Yakuza và những lần đất bằng dậy sóng

Đăng ngày 04/11/2014 bởi iSenpai

Hai thanh niên đi xe máy nhanh chóng tiếp cận chiếc Toyota Century đậu ven đường. “Đoàng! Đoàng! Đoàng!”. Ba tiếng súng liên tiếp vang lên. Người dân trên phố hoảng sợ và bỏ chay.

10 giờ sáng là thời gian bận rộn trong ngày của người Nhật. Trên một khu phố chính tại thủ đô Tokyo, hàng trăm người nhanh chân rảo bước và mang theo những suy tư về cuộc sống và công việc. Từ đâu đó, tiếng động cơ xe máy gào rú vang khắp con đường. Hai thanh niên cưỡi chiếc xe phân khối lớn xuất hiện. Không ai nhìn thấy rõ mặt họ bởi những chiếc mũ bảo hiểm đã che hết mặt. Tuy nhiên, thông qua trang phục và hành động, nhiều người trên phố thầm nghĩ rằng, hai gã thanh niên không phải là những người tốt.

Chiếc xe máy nhanh chóng tiếp cận một chiếc Toyota Century đang đậu ven đường. “Đoàng! Đoàng! Đoàng!”. 3 tiếng súng liên tiếp vang lên. Những người dân trên phố hoảng sợ và nhanh chóng tìm nơi ẩn nấp. Tiếng gầm rú của động cơ một lần nữa lại vang lên. Hai thanh niên nhanh chóng biến mất.

Các hoạt động bạo lực của Yakuza

Vào thời kỳ hoàng kim, số lượng Yakuza tại Nhật Bản phát triển lên tới 184.100 người. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, cùng với sự đổi thay của xã hội, thế lực này đang dần thay đổi cách thức tồn tại, từ công khai chuyển sang hoạt động ngầm. Số lượng Yakuza ngày càng giảm. Theo số liệu của Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA), số lượng thành viên Yakuza rút xuống chỉ còn 70.300 người vào cuối năm 2011.

Các hoạt động bạo lực cũng giảm. Cuối những năm 1980, Yakuza chịu trách nhiệm về 30% các vụ giết người tại Nhật Bản. Tới nay, theo thống kê, 15% trong tổng số các vụ giết người tại đất nước mặt trời mọc là do những kẻ sống ngoài vòng pháp luật này thực hiện. Nạn nhân chủ yếu của các băng đảng là dân thường.

Số lượng thành viên cũng như số lượng các vụ giết người do Yakuza thực hiện ngày càng giảm, nhưng không có nghĩa là thế lực ngầm này đang dần trở nên “thuần” hơn. Yakuza là thủ phạm gây ra những vụ bắn giết bằng súng, loại tội phạm hiếm gặp ở Nhật. NPA cho biết, 45 vụ đấu súng xảy ra tại Nhật vào năm 2011, nhiều hơn 10 vụ so với năm trước.

Shoko Tendo, con gái của một cựu thủ lĩnh của băng đảng xã hội đen, nhận định: “Ngày càng ít người trở thành Yakuza nhưng những ai tham gia vào thế giới này cũng sẽ trở nên rất tinh quái, rất đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm”.

Các cuộc thanh trừng và trả đũa đẫm máu

2

Yakuza là băng đảng khét tiếng ở Nhật. Ảnh minh họa: Anton Kusters

Miếng mồi thơm ngon của các Yakuza là những công việc liên quan đến tống tiền, cờ bạc, buôn bán ma túy, lừa đảo, mại dâm,… Giám đốc điều hành của một công ty xây dựng tại Nhật Bản cho biết: “Yakuza thò tay vào tất cả các lĩnh lực của ngành công nghiệp. Làm việc với chúng là một phần của công việc. Ở đây, chúng là những nhà làm luật. Chúng luôn yêu cầu chúng tôi chi tiền để mọi thứ được thuận lợi. Tuy nhiên, nội bộ Yakuza nhiều lúc cũng choảng nhau chí tử”.

Vào những năm 1980, giới Yakuza chao đảo bởi cuộc chiến tranh giành quyền lực kéo dài nhiều năm giữa hai băng đảng Yamaguchi-gumi và Ichiwa-kai. Sự kiện bắt đầu sau cái chết của Kazuo Taoka, ông trùm đời thứ 3, và Kenichi Yamamoto, người thừa kế chính thức. Góa phụ Taoka cùng các trưởng lão đã giao quyền điều hành băng đảng cho Masahisa Takenaka. Bất mãn với quyết định này, Hiroshi Yamamoto đã cùng với 18 phụ tá và khoảng 3.000 thành viên khác tách ra khỏi Yamaguchi-gumi và thành lập Ichiwa-kai.

Ngày 26/1/1985, Yamamoto điều một nhóm người tới nhà bạn gái của Takenaka. Trong khi chờ thang máy, Takenaka và một số thuộc hạ bị bắn chết, mở màn cho cuộc chiến Yama – Ichi kéo dài trong nhiều năm.

220 trận đấu súng đã xảy ra. 36 tay xã hội đen thiệt mạng và nhiều kẻ khác bị thương. Thời gian đó, báo chí thường xuyên quan tâm và đăng tải thông tin về thương vong của cả hai bên.

Cuối cùng, băng Yamaguchi-gumi chiến thắng nhưng cũng đã phải trả một cái giá quá đắt. Với sự giúp đỡ của Inagawa-kai, một băng đảng trung lập tại Tokyo, Yamaguchi-gumi và Ichiwa-kai đã thỏa thuận một hiệp ước hòa bình. Theo đó, những kẻ từng theo Yamamoto được phép tái gia nhập băng đảng cũ.

Sau trận chiến Yama – Ichi, các cuộc thanh trừng khác trong thế giới Yakuza vẫn liên tiếp xảy ra nhưng với quy mô nhỏ hơn, ít thương vong hơn nhưng không kém phần táo tợn và nguy hiểm.

Tháng 2/2007, một cuộc thanh trừng táo tợn đã xảy ra ngay giữa đường phố Tokyo. Một thành viên cấp cao thuộc băng đảng Sumiyoshi-kai và thuộc hạ bị ám sát ngay trong xe khi đang dạo phố. Nhiều người cho rằng, vụ ám sát liên quan tới băng đảng Yamaguchi-gumi sau khi Sumiyoshi-kai là những hành động trả đũa. Các vụ bạo lực liên tiếp xảy ra. Hai bên đều gánh chịu nhiều tổn thất. Sau một thời gian cố gắng giải quyết, phía Yamaguichi-gumi đã xin lỗi và đề nghị một thỏa thuận ngừng bắn.

Gần đây nhất, vào năm ngoái, 5 băng đảng Yakuza đã lên kế hoạch tiến hành một cuộc chiến tại tỉnh Fukuoka, một khu vực tập hợp nhiều nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất Nhật Bản. Những gã côn đồ thỉnh thoảng lại quăng lựu đạn vào các trụ sở của “kẻ thù”. Những đợt tấn công đó, nhiều lần vô tình gây hại đến những người dân vô tội.

Những cuộc tấn công vào dân thường

3

Dấu tích của một vụ tấn công của Yakuza. Ảnh: Shoma Fujiwaki

Nhiều người Nhật cho rằng, hào quang trong quá khứ của Yakuza đang dần biến mất. Họ không còn là những người hào hiệp xưa kia mà chỉ là một thế lực chống lại xã hội. Nhiều đạo luật mới ra đời nhằm quản lý và hạn chế sức mạnh của những kẻ xã hội đen này.

Tuy nhiên, Tendo cho hay: “Yakuza bị dồn vào chân tường và trở nên mất nhân tính. Tất cả những việc họ từng làm để kiếm sống bỗng trở thành bất hợp pháp. Họ sẵn sàng tấn công bất cứ ai dám phản đối.”

Năm 1992, đạo diễn Juzo Itami bị những kẻ ngoài vòng pháp luật tấn công vì “dám” thực hiện bộ phim “Mimbo no Onna”, trong đó miêu tả sự tàn bạo của Yakuza khi tống tiền doanh nghiệp.

Năm 2010, sau khi bị người dân địa phương tẩy chay, băng đảng Kudokai đã trả đũa bằng cách mua một biệt thự gần một trường mẫu giáo để làm văn phòng. Sau khi cư dân kéo đến phản đối trước cổng biệt thự, nhà của một vị quan chức bị bắn phá trong một cuộc tấn công vào ban đêm.

Các doanh nghiệp cũng là những nạn nhân phổ biến nhất của Yakuza. Tháng 3/2011, một quả lựu đạn phát nổ trong nhà để xe của chủ tịch công ty Kyushu Electric Power. Tháng 12/2011, giám đốc một công ty xây dựng tại thành phố Kitakyushu bị hai tay súng bắn chết ngay sau khi bước khỏi chiếc xe. Một số người trong công ty từ chối trả lời báo chí vì sợ Yakuza trả đũa.

Sau hàng loạt những hành động ngang ngược của Yakuza, người dân Nhật Bản cho rằng, giới chức cần phải thắt chặt hơn nữa các biện pháp đẩy lùi các băng đảng xã hội đen. Nhiều hoạt động nhằm tẩy chay thế lực này đã diễn ra cùng với sự ủng hộ của nhà nước và đã đạt được các thành tích nhất định. Tuy nhiên, các luật sư và các nhà hoạt động chống tội phạm cho rằng Nhật Bản vẫn còn lưỡng lự trong việc đưa ra những biện pháp nhằm loại trừ hoàn toàn băng đảng của những kẻ sống ngoài vòng pháp luật.

Nguồn Zing

Trả lời