Tiếng Nhật và những điều bạn không học ở trường (Phần 2 – kỳ 2)

Đăng ngày 21/02/2015 bởi Phạm Văn

Tham khảo phần 1: Tiếng Nhật và những điều bạn không học ở trường

Phần 2: Tiếng Nhật cổ và những dấu ấn của nó trong tiếng Nhật hiện đại

Kỳ 2: Những dấu ấn đỡ rõ nét hơn

Hy vọng ở kỳ trước: “Những dấu ấn rõ nét nhất” các bạn đã được cảm nhận những nét rêu phong cổ kính còn bám trên những bức tường gạch của thứ vô hình là tiếng Nhật hiện đại mà vẫn chưa bị xóa mờ bởi những lớp sơn, sơn lót, sơn màu… đã được quét kín những đoạn tường khác mới hơn và là đặc trưng cho tiếng Nhật hiện đại. Bởi vì ở phần này tôi sẽ giới thiệu cho các bạn những vết xước, vệt ve còn sót lại mà nếu dắt bạn đến đó, chỉ vào tận đó và nói rằng đó là những vết tích của thời rêu phong cổ kính ấy thì có thể bạn cũng không tin. Bởi vì những dấu vết này có thể quá nhỏ (mục 1), hay nằm trong góc khuất (mục 2), hay đã bị quét sơn lên rồi nhưng vẫn còn nhìn thấy được (mục 3), hoặc thậm chí đã bị quét sơn phủ kín hoàn toàn và chỉ có thể cảm nhận được qua những khu tường hiếm hoi chưa được sơn kỹ (mục 4). Vậy hãy cùng tôi đi đến ngắm nhìn những bức tường đó nhé :D

1. なし
Rất tiếc なし ở đây lại không phải là – nếu tôi đã lỡ để bạn liên tưởng đến – quả lê, mà là なし trong các câu sau:
いくら私が努力したとしても、母親の助けなしには、今日の成果を収めることはとても考えられなかった。
私はテレビなしには過ごせない。
(居酒屋で注文してる)えーと、たこわさ一つと・・枝豆一つと・・サラダ一つでお願いします。(あれ、サラダが要らないのに間違えて頼んでしまった!)・・あ、すみません・・やっぱサラダはなしで!お願いします
A:じゃ勝負しよう! B:カンニングはなしでね! A:わかってるよ!
A:たこ焼きどうぞ! B:私たこは食べられないんです A:わかってる!だからこのたこ焼きはたこなしだよ! B:ありがとう!じゃたこなしのたこ焼きいただきます A:たこなしにしてよかった!
Như các bạn có thể thấy, なし có thể được dùng trong các cách nói なしに、なしで、なしの、なしだ với ý nghĩa là “không có…”, “không bao gồm…”, và có thể được thay thế bởi 「・・ないもの」/「・・ないこと」 mà không làm thay đổi ý nghĩa của câu. Đây cũng là một dấu ấn đơn lẻ của tiếng Nhật cổ còn sót lại trong lòng tiếng Nhật hiện đại.
Tôi hy vọng bạn vẫn còn nhớ những điều tôi đã nói một cách rất sơ sài về các thể chia động từ trong tiếng Nhật cổ: về thể 連体形 để bổ nghĩa cho danh từ và thể 終止形 để kết thúc câu. Ngày nay trong tiếng Nhật hiện đại, trừ các tính từ đuôi な và 1 số từ đơn lẻ đặc biệt(*), hầu hết các loại từ đã được thống nhất cách dùng với cách chia của 2 thể này giống hệt nhau, trong đó có các tính từ đuôi い: ví dụ như trong 彼女が美しい。 hay 美しい彼女が・・ ta thấy tính từ 美しい đều được chia giống nhau. Tuy nhiên trong tiếng Nhật cổ, trong 2 trường hợp trên tính từ phải được chia khác nhau, và cũng khác cả với trong tiếng Nhật hiện đại nữa:
その女が美し。
美しき女が・・
なし ở đây có thể nói chính là thể 終止形 của ない. Nếu bạn còn nhớ thì trong phần trước chúng ta đã nói về việc “thể chia đuôi き” (=連体形)của các tính từ đuôi い vẫn còn sót lại trong tiếng Nhật ngày nay, thì đối với các “thể chia đuôi し” (=終止形) của các tính từ đuôi い, なし là một trong số ít các cá thể còn sót lại của dạng chia này. Tuy nhiện không giống như “thể chia đuổi き” có tác dụng làm tăng độ cung kính lịch sự cho cách nói, thì なし lại được dùng một cách tự nhiên và dân dã hơn rất nhiều, đặc biệt nó là từ đúng – tự nhiên và hiệu quả nhất để nói với nahan viên nhà hàng khi bạn muốn gia giảm món ăn hay nguyên liệu trong order của mình (vd: cho 1 bát phở ko hành nhé, cho 1 bát mì ko sợi nhé, v.v…)

(*)ví dụ như 同じ, べき, … Tham khảo thêm tại kỳ trước.

2. Kansai ben: you, koute
Trước khi vào đề cho tôi nhấn mạnh một thực tế mà nhiều người học tiếng Nhật thường hiểu sai, đó là: Kansai ben không phải là một thứ giọng địa phương cụ thể nào, mà là cách gọi chung của các loại giọng địa phương mà thuộc vùng Kansai. Tức là nếu anh nói giọng pha chút tiếng địa phươgn của Osaka – Osakaben, thì tức là anh cũng đang nói Kansai ben, vì Osaka nằm ở Kansai mà. Nhưng nếu nói anh nói Kansai ben, thì có nghĩa là anh đang nói cách nói của 1 vùng nào đó ở Kansai, có thể là Osaka, có thể là Kyoto, có thể là Hyogo, hoặc là 1 dạng hỗn hợp của các giọng của 1 số địa phương khác nhau.
Nhưng dù là trong 大阪弁, 京都弁 hay 兵庫弁, dấu ấn của các cách nói cổ trong các cách nói đặc thù đều rất rõ nét, chỉ có điều nhiều người dùng những cách nói đó mà không nhận ra sự liên hệ của nó với tiếng Nhật cổ mà thôi. Ở đây tôi xin nêu ra 2 trong số các ví dụ phổ biến và đặc trưng nhất, với hiện tượng khá giống như tôi đã nêu trong một bài viết trước (Phần 1, chứ không phải Kỳ 1 của Phần 2 này), đó là:

a. よう
Các bạn ở Kansai hẳn đã từng nghe cách nói này, ví dụ như trong các trường hợp sau:
ようがんばったね! (よく頑張ったね!)
ようしっとんねん! (よく知ってるね!)
よう行ってるよ (よく行ってるよ)
Như các bạn có thể thấy, よう chỉ đơn giản có nghĩa là よく. Việc người Kansai dùng cách nói này thay vì よく có thể được hiểu là do dấu ấn của việc thời xưa khi hiện tượng く –> う xảy ra (**), dân Kansai đã tiếp thu sự biến đổi này, nhưng khi nó biến mất, dân Kansai vẫn không cho nó về cõi xa xôi theo những hiện tượng khác, mà vẫn lưu giữ nó lại trong ngôn ngữ mà họ nói hàng ngày, cho đến khi nó chỉ còn tồn đọng lại trong tiếng Nhật của người Kansai và cuối cùng được coi là Kansai ben.

(**) Hiện tượng biến âm ウ音便. Như đã từng xảy ra với はやく –> はよう, ありがたく –> ありがとう. Tham khảo thêm tại phần trước.

b. こうて・思うて・ゆうて・おうて
Cách nói này có thể không thực sự phổ biến, nhưng lại rất đặc trưng bởi khi nghe cách nói này ta đã có thể khẳng định 80% người nói là người Kansai. Nếu sống ở Kansai, thi thoảng bạn sẽ có thể được nghe các cách nói sau:
この車こうてもう4年たっとるわ (この車を買って・・)
やべえって思うて走り出した (やばいと思って・・)
ゆうてあいつはなんか悪いこと考えとるはずや (言って(しまったら)、あいつは・・)
それでおうてるわ (それであってるよ)

Ở đây đã xảy ra hiện tượng 促音便 – âm っ (tsu nhỏ) bị biến đổi thành う. Cách lý giải cho hiện tượng này có lẽ cũng tương tự như ở phần a – tức là sự “chậm tiến” trong việc tiếp thu những cải tiến đổi mới trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Tuy nhiên cách nói này hiện chỉ còn phổ biến ở người già, và một bộ phận người Nhật “đặc sệt” Osaka – có nghĩa là sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở Osaka, cách nói cũng mang rất nhiều ảnh hưởng của phương ngữ Osaka (ví dụ như anh chàng điển trai Heiji Hattori trong truyện Conan,…). Bạn cũng có thể nhận thấy cách nói này trong quảng cáo của 1 tiệm mì ramen ở Osaka:

Osaka-ben trên menu của quán mì ramen

Osaka-ben trên menu của quán mì ramen


Trong lời quảng cáo trên tờ menu này, các từ có っ (tsu nhỏ) đã bị biến âm: 言って–>言うて(ゆうて), もらったら–>もろたら(=もろうたら), 思って–>もろて(=もろうて). Lưu ý trong Osaka-ben: だ–>や.
Ảnh: Kro, chụp tại Osaka

3. する và ずる

Trong số các bạn hẳn là co nhiều bạn, kể từ trước khi học tiếng Nhật, đã từng nghe thấy câu nói 「愛してる」/「愛してるよ」 với nghĩa “I love you”. Đến nay hẳn bạn đã có thể nhận ra dạng V-て+いる, với い bị giản lược đi do trùng âm. Đến đây xin hỏi bạn một câu: theo bạn động từ đang được chia ở thể 愛して ở đây, thể từ điển (thể thông thường) của nó là gì, 愛す hay 愛する?
Trong quá trình học tiếng Nhật các bạn hẳn đã gặp trường hợp tương tự như thế này, khi bắt gặp một động từ mới mà dạng ます của động từ đó là -します hay thể て của nó là -して thì hơi khó đoán xem nó là động từ loại I (-す) hay loại III (-する) (thậm chí khi chuyển sang thể sử dịch các dạng chia của chúng vẫn giống nhau). Sự khác nhau, về mặt lý thuyết, đó là động từ loại III thì thường có phần trước là chữ Hán được đọc bằng âm on’yomi, còn loại I hoặc loại II thì chữ Hán trước nó khả năng cao sẽ đọc theo âm kun’yomi. Theo lý thuyết đó, rất có thể 愛して có dạng gốc là động từ loại 3 – có nghĩa là 愛する.
Nhưng bạn hẳn sẽ bất ngờ khi biết, có một ca khúc của nhóm Kiroro mang tên 「愛さない」. Tức là thể phủ định của 愛す thay vì 愛する (–>愛しない).
Câu tôi đã hỏi bạn, cho phép tôi dược trả lời luôn: thực tế là người Nhật (ngày nay chứ ko phải cổ nhé) dùng cả 2 dạng của động từ này, cả 愛す và 愛する với độ phổ biến khác nhau. Tức là có người dùng 愛す, có người dùng 愛する và không ai có thể nói cách dùng còn lại là sai cả.

Nhưng cái tôi muốn nói ở đây không phải là về từ 愛する, mà hãy quay lại “lý thuyết” ở trên. “Động từ loại III thì thường có phần trước là chữ Hán được đọc bằng âm on’yomi, còn loại I hoặc loại II thì chữ Hán trước nó khả năng cao sẽ đọc theo âm kun’yomi”. Vậy cho tôi đố bạn câu này: theo bạn trong những động từ sau, chữ Hán được đọc theo âm on’yomi hay kun’yomi?
信じる・感じる・応じる・通じる・生じる・禁じる・存じる
演じる・転じる・報じる・動じる・封じる・投じる・論じる・準じる
Các động từ loại II nói chung đều có chữ Hán được đọc theo âm kun’yomi, ví dụ như 食べる, 調べる, 寝る, 生きる,… Nhưng với một bộ phận nhỏ các động từ kể trên, rõ ràng đây đều là các động từ loại II, nhưng âm đọc của các chữ Hán lại là âm on’yomi. Bạn đã bao giờ để ý sự bất thường này?

Đây chính là nơi mà dấu vết của tiếng Nhật cổ còn sót lại trong tiếng Nhật hiện đại. Trong khi ngày nay chúng ta được học “Động từ loại III là động từ kết thúc bằng する” thì thực ra, trong tiếng Nhật xưa đã từng có 2 loại “động từ loại III” – đó là động từ dạng -する và dạng -ずる. Và tương tự như các động từ 愛する, 達する, 対する được tạo thành bởi 1 chữ Hán + する, cũng tồn tại các động từ như kể ở trên: 信ずる, 感ずる, 応ずる, 生ずる…
Tuy nhiên ngày nay, vì một lý do nào đó (có thể là để cho đơn giản), người ta đã xóa sổ “động từ loại III đuôi ずる” và biến hết các động từ đó thành loại II. Đó là lý do tại sao các động từ loại II này lại được đọc theo âm on’yomi: bởi vì chúng đã từng là loại III. Đến nay tuy các động từ có ghép đuôi ずる không còn được dùng nữa, nhưng thông qua những động từ loại II kể trên, ta vẫn thấy được vết tích của sự tồn tại của chúng trong thời kỳ trước của tiếng Nhật.

4. Chữ Nhật cổ
Đây là điểm cuối cùng tôi muốn giới thiệu với các bạn về dấu ấn của tiếng Nhật xưa trong tiếng Nhật hiện đại, lý do là bởi vì câu chuyện về chữ viết Nhật cổ quá dài, nếu nói đầy đủ về nó có lẽ tôi sẽ mất thêm vài kỳ bài viết nữa mới xong. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này tôi vẫn muốn giới thiệu sơ qua về nó, vì thế cho phép tôi được nói vắn tắt qua một chút.
Khi mới bắt đầu học tiếng Nhật bạn đã từng đau đầu với bảng chữ Hiragana với xấp xỉ 50 ký tự giun dế loằng ngoằng, cộng thêm tổ hợp gồm các chữ đó ghép với nháy nháy, với tròn tròn, và ghép với các phiên bản to nhỏ của chúng với nhau? Nhưng bạn có thể vẫn nên cảm thấy hạnh phúc vì đã không học tiếng Nhật trước thế kỷ 20, khi mà bảng chữ cái Hiragana có đến 300 chữ CHƯA KỂ các chữ có nháy nháy hay tròn tròn, có nhiều chữ hiragana cùng biểu thị một âm, ngược lại một chữ hiragana có thể biểu thị một cụm từ vài âm liền nhau… (***).
Chúng ta vẫn biết, Hiragana được phát minh ra bằng cách “nhái” lại các chữ Hán, ví dụ như い bắt nguồn từ chữ 以, か bắt nguồn từ 加, hay れ bắt nguồn từ chữ 礼, な<--奈, た<--太, も<--毛, に<--仁, ほ<--保... Nhưng thực ra khi Hiragana được phát minh (hay nói chính xác hơn là "trong suốt quá trình" Hiragana được phát minh), người Nhật không chỉ giới hạn sức sáng tạo của mình ở mức đủ dùng tạo ra 5 chục chữ là đủ, mà họ còn sáng tạo hơn, ví dụ như để biểu thị âm "i" họ không chỉ "nhái" chữ 以 mà còn mô phỏng theo cả các chữ 伊, 意... để tạo ra các "phiên bản" Hiragana khác cùng biểu thị âm "i", hay "nhái" chữ 可, 家... để tạo ra các chữ Hiragana khác cũng đọc là か... Và đương nhiên sản phẩm của sự sáng tạo không phải là để dem bỏ xó một cách phí phạm: trong một thời gian dài người Nhật đã dùng các "tác phẩm" này để viết tiếng Nhật một cách khá... "tán loạn": việc chữ hiragana nào được chọn dùng chỉ phụ thuộc vào sở thích hay tâm trạng của người viết mà không có quy luật cứng nhắc nào bó buộc cả. Đến những năm đầu thế kỷ 20, nhà nước Nhật đã có những pháp lệnh quy định văn bản chỉ được viết bằng một số chữ Hiragana nhất định trong số đó, dần dần tạo ra bảng chữ cái Hiragana "ngắn gọn" mà chúng ta dùng bây giờ. Các chữ Hiragana còn lại, được chính thức "bãi bỏ" và từ đó về sau được gọi là 異体仮名 hay 変体仮名 (ehèm). Các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn qua wikipedia.

Tuy nhiên nếu các chữ đó đã chính thức bị rơi vào quên lãng, thì đã chẳng có mục này trong bài viết này về những dấu ấn còn sót lại của tiếng Nhật cổ. Bạn có thể đoán ra được – một số chữ Kanji đã bị ban bố bãi bỏ vẫn còn được dùng ở một số nơi bây giờ, trong đó nơi xuất hiện phổ biến nhất của chúng ngày nay là các biển bảng hiệu đã có từ xưa (hay biển hiệu mới nhưng chủ nhân có lẽ vẫn muốn lưu giữ “thương hiệu” của mình nên không đổi kiểu chữ). Xin được giới thiệu một vài ví dụ như vậy dưới đây:

Dòng chữ trên: 都のだんご, với "no" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 乃, "go" gồm chữ "ko" bắt nguồn từ chữ 古, sau đó thêm nháy nháy

Dòng chữ trên: 都のだんご, với "no" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 乃, "go" gồm chữ "ko" bắt nguồn từ chữ 古, sau đó thêm nháy nháy


(Ảnh: Kro, chụp tại Kyoto)

あかいし, với "shi" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 志

あかいし, với "shi" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 志


(Ảnh: 玩具籠-toycage- chụp tại Hiroshima)

石ばし, với "ba" gồm chữ "ha" bắt nguồn từ chữ 者, sau đó thêm nháy nháy

石ばし, với "ba" gồm chữ "ha" bắt nguồn từ chữ 者, sau đó thêm nháy nháy


Ảnh: 玩具籠-toycage- chụp tại Hiroshima)

さか井, với "sa" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 左, "ka" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 可

さか井, với "sa" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 左, "ka" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 可


(Ảnh: 玩具籠-toycage- chụp tại Hiroshima)

よしだ, với "shi" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 志, "da" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 多 (ta) và thêm nháy nháy

よしだ, với "shi" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 志, "da" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 多 (ta) và thêm nháy nháy


(Ảnh: 玩具籠-toycage- chụp tại Yamaguchi)

うどん, với "do" gồm chữ "to" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 登 và sau đó thêm nháy nháy

うどん, với "do" gồm chữ "to" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 登 và sau đó thêm nháy nháy


(Ảnh: 玩具籠-toycage- chụp tại Yamaguchi)

なかを, với "na" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 奈, "ka" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 可, "wo" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 越. Cần lưu ý thời trước お và を được coi là các phiên bản của cùng một âm Hiragana và được dùng giống hệt nhau, mãi sau này mới có quy định về việc chữ を chỉ dùng khi nó là trợ từ.

なかを, với "na" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 奈, "ka" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 可, "wo" là chữ Hiragana bắt nguồn từ chữ 越. Cần lưu ý thời trước お và を được coi là các phiên bản của cùng một âm Hiragana và được dùng giống hệt nhau, mãi sau này mới có quy định về việc chữ を chỉ dùng khi nó là trợ từ.


(Ảnh: 玩具籠-toycage- chụp tại Yamaguchi)

(***) Tham khảo thêm bài viết phần trước

Mr. Kro
Ảnh: Mr. Kro, 玩具籠-toycage- Ver.dialog

One thought on “Tiếng Nhật và những điều bạn không học ở trường (Phần 2 – kỳ 2)

Trả lời