Cuộc cách mạng từ các cửa hàng 100 yên và sự thay đổi lối sống người Nhật

Đăng ngày 23/02/2015 bởi iSenpai

-Lược dịch từ Japan Today- 
Shiho, 43 tuổi, dừng lại trước một cửa hàng 100 yên trên đường về nhà từ chỗ làm việc. Cô đã hết mất túi đựng rác, thứ kém lãng mạn nhất trong các đồ dùng gia đình và cô nghĩ:”Tại sao không vào đây và xem thử? “. Bạn sẽ không thể nào đoán nổi thứ mà bạn có thể tìm thấy ở một cửa hàng 100 yên, chắc chắn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết:ở đây có bán cả rượu vang! Một chai vang 100 yên. Chồng của Shiho không thích uống rượu nên cô hiếm khi được thưởng thức vị rượu vang và cô quyết định mua thử. “Nếu chai rượu không ngon,” cô nhún vai, ” tôi chỉ việc đổ nó đi và thứ mà tôi bị mất chỉ là 100 yên”.
Khi về nhà, điều ngạc nhiên tiếp theo đã xảy ra: chai rượu không hề dở. Không quá tuyệt vời nhưng nó hoàn toàn uống được. Thậm chí nó có vị hay hay.
Các cửa hàng 100 yên là như vậy đó. Josei Seven (Chú thích: tên một tạp chí cho phụ nữ ở Nhật) đã chép lại lịch sử phát triển của các cửa hàng 100 yên từ con số không ở thế hệ trước cho đến khi trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày như bây giờ. Các cửa hàng này còn hơn cả tiện lợi, hơn cả rẻ. Chúng còn rất thú vị.
Nhà kinh tế học Morinaga Takuro lần theo dấu vết lịch sử từ các cửa hàng hè phố phổ biến trong thập niên 1970. Họ bán văn phòng phấm, móc khóa và đủ thứ linh tinh với giá 100 yên cho mỗi mặt hàng. Thập niên 1980 chứng kiến sự bùng phát của các siêu thị và thỉnh thoảng vào một dịp nào đó sẽ có một khu khuyến mãi “100 yen sales”. Ý tưởng dần dần được hình thành mà đi tiên phong là tập đoàn Daiso, họ đã mở cửa hàng 100 yên đầu tiên mang tên “The Daiso” vào năm 1991 và bây giờ đã có tới 3700 cửa hàng thuộc chuỗi này. Tiếp theo là Seria với 1200 cửa hàng và về thứ 3 là CanDo với 900 cửa hàng. Tồng cộng có gần 6000 cửa hàng trên toàn quốc và chúng đã tạo ra một cuộc cách mạng về mua sắm.
_image3_1_TPhcBw1394770397665


Bạn đang thiếu thứ đồ gì? Phân bón vườn? Chậu hoa? Pin? Dép đi trong nhà? Cọ toilet? Đồ trang sức hand-made? Hôp đựng cơm trưa? Hoặc không cần một món đồ cụ thể mà chỉ là một thứ bạn vô tình bắt gặp– một con dao xắt hành? Hay dụng cụ lấy hạt xoài? “Vớ vẩn thật,” bạn nghĩ – “Tôi không cần mấy thứ này!” Nhưng… 100 yên, chỉ có100 yên thôi. Không ai phê phán bạn khi tiêu xài ngân quỹ gia đình cho những món đồ rẻ như vậy.
Các cửa hàng 100 yên đem lại lợi nhuận kinh tế như thế nào? Bí quyết theo Josei Seven nằm ở 3 yếu tố: sản xuất hàng loạt, đặt hàng số lượng lớn và kênh phân phối nhanh gọn. Yếu tố thứ nhất liên quan đến việc sản xuất tại các xi nghiệp với lương nhân công thấp từ các quốc gia đang phát triển; yếu tố thứ hai là việc đặt hàng với đơn vị hàng chục nghìn; còn yếu tố thứ 3 là việc giao dịch trực tiếp với nhà sản xuất mà không qua các kênh trung gian.
Liệu rằng các mặt hàng trong cửa hàng 100 yên đều có giá trị như nhau? Tất nhiên là không, Morinaga giải thích. Các mặt hàng trong đó có giá trị từ 10 yên đến hơn 100 yên tuy nhiên “Đến cuối cùng thì các mặt hàng đắt hơn và rẻ hơn cân bằng cho nhau và sinh ra lợi nhuận”.
Ý tưởng này không chỉ xuất hiện tại Nhật Bản mà còn có các cửa hàng “1 dollar” ở Bắc Mỹ nhưng người Nhật có vẻ thích thú với ý tưởng này hơn. Theo Morinaga “Người Nhật thích những đồ dùng mới và sạch sẽ. Họ thoải mái với việc vứt bỏ các đồ dùng cũ sau khi dùng xong.” Tiêu biểu là loại đũa gỗ dùng một lần mà ông gọi là “văn hóa waribashi”. Ở Châu Âu, người ta có thói quen dùng đồ hàng thập kỷ. Các cửa hàng 100 yên khó lòng bán chạy ở đây.

Trả lời