Nhật Bản chuyển đổi sang hệ thống phổ cập giáo dục mới

Đăng ngày 19/06/2016 bởi iSenpai

Nhật Bản chuyển đổi sang hệ thống phổ cập GD mới

GD&TĐ – Nhật Bản đã khởi động hệ thống phổ cập GD 9 năm mới nhằm khắc phục những vấn đề như bắt nạt và bỏ học – vốn bị coi là nảy sinh do hệ thống phổ cập cũ chia tách 6 năm + 3 năm.

Những bất cập của hệ thống cũ

Hệ thống phổ cập GD tại Nhật Bản trước đây được chia thành 6 năm tiểu học và 3 năm THCS.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề đã nảy sinh trong cái gọi là “năm đầu cấp”, thời điểm học sinh khó để thích nghi với những thay đổi khi bắt đầu bước vào năm đầu cấp THCS. Trong nhiều trường hợp, điều này dẫn tới tệ bắt nạt và khiến học sinh phải bỏ học để tránh phải tới trường.

Theo hệ thống phổ cập mới, có hiệu lực từ tháng 4, tích hợp 9 năm phổ cập vào các “trường liên cấp” thay vì trường tiểu học và THCS.

Các trường được phép lựa chọn chia tách 9 năm cho các cấp học sao cho phù hợp với năng lực của mình – ví dụ 4+3+2 hoặc 5+4 – và được phép thay đổi chương trình cho học sinh trường mình.

Mỗi trường được lãnh đạo chung bởi 1 hiệu trưởng, các giáo viên được đòi hỏi có bằng cấp dạy được cả tiểu học và THCS.

Tại một số địa phương, trong đó có quận Shinagawa (Tokyo), đã lập trường liên cấp 9 năm khoảng 1 thập kỉ trước, những trường như vậy cần có chỉ định đặc biệt. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị loại bỏ theo hệ thống mới và toàn bộ 6 trường “9 năm” tại Shinagawa đã trở thành trường liên cấp với chương trình tích hợp chia thành 3 giai đoạn 4+3+2 năm. Toàn bộ học sinh bắt đầu học tiếng Anh trong năm đầu tiên.

Chính quyền Mitaka (Tokyo), cũng đã thực hiện chương trình giáo dục 9 năm trong tất cả các trường trên địa bàn mặc dù vẫn cần được chỉ định đặc biệt. Hợp tác chặt chẽ giữa trường học và cộng đồng đang được khuyến khích, một lãnh đạo chính quyền Mitaka đề cập tới việc cho phép phụ huynh và công dân tham gia tích cực vào quản lí trường học.

Dè dặt và hoài nghi

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Bộ Giáo dục hồi tháng 4, có 27 trong số 1.752 khu vực hành chính trên toàn Nhật Bản đã quyết định thực hiện trường học liên cấp trong năm tài chính 2016, trong khi 111 khu vực khác đang xem xét thực hiện trong hoặc sau năm tài chính 2017.

Mặc dù số trường “2 trong 1” vẫn còn thấp, một quan chức Bộ Giáo dục cho rằng, thống kê trên cho thấy, hệ thống mới đã “khởi động tốt”.

Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ hy vọng sẽ triển khai hệ thống mới trên toàn quốc. Ngay trong mùa hè này, Bộ sẽ ban hành sách hướng dẫn, đưa ra ví dụ cụ thể cách thức thực hiện như thế nào. “Chúng tôi hy vọng các chính quyền địa phương sẽ áp dụng hệ thống mới sau khi nhận thấy kết quả” – quan chức trên cho biết.

Trong khi đó, giáo viên đề nghị cần có sự hỗ trợ hơn nữa. Hiện tại, giáo viên cho biết có nhiều khó khăn về cả thời gian và tiền bạc để có được chứng nhận giảng dạy cả ở tiểu học và THCS trong khi họ vẫn đang phải làm việc. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên vẫn nghi ngờ hiệu quả của giáo dục tích hợp.

Đáp lại băn khoăn trên, Bộ Giáo dục cam kết sẽ nỗ lực hơn để giải thích cho giáo viên hiểu hơn về hệ thống mới và có những hỗ trợ cụ thể hơn cho họ, đồng thời có thể sửa đổi hệ thống cho phù hợp với thực tiễn.

Hiệu trưởng một trường tại Shinagawa cho biết giáo dục tích hợp đã góp phần giảm bỏ học. “Nhìn chung, giáo viên có thể theo dõi đứa trẻ từ một góc nhìn tổng thể hơn khi họ dạy dỗ chúng trong cả giai đoạn 9 năm” – hiệu trưởng này nói.

Thanh Anh (Giáo dục thời đại)
(Theo Japantimes)

Trả lời