Thiền trong văn hóa Nhật: Cái nhìn từ vườn đá, Haiku và trà đạo.

Đăng ngày 30/10/2014 bởi Kimu Taku

Phật giáo được giới thiệu đến Nhật Bản từ thế kỷ thứ 8 trong thời kỳ Nara và Heian và sau đó trở thành một phần quan trọng trong lịch sử và văn hóa của đất nước này. Thiền là một tông phái của Phật giáo đại thừa để lại ảnh hưởng sâu sắc tới nghệ thuật và văn hóa truyền thống của Nhật.  Thiền tông được phát triển ở Trung Hoa trong thế kỷ thứ 6 và được truyền bá tới Nhật Bản vào thế kỷ 13 trong thời kỳ Kamakura(1192-1233) khi một số tăng nhân người Nhật như Minh Am Vinh Tây(1141-1215), Nam Phố Thiệu Minh(1235-1308) hay Đạo Nguyên Hi Huyền(1200-1253) du hành tới Trung Hoa đại lục để tiếp thụ Thiền tông từ các thiền sư Trung Quốc trước khi trở về Nhật Bản và mở ra các thiền viện của các chi Lâm Tế và Tào Động.

Xuyên suốt thời kỳ trung đại, tinh thần của Thiền tông trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ nhân Nhật Bản. Ảnh hưởng của Thiền tới văn hóa Nhật sâu rộng tới mức có thể nói “Thiền là một tính cách đặc sắc của văn hóa đất nước này” ( trích lời nhà nghiên cứu văn hóa Nhật D.T Suzuki ). Bài viết này sẽ đề cập tới những ảnh hưởng của thiền tông tới một vài hình thái văn hóa truyền thống của Nhật Bản như vườn đá, thơ Haiku và nghệ thuật trà đạo.

I.Thiền và vườn đá

Vườn đá kiểu Nhật, thường gọi là vườn thiền, là hình thức tạo ra phong cảnh tối giản hóa từ việc sắp xếp đá, nước, rêu, cắt tỉa các bụi cây và sử dụng cát hoặc sỏi để tạo dòng chảy. Trong thời kỳ Muromachi (1336- 1573), nhiều vườn đá kinh điển đã được xây dựng tại các thiền viện tại kinh đô Kyoto như Long An Tự, Thiên Long Tự hay Ngân Các Tự. Thiền sư Mộng Song Sơ Thạch (Muso Soseki, 1275-1351) là người đã thiết kế những khu vườn đá nổi tiếng nhất tại Kyoto.

Chức năng ban đầu của vườn Thiền là để phục vụ tọa Thiền. Các thiền tăng sử dụng vườn đá như công cụ của việc tĩnh tọa. Ý nghĩa ẩn giấu trong những khu vườn sẽ này dẫn tới những mức độ khác nhau của sự giác ngộ.

Vườn đá ở Ryoan-ji (Nguồn Wikipedia)

Vườn đá ở Ryoan-ji 

Cảm thức wabi sabi là những khái niệm trọng yếu của vườn Thiền Nhật Bản. Wabi sabi là những mỹ cảm truyền thống Nhật Bản gắn với vẻ đẹp của sự đơn sơ và hài hòa. Theo D.T.Suzuki, wabi nghĩa là “đơn sơ” hay “không thuộc về sự thời thượng”. Sabi bao hàm sự khiêm nhường và sự không hoàn hảo cổ điển, biểu hiện hành động đơn giản hoặc không nỗ lực và sự phong phú của những dấu tích thời gian, chứa đựng những yếu tố tạo ra những câu hỏi không thể lý giải về bản thể tới mức độ của việc sáng tạo nghệ thuật. Ba tính chất quan trọng của wabi sabi bao gồm vô thường, không hoàn hảo và chưa hoàn thành. Vậy nên có thế nói wabi sabi biểu hiện tinh thần của Thiền tông. Trong một khu vườn đá: sự sinh sôi và tàn lụi của rêu biểu hiện sự vô thường của cuộc đời,  vẻ thô sơ của đá đại diện cho sự không hoàn hảo còn dòng chảy cát và sỏi tạo ra cảm giác của sự chưa hoàn thành. Ý tưởng của việc thiết kế vườn đá là sự đơn sơ và việc thưởng ngoạn tự nhiên qua một cách tiếp cận được tối giản hóa với đá, rêu xanh và cát.

Việc thưởng thức những khu vườn đá Nhật Bản đồng nghĩa với trải nghiệm tu Thiền. Vườn đá Nhật có thể giúp cải thiện mối quan hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên điều mà Thiền tông chú trọng. Quan sát vườn đá là một cách tiếp cận để cảm nhận sự thiếu thốn của trần thế với thiên nhiên trần trụi (đá, rêu và cát) và cùng với cách nhìn u huyền tượng trưng của Thiền tông, con người có thể vượt khỏi thế giới ý niệm và được trải nghiệm thế giới tâm linh vô niệm.

Theo dòng lịch sử, vườn Thiền trở thành một phần quan trọng trong việc phát triển Thiền tông cũng như văn hóa Nhật. Ngày nay, vườn Thiền đã xuất hiện ở nhiều quốc gia bên ngoài Nhật Bản và trở thành một hình thái nghệ thuật toàn cầu.

II. Thơ Haiku

Haiku là dòng thơ ngắn truyền thống của Nhật được phát triển từ thế kỷ 17 với cấu trúc 5-7-5 âm trong 3 câu thơ. Haiku thường có cảm hứng từ một yếu tố của tự nhiên, một cái đẹp trong khoảnh khắc hay một cảm giác xúc động. Thiền và Haiku có một mối liên hệ sâu sắc, tư tưởng của Thiền tông đóng vai trò quyết định trong nghệ thuật thơ Haiku. Nhiều nhà thơ cũng đồng thời là thiền sư ví dụ như Tùng Vĩ Ba Tiêu ( Matsuo Basho, 1644 -1694), nhà thơ nổi tiếng nhất của thời Edo.

Giống như vườn đá, mỹ học của thơ Haiku cũng là wabi và sabi. Thơ Haiku chú trọng vào sự đơn sơ, cảm thức về nỗi buồn tịch mịch vô thường của nhân sinh, sự gắn bó của cá nhân với thiên nhiên và sự chối bỏ những thứ hào nhoáng. Basho đã viết trong một bài thơ:

Kare eda ni                                 Cành khô không lá

Karasu no tomari keri                 Chim quạ đậu lên

Aki no kure                                  Chiều thu

Khung cảnh bài thơ gợi ra sự đơn sơ và dang dở của tự nhiên trong một buổi chiều thu, nỗi vô thường của dòng đời được cảm nhận thông qua hình ảnh cành khô không lá. Tâm hồn con người đồng điệu với sự cô đơn và tĩnh lặng của vũ trụ, cá thể nhập vào hư vô, gợi ra cảm thức wabi và sabi u huyền bàng bạc.

Chú trọng vào những thứ nhỏ bé trong tự nhiên là một nguyên tắc cơ bản của Haiku. Thường bị bỏ qua trong văn hóa phương Tây, những sinh vật nhỏ bé và tưởng như không quan trọng này sở hữu một mối quan hệ mật thiết với vụ trụ trên quan điểm của Thiền tông và thơ Haiku. Hãy xem một vài bài thơ nổi tiếng nhất của Basho:

Amagaeru                      Chú ếch con

Basho ni norite              Nhảy lên tàu lá chuối

Soyogi keri                      Rung rung


 Hatsu shigure                      Cơn mưa đầu đông

Saru mo komino wo             Chú khỉ cũng ước

Hoshige nari                          Có một chiếc áo tơi

Khỉ, ếch hay tàu lá chuối là những sinh vật bé nhỏ trong tự nhiên. Chuyển động của chú ếch con trên tàu lá chuối, sự cô đơn của con khỉ dưới cơn mưa đông là phản chiếu trực tiếp của chuyển động của toàn vũ trụ và nỗi cô đơn trong tâm thức con người. Tinh thần của Thiền tông, sự thấu thị trực tiếp vào trạng thái tĩnh và động của toàn vũ trụ, có thể được cảm nhận ở đây.

Đốn ngộ cũng là một tính chất quan trọng của Haiku. Bởi vì ngắn gọn, thơ Haiku chú trọng vào một hành động tinh tế hoặc một khoảnh khắc xúc động. Một bài thơ Haiku có thể được coi như một sự cảm nhận đột ngột một cái đẹp nào đó hay sự cảm nắm bắt bất ngờ ý nghĩa của sự vật do vậy nó có thể được so sánh với chủ trương đốn ngộ trong Thiền tông, một thiền sư có thể đạt đến giác ngộ ngay khi ông ta thấu thị được Phật tính của mình trong một khoảnh khắc tựa như Shiki(1867-1902) bất chợt nhận ra cái đẹp thiên nhiên khi chợt nhìn thấy một bông hoa trắng không tên:

Kusa mura ya                         Trong đám cỏ

Na mo shiramu                       Bông hoa không tên

Shiroku saku                           Nở ra trắng xóa

Dĩ nhiên không hẳn tất cả các bài thơ Haiku đều là thơ Thiền nhưng sức ảnh hưởng của Thiền tông trong Haiku là rất sâu sắc. Việc nghiên cứu Thiền học giúp tăng cường khả năng cảm thụ mỹ học của Haiku và ngược lại, thơ Haiku là một cách tiếp cận đầy tính thẩm mỹ đến với chân lý của Thiền.

III. Trà đạo

Trà đạo là hình thức văn hóa truyền thống Nhật Bản bao gồm nghi lễ chuẩn bị và thưởng thức trà xanh. Nhiều thiền sư sử dụng trà đạo như một phương pháp tu luyện khiến Thiền tông trở thành nguồn ảnh hưởng cơ bản trong sự phát triển trà đạo. Trà sớm được các thiền sư Trung Hoa ưa chuộng vì giúp họ tỉnh táo trong lúc tĩnh tọa. Vào thế ký 12, khi Minh Am Vinh Tây trở về từ Trung Quốc mang theo Thiền tông Lâm Tế, ông cũng đồng thời giới thiệu một cách pha trà mới, hòa bột trà vào nước nóng trong ấm trà, khai sinh ra trà đạo. Cả Thiền tông và trà đạo đều đòi hỏi sự tập trung toàn diện do vậy uống trà theo nghi lễ của trà đạo trở thành một cách hữu hiệu để tu Thiền. Theo thời gian, các thiền tăng đã kết hợp trà đạo và Thiền tông, chú ý vào từng chi tiết nhỏ của nghi lễ trà đạo.

Ông tổ của trà đạo: Sen no Rikyu (nguồn ảnh Wikipedia)

Ông tổ của trà đạo: Sen no Rikyu (nguồn ảnh Wikipedia)

Cũng như những hình thái văn hóa chịu ảnh hưởng của Thiền tông, wabi và sabi là những tiêu chuẩn mỹ học của trà đạo. Wabi-cha là một nhánh quan trọng của trà đạo nhấn mạnh sự đơn sơ và tịch mịch. Các thiền sư Murata Shukō (1423–1502), Takeno Jōō (1502-1555) và Sen no Rikyū (1522-1591) được thừa nhận như những tổ sư của wabi-cha. Sen no Rikyu đưa wabi-cha trở thành nghệ thuật với việc kết hợp gốm sứ với dụng cụ uống trà, kiến trúc, họa tiết, nghệ thuật cắm hoa và đồ thủ công mỹ nghệ. Trong trà đạo, ấm tách biểu hiện rõ rệt cảm thức wabi và sabi với màu sắc và họa tiết đơn giản, bề ngoài thô sơ và hình dáng không cân đối để diễn tả sự không hoàn hảo.

Sen no Rikyu đặt ra bốn tiêu chuẩn cho trà đạo bao gồm: hòa, kính, thanh, tịch (和, 敬, 清, 寂)(một số tài liệu ghi là hòa, kính, tinh, mịch). Những tiêu chuẩn này rất gần với tư tưởng của Thiền. Hòa có nghĩa là sự hòa hợp của cá nhân với thiên nhiên và những người xung quanh, là sự đồng điệu giữa chủ và khách, giữa tâm trạng con người và tiết trời. Đặc biệt, mùa và sự chuyển dịch nhịp điệu giữa các mùa cực kỳ quan trọng đối với trà đạo, hòa hợp với nhịp điệu đó sẽ mang lại cảm giác thoải mái thư giãn cho người học trà đạo. Sự đồng điệu với tự nhiên giúp con người nhận thức được quá trình biến đổi từ bản thể về vô ngã, đó chính là mục đích của Thiền. Kính nghĩa là tôn trọng, không chỉ là sự tôn trọng người khác mà còn là tôn trọng những dụng cụ được làm ra từ sức lao động của con người hoặc những sinh vật khác. Thanh là sự tinh khiết và ngăn nắp cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi một người rửa sạch ấm trà, anh ta cũng đồng thời làm tinh khiết trái tim và tâm hồn mình qua sự tập trung vào công việc. Thanh cũng ám chỉ sự đơn giản và thuần khiết, sự loại bỏ những thứ không cần thiết giống như một thiền sư loại bỏ tạp niệm khi tĩnh tọa. Tịch là sự tịch mịch, là trạng thái tĩnh lặng cô đơn khi một trà sư đạt đến giác ngộ. Cảm thức sabi xuất hiện trong sự tịch mịch đó với sự tĩnh lặng của phòng trà và những người uống trà.

Tinh thần của Thiền tông có thể được cảm nhận trong mọi nghi thức, mọi quy chuẩn của trà đạo. Thưởng thức trà đạo Nhật Bản đồng thời cũng là trải nghiệm sự tu Thiền, việc nghiên cứu trà đạo trở thành một hướng tiếp cận tinh tể trong việc tìm hiểu tư tưởng Thiền tông.

IV. Kết

Xuất hiện ở Nhật Bản sau các tông phái Phật giáo khác như Thiên Thai tông, Chân Ngôn tông, Tịnh Thổ tông hay Nhật Liên tông song Thiền tông mau chóng được ưa chuộng bởi người Nhật, đặc biệt là giới nghệ sĩ và giai cấp samurai, và mau chóng trở thành một phần quan trọng trong nghệ thuật và văn hóa của xử sở này. Tinh thần của Thiền tông hiện hữu trong những khu vườn đá, những bài thơ Haiku hay những nghi thức trà đạo. Mỹ cảm wabi và sabi, tiêu chuẩn mỹ học của nghệ thuật Thiền, trở thành quy tắc cho nhiều hình thái nghệ thuật truyển thống của Nhật Bản. Nghiên cứu về ảnh hưởng của Thiền tông trong văn hóa Nhật sẽ giúp hiểu rõ thêm các giáo lý của Thiền tông cũng như những nguyên tắc cơ bản trong văn hóa Nhật. Trong khuôn khổ ngắn gọn của bài viết, tác giả chỉ đề cập sơ qua một số hình thái văn hóa như vườn đá, thơ Haiku và trà đạo. Để có cái nhìn toàn diện hơn về ảnh hưởng của Thiền tông trong văn hóa Nhật cần có những nghiên cứu sâu sắc hơn về những hình thái khác cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Thiền tông như tranh sơn thủy, kịch Nô, văn hóa samurai, thư pháp, nghệ thuật cắm hoa ikebana,…

 H.M.

Trả lời