đầy khó tính và khắc nghiệt như Nhật, như câu chuyện của chị Thu Hà dưới đây.

Chào chị Thu Hà. Chị có thể chia sẻ lý do gì đã đưa chị sang Nhật được không?

Mình sang Nhật năm 2005, để tham dự khóa học thạc sĩ bằng tiếng Anh tại đại học Ritsumeikan Asia Pacific University (APU) ở miền Nam nước Nhật.

Những năm đầu mới sang, mình học ở trường, chồng mình làm phiên dịch cho dự án Chính phủ ở tỉnh Nagasaki bên cạnh. Thỉnh thoảng, cứ có dịp nghỉ dài, mình lại về đó câu cá, xem phim… và không hề thấy bất tiện gì khi “mù” tiếng Nhật cả.

Nơi bọn mình sống khi ấy là một hòn đảo gần giống đảo chiến hạm Gunkanjima nổi tiếng, tức là một phần di tích còn sót lại của thời cách mạng công nghiệp, sau những năm tháng thịnh vượng của ngành than, chính phủ cho đóng mỏ, và cư dân rời đảo đi hết, bỏ lại một đàn mèo hoang, cùng với vô số những chung cư không người…

Cuộc sống bao cấp của bọn mình gần như không màng cơm áo gạo tiền, vì là dự án của Chính phủ Nhật, nên lương khá cao, bao cấp từ bữa ăn cho đến nhà ở. Nhưng bù lại thì vô cùng buồn chán. Cuối tháng lương vào tài khoản không buồn đi rút, vì không có lí do tiêu và cũng không có chỗ để tiêu tiền…

Đến khi mình chuẩn bị tốt nghiệp APU, hai vợ chồng tính chuyện an cư, dọn chung về một chỗ, thì mới giật mình ngồi nhìn nhau: nếu chúng mình cứ ở đảo mãi thế này, thì nước Nhật thật vô cùng nhỏ bé, chẳng biết ngoài kia thế giới ra sao, chẳng trải nghiệp được gì, thật phí hoài tuổi trẻ quá. Thế là khăn gói ra đi.

Cuộc sống của anh chị sau khi rời khỏi hòn đảo nhỏ như thế nào?

Về đến Fukuoka, cú sốc đầu tiên là công việc của chồng. Lương giảm còn 1 nửa, thời gian làm việc gấp 3, bao cấp bị xóa sổ, chồng thay vì 4h tan làm, chỉ 5 phút đã về đến cửa, thì thường xuyên là 8-9h tối mới xong, có hôm phải ra khỏi nhà từ 5-6h sáng,. Hàng tháng mòn mỏi chờ đến ngày lĩnh lương.

Cú sốc thứ 2 là chuyện tìm việc. Không đơn giản như mình nghĩ trước kia, cứ có tấm bằng APU ra là mình rải truyền đơn xin việc, kiểu gì chả có chỗ phù hợp. Mình thậm chí còn không tìm được quảng cáo nào đăng tuyển người nói được tiếng Anh mà lại không phải là người bản xứ ở cái chốn “thôn quê” Fukuoka này.

Giai đoạn này thực sự là giai đoạn tuyệt vọng nhất kể từ ngày sang Nhật.

Bế tắc với tiếng Anh quá, mình đành phải tính chuyện đi học tiếng Nhật. Vì học phí khá đắt đỏ, nên mình quyết tâm phải tự kiếm đủ tiền xong mới đến trường. Mình vừa tự học ở nhà, vừa ra sức tìm việc. Những chữ cái hiragana đầu tiên là do 1 anh thợ đến lắp mạng dạy cho, vì mình tranh thủ cứ thấy người Nhật là khua tay hỏi. Mãi, rồi mình cũng xin được đi làm cho 1 nhà máy khăn mặt, thời gian chỉ 2-3 tiếng một ngày, số tiền vừa đủ để học kiểu thỉnh giảng (không lấy bằng) ở 1 trường tiếng Nhật gần nhà.

Kế hoạch khi ấy của mình thì hoàn hảo lắm: sáng đi học, chiều đi làm, sẽ học khoảng 1 năm, trong thời gian đó tranh thủ chuẩn bị sinh em bé, học xong cũng đến lúc sinh con là vừa… Ai dè, vừa học được 3 tháng thì những cơn nghén nặng vật mình thẳng cẳng, nằm bẹp dí trên giường, liên tục trong liền 3 tháng, sút 7 cân, không làm được gì. Nhớ ngày nhắn tin cho cô giáo về quyết định bỏ học hẳn chứ không phải là nghỉ tạm thời mà nước mắt cứ chảy ầng ậc, không ngăn nổi.

Chị làm gì để vượt qua những khó khăn đó?

Sinh em bé xong được khoảng 4 tháng, bé bắt đầu ăn dặm, xa được mẹ lâu hơn thì mình trở lại trường tiếng, xin học thêm 3 tháng nữa, hết 3 tháng là vừa lúc ông bà về Việt Nam, không ai trông con cho đi học nữa.

Khi con được 1 tuổi, đủ cứng cáp, mình mới cho đi gửi trẻ, và quyết tâm đi làm thêm để luyện tiếng. Mình đi làm 4 tiếng một ngày, lại lao động giản đơn, tự nhủ với lòng nếu trong vòng 1 năm tới không xin được việc văn phòng, mình sẽ quay về Việt Nam làm lại từ đầu.

Đây có lẽ là những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời. Trẻ con qua 1 tuổi ốm sốt thường xuyên, chồng thì công việc vất vả, thường xuyên vắng nhà, một mình mình tự xoay xở chăm con, đi làm, và tự học tiếng Nhật.

Cứ lên xe, bất kể đi làm, đi chợ, đi đón con… là mình lại cắm tai nghe tiếng Nhật, nghe đi nghe lại các bài luyện thi kyu, nghe tin tức. Mỗi ngày ghi ra 1 tờ giấy nhỏ độ 10-20 từ mới, mẫu câu, rồi đi đâu cứ cầm khư khư… Tối đến, chờ con ngủ xong bắt đầu ngồi vào bàn làm bài tập, luyện chữ Hán đến khuya, có những hôm con ốm không đặt được, thì cứ thế một tay ôm con rung rung, một tay viết.

Mục tiêu của mình lúc ấy là tự luyện để nửa năm sau lấy được bằng Nikyu (giống với N2 bây giờ), và mình đã làm được.

Khi biết kết quả thi, con mình gần 2 tuổi, mình lục tục chuẩn bị hồ sơ, tính xin việc văn phòng, đến khi con 2 tuổi bớt ốm, đi làm là vừa đẹp. Không nhớ khi đó đã đi đến bao nhiêu cuộc phỏng vấn, gửi đi bao nhiêu bộ hồ sơ, nhưng cách đây độ 1 tuần, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, tình cờ ngồi xem lại đống hồ sơ xin việc, kèm thư từ chối hồi đó nhận được tự dưng thấy buồn mãi, dù chuyện đã qua đến 7-8 năm rồi, mà cảm xúc vẫn không tài nào ngăn nổi.

Có hôm tuyệt vọng quá, mình đã gọi điện về cho mẹ, năn nỉ bà sang chỉ cần 3 tháng thôi, trông cháu giúp, để mình đi làm 3 tháng xong nghỉ việc cũng được, còn lấy cái ghi vào lí lịch sau này về Việt Nam xin việc cho dễ. Mẹ mình khi ấy vướng bà nội ốm, không tài nào sắp xếp được, mình cúp điện thoại xuống mà cứ thế ngồi khóc.

Và cứ thế, vì không muốn gửi con đi nhà trẻ đến tối mịt mới về đón, mình từ chối một vài công việc đã được nhận một cách đầy tiếc nuối, trong lòng tự nhủ, chỉ cần mình cố gắng, không có gì mình không làm được, cơ hội rồi sẽ đến.

Rồi thì cơ hội cũng đến thật, mình được nhận vào làm cho một công ty thương mại, phụ trách thị trường Việt Nam, điều kiện chỉ cần mỗi ngày 4 tiếng. Công việc đúng sở trường, đóng góp được rất nhiều cho công ty, được sếp cũng như đồng nghiệp quý mến, dạy bảo cho rất nhiều từ ngôn ngữ, đến văn hóa, nếp sống…

Con mình thi thoảng vẫn ốm, vẫn phải từ văn phòng tất tả về đón giữa chừng, hay phải bỏ lại con khóc ngằn ngặt trong lớp học đặc biệt của các bệnh viện, dành riêng cho các bé bị ốm, (nhà trẻ không nhận) để đến văn phòng mấy tiếng giải quyết công việc, rồi lại phi về đón con, cho uống thuốc. Vẫn vất vả, nhưng được làm công việc mình yêu thích, môi trường thoải mái. Giai đoạn này thực sự là những tháng ngày tươi đẹp.

 Vợ chồng chị Vũ Thu Hà & anh Đỗ Phú Sơn trong buổi Lễ Quốc khánh Việt Nam tổ chức tại Fukuoka.

Vợ chồng chị Vũ Thu Hà & anh Đỗ Phú Sơn trong buổi Lễ Quốc khánh Việt Nam tổ chức tại Fukuoka.

Cuộc sống ở Nhật của anh chị không phải chỉ gặp khó khăn về chuyện xin việc chứ?

Chắc chắn rồi, đó mới chỉ là giai đoạn đầu.

Sau đó, mình đã đi làm ổn định được gần 3 năm, chồng mình thì sau nhiều năm làm việc cho một công ty bán lẻ tương đối lớn, đã lên được vị trí khá cao, do là người Việt duy nhất ở đây. Bọn mình mới bàn với nhau, làm công ăn lương mãi cũng chán, tự có cái gì đó của mình, dù nhỏ thôi, nhưng tự do tự tại vẫn thích hơn.

Cũng nhiều băn khoăn, nhiều lấn bấn, nhưng nghĩ bụng hơn 30 tuổi mà không dám làm, đến ngoài 40 tuổi thì còn sợ nữa. Lúc đấy, mới có 1 đứa đi nhà trẻ, 1 đứa còn trong bụng mẹ, chi phí nuôi dạy là tối thiểu rồi, nếu dám làm, đen nhất là trắng tay, đi làm thuê lại từ đầu, còn nếu không dám làm, thì có lẽ cả đời sẽ day dứt với câu hỏi: nếu ngày đó chúng mình dám bỏ hết ra làm riêng thì có phải A có phải B hay không?

Và sau rất nhiều chuẩn bị, công ty của bọn mình cũng ra đời đúng vào tháng 4/2013, cũng là tháng sinh của con gái út.

Kế hoạch là mình cứ đi làm, lo kinh tế, đảm bảo cho cả gia đình sống đủ và trả tiền góp nhà, xác định là “trường kì kháng chiến” vài năm, kiên trì thì mới đến đích. Như vậy, chồng mình mới có thể toàn tâm toàn ý với công ty mới, với những dự án bay bổng 2-3 năm sau mới biết thành công hay thất bại, mà cả nhà không phải vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền.

Được một thời gian, công việc bắt đầu đi vào ổn định, mình xin nghỉ việc công ty cũ trong quyến luyến, và về đầu quân cho công ty gia đình, với thương hiệu HSC Japan.

Lại một giai đoạn vất vả, vất vả kiểu hoàn toàn khác: không cần đúng giờ đi làm nhưng cũng không có giờ tan sở, không phải gửi con đến bệnh viện để chạy đi làm nhưng nếu con ốm thì phải bế nó đến ngủ ngay dưới chân bàn làm việc của mẹ.

Xuất thân là người nước ngoài, mở ra một pháp nhân mới trên đất Nhật này, lại muốn làm thật bài bản, đúng luật, hướng đến thương hiệu để phát triển bền vững, mà không có ai đi trước hướng dẫn, bọn mình phải tự đi, từ mò, cho nên đã có vô vàn điều phải học, có vô số sai lầm phải trả giá.

Nắm bắt được nhu cầu ở trong nước đối với hàng hóa chất lượng, công ty mình xuất từ Nhật về Việt Nam hàng gia dụng, hóa phẩm, đồ dùng trẻ em, phân bón. Sau đó, mình nhập từ Việt Nam khăn mặt, túi nilong, đũa tre, hàng mây tre đan. Đây là các mặt hàng rất được thị trường Nhật Bản ưa chuộng.

Đến nay, đứa con thứ 3 của vợ chồng mình đã bước sang tuổi thứ 4, doanh số cũng đạt được mức khá, năm nay dự kiến đạt 10 triệu USD, từ một cái bàn làm việc kê cạnh chỗ để đồ chơi của con, đến nay đã có văn phòng, kho bãi, xe tải chở hàng đầy đủ, và đang khởi công xây văn phòng riêng ở khu đất mới.

Chị có thể chia sẻ kế hoạch kinh doanh của công ty trong thời gian tới?

Sau HSC JAPAN (pháp nhân Nhật Bản), bên mình đã cùng một số cổ đông khác phát triển thêm thương hiệu HSC Group bao gồm 2 công ty ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chuyên phát triển trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu hai chiều Nhật – Việt, chuyên bán hàng Nhật về Việt Nam và mua đặc sản Việt Nam bán sang siêu thị Nhật; 1 công ty chuyên kinh doanh chế phẩm y tế và đặc biệt có cả một công ty chuyên kinh doanh chuỗi cửa hàng đồng giá bán lẻ các sản phẩm gia dụng Nhật.

Ngoài ra, với mong muốn đóng góp hơn nữa cho các hoạt động cộng đồng của người Việt tại Nhật, năm 2016, bên mình đã thành lập thêm Quỹ học bổng HSC Scholarship.

Quỹ học bổng của mình hiện đang tổ chức trao 2 lần mỗi năm, vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm, mỗi lần 3 suất, mỗi suất 50.000 yên cho các bạn sinh viên Việt Nam đang học ở các trường tiếng Nhật trên toàn lãnh thổ Nhật Bản. Mục tiêu của mình là sẽ cố gắng để có thể trao định kì theo tháng, mỗi tháng tối thiểu 2 suất 30.000 đến 50.000 yên cho các bạn sinh viên Việt Nam.

Mình không biết ở Nhật đã có quỹ học bổng nào dành riêng cho người Việt hay chưa, và mình rất vui nếu quỹ của mình trở thành 1 trong các quỹ đầu tiên như thế.

Xin cám ơn chị về cuộc trao đổi thú vị này!

Ngọc Thanh (Theo Trí Thức Trẻ/MPKen)

Trả lời