Thủ lĩnh giáo phái Aum – Kỳ cuối: Đền tội

Đăng ngày 21/02/2015 bởi iSenpai

Mặc dù đã bí mật hành động, nhưng kế hoạch khủng bố của Aum vẫn nhanh chóng bị lan truyền khắp cộng đồng giáo phái, buộc các đầu sỏ của Aum phải ra lệnh tiêu hủy bằng chứng. Hóa chất được chôn hoặc thiêu hủy, thiết bị đã được chuyển đến địa điểm khác. Hàng trăm thành viên, bao gồm cả những kẻ thân cận nhất với Asahara đã đào tẩu.

Trước đó, Asahara cũng đã nhanh chân trốn chạy sau khi bị cảnh sát rượt đuổi. Rạng sáng ngày 22/3/1995, hơn 1.000 cảnh sát xông vào trụ sở của Aum ở chân núi Phú Sĩ. Sau một tuần điều tra, cảnh sát đã phát hiện hàng tấn hóa chất nguy hiểm và các dụng cụ hỗ trợ. Hơn 200 loại hóa chất đã được khai quật. Một số thành phần có thể tạo thành chất độc thần kinh đủ để giết hơn 4 triệu người. Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện một bệnh viện với các loại thuốc kỳ lạ, một két an toàn chứa hàng triệu USD và vàng, rất nhiều phòng tra tấn và xà lim, trong số đó vẫn còn chứa tù nhân.

Đội ngũ các luật sư làm việc cho Aum từ chối theo đuổi các vụ kiện tụng gây thiệt hại cho thành phố. Họ bao biện rằng các hóa chất và thiết bị được dùng để sản xuất phân bón và thực phẩm. Qua một đoạn video, Asahara công khai mình vô tội, đồng thời khẳng định: “Cuộc tấn công tàu điện ngầm Tôkyô là một âm mưu của quân đội Mỹ nhằm đổ tội cho chúng tôi”.

Một bộ phận của Aum vẫn tiếp tục xây dựng kế hoạch tấn công. Takaji Kunimatsu, Giám đốc của cơ quan cảnh sát quốc gia, đã bị mưu sát. Do sự hiện diện của Aum ở Mỹ nên FBI đã bắt đầu một cuộc điều tra chính thức. Đến đầu tháng 4, các cuộc điều tra bắt đầu có kết quả. Hầu hết các tín đồ và tay chân của Asahara chỉ bị buộc tội tội phạm vị thành niên và có hành vi chống đối.

Trong khi đó, mặc dù đang trên đường chạy trốn, nhưng Asahara vẫn phát hành tập sách rêu rao rằng một thảm họa lớn hơn nhiều lần trận động đất kinh hoàng ở Kobe sẽ xảy ra vào ngày 15/4/1995. Điều này buộc giới chức Nhật Bản phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và gia tăng các cuộc truy quét.

Ngày lo sợ đã đến, thành phố chìm trong bầu không khí yên tĩnh đến nghẹt thở, hàng nghìn cảnh sát tuần tra trên đường phố song đã không xảy ra bất cứ sự cố nào. Tuy nhiên, khi thành phố trở lại bình thường 4 ngày sau đó, một cuộc tấn công khí độc lại được thông báo ở ga Yokohama. Cuộc tấn công đã làm 600 người phải điều trị tại bệnh viện vì đau mắt và đau cổ họng. Giáo phái Aum một lần nữa lại dính líu.

Cảnh sát chứng minh được Aum đã sản xuất các chất khí độc thần kinh, trong đó có cả sarin, song không hề bắt giữ hoặc cáo buộc bất kỳ thành viên nào của giáo phái này. Do vậy, nhiều kẻ thân cận của Asahara vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Ngày 23/4/1995 đã xảy ra một sự việc gây xôn xao dư luận đó là vụ Murai, tay chân thân cận nhất của trùm giáo phái Aum, bị một kẻ đâm thuê chém mướn đâm thủng bụng.

Sau 90 đợt truy quét các căn cứ của Aum, cảnh sát đã phát hiện ở tòa nhà Satian 2 tồn tại một tầng hầm bí mật, nơi trú ẩn của hai kiến trúc sư của Aum là Masami Tsuchiya và Seiichi Endo. Tiếp sau đó, truyền thông Nhật Bản và cả thế giới đã chứng kiến một sự kiện vô cùng lớn đó là vào ngày 16/5/1995, khi cảnh sát ập vào tòa nhà Satian 6 đã bắt được trùm giáo phái Asahara. Khi bị bắt, ông ta mặc chiếc áo choàng tím và theo lời cảnh sát, người ông ta bốc “mùi khó chịu”.

Các luật sư cho rằng phiên tòa xét xử các thủ lĩnh của Aum có khả năng kéo dài tới 30 năm nữa. Ngày 8/10/1998, Tòa án quận Tôkyô đã kết án tử hình thành viên Aum đầu tiên, tên Kazuaki Okazaki, vì tội giết hại 4 người.

Các phiên xét xử Asahara bắt đầu từ tháng 4/1996 và được tiến hành liên tục với tốc độ khoảng ba hay bốn phiên/tháng. Asahara đã làm trì hoãn một số phiên tòa do liên tục lầm bầm và thường xuyên ngủ gật trong khi xét xử. Tính tới cuối tháng 6/2001, tòa án đã phải xét xử Asahara tới 200 phiên. Ngày 21/10/2001, luật sư bào chữa cho Asahara đã yêu cầu Tòa án quận Tôkyô hoãn phiên tòa một năm để có thời gian chuẩn bị kế hoạch bào chữa. Tuy nhiên, bên nguyên phản đối kịch liệt vì cho rằng yêu cầu này là không thể chấp nhận được.

Ngày 12/9/2002, hãng thông tấn Kyodo cho biết vợ Asahara là Tomoko, 44 tuổi, bị bắt năm 1995, sẽ được trả tự do trong tháng 10/2002. Đến ngày 27/2/2004, Tòa án quận Tôkyô đã kết án tử hình trùm giáo phái Asahara với 23 tội danh gồm các âm mưu giết người và giết người, cướp đi sinh mạng của 27 nạn nhân.

Bản án khép lại sau gần 8 năm xét xử trùm giáo phái Aum, Shoko Asahara, song tới nay, nhiều người dân Nhật Bản vẫn còn phải chịu nhiều di chứng từ các vụ tấn công của dị giáo này. Giờ đây, Aum tồn tại dưới cái tên mới – Aleph – cùng một nguyên tắc hoạt động ôn hòa, nhưng cảnh sát Nhật Bản cho rằng giáo phái này vẫn tiếp tục ngầm rao giảng các giáo lý nguy hiểm cho xã hội.

Ngọc Thúy (baotintuc.vn)

Trả lời