Các chiêu thức lừa đảo sang Nhật

Đăng ngày 09/10/2014 bởi _haminh8_

Do không có đủ thông tin cần thiết, tin vào những công ty môi giới làm ăn phi pháp, nhiều hộ gia đình đã phải chạy chọt một số tiền lớn cho con sang Nhật. Kết quả là các gia đình này phải mất số tiền không đáng mất và trong nhiều trường hợp con cái họ tay trắng về nước. Hãy cùng iSenpai tìm hiểu các chiêu thức lừa đảo sang Nhật của bọn môi giới để có những phương thức phòng tránh thích hợp. 

Lừa xuất khẩu lao động sang Nhật

Đánh vào tâm lý muốn có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp của sinh viên, lợi dụng một số chương trình tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật Bản (của Bộ LĐ-TB&XH), tại một số địa phương  xuất hiện hình thức lừa đảo mới với những người lao động (NLĐ) chưa được cập nhật chính sách. Theo đó, công ty lừa đảo sẽ đến một số đại học Y dược tuyển chọn sinh viên mới ra trường sang bên Nhật làm hộ lý, yêu cầu nộp bằng đại học bản gốc và một số tiền lớn. Tuy nhiên thực chất chương trình tuyển chọn sinh viên này do một đơn vị của  Bộ LĐ-TB&XH được phép triển khai, không bắt buộc phải nộp bằng đại học bản gốc. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chương trình tuyển chọn điều dưỡng và hộ lý làm việc tại Nhật Bản do Cục trực tiếp tuyển chọn; còn chương trình tuyển chọn lao động 19 tỉnh tham gia thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản do Trung tâm Lao động Ngoài nước thực hiện. “Ngoài hai đơn vị trên, không một cá nhân, tổ chức nào được phép”, ông Quỳnh nói.

xkld-a42b9-fd854

Các bạn nên liên hệ đến Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội để biết thêm về chính sách xuất khẩu lao động. Ảnh: xuatkhaulaodongvietnhat

Lời khuyên iSenpai: Với những ai ở trong nước muốn đi làm điều dưỡng ở Nhật, hãy gọi điện đến số 04.38249517 hoặc vào địa chỉ www.dolab.gov.vn của Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước để kiểm tra thông tin.

Lừa đảo du học sinh Nhật

Các cá nhân tự xưng là môi giới du học Nhật Bản đến thuyết phục các gia đình cho con sang Nhật, hứa hẹn họ được làm thêm ngoài, tháng kiếm mấy chục triệu. Sau đó các cá nhân này bắt đầu một khoản phí ban đầu lên tới 200 triệu đồng, nói là tiền học phí 6 tháng đầu, tiền trọ 3 tháng, chi phí máy bay. Ngoài ra họ đòi sinh viên đóng thêm một khoản tiền nữa để học và thi tiếng Nhật sơ cấp. Trong nhiều trường hợp, do quen biết nhau nên thỏa thuận giữa bên môi giới và gia đình du học sinh không dựa trên giấy tờ pháp lý nào.  Nhiều gia đình nông dân nghe theo lời tư vấn đã vay tiền chạy chọt cho con du học. Tuy nhiên, khi các sinh viên này sang Nhật, bên môi giới không tìm việc cho như đã hứa.  Nếu không có vốn tiếng Nhật tốt và bạn bè giới thiệu, tìm kiếm việc làm thêm thực sự khó khăn. Cho dù được đi làm thêm thì cũng không thể dễ dàng kiếm mấy chục triệu đồng một tháng như môi giới nói vì luật lao động của Nhật quy định, lưu học sinh chỉ được phép làm tối đa 28 tiễng mỗi tuần, mỗi tiếng cho công việc chân tay chừng 200 ngàn đồng. Các sinh viên đó vẫn phải trả tiền phòng, tiền chăn đệm,.. cho ba tháng đầu chứ không được miễn như đã hứa. Ngoài ra vốn tiếng Nhật của họ cũng quá kém để theo học các khóa học, luôn bị nguy cơ đuổi học. Sau một năm, nhiều du học sinh phải gọi điện cầu cứu gia đình và trở về Việt Nam.

Lời khuyên iSenpai: Trước khi quyết định bỏ tiền du học Nhật, các bạn nên tìm hiểu nhà môi giới là ai, có uy tín không. Sau đó tìm hiểu và cố gắng xác nhận các thông tin mà nhà môi giới đưa ra. Các bạn có thể tìm hiểu từ người từng đi du học qua công ty đó, từ báo đài, từ các cộng đồng người Việt ở Nhật trên Facebook. Trước khi sang Nhật, các bạn nên đầu tư nhiều thời gian học tiếng Nhật trước. Có thể lùi lại 1, 2 năm nhưng sang bên này các bạn có nhiều cơ hội việc làm cũng như sống tốt hơn. Ngoài ra các thỏa thuận tuyệt đối phải dựa trên giấy tờ có cơ sở pháp lý.

iSenpai tổng hợp từ Dân Trí và Tiền Phong

Trả lời