Nhật Bản có một nền văn hóa độc đáo với nhiều quy tắc cực kỳ nghiêm cẩn. Từ cách ăn mì, cách nhận quà cho đến nhựng quy tắc chắc chắn phải tuân thủ để tránh xúc phạm đến chủ nhà. Sự phức tạp của các quy tắc có thể khiến các du khách phải “choáng”. Nhưng nếu chú ý thì cũng không khó để là một người lịch thiệp trong mắt người dân Nhật Bản.
Sự tôn trọng
Ở Nhật, ngôi thứ và vị trí rất quan trọng. Điều đó được thể hiện rõ nét qua cách gọi tên, vị trí ngồi và cách cúi chào. Thêm hậu tố “-san” vào sau tên sẽ thể hiện sự tôn trọng.
Cúi chào là một hình thức quan trọng của lời chào và xin lỗi ở Nhật Bản, ngay cả khi giao tiếp qua điện thoại. Bắt đầu đi học là người Nhật đã phải học cách kính trọng người lớn tuổi và học cúi chào là một phần của quá trình học tôn trọng người khác đó. Đối với bạn bè thì cúi đầu góc 30 độ. Đối với ông chủ và người lớn tuổi, thì phải cúi sâu hơn ở một góc khoảng 70 độ. Danh thiếp cũng là một thứ không nên thiếu trong người. Danh thiếp toàn bằng tiếng Anh thì cũng không sao, nhưng nếu vừa có cả tiếng Anh, vừa có cả tiếng Nhật thì người bản xứ sẽ rất ấn tượng về bạn.
Còn nếu bạn đến một bữa tiệc của người Nhật, hãy để người bản xứ sắp chỗ ngồi. Khi tiệc tan, cũng không đứng lên về trước khi chưa thấy người có địa vị cao nhất đứng lên, nếu không sẽ rất thất lễ.
Kiềm chế
Hãy chắc chắn rằng bạn không thể hiện sự giận dữ hay hung hăng một cách rõ ràng, bởi điều này sẽ bị coi là sự mất mặt ở Nhật Bản. Ngoài ra, người Nhật cũng hết sức coi trọng sự riêng tư. Điều này thể hiện rõ qua các luồng thông tin về thần tượng Nhật Bản. Đọc một tờ tạp chí lá cải của Anh hay Mỹ, rất dễ dàng để biết hôm nay có ca sĩ A ra ngoài trong bộ đồ như thế nào và mua gì hay họ đang nghỉ mát ở đâu, nhưng điều đó không thể có ở Nhật.
Nhỏ nhẹ khi trò chuyện qua điện thoại
Ở Việt Nam, không khó thấy cảnh một người trò chuyện oang oang giữa đường đến mức những người xung quanh cũng có thể hiểu nội dung cuộc gọi. Nhưng ở Nhật Bản, điều đó không được phép xảy ra ở nơi công cộng. Nhỏ nhẹ, ăn nói từ tốn là một nét đặc trưng ở quốc gia này. Ngoài ra, người Nhật cũng không nói chuyện điện thoại trên xe lửa hay trong một cửa hàng. Mọi người cũng hay để điện thoại ở chế độ rung để tránh làm phiền người khác.
Hết sức né số 4
Ở Nhật Bản, số 4 không khác gì số 13 ở nhiều nước phương Tây. Bởi cách phát âm từ này trong tiếng Nhật gần giống với “cái chết”. Do đó, số 4 bị coi là cực kỳ không may mắn và người dân ở đây hạn chế sử dụng số 4 càng nhiều càng tốt. Do đó, nếu có ý định tặng quà cho người Nhật cũng không thể tặng thứ gì đó có liên quan đến số 4, cũng như không nên tặng với số lượng 4. Nó sẽ được xem là món quà “đáng sợ”.
Đánh số các tầng cũng vậy. Những tầng có ký tự 4 đều bị bỏ qua. Chẳng hạn sẽ có tầng 3 rồi đến tầng 5, chứ họ không đánh số 4 (cũng có một số trường hợp thay số 4 bằng một ký tự khác hoặc đơn giản để trống ô số 4). Ngay cả những tầng có số thứ tự từ 40-49 cũng bị tránh. Đặc biệt là 49, bởi phát âm tương tự “đau đớn đến chết”. Nỗi sợ số 4 không chỉ có ở Nhật Bản mà còn ở Trung Quốc và Hàn Quốc với lý do tương tự. Hội chứng này được gọi là Tetraphobia, còn nỗi sợ số 13 được gọi là Triskaidekaphobia.
Tiền típ bị coi là xúc phạm
Khác với hành động thường thấy trong các bộ phim Mỹ, hay “văn hóa phong bì” ở nhiều nước, boa tiền cho người khác lại bị xem là khiếm nhã, thậm chí hèn hạ ở Nhật Bản. Nếu để tiền boa cho nhân viên phục vụ, họ sẽ chạy đi tìm bạn để trả lại, bởi họ xem như đó là sự thương hại, coi thường, làm mất thể diện của họ. Không cần tiền thưởng, bạn vẫn sẽ được nhận sự phục vụ chu đáo như thường. Nếu thực sự muốn thưởng cho sự phục vụ tận tình, thay vì để lại tiền, bạn có thể để lại một món quá nhỏ.
Không quên tặng quà
Tặng quà trở thành một nghi thức giao tiếp đặc trưng của người Nhật. Họ có thể tặng quà nhau mọi lúc, mọi nơi mà không hẳn cần một dịp gì đặc biệt. Tuy nhiên, không nên tặng quà liên quan đến số 4 và 9, những vật nhọn vì đó là biểu tượng của vận rủi. Và cũng không nên tặng giày dép, tất cho cấp trên hoặc các bậc trưởng bối.
Được mời đến nhà là niềm vinh hạnh đối với người Nhật. Nếu được mời, bạn cần nhớ rằng luôn phải chuẩn bị quà cho chủ nhà. Món quà nên được bọc gói kỹ lưỡng và trang trí với nhiều dây ruy-băng. Bạn cũng không nên từ chối món quà một khi được tặng. Còn với người chuyển ở hẳn một nơi mới, thì thường họ sẽ biếu tặng chủ đất/chủ nhà một món quà “tiền” tương đương với 2 tháng thuê.
Đi dép và không đi dép
Khi bước vào một vào một ngôi nhà, một ngôi đền, đôi khi cả nhà bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, hay văn phòng một số doanh nghiệp, bạn sẽ thấy có giá để giầy dép ở cửa ra vào. Khi dó, bạn nên để giày hoặc dép của mình vào giá. Nơi duy nhất trong nhà có dép là phòng vệ sinh, để giảm thiểu tiếp xúc giữa sàn toilet và phần còn lại của ngôi nhà. Hay nói cách khác, có quy tắc chung khi đến một ngôi nhà Nhật Bản: cởi giày dép trước khi vào nhà và đi dép khi bước vào phòng vệ sinh.
Tự rót cho bản thân là thô lỗ
Ở Mỹ, người ta phục vụ người khác rồi đến lượt bản thân. Nhưng ở Nhật Bản, không bao giờ một người tự rót cho mình. Nếu bạn rót cho đối phương, đối phương sẽ thấy cốc của bạn trống rỗng và đến lượt họ sẽ rót cho bạn. Sau khi được rót, cũng không thể uống ngay mà chờ tất cả mọi người cùng có nước uống và có người hô “Kanpai” (tương tự như câu “Cụng ly”) thì mới có thể uống.
Không cắm đũa lên bát cơm
Ở Nhật Bản, hành động cắm đũa lên bát ăn, đặc biệt là bát cơm, chỉ có trong đám tang. Cũng không được sử dụng phần đầu đũa đã cho vào trong miệng để gắp thức ăn. Ngoài ra, cũng không được dùng đũa để chuyền thức ăn vì trong đám tang người ta dùng đũa để chuyền những mảnh xương còn sót lại sau khi hỏa táng.
Ngả lên vai người khác để ngủ trên tàu
Nếu đi tàu và bất thình lình, người ngồi cạnh, dù bạn chẳng thân quen đi, ngả đầu lên vai bạn đánh một giấc. Sự bao dung là một nét đẹp văn hóa rất đặc trưng ở xứ sở hoa anh đào. Những gì bạn có thể làm khi đó là lịch sự giữ im lặng. Việc đi lại bằng tàu ở Nhật là khá phổ biến, nhiều người có thể ở xa cách chỗ làm hàng chục cây số và đi làm bằng cách chuyến tàu. Dù có tốc độ cũng khá nhanh, song áp lực trong công việc, sự mệt mỏi với việc nhà, quãng đường đi cũng không phải ngắn khiến nhiều người thường dễ mệt mỏi và ngủ gục trên tàu.
Bên trái – bên phải
Nếu ở Osaka, khi đứng trên thang cuốn, bạn sẽ đứng về bên phải, và vượt lên từ bên trái. Ở Tokyo thì ngược lại, đứng bên trái và vượt lên từ bên phải. Điều này giúp cho những người vội vã không bị ngăn cản bởi người đằng trước.
Mở cửa taxi là không cần thiết
Ở Nhật Bản, các tài xế taxi sẽ nhấn nút mở cửa mời khách lên. Nhưng khách du lịch ngoại quốc, đặc biệt là Việt Nam, thường hay tùy tiện mở cửa để lên xe chỉ vì cánh cửa nằm trong tầm tay của họ. Điều này cũng tương tự khi xuống xe, tài xế sẽ tự ấn nút mở, bạn sẽ không cần làm điều thừa thãi kia.
Vừa đi vừa ăn là hành động tùy tiện