Nguồn gốc của từ Arubaito và kinh nghiệm khi phỏng vấn Arubaito tại Nhật

Đăng ngày 14/09/2014 bởi iSenpai

interview

Arubaito là một từ vay mượn không phải là một thuật ngữ có nguồn gốc Nhật Bản. Nó được vay mượn từ tiếng Đức, Arbeit. Arubaito đề cập chủ yếu là lao động bán thời gian truyền thống, nhưng nó cũng có thể được dùng để diễn tả các công việc ngoài giờ, hoặc thậm chí công việc mang tính “tạm thời” khi chưa tìm được một việc làm ổn định.

Các du học sinh Việt nam sau giờ học thì việc làm thêm (Arubaito) là một trong những mối quan tâm chính. Công việc làm thêm vừa giúp các bạn có thêm thu nhập, vừa là một môi trường học tập từ thực tế rất tốt giúp các bạn nâng cao năng lực tiếng Nhật cũng như kinh nghiệm làm việc với người Nhật.

Xin việc làm thêm ở Nhật phụ thuộc khá nhiều và trình độ tiếng Nhật của các bạn. Đối với các bạn chưa thành thạo tiếng Nhật có thể xin việc tại các cửa hàng ăn với các công việc ít dùng tiếng Nhật hơn như rửa chén, bưng bê, làm bento vv… Với các bạn đã có vốn tiếng Nhật khá hơn có thể xin làm bồi bàn ở quan ăn trực tiếp nói chuyện với khách hoặc tính tiền tại các siêu thị, tham gia các công việc dịch thuật vv..

Khi đi xin việc, nhiều cửa hàng yêu cầu bạn phải điện thoại trực tiếp đến quán để xin việc, mục đích của họ là để kiểm tra trình độ tiếng Nhật cũng như khả năng ăn nói của bạn qua điện thoại. Vì thế nên bạn cần phải chuẩn bị nội dung nói thật rõ ràng, kỹ lưỡng và tập nói cho lưu loát.

Tốt nhất là nắm rõ trước các từ cần biết như 店舗 tempo (cửa hàng), 時間帯 jikantai (thời gian),… Nếu bạn nghe không tốt, bạn nên đi quanh khu vực của bạn và vào hỏi trực tiếp. Bạn nên kiếm việc làm phù hợp với khả năng tiếng Nhật của bạn, ví dụ bạn không nên xin việc làm marketing hay bán điện thoại vì việc này đòi hỏi phải tiếp khách và tiếng Nhật phải tốt.

Bạn cũng phải học cách nói lịch sự tối đa trong tiếng Nhật. Bạn có thể học cách nói này vì các quyển tạp chí giới thiệu việc sẽ hướng dẫn cụ thể. Ví dụ: ・・・の求人を拝見しましてお電話させていただけます thay vì ・・・の求人を見まして電話します. Nếu bạn nói không lịch sự, xác suất bạn xin được việc hầu như bằng 0 vì bạn sẽ bị đánh giá là người không hiểu các quy tắc thông thường trong xã hội.

Thường bạn gọi điện tời thì sẽ có các trường hợp sau: (1) Họ đã tuyển đủ người, (2) Bạn không phù hợp (tiếng Nhật yếu chẳng hạn), (3) Họ hẹn bạn phỏng vấn vào … giờ, ngày ….

Khi người ta đã chấp nhận phỏng vấn bạn, cửa hàng sẽ hẹn bạn đến phỏng vấn. Khi đó, bạn cần mang theo Đơn xin việc (履歴書Rirekisho), ngoài ra ,tuỳ theo cửa hàng mà có nơi sẽ yêu cầu bạn mang theo passport, giấy phép hoạt động ngoài giờ, photo visa…

Khi đi phỏng vấn, bạn cần ăn mặc thật gọn gàng, đến trước giờ hẹn khoảng 15 phút, khi đến gặp cần nói to, rõ ràng, tránh thể hiện rụt rè, nhút nhát. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, đôi khi sẽ là nhân tố chính quyết định bạn có được nhận vào làm hay không. Có thể tiếng Nhật của bạn không thật tốt, nhưng thay vào đó bạn cố gắng thể hiện quyết tâm làm việc, sự khoẻ khoắn, tràn đầy sức sống, hăng hái của bạn thì bạn vẫn có thể được nhận.

Hầu hết bạn sẽ bị hỏi các câu hỏi cơ bản như: Hãy PR bản thân bạn? Điểm mạnh yếu của bạn? Việc bạn cố gắng làm nhất từ trước đến nay là gì? … Do đó bạn phải tự phân tích bản thân rõ ràng và nên chuẩn bị trước các câu trả lời cho những câu hỏi này , thay đổi cách nói với những công ty khác nhau. Nhiều khi người phỏng vấn hay hỏi những điều bạn viết trong Entry Sheet (ES), nên trước khi đi phỏng vấn bạn cũng nên đọc lại ES để chuẩn bị.

Trong lúc phỏng vấn quan trọng nhất là bạn truyền được nhiệt huyết (熱意 netsui)của bạn tới người phỏng vấn. Tại sao bạn muốn vào nơi đó mà không phải nơi khác, vào nơi đó bạn muốn làm gì… Phải thể hiện được mình là mẫu người mà nơi tuyển dụng cần thiết. Nên nhớ là càng vào các vòng trong thì bạn sẽ càng bị hỏi xoáy sâu vào các ý này.

Bạn nên giữ nụ cười trên khuôn mặt, không nên quá căng thẳng sẽ không phát huy được khả năng của mình và gây ra sự lúng túng. Hãy tự tin vào chính bản thân mình.

Không nên nói to quá, nhưng nên nói to hơn bình thường một chút, nhấn mạnh những ý mình muốn diễn đạt.

Trả lời đúng câu hỏi được hỏi, không nói lan man, và triển khai ý muốn nói theo thứ tự : kết – triển khai – kết. Nói kết luận trước tiên rồi triển khai ý sau sẽ gây ấn tượng tốt hơn. Đối với các câu hỏi như điểm mạnh, điểm yếu… thì bạn phải có câu chuyện để dẫn chứng cho câu trả lời của mình, và qua đó mình đã học được gì…

Khi được hỏi là có câu hỏi gì không thì bạn rất nên hỏi, không nên nói là không có, vì như vậy thì họ sẽ đánh giá bạn không quan tâm thực sự đến nơi của họ. Các câu hỏi thì nên tránh các vấn đề riêng tư hoặc các thông tin đã có đăng tải rõ ràng trên yêu cầu tuyển dụng.

Họ sẽ hẹn báo lại kết quả cho bạn sau. Bạn vẫn cần giữ phong thái lịch sự, lễ phép chào tạm biệt. Lưu ý họ vẫn quan sát bạn cho đến khi bạn rời khỏi phòng phỏng vấn nhé. Chúc bạn may mắn tìm được công việc ưng ý.

                                                                                                                                                                                                                   ISENPAI        

One thought on “Nguồn gốc của từ Arubaito và kinh nghiệm khi phỏng vấn Arubaito tại Nhật

Trả lời