Nhật Bản: Trường học không có … học sinh

Đăng ngày 26/04/2015 bởi iSenpai

(TBKTSG) – Nhiều ngôi trường cấp 1 ở các vùng làng quê Nhật Bản chỉ có vài học sinh, thậm chí không đủ thành lập một đội bóng. Bộ Giáo dục nước này lo ngại trẻ em sẽ không phát triển được các kỹ năng xã hội cần thiết trong một môi trường có ít học sinh như vậy.

Học sinh trường tiểu học Aone học vẽ ngoài trời. Ảnh: WP

Học sinh trường tiểu học Aone học vẽ ngoài trời. Ảnh: WP

Trường học ngày càng teo tóp

Một ngôi trường cổ ở thị trấn Aone phía Bắc Nhật Bản, chỉ có hai lớp học, mỗi lớp có ba bộ bàn ghế, nằm lọt thỏm giữa không gian rộng lớn của căn phòng.

Vào giờ ra chơi, có đúng một học sinh tự đá bóng với chính mình ở ngoài sân.
“Cũng hơi buồn”, Taiki Kato, 11 tuổi nói và cho biết năm sau em sẽ lên cấp 2. Kato cho rằng trường cấp 2 sẽ có đông học sinh hơn, và sẽ có cả các học sinh tiểu học từ nơi khác đến.

Trường cấp 2 ở thị trấn này có tám học sinh. Còn trường cấp 1 nơi Kato đang theo học chỉ có sáu học sinh. Hai em trong số đó là nữ, đến từ cùng một nhà.

Bà Yukari Sudo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Aone, có thể dễ dàng thuộc tên của tất cả học sinh ngay trong tuần đầu tiên nhậm chức. Làng Aone nằm nép mình ở vùng núi, cách xa đô thị đông đúc của Tokyo có 50 dặm, nhưng giống như một… thế giới khác.

Bà Sudo nhớ lại, thời bà làm hiệu phó ở một trường học khác, mỗi sáng bà chào đón 900 học sinh. “Tôi có thể nhận ra gương mặt các em, nhưng không thể nhớ hết tên”, bà nói. Gần đây, bà chuyển đến làm hiệu trưởng trường tiểu học ở Aone.

Thị trấn này chỉ có 638 dân. Cả vùng có hai siêu thị và một nhà hàng nhỏ xập xệ. Độ tuổi trung bình của người dân nơi đây là 62. Dễ thấy, phương thức di chuyển phổ biến nhất ở khu vực này là… khung tập đi có bánh xe. Chúng có thể biến hành xe đẩy mua hàng hoặc ghế di động.

Quang cảnh hoang vắng đó được thấy trên khắp Nhật Bản, từ hòn đảo Hokkaido nơi có dân cư thưa thớt tới các thị trấn ở dãy Alps dọc theo bờ biển phía Tây, đến vùng Aone ở phía Bắc.

Trong nhiều thập kỷ qua, người Nhật đã bỏ rơi những vùng này để hướng tới nơi phồn hoa đô thị như Tokyo, nơi có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Giờ đây gần một phần ba trong số 127 triệu người Nhật Bản sống trong các khu vực đô thị lớn như Tokyo.

Với một xã hội đang già đi nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp, Nhật Bản không thể có nguồn thay thế những người rời khỏi các vùng quê, nhanh như họ đã đi. Và tình hình trở nên ngày càng tồi tệ.

Số trẻ em dưới 14 tuổi có nguy cơ giảm một nửa vào năm 2050, theo dự đoán của chính phủ, khi mà người ta có xu hướng sinh ít con hơn, và tỷ lệ dân số ở độ tuổi sinh đẻ co lại. Theo dự kiến, có tới 5 triệu người Nhật sẽ đạt độ tuổi 90 vào giữa thế kỷ này.

Tình trạng đó dẫn tới việc, gần một nửa các trường tiểu học và trung học công lập ở Nhật Bản có quy mô nhỏ hơn so với tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục.

Chính quyền Tokyo muốn đóng cửa những trường nhỏ và sáp nhập chúng với các trường khác ở xung quanh.
“Nếu một trường học có ít hơn năm lớp, cần được xem xét nghiêm túc và quyết liệt việc nhập nó với một trường khác”, ông Hiroto Iwaoka, phụ trách chương trình cải cách giáo dục tại Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết.

Đây không chỉ là về vấn đề kinh tế. Bộ Giáo dục lo ngại rằng trẻ em tại các trường nhỏ không phát triển được các kỹ năng xã hội mà chúng cần trong thế giới rộng lớn hơn, khi chúng chỉ tiếp xúc với một số ít bạn cùng lớp mỗi ngày, năm này qua năm khác.

Tìm giải pháp

Ở Hokkaido, một số trẻ em phải đi xe buýt 30 dặm mỗi ngày vì trường học đóng cửa để nhập vào một trường khác.
Trong khi đó, một trường nhỏ ở thị trấn Nagano, gần dãy Alps, lại không thể đóng cửa vì trường gần nhất để lựa chọn ở cách đó những 90 phút đi xe.

Chính quyền trung ương đang phải đối mặt với tình trạng chống đối quyết liệt từ địa phương về chủ trương đóng cửa trường.

Bà Kyoko Inoue, quan chức phụ trách giáo dục ở vùng Sagamihara, khu vực hành chính bao gồm cả thị trấn Aone, cho biết địa phương không có kế hoạch đóng cửa trường tiểu học, mặc dù có một trường lớn hơn nhiều, với khoảng 80 học sinh, cách đó 5 dặm.

“Trường học thường có chức năng là tâm điểm của một cộng đồng”, bà nói. “Chúng tôi muốn trường học là một thứ mà người dân địa phương mong muốn”.

Trường tiểu học ở Aone nói trên chắc chắn có liên kết chặt chẽ với cộng đồng. Nó đã tồn tại ở đây 142 năm. Lúc cao điểm, vào năm 1945, trường có tới 254 học sinh. Trong những năm 1960, nó vẫn đón gần 200 em nhỏ và sau đó thì giảm dần.

Cho tới nay, toàn bộ tòa nhà – gồm phòng âm nhạc được trang bị đàn piano, phòng khoa học với đầy đủ thiết bị, thư viện… vẫn đang hoạt động.

Vào tiết học “hòa nhập cuộc sống”, các cô dẫn sáu học sinh đi bộ ra cánh đồng để trồng khoai tây, nghe chim hót, rồi đi dọc đường rừng để về trường. Tiếp đó, các học sinh ăn trưa, với món cá nướng, cơm, súp đậu hũ, măng tre.

Cuối cùng, các em đi hái nấm rồi về tập thể dục trong phòng tập lạnh giá. Nhà trường cũng có bố trí các tiết học thể thao, dù không có đủ cầu thủ để tạo thành một đội bóng đá.

“Cũng có những thứ phản giáo dục”, cô Kotoe Arakawa thừa nhận. Cô phải dạy một tiết học có ba đứa trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Cô Kotoe không thể yêu cầu các em cùng thảo luận về một chủ đề bởi chúng có trình độ và nhận thức khác nhau.

Sachiko Kaneko, người dạy ba học sinh lớp 6, thì cho biết cô lo ngại học sinh của mình không thể bộc lộ được các ý tưởng đa dạng. “Nếu bạn có một lớp lớn hơn, bạn có thể chia học sinh thành các nhóm nhỏ và khuyến khích chúng đưa ra những ý tưởng, và trình bày tại lớp”, Kaneko nói. “Nhưng khi chúng ta chỉ có một học sinh trong mỗi cấp học, bạn không thể làm điều đó.”

Nhưng học lớp nhỏ cũng có những mặt tích cực của nó. “Không học sinh nào bị bỏ lại đằng sau bởi chúng tôi giảng cho tới khi chúng hiểu mới thôi”, cô Arakawa nói.

Bộ Giáo dục Nhật Bản đưa ra hai gợi ý cho những trường nhỏ. Một là sáp nhập chúng với những trường lớn hơn.

Nhưng giải pháp này đang bị các chính quyền địa phương bác bỏ. Thứ hai là hợp tác với các trường lân cận tổ chức các bài học chung, và sử dụng công nghệ.

Nhưng trường Aone cũng chỉ tổ chức ba lần học chung với trường hàng xóm gần nhất mỗi năm, dù chỉ cách nhau 20 phút ô tô. Trường này cũng cho rằng việc kết nối công nghệ là vô cùng phức tạp và không bố trí máy tính trong lớp học

Masaaki Hayo, một giáo sư tại Đại học Bunkyo, cho rằng cách ứng xử trên bắt nguồn từ một niềm tin cố hữu rằng giáo dục phải là những thông tin liên lạc trực tiếp, còn sử dụng công nghệ chỉ là một hình thức bỏ bê.

“Nếu các trường học theo giáo trình chính phủ phê duyệt, một số hoạt động chỉ có thể được thực hiện theo nhóm lớn. Và công nghệ sẽ là một trong những cách thức tạo ra một nhóm lớn hơn, khiến học sinh năng động hơn. Và cách đó sẽ giúp giữ cho các trường khỏi nguy cơ bị đóng cửa.

Theo Washington Post

Trả lời