Xem thêm: Những thường thức khác biệt ở Nhật bạn nên biết phần 1, phần 2
21. Sách, truyện, băng đĩa 18+ bày bán công khai
Không chỉ là trong những cửa hàng bán và cho thuê băng đĩa, sách báo tạp chí, mà ngay trong từng cửa hàng tiện lợi, bên cạnh khu vực bán văn hóa phẩm không phân biệt độ tuổi… là khu vực bày bán văn hóa phẩm 20+. Những gian hàng này được đề biển 成人向け雑誌 to và rõ ràng để tránh việc trẻ em dưới 20 tuổi “đi lạc” vào.
Tuy nhiên mình được nghe bạn kể rằng các văn hóa phẩm ở đây đều censor đầy đủ chứ không để nguyên 100%, bạn mình cũng nói đó là do pháp luật quy định, mình thì cũng chưa xem thử bao giờ nên cũng không được rõ.
22. Dịch vụ phụ nữ phục vụ từ A–>Y kinh doanh công khai
Tại các phố mua sắm, 商店街 của các thành phố trung tâm, nhất là vào buổi tối sau 9-10h, là lúc các tiệm “Free Information” hay 無料案内所 hoạt động mạnh. Nếu chỉ đọc chữ của các tiệm này các bạn hẳn sẽ thắc mắc, tên như vậy thì chắc là một nơi cung cấp thông tin về điểm du lịch, danh lam thắng cảnh hay cửa hàng mua sắm, đồ ăn… thôi chứ? Nhưng không, mình nghe bạn mình kể, khi vào bên trong bạn sẽ được đưa 1 quyển ca ta lô các hình và số liệu của các phụ nữ khác nhau, bạn chọn một người và được dẫn đi nơi khác. Cho đến khi gặp người bạn chọn, bạn sẽ không mất chút phí nào, vì thế nên gọi là 無料案内所, còn sau đó có mất tiền không thì không liên quan đến nơi cung cấp thông tin miễn phí nữa.
Ngoài ra bạn mình cũng kể rằng sau đó thì dịch vụ cung cấp chỉ có bao gồm từ A đến Y, chứ không đến Z, bởi nếu chỉ có từ A đến Y thì sẽ được coi là ngành kinh doanh hợp pháp, tuy là mức thuế thì vô cùng cao. Ít nhất trên giấy tờ đăng ký kinh doanh thì là như vậy.
23. Mở cửa thâu đêm và dịch vụ thâu đêm
Dĩ nhiên các tiệm “Free Information” như trên thì sẽ mở cửa suốt cả đêm, nhưng ngoài ra có rất nhiều cửa hàng kinh doanh khác của Nhật cũng mở cửa kinh doanh thâu đêm. Điển hình nhất là các cửa hàng tiện lợi, hầu như 100% các cửa hàng tiện lợi ở Nhật đều mở cửa 24/7. Nhiều tiệm McDonald trên các phố lớn cũng mở cửa phụ vụ thâu đêm.
Nhưng không phải người Nhật mở cửa hàng thâu đêm chỉ để phục vụ nhu cầu bất chợt của nhiều người lúc nửa đêm như đối với các cửa hàng tiện lợi hay McDonald, mà họ còn khuyến khích khách hàng đến ban đêm. Ví dụ như các quán rượu mở thâu đêm, nhiều quán có course cho phép khách hàng trả một số tiền khá rẻ và được uống thoải mái, không giới hạn, nhưng chỉ từ 10h tối, hoặc từ 11h tối đến 5h sáng, v.v… Các cửa hàng Karaoke cũng có gói cước hát thoải mái ban đêm đến 5h sáng, trong thời gian đó khách hàng được uống nước ngọt, cà phê ca cao… thoải mái. Hay các trung tâm trò chơi giải trí, bowling… cũng có gói cước cho người chơi chơi điện tử hay ném bowling thâu đêm với giá rẻ hơn ban ngày.
Ngoài ra cũng không thể không kể đến các tiệm Internet-cafe mà có thể coi như những nhà nghỉ siêu bình dân mà siêu đa năng ở Nhật. Tại đây bạn được cấp một khoảng không gian nhỏ ngăn bởi vách ngăn nhỏ, nhưng có một chiếc ghế mềm có thể duỗi thành giường, và một máy tính nối mạng internet. Bạn có thể ngủ, nghỉ, lướt nét, sạc pin điện thoại, tắm rửa, uống nước ngọt miễn phí, uống súp miễn phí, nếu đói có thể mua mì hộp ăn và lấy nước sôi miễn phí để nấu, tùy nơi cũng có nơi cho bạn đánh bóng bàn, bi a với bạn bè miễn phí, chỉ cần bạn trả một mức giá ban đầu, mức giá này rẻ hơn nhiều so với khách sạn. Vì thế nên đây là diểm dừng chân lý tưởng cho các dân phượt bởi tính bình dân và hiệu năng cao của nó.
24. Những người đứng bên đường phân phát giấy ăn
Ở Nhật người ta rất chú trọng đến việc phát tờ rơi để quảng cáo, ở đâu bạn cũng có thể bắt gặp những người đứng bên các con đường lớn đông người đi bộ để phát tờ rơi. Tuy nhiên nhận thấy rằng chỉ phát tờ rơi không thì rất ít khách sẽ nhận vì vướng tay và chỉ tổ thêm rác, nên người ta nghĩ ra cách để nhiều người nhận tờ rơi hơn, đó là phát kèm tờ rơi với giấy ăn, hay cho tờ rơi vào trong giấy ăn rồi phát. Vì thế nên ở Nhật nếu hay đi qua những người phát giấy ăn, rất có thể cả năm ở Nhật bạn cũng không phải mất tiền mua giấy ăn.
25. Máy bán vé, máy soát vé
Ở các ga lớn của Nhật hiện đã không còn khái niệm người soát vé, bởi các cửa soát vé đều đã được tự động hóa bằng các máy soát vé. Các máy này soát xem người đi tàu đã mua vé đủ số tiền để ra khỏi ga tại ga đó chưa, nếu chưa đủ thì người đi tàu có thể bổ sung thêm tiền bằng máy tự động ở gần cửa soát vé để có thể ra khỏi cửa ga. Các vé đi tàu cũng đều đã có thể mua được ở các máy bán vé tự động, điều này làm giảm thiểu tối đa lượng nhân lực cần có ở nhà ga phục vụ cho công tác bán vé và soát vé.
Tuy nhiên việc mua vé cũng như xuất trình vé để qua cửa hay bổ sung thêm tiền vào vé… vẫn có thể được thực hiện với nhân viên nhà ga, nếu bạn tìm được nhân viên nào đang rảnh và đến yêu cầu họ. Trên một số loại tàu tốc hành yêu cầu mua vé phụ mới được lên, thì vẫn có nhân viên soát vé. Một số nhà ga ở các miền quê thì thậm chí còn không có máy hay người soát vé, khách đi đến đó tự bỏ vé của mình vào một chiếc hộp và đi ra ngoài. Một số nhà ga khác thì không có máy bán vé, khách lên tàu khi xuống tại điểm xuống có thể gặp nhân viên nhà ga, nói địa điểm mình đã lên tàu, nhân viên nhà ga sẽ nói số tiền khách phải trả và khách sẽ trả số tiền vé đó bằng tiền mặt.
26. Thẻ IC
Thẻ IC đi tàu là một loại thẻ trả trước, thẻ này giúp bạn qua cửa soát vé đi tàu hay xe buýt mà không cần mua vé, tiền vé sẽ được trừ trực tiếp vào tài khoản của bạn. Có thẻ này bạn có thể yên tâm không cần dò giá vé tàu để mua cho đúng vé trước khi lên tàu, vì khi đến nơi số tiền sẽ được tự động trừ vào tài khoản. Dĩ nhiên là trên một số loại tàu yêu cầu mua vé phụ, bạn vẫn phải mua vé phụ riêng thì mới được lên.
Thẻ IC còn có thể dùng để thanh toán tại một số máy bán hàng tự động, hay một số cửa hàng mua sắm hay ăn uống, tại các nơi này số tiền cần thanh toán cũng được rút trực tiếp từ tài khoản trả trước trong thẻ IC.
27. Luật bất thành văn khi đi tàu điện và thang máy
Luật đó là “Khi tàu điện/thang máy đang đông người, nếu bạn đứng ở trong tàu điện/thang máy và đứng ở gần cửa, thì khi tàu điện/thang máy dừng, hãy bước ra ngoàiđể lấy chỗ cho người bên trong có thể đi ra, sau đó khi họ ra hết rồi bạn có thể quay lại vị trí của mình trước khi những người khác vào”
Luật này hầu như không quy định ở đâu cả, tuy nhiên khi bạn sử dụng thang máy hay tàu điện vào giờ cao điểm bạn sẽ thấy điều này được thực hiện rất nghiêm chỉnh.
Ngoài ra đối với riêng tàu điện, còn có luật “Khi tàu chưa đến, hành khách chờ tàu xếp thành hai hàng dọc. Khi tàu đến, người ở đầu hai hàng dọc tiến đến bên cạnh mép cửa tàu để người trên tàu xuống được dễ dàng, và chờ đến khi họ xuống hết mới bắt đầu lên tàu”. Nhờ những điều luật bất thành văn này được tuân thủ mà việc lên xuống tàu ở Nhật có thể được thực hiện trôi chảy suôn sẻ cho dù có rất nhiều người đi, và điều này cũng góp phần làm cho tàu Nhật có thể đến ga đúng giờ quy định với chênh lệch không quá vài phút.
28. Luật bất thành văn khi đi thang cuốn
Không phải chỉ thang máy và thang cuốn mới có luật bất thành văn, kể cả đối với thang cuốn cũng vậy. Khi đi thang cuốn, “Nếu bạn ở Kansai, nhưng không phải ở Kyoto, thì khi đi thang cuốn, nếu đứng bên phải bạn nên đứng im và nếu đứng bên trái thì bạn nên đi bộ tiến về phía trước. Nếu bạn ở Kanto hoặc ở Kyoto thì ngược lại”.
Ở Việt Nam nếu đi thang cuốn có thể bạn sẽ có lúc bực dọc vì bạn đang muốn bước đi cho nhanh thì người khác lại đứng im cản lối, hoặc bạn đang đứng trên thang cuốn cho đỡ mệt thì có người đằng sau đòi vượt qua bạn để tiến lên trước. Ở Nhật người ta giải quyết vấn đề đó bằng cách phân làn: một làn sẽ gồm người đứng yên và một làn gồm những người thích bước đi. Duy chỉ có việc làn nào ở bên nào thì người Nhật không quy định rõ, vì thế nên ở từng nơi bạn sẽ phải nhìn theo mọi người khác để đoán xem mình nên đứng bên nào và đi bên nào.
29. Những người mua hàng và bán hàng chưa bao giờ gặp mặt nhau
Mặc dù có nền nông nghiệp rất phát triển, nhưng nông sản ở Nhật lại được bán với giá khá đắt. Một phần lý do là bởi vì các siêu thị chỉ thu mua từ nông trường các sản phẩm đạt đúng tiêu chuẩn về ngoại hình, kích cỡ – có nghĩa là chỉ những quả dưa chuột, hay củ hành tây… có kích cữ vừa khít một cái khuôn giống hệt nhau thì mới được cho vào cùng một lô hàng. Vì thế nên khi vào các siêu thị bán lẻ, bạn sẽ ngạc nhiên thấy có những củ hành tây giống hệt nhau, củ gừng, củ tỏi to đúng bằng nhau… đó là kết quả của quá trình chọn lọc đó. Vì không như ở Việt Nam bán nông sản theo cân, một cân hoa quả khéo chọn nhiều quả ngon thì cũng bằng giá một cân hoa quả chọn ngẫu nhiên, thì ở Nhật, người ta thường bán theo từng củ/quả, và vì thế người ta cho rằng những củ/quả có giá bằng nhau thì kích cỡ chất lượng cũng sẽ phải đúng bằng nhau.
Các nông sản không đạt yêu cầu về kích cỡ sẽ được kiểm tra chất lượng và phân loại theo các tiêu chí khác (độ ngọt, hàm lượng dinh dưỡng, thể tích,…) và trở thành nguyên liệu công nghiệp với giá thu mua thấp hơn hẳn.
Vì thế nên người bán nông sản sẽ có xu hướng không muốn bán những quả ngon của mình với giá rẻ, và người mua cũng sẽ muốn mua những quả đó chứ không phải chỉ những quả đại trà ngoài siêu thị đắt hơn hẳn chỉ vì hợp cỡ. Như vậy là đã có cung và cẩu, nhưng nếu không có hệ thống xe thu mua nông sản, không có các bộ phận phân loại đánh giá kiểm tra chất lượng, không có siêu thị phân phối… thì làm sao những người này có thể giao dịch với nhau? Hãy thử tưởng tượng mô hình kinh doanh sau.
Những người bán nông sản, sẽ lập ngay một cái lán bên cạnh vườn của mình, đặt những nông sản ngon trong ngày vào đó và đặt một cái biển ghi giá tiền, và một cái hộp. Và những người đi ngang qua khu đó, hoặc đến đó để tìm mua nông sản tại vườn, sẽ đến lấy những quả mình thích và bỏ số tiền tương ứng vào cái hộp ở đó. Cuối ngày người bán sẽ đến cái lán đó và lấy số tiền bán hàng ngày hôm đó về. Cả cung và cầu đã được giải quyết mà không cần thông qua các bước trung gian, người bán và người mà không phải chia sẻ đồng tiền của mình với các bên trung gian đó.
Không cần phải là một người học về kinh tế, mà chỉ cần là một người có bộ thường thức của Việt Nam thôi có thể bạn cũng sẽ cười ầm vào cái “mô hình kinh doanh” này, làm sao mà nó có thể thực hiện được cơ chứ? Tuy nhiên mô hình này thực tế được áp dụng ở Nhật vô cùng nhiều, ít ra là nhiều đến mức mà người ta hoàn toàn không coi việc bán hàng mà người bán cũng như người mua không bao giờ nhìn thấy nhau thế này là chuyện hoàn toàn không có gì lạ lùng. Thế nên nếu một ngày bạn đi trên một cánh đồng và bỗng thấy một cái lán, trên lán có một cái bàn đặt mấy quả dưa, một cái biển và một hộp đựng tiền lẻ, thì đừng nghĩ chúng đang nằm đó chờ bạn đến lấy, hay nghĩ đó là tiền trên trời rơi xuống, là phần thưởng cho bạn vì bạn ăn ở tốt từ trước đến giờ nhé! Đó chỉ là một tiệm bán hàng “tự động” của một bác nông dân mà thôi!
Ngoài ra ở một số nơi như văn phòng, phòng nghiên cứu… người ta cũng đặt một cái bàn với đồ ăn vặt, bim bim, mì tôm hay nước ngọt… cùng bảng giá và hộp đựng tiền, để mọi người trong phòng đó có thể mua dễ dàng.
30. Sản phẩm phải phục vụ được những người ngờ nghệch nhất
Trước kia ở Nhật có một vấn đề, khi một vụ tai nạn xảy ra với một sản phẩm nào đó, việc truy cứu trách nhiệm là điều rất khó khăn. Nếu sản phẩm sau khi mua trở thành tài sản cá nhân, ví dụ một món hàng mà khách hàng đã mua, thì rất khó xác định tai nạn xảy ra là lỗi của sản phẩm hay là do khách hàng cố ý gây ra. Nếu sản phẩm sau khi mua trở thành tài sản công cộng, thì lại càng khó phán xét xem tai nạn là do người sử dụng phá hoại hay do lỗi của bản thân sản phẩm.
Vì thế nên người ta thành lập và thông qua “Luật PL” (nguyên văn PL法), viết tắt của Product Liablity, học hỏi từ luật PL của Mỹ. Tinh thần cơ bản của điều luật này là, bất kể người dùng cố ý hay vô tình, nếu xảy ra sự cố do sản phẩm có sai khác so với thiết kế, hoặc do nhà sản xuất bỏ sót một trong những giai đoạn khuyến cáo nguy hiểm trong quy trình, thì trách nhiệm luôn thuộc về nhà sản xuất. Điều này buộc các nhà sản xuất phải thiết kế và sản xuất các sản phẩm an toàn, phải lường trước các tình huống có thể xảy ra và đưa giải pháp vào sản phẩm của mình, nếu không có giải pháp thì phải khuyến cáo đầy đủ.
Vì thế nên khi sử dụng các sản phẩm sản xuất tại Nhật, nhiều khi bạn sẽ đọc được những dòng khuyến cáo… thân thiện quá mức cần thiết, như: dầu gội đầu có khuyến cáo “Không được uống”, bếp điện có dòng chữ “Nếu sờ vào mai xo có thể gây ra bỏng nặng, hãy chú ý cẩn thận”,…
Tuy nhiên cũng nên nhìn lại thực tế là một thời gian sau khi luật PL được thông qua, một công ty sản xuất mì ăn liền lớn của Nhật đã vướng phải vụ tranh cãi về việc: “Nếu khách hàng nấu mì bằng nước sôi và bị bỏng, thì theo tinh thần của luật PL, công ty sản xuất mì sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã không cảnh báo người dùng về khả năng xảy ra tai nạn đó (!)”.
Vì thế nên khi ở Nhật, nếu bạn có nhìn thấy dòng chữ cảnh báo “Nếu bạn nấu mì bằng nước sôi, nếu để nước bắn vào người có thể gây ra bỏng nặng vô cùng nguy hiểm” – hay nội dung gì đó tương tự – mà chắc hẳn sẽ có trên tất cả các hộp mì sản xuất tại Nhật – thì đừng lúng túng, vậy không lẽ mình phải nấu mì bằng nước nguội??? Mà hãy thông cảm cho nhà sản xuất, họ chỉ đang cố gắng không trở thành nhà sản xuất mì bị khách hàng kiện vì khi úp mì bị nước sôi rơi vào người.
Mr. Kro
(hết P.3)
Đón đọc phần 4: Những nơi để ngủ kỳ lạ ở Nhật, bằng lái xe tự “lên level”, thu tiền điện nước ga… và TV, những nhà truyền giáo tận tụy, …
Xem lại: Những thường thức khác biệt ở Nhật bạn nên biết phần 1, phần 2