Tiêu tiền hay là… chết?

Đăng ngày 10/04/2015 bởi iSenpai

Người dân Nhật Bản nổi tiếng say mê làm việc. Chính phủ nước này mới đây thông báo sẽ sớm có biện pháp kéo người lao động ra khỏi “mê cung” công việc. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phải lên tiếng kêu gọi những ai “nghiện” công việc hãy làm ít hơn, thay vào đó hãy nghĩ cách tiêu tiền, góp phần vực dậy nền kinh tế đã chìm sâu trong giảm phát quá lâu.

1

Theo khảo sát của tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) năm 2013, trung bình mỗi người Nhật làm việc khoảng 1.735 giờ, trong khi con số này ở Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn của châu Âu là 1.489 và 1.388 giờ. Tuy vậy, con số trên ở Nhật Bản chưa phải chính xác vì văn hóa làm việc đặc trưng của người lao động thường là tự giác ngồi lại bàn làm việc càng trễ càng chứng tỏ mình có trách nhiệm với công việc hoặc buộc phải ngồi “dính” ghế một khi sếp còn trong văn phòng.

Người Nhật Bản vốn nổi tiếng trên thế giới vì sự chăm chỉ, cần cù và dường như ưu điểm này đã triệt tiêu dần nhiều nhu cầu, ham muốn, trong đó có cả chuyện xài tiền. Hơn nữa, chính tình yêu gần như tuyệt đối dành cho công việc đã dẫn đến lo ngại đối với sức khỏe của lực lượng lao động nước này.

Nhật Bản có hẳn khái niệm “karoshi” chỉ cái chết vì làm việc quá sức. Chính phủ nước này đã có hẳn luật, yêu cầu tìm kiếm biện pháp diệt trừ “karoshi” khỏi cuộc sống người dân. Theo thống kê, mỗi năm có 30.000 người tự tử ở Nhật Bản, trong đó 8.000 người từ bỏ cuộc sống vì “làm việc quá sức” – thực tế có thể nhiều hơn. Đó là chưa tính đến con số 10.000 người chết vì đột tử do kiệt sức mỗi năm.

Theo Bộ Y tế – lao động – phúc lợi Nhật Bản, hàng năm có hàng trăm đơn kiện từ người lao động hoặc người thân của họ đòi bồi thường cho những tổn thương sức khỏe, tinh thần, thậm chí là tính mạng do làm việc quá sức. Năm 2009, số đơn kiện là 900 thì đến nay, số đơn kiện trung bình mỗi năm là 2.000 đơn.

Gây chú ý nhất thời gian gần đây là phán quyết mà tòa án Nhật Bản đưa ra hồi tháng 11/2014, buộc chuỗi nhà hàng Sun Challenge và hai quản lý cấp cao phải bồi thường 580.000 USD cho gia đình một nhân viên đã tự tử vì làm việc quá tải và bị nhục mạ, đánh đập. Không ai tưởng tượng được anh phải làm tăng ca đến 190 giờ/tháng. Đây là một trong những trường hợp mà phía người lao động được pháp luật bảo vệ.

Số trường hợp tương tự ngày càng tăng mà “khai pháo” là vụ Tòa án Tối cao Nhật Bản vào tháng 3/1999 phán quyết hãng quảng cáo lớn nhất Nhật Bản Dentsu chịu trách nhiệm đối với vụ tự tử của một nhân viên trẻ do quá căng thẳng trong công việc.

Năm ngoái, mức lương trung bình ở Nhật Bản được tăng 1%. Năm nay, các tổ chức công đoàn đã đàm phán với doanh nghiệp để mức lương có thể tăng khoảng 2%, tức là người dân sẽ có nhiều tiền hơn để bù đắp lại việc tăng thuế tiêu thụ từ 5 lên 8% từ tháng 4/2014. Với nhiều khoản tiền “khủng” được bơm vào thị trường để khuyến khích người dân mua sắm trong nỗ lực chống lại nạn giảm phát, chính quyền Nhật Bản dường như vẫn chưa thay đổi được thói quen tiêu dùng của người dân.

Lối sống thiên về lao động hơn hưởng thụ của phần lớn người Nhật đã tạo ra “hệ lụy” không chỉ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của một đất nước có nền kinh tế thuộc nhóm hàng đầu thế giới mà còn báo động đến sự cân bằng xã hội.

Nền kinh tế lớn cùng tinh thần thép trong công việc của người Nhật là mục tiêu của nhiều quốc gia đang phát triển. Thế nhưng, bi kịch của người Nhật hiện nay là “không có thời gian và hứng thú xài tiền”. Chính sách của nhà nước song hành với doanh nghiệp điều chỉnh chế độ làm việc thật sự cần thiết, nhưng trên hết, đó phải là sự thay đổi từ nhận thức, thay đổi lối sống của người lao động.

THIÊN NHƯ/theo BBC/phunuonline

Trả lời