Hoàng gia Nhật Bản – nét điểm xuyết của lịch sử thế giới

Đăng ngày 17/07/2015 bởi iSenpai

Hoàng gia Nhật Bản, nhà “Yamato” là một triều đại thừa tập dài nhất lịch sử vẫn còn tồn tại, lâu đời hơn bất cứ triều đại nào từng được biết tới trên thế giới. Kể từ vị Thiên hoàng chính thống đầu tiên là Thần Vũ (神武天皇, Jimmu) bắt đầu triều đại vào ngày 11 tháng 2 năm 660 –  TCN cho đến đương kim Thiên hoàng Akihito (明仁, Minh Nhân),  xứ Phù Tang đã có tổng cộng 125 vị Thiên hoàng.

Thiên hoàng là người đứng đầu Hoàng gia, được xem là con cháu của Thái Dương Thần Nữ (vị thần Mặt Trời trong thần thoại Nhật Bản), đứng đầu quốc gia Quân chủ lập hiến, người duy nhất trên thế giới được gọi là Emperor (Hoàng đế) trong tiếng Anh và là giáo chủ của Thần đạo Nhật Bản. Đương kim Thiên hoàng là Akihito (明仁, Minh Nhân), niên hiệu là Bình Thành (Heisei). Ông lên ngôi năm 1989 sau khi vua cha Hirohito, tức Thiên hoàng Chiêu Hòa (昭和天皇, Shōwa tennō) – vị Thiên hoàng trị vì lâu nhất trong chính sử qua đời.

Đương kim Thiên hoàng Akihito

Đương kim Thiên hoàng Akihito trong một lần gặp Tổng thống Mỹ Obama.

Cũng như bao người đứng đầu nền Quân chủ lập hiến khác, Thiên hoàng được tôn sùng là Thiên tử (天子, Tenshi –con của trời) với những quyền lực tối cao. Tuy vậy, trên thực tế xuyên suốt hơn 1500 năm kể từ khi có truyền thống truyền nối ngôi vua, Thiên hoàng thường chỉ giữ vai trò mang tính biểu tượng khi quyền lực nằm trong tay các nhiếp chính và tướng quân. Hiện nay, vai trò của Thiên hoàng được quy định trong Hiến pháp (1947) là: Tiến hành các công việc của quốc gia dựa trên sự cho phép của nội các chính phủ. Cụ thể là: Chỉ định thủ tướng chính phủ và chánh án toà án tối cao, thông báo việc khai hội hay giải tán quốc hội, công bố các văn bản luật mới. Bên cạnh đó, công việc của Nhật hoàng còn có cả việc tham dự các ngày lễ của quốc dân, tiếp đón nguyên thủ quốc gia các nước, viếng thăm các nước… Nhật hoàng không phải là nguyên thủ quốc gia, nhưng được xem như là một vị nguyên thủ quốc gia.
Điều làm cho Hoàng gia Nhật Bản trở thành một sợi chỉ xuyên suốt chiều dài lịch sử chính là tính bền vững và duy nhất của nó. Hoàng tộc luôn nhận được sự mến yêu và tôn kính trọn vẹn của người dân. Đa phần các Thiên hoàng đều rất anh minh, cai trị một cách hiền hòa, không dùng bạo lực. Tuy có những âm mưu lật đổ nhưng chúng đã đều thất bại, minh chứng cho sự thất bại đó chính là sự tồn tại vững chắc của Hoàng thất tới tận bây giờ, 125 Thiên hoàng – 1 gia tộc, 1 dòng máu, 1 hiện tượng đặc biệt của lịch sử, bất biến giữa vạn biến.

Một vài lý do khác nữa giúp cho dòng giõi hoàng tộc duy trì triều đại đến tận ngày nay đó chính là vị trí địa lý đặc biệt của Nhật Bản, một quốc đảo ít chịu ảnh hưởng từ những tranh chấp với các quốc gia khác nên có rất ít áp lực lên bộ máy cai trị. Giáo sư Akira Momochi thuộc trường đại học Nihon đã nhận định: “Với truyền thống Chủ nghĩa Dân tộc ăn sâu trong dòng máu người dân, Nhật Bản không thể tồn tại mà không có Nhật hoàng. Nhật hoàng chính là biểu tượng tinh thần, là cội rễ để chúng tôi khẳng định nguồn gốc của mình”.

Hiện nay, Hoàng gia Nhật Bản gồm có 23 thành viên, được chịu trách nhiệm mọi mặt bởi Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản (viết tắt là IHA) – một tổ  chức độc lập, tuy thuộc Nội các nhưng lại không phải trực tiếp báo cáo với Thủ tướng, không chịu sự ràng buộc của luật pháp với 1.500 nhân viên và có toàn quyền tự quyết chi tiêu khoảng 260 triệu USD trong ngân sách quốc gia mỗi năm. Khi chưa được sự chấp thuận của IHA, Thủ tướng Nhật Bản không thể hội kiến với Thiên hoàng; cơ quan quyền lực này cũng kiểm soát chặt chẽ mọi tin tức, tranh ảnh, hoạt động của các thành viên Hoàng tộc. Có rất nhiều bí mật nội bộ Hoàng tộc được IHA giấu kín và người dân Nhật không được phép bàn tán, lưu truyền.

Thứ tự thừa kế ngai vàng hiện tại của hoàng gia như sau:

– Người thừa kế đương nhiên (thứ nhất): Hoàng thái tử Naruhito, con trai cả của đương kim Thiên hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko

– Người thừa kế thứ hai: Thân vương Fumihito, con trai thứ hai của đương kim Thiên hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko

– Người thừa kế thứ ba: Thân vương Hisahito, sinh 6/9/2006, là con trai của Thân vương Fumihito. Vị trí thừa kế thứ ba của cậu bé có thể bị thay đổi nếu bác cậu (Hoàng thái tử Naruhito) có con trai nối dõi. Nếu không, cậu chắc chắn sẽ lên ngôi sau này. Hiện nay, hoàng tử bé đang được cho theo học tại một ngôi trường bình dân như bao cậu bé khác với tên gọi thân thiện Hisahito-kun. Việc người kế vị ngai vàng theo học ở môi trường bình thường gây được rất nhiều thiện cảm và người dân đều hi vọng vào một tương lai tươi sáng cho Hoàng gia.

Hoàng tử bé Hisahito

 

Hoàng tử bé Hisahito và cha mẹ.

So sánh với gần 20 triều đại Việt Nam, hơn 100 triều đại đế vương Trung Hoa và các quốc gia đã và đang đặt dưới nền quân chủ lập hiến. Hoàng gia Nhật Bản là một đặc trưng, một nét điểm xuyết, một sợi dây xuyên suốt chiều dài lịch sử. Tượng trưng cho chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản, tính cách ôn hòa và sự tuân thủ kỷ luật tuyệt đối của người Nhật. Một Hoàng gia vô cùng gần gũi với nhân dân, một Hoàng gia của biểu tượng và của những đặc trưng văn hóa. Hãy cùng chia sẻ những hiểu biết về Hoàng thất Nhật Bản cùng iSenpai nhé.!

Nguồn tham khảo: wikipedia

Mr. Moon

Trả lời