Bài học từ đội nữ Nhật Bản

Đăng ngày 02/07/2015 bởi iSenpai

World Cup nữ 2015 là cúp thế giới thứ hai liên tiếp đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản giành quyền vào chơi trận chung kết sau khi thắng Anh 2-1 ở trận bán kết thứ hai vào sáng 2-7.

Nếu như 4 năm trước ở Đức, thầy trò HLV Sasaki giành những chiến thắng ấn tượng để vào trận cuối cùng trước khi thắng Mỹ ở loạt sút luân lưu 11 m thì tại Canada hè này, họ vất vả hơn. Trước vòng bán kết, Nhật Bản toàn thắng 4 trận nhưng với cách biệt 1 bàn. Trận thắng Anh sáng 2-7 cũng có dấu ấn của may mắn khi pha phạm lỗi dẫn đến quả phạt đền mở tỉ số xảy ra bên ngoài vòng 16,50 m, còn bàn thắng ấn định tỉ số ở phút 90+2 từ cú đá phản của hậu vệ Anh Bassett.

Thua kém về chiều cao, cân nặng nhưng các cầu thủ nữ Nhật Bản vẫn đủ lực và kỹ thuật để trở lại trận chung kết  Ảnh: REUTERS
Thua kém về chiều cao, cân nặng nhưng các cầu thủ nữ Nhật Bản vẫn đủ thể lực và kỹ thuật để trở lại trận chung kết Ảnh: REUTERS

Đội Nhật chơi chật vật ở giải năm nay cũng là điều dễ hiểu. Trình độ của bóng đá nữ thế giới đã tăng tiến, trong lúc bộ khung chính của HLV Sasaki đã già thêm 4 tuổi. Tuy nhiên, sự kiên cường của đội vẫn còn nguyên vẹn và những mất mát khiến cả đội thêm đoàn kết. Họ loại Úc ở tứ kết với bàn thắng ở phút 87 và chính sự vững vàng ở cuối hiệp 2 khiến đội Anh tưởng chừng áp đảo lại gục ngã bởi pha đá phản định mệnh.

Ngay trận đầu, Nhật Bản mất đi tiền vệ trụ cột K.Ando khi cô bị gãy chân sau khi giành được quả phạt đền để đội trưởng Miyama mở tỉ số giúp họ thắng Thụy Sĩ 1-0. Cô khẳng định trước trận bán kết sẽ trở lại trận chung kết để cổ vũ cho tinh thần của đồng đội và lời động viên đó đã tiếp thêm sức mạnh cho nhà vô địch 2011.

Biệt danh của đội bóng đá nữ Nhật Bản là “những đóa cẩm chướng” nhưng chúng tôi thích gọi họ là “những nữ chiến binh” bởi sự quyết tâm và tinh thần không bao giờ lùi bước. Để bù đắp cho thể hình có phần thua thiệt trước các đội bóng Âu – Mỹ, đội Nhật Bản tăng cường luyện tập để tích lũy sự dẻo dai, tăng sự gắn kết và không ngừng cải thiện kỹ – chiến thuật. Với 7 bàn thắng chia đều cho 7 cầu thủ, Nhật cũng là đội có khả năng ghi bàn rải đều ở mọi tuyến.

Thành công của đội trong vòng 4 năm qua cho thấy họ không ăn may mà là thành quả từ sự đầu tư đúng hướng của LĐBĐ Nhật Bản và nỗ lực không ngừng từ thầy trò HLV Sasaki. Sau chức vô địch World Cup 2011, họ giành HCB Olympic London 2012 rồi năm ngoái lần đầu vô địch châu Á sau chiến thắng 1-0 trước Úc trên sân Thống Nhất (TP HCM).

Với lợi thế về ngày nghỉ, Mỹ được đánh giá cao hơn ở trận chung kết vào rạng sáng 6-7. Tuy nhiên, hẳn họ luôn đánh giá cao sự lì lợm của đội Nhật Bản. Chức vô địch cúp thế giới lần thứ hai liên tiếp sẽ là món quà chia tay của tiền vệ cựu binh H.Sawa (36 tuổi) và phần thưởng tuyệt vời với Ando.

Nhìn rộng ra, thành công của đội nữ Nhật Bản và ngôi sao quần vợt K.Nishikori cho thấy các VĐV châu Á vẫn đủ sức thành công ở những môn đối kháng một khi có được chiến lược phát triển, đầu tư đúng đắn và quyết tâm không ngừng nghỉ.

 

Trần Đoàn (Người Lao Động)

Trả lời