Những vụ bê bối tài chính lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản

Đăng ngày 02/11/2015 bởi iSenpai

Vụ bê bối tài chính lên tới 1,2 tỷ USD của tập đoàn hơn 140 năm tuổi Toshiba Corp. là một trong những vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử của doanh nghiệp Nhật Bản.

Đây là hậu quả của tình trạng những nhà điều hành tập đoàn này đặt ra những mục tiêu lợi nhuận phi thực tế. Vụ bê bối đồng thời làm hoen ố thanh danh của một trong thương hiệu nổi tiếng nhất Nhật Bản này.

Toshiba – tập đoàn công nghiệp sản xuất mọi thứ từ lò phản ứng hạt nhân tới những con chip điện tử siêu nhỏ và đồ gia dụng Toshiba – cho biết họ đã phải cân đối lợi nhuận trong hơn 6 năm, trong đó lần điều chỉnh lớn nhất diễn ra sau vụ bê bối tài chính 1,7 tỷ USD của Công ty Olympus Corp cũng của nước này vào năm 2011. Không một lời cáo buộc nào chống lại Toshiba cũng như ban lãnh đạo của họ trong vụ việc này.

Mạng tin kinh tế Bloomberg của Mỹ đã liệt kê danh sách những vụ bê bối kế toán lớn nhất Nhật Bản với dụng ý chỉ ra những mảng tối trong lĩnh vực tài chính của “Đất nước Mặt trời mọc”.
Năm 1998: Ngân hàng tín dụng dài hạn Nhật Bản đã đánh giá những khoản nợ xấu thấp hơn giá trị thực tế tới 4 tỷ USD. Một quyết định lật ngược từ phía Tòa án tối cao Nhật Bản vào năm 2008 đã khiến ba giám đốc điều hành đã bị kết án gian lận. Tòa án tối cao cũng ra phán quyết ba người này được bào chữa theo luật kế toán cũ. Sau đó, vào năm 2000, Ngân hàng này đã được bán cho một tập đoàn đầu tư.
Năm 1997: Công ty chứng khoán Yamaichi rơi vào cảnh phá sản sau báo cáo thiếu hụt 2,5 tỷ USD. Số tiền này đã được công ty môi giới tiếng tăm này giấu nhẹm bằng cách giả mạo giấy tờ liên quan đến những khoản đầu tư không mang lại lợi nhuận của khách hàng. Nguyên Giám đốc Công ty Yamaichi Atsuo Miki và nguyên Chủ tịch Công ty là Tsugio Yukihira mỗi người đã bị lãnh án 2,5 năm tù giam vì tội lỗi này.
Năm 2011: Tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản Olympus Corp. bị phát hiện đã che giấu khoản thiệt hại 1,7 tỷ USD trong hơn 13 năm, bắt đầu từ những năm 1990. Tháng 9/2012, nguyên Chủ tịch Tsuyoshi Kikukawa và hai cựu giám đốc điều hành đã phải nhận tội. Công ty Olympus bị phạt 700 triệu yen (tương đương 5,6 triệu USD) và tòa án quận Tokyo đã phán quyết cho ba cựu quan chức trên lĩnh án treo. Nobumasa Yokoo, cố vấn công ty nhận án 4 năm tù giam.
Năm 2005: Hãng mỹ phẩm nổi tiếng Kanebo Ltd. bị buộc đã phải xác nhận lại doanh thu của công ty trong 4 năm qua. Các cáo buộc cho thấy kiểm toán viên của họ đã thông đồng với Công ty kiểm toán ChuoAoyama Audit Corp. để thổi phồng lợi nhuận lên tới 210 tỷ yen trong vòng hơn 5 năm. Nguyên Giám đốc Takashi Hoashi và Giám đốc điều hành thứ 3 Kazutoshi Kanda cũng nhận án tù treo tương tự như nguyên Phó Chủ tịch Kanebo Takashi Miyahara.
Năm 2006: Công ty môi giới lớn thứ ba Nhật Bản Nikko Cordial Corp. bị cáo buộc khai gian lợi nhuận từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi để liên kết. Số tiền khai gian lên tới 13.7 tỷ yen chỉ trong ba tháng tính đến tháng 9/2004. Công ty này đã được chuyển nhượng cho Citigroup vào năm 2007.
Năm 2007: Hãng sản xuất máy công nghiệp nặng lớn thứ ba Nhật Bản là IHI Corp. đã gian lận trong việc điều chỉnh lợi nhuận của hãng trong tài khóa kết thúc cuối tháng 3/2007 thành khoản thua lỗ 4,6 tỷ yen, thay vì đạt lợi nhuận 15,8 tỷ yen như báo cáo trước đó. Vì hành động gian lận này, Chủ tịch IHI Corp. là ông Mototsugu Ito đã từ chức để gánh trách nhiệm và c ông ty phải chịu phạt 1,6 tỷ yen.
Năm 2006: Công ty Liverdoor, từng là “con cưng” của ngành Internet Nhật Bản đã lợi dụng việc chia tách, trao đổi và mua bán cổ phiếu với một công ty ảo để nâng giá cổ phiếu của họ. Nhà sang lập Liverdoor Takafumi Horie đã bị kết án hai năm rưỡi tù giam.

Trang Nhung (Báo Tin tức)
(Theo Bloomberg)

Trả lời