Womenomics sẽ giúp vực dậy kinh tế Nhật Bản?

Đăng ngày 27/12/2014 bởi iSenpai

Từ một người theo đường lối bảo thủ đối với vấn đề vai trò phụ nữ trong xã hội, trong những năm gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có những bước chuyển lớn về quan điểm. Trong lần thứ 2 giữ vị trí người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản, ông đã thực thi hàng loạt chính sách nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế (Womenomics) và coi đó là trụ cột trong chiến lược tăng trưởng. Mặc dù vậy, vẫn còn một số người tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công trong việc thực thi các chính sách này.

1

Bước ngoặt

Theo tờ Japan Times, năm 2005, khi vẫn còn là quyền Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Abe là một trong những người đi đầu trong chiến dịch phản đối phong trào bình đẳng giới của các học giả và nghị sĩ bảo thủ.

Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền lần thứ 2 hồi tháng 12.2012, Thủ tướng Abe đã thay đổi quan điểm theo hướng coi trọng vai trò của phụ nữ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh “Phụ nữ làm kinh doanh” ở Tokyo hôm 27.5, Thủ tướng Abe khẳng định, Học thuyết kinh tế của Abe (Abenomics) sẽ không thể thành công nếu không có Womenomics.

Ông nói: Cho đến nay, các tập đoàn vẫn phát triển bởi các ý tưởng của nam giới. Tuy nhiên, 50% người tiêu dùng là phụ nữ. Việc giới thiệu các ý tưởng của phụ nữ sẽ dẫn tới những phát minh mới… Điều đó sẽ mang lại các giá trị mới cho các tập đoàn và cuối cùng là cho toàn xã hội.

Trong bài viết trên tờ The Wall Street Journal hôm 25.9, Thủ tướng Abe lý giải nguồn gốc của ý tưởng biến Womenomics thành một cấu phần quan trọng trong học thuyết Abenomics. Theo ông Abe, năm 1999, bà Kathy Matsui và các đồng nghiệp tại Goldman Sachs là những người đầu tiên đưa ra ý tưởng rằng: Nhật Bản có thể tăng GDP thêm 15% đơn thuần bằng cách đẩy mạnh khai thác nguồn lực ít được tận dụng nhất của mình đó là phụ nữ.

Do đó, theo ông Abe, việc giải phóng tiềm năng của womenomics là điều nhất thiết phải làm nếu Nhật Bản muốn duy trì tăng trưởng kinh tế.

Cùng với việc nhấn mạnh vai trò của phụ nữ, Thủ tướng Abe đã nhiều lần cam kết trao thêm quyền lực cho phụ nữ. Vào tháng 1.2014, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, nhà lãnh đạo này tuyên bố Nhật Bản chắc chắn sẽ trở thành nơi để phụ nữ tỏa sáng.Tiếp đó, ông đã nhắc lại tuyên bố trên trong phiên họp của Đại hội đồng LHQ ở New York hồi tháng 9.2014, nơi ông cho biết Nhật Bản đã chi hơn một nửa trong tổng số tiền 300 tỷ yen mà Chính phủ phân bổ năm ngoái để thúc đẩy vị thế của phụ nữ.

Những bước đi đầu tiên

Kết quả điều tra hồi năm 2010 của Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội Quốc gia của Nhật Bản cho thấy, có khoảng 60% phụ nữ đất nước mặt trời mọc phải bỏ việc sau khi sinh đẻ vì gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Nguyên nhân chủ yếu là do trong văn hóa doanh nghiệp ở Nhật Bản, vẫn còn tồn tại tâm lý đàn ông đi làm, phụ nữ ở nhà và tình trạng giờ làm việc kéo dài, không linh hoạt.

Xuất phát từ thực trạng đó, thủ tướng Abe đã bổ sung thêm các chính sách tăng cường vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế trong bản chiến lược tăng trưởng cập nhật hồi tháng 6.2014. Chiến lược này là mũi tên thứ ba trong học thuyết kinh tế Abenomics của ông nhằm vực dậy nền kinh tế Nhật Bản và đưa nước này thoát khỏi tình trạng thiểu phát. Hai mũi tên còn lại trong học thuyết Abenomics là đẩy mạnh chi tiêu công và thực thi chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Theo chiến lược trên, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới trong độ tuổi từ 25 – 44 từ mức 32% năm 2012 xuống còn 27% và tăng tỷ lệ nữ giới trong các vị trí lãnh đạo ở các tập đoàn lên 30% vào năm 2020. Bên cạnh đó, chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn công bố thông tin về giới như tỷ lệ nữ giới trong ban lãnh đạo và các vị trí quản lý.

Mặt khác, thủ tướng Abe cũng kêu gọi tất cả các công ty niêm yết phải bổ nhiệm ít nhất một phụ nữ trong ban giám đốc nhằm đảm bảo phụ nữ chiếm 30% ở tất cả vị trí lãnh đạo trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh trước năm 2020. Ông cũng đề xuất khả năng tăng số lượng người giúp việc nước ngoài nhằm giúp giải phóng những phụ nữ muốn làm việc, đồng thời cân nhắc các biện pháp trao các hợp đồng mua sắm của chính phủ cho các công ty có chính sách giới tốt.

Một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ phụ nữ có việc làm ở Nhật Bản thấp là do hệ thống các trường mẫu giáo, nhà trẻ ở Nhật Bản vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, nước này vẫn còn thiếu các điểm trông học sinh lớp một sau giờ học ở trường. Kết quả là theo thống kê của Bộ Nội vụ Nhật Bản, có khoảng 3,15 triệu phụ nữ vẫn không thể đi làm cho dù họ có khát khao làm việc.

Để khắc phục tình trạng đó, Chính phủ Nhật Bản cam kết mở rộng hệ thống nhà trẻ và trường mẫu giáo để đảm bảo tiếp nhận thêm 200.000 trẻ trong thời gian từ nay tới tháng 3.2015 và thêm 200.000 trẻ nữa vào trước tháng 3.2018. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết định trợ cấp cho các doanh nghiệp xây dựng các nhà trẻ cho người lao động. Ngoài ra, Tokyo cũng có kế hoạch soạn thảo các chương trình sau giờ học cho khoảng 300.000 trẻ em trong thời gian từ nay tới tháng 3.2020.

Không chỉ dừng lại ở việc đặt ra các con số mục tiêu, chính phủ Nhật Bản đã có hàng loạt bước đi nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế – xã hội như tăng số lượng các nữ công chức và công bố các kế hoạch bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan của chính phủ. Trong lần thứ 2 giữ chức vụ thủ tướng, ông Abe còn bổ nhiệm 5 phụ nữ vào các chức vụ bộ trưởng trong nội các.

Bình luận về những bước đi gần đây của chính phủ Nhật Bản, giáo sư Machiko Osawa của Đại học Phụ nữ Nhật Bản đã đánh giá đây là một sự thay đổi toàn diện.

Trong khi đó, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), tổ chức vận động hành lang lớn nhất ở nước này, đã phản hồi một cách tích cực trước chính sách mới của chính quyền Abe. Keidanren đã kêu gọi các công ty thành viên soạn thảo các kế hoạch hành động nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng mà Chính phủ đã đề ra như tăng tỷ lệ nữ giới trong các vị trí lãnh đạo.

Vẫn còn hoài nghi

Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động kinh tế nhưng vẫn còn một số người tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công của ông Abe. Những hoài nghi này xuất phát từ việc có 2 trong số 5 nữ bộ trưởng mà Thủ tướng Abe bổ nhiệm gần đây đã phải từ chức do liên quan tới các vụ bê bối trước khi ông này phải giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn hôm 14/12/2014.

Trong cuộc bầu cử đó, đảng LDP cầm quyền của Thủ tướng Abe cũng chỉ giới thiệu 42 phụ nữ ra tranh cử, chiếm 12% trong tổng số ứng cử viên của LDP, trong đó chỉ có 25 người trúng cử. Tại Hạ viện, hiện chỉ có 45 trong tổng số 475 ghế do phụ nữ nắm giữ, tăng nhẹ so với con số 38 ghế trong cuộc bầu cử năm 2012 nhưng lại giảm so với con số kỷ lục 54 ghế hồi năm 2009 và thấp hơn rất nhiều so với phần lớn các cơ quan lập pháp ở các nước phát triển khác.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng mục tiêu phụ nữ chiếm 30% ở tất cả vị trí lãnh đạo trong các tập đoàn ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh trước năm 2020 là không khả thi. Theo bà Yukari Horie, Giám đốc Điều hành Arrow Arrow, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Tokyo, gói biện pháp của Thủ tướng Abe vẫn chưa giúp cải thiện đáng kể quan điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đang sử dụng một lượng lớn lao động.

Ngoài ra, một vấn đề khác mà chính quyền Abe phải giải quyết trong thời gian tới là tiền lương của nữ giới. Hiện tại, tiền lương bình quân của phụ nữ ở Nhật Bản chỉ bằng 70% của nam giới làm cùng một công việc, thấp hơn rất nhiều so với con số 85% của Anh và một số nước phát triển khác.

Theo daibieunhandan.vn

Trả lời