3 man tiền ăn hàng tháng là “lãng phí”? – Chuyện có thật của một người vợ Nhật

Đăng ngày 15/03/2021 bởi iSenpai
Maron là một bà mẹ đã có hai cô con gái sử dụng twitter để tâm sự về những bế tắc của chính mình trong cuộc sống với chồng và mẹ chồng. Những bài viết của cô trên Twitter luôn nhận được lượng phản hồi rất lớn, nhiều người tỏ ra đồng cảm và gửi những lời động viên, khích lệ tới cô. Hiện tại, tài khoản của Maron đã có khoảng 178.000 lượt theo dõi (tính đến tháng 3 năm 2021). Trong bài chia sẻ lần này, Maron viết về cách cô xoay sở tiền để thoát khỏi cuộc sống địa ngục với chồng và mẹ chồng. Mặc dù họ luôn một mực phản đối việc cô đi làm nhưng lại buông lời quở trách việc cô tiêu xài “lãng phí” chỉ với 3 man tiền ăn hàng tháng cho cả gia đình. Sau đây là lời kể của Maron trên Twitter được đăng tải trên Gendai Media đang được chia sẻ lại rất nhiều trên Twitter Nhật Bản.
Chồng chê 3 man tiền ăn hàng tháng là “lãng phí”
Tôi và chồng đã kết hôn được 16 năm và có hai con gái. Tôi đã từng kì vọng vào một tình yêu và gia đình bình dị cho đến khi tôi nhận thức được thực tại phũ phàng. Từ con mắt của những người hàng xóm, gia đình tôi là một gia đình ba thế hệ yên ấm, hòa thuận. Tuy nhiên, bên trong, thực chất là bạo lực và ngược đãi. Trước giai đoạn tự giãn cách xã hội, một tuần bảy ngày, chồng tôi sẽ đi uống rượu 4-5 ngày và chỉ về nhà khi trời đã sáng.
Khi đi làm, anh ấy lái một chiếc xe màu xanh lá cây để ra dáng ông nọ bà kia. Chẳng có gì kì lạ khi chi phí cho ngần ấy thứ đã là hơn 10 man một tháng. Phần lo chi phí sinh hoạt còn lại sẽ giao cho tôi, một phụ nữ không có việc làm vì tôi đã nghỉ việc sau khi sinh con gái thứ hai. Mọi thứ cứ dần dần trở nên trì trệ, và ngay cả tiền tã cho con cũng không phải chuyện nhỏ nữa rồi. Tiền ăn cho 4 thành viên trong gia đình bao gồm cơm, đồ uống và cả cà phê cho chồng là 3 man một tháng. Với số tiền ấy, để có thể cho con gái được ăn thịt, hay thỉnh thoảng mua lấy một cây kem cho con bé, tôi đã gắng gượng ăn cơm với natto mỗi ngày.
Một ngày nọ, chồng tôi hỏi về tiền ăn hàng tháng, tôi đã thành thật trả lời là 3 man. Sau đó, bạn biết không, anh ta chỉ trích tôi rằng “Cái gì? Làm gì mà tốn nhiều như vậy? Cô tiêu những 1 sên một ngày? Thật quá lãng phí!” Tôi cũng nài nỉ anh ấy nhiều lần rằng tôi muốn anh ấy đưa tiền sinh hoạt cho mình vào ngày đầu tiên hàng tháng, nhưng một tuần, hai tuần, càng ngày thời hạn đưa tiền càng xa dần. Cũng không phải một lần, hai lần tôi bị hỏi “Em còn tiền không? Hôm qua, anh đã được cấp dưới mời rồi?”.
Sau khi sinh con được vài tháng, tôi quyết định thưa chuyện với mẹ chồng về những khó khăn này. Hóa ra mẹ chồng cũng chỉ là đồng minh với chồng mà thôi. Bà ấy trả lời : “Chồng con, nó đã rất vất vả để kiếm sống. Con phải cố gắng hơn nữa. Cuộc sống của người làm công ăn lương phức tạp lắm.” Thế mà tôi đã nghĩ, chỉ riêng lần này bà ấy sẽ đứng về phía tôi.
Tôi cũng tự hỏi dù là anh em, bạn hữu, nhưng không lẽ nó quan trọng đến mức không thể bớt ra chút nào để lo chi phí sinh hoạt cho vợ con. Tôi không còn ai có thể bám víu nữa. Vì vậy tôi bắt đầu làm thêm tại nhà mà không có tí kinh nghiệm nào về sử dụng máy tính cá nhân. Trong năm đầu tiên, mức lương theo giờ còn chưa đến 200 yên, nhưng bây giờ số tiền tôi kiếm được ngang với việc nhận một công việc partime.
Khi có được sự độc lập về tài chính, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc sống riêng. Mỗi đêm, tôi đều nhẩm tính, tôi sẽ có thể sống riêng khi mình kiếm được bao nhiêu tiền. Mùa xuân năm nay, con gái đầu của tôi sẽ bắt đầu vào cấp 3. Tôi bắt đầu tìm kiếm một căn hộ để có thể sống cùng hai con gái. Mẹ chồng tôi vốn có tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhiều lần bà phản đối việc cho bé lớn nhà tôi tiếp tục đi học. Bà nói : “Con gái thì không cần có trình độ học vấn và chúng nên đi làm sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở”. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi vẫn cho con bé tiền học thêm, tiền thi thử, lệ phí thi, … Sau này, tiền học của con có lẽ cũng chỉ do một mình tôi chi trả.
Để có thể sống riêng, tôi cần số tiền tối thiểu là 80 man. Khi sống chung với chồng, đồng nghĩa với việc, tôi không phải trả tiền thuê nhà. Chồng tôi chẳng hề đoái hoài gì đến chuyện chăm sóc con cái, cũng chẳng lo nổi sinh hoạt phí cho vợ con. Vậy thì, chẳng ích gì khi ở bên một người chồng như vậy cả. Tôi có tìm hiểu và biết được rằng một số địa phương có hỗ trợ cho thuê nhà ở công cộng giá rẻ cho những trường hợp li thân, nhưng hầu hết đều phải đưa ra được một số loại giấy tờ của tòa án như giấy chứng minh đang trong quá trình hòa giải… Một số địa phương còn yêu cầu phải hoàn tất thủ tục ly hôn trước khi chuyển đến. Như trường hợp của tôi, có lẽ, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm một căn hộ riêng. Những ai đã từng thuê nhà trọ có lẽ đều đều biết, việc thuê phòng trọ phải chi rất nhiều những khoản linh tinh. Các chi phí dự tính bao gồm tiền đặt cọc, tiền chìa khóa, phí môi giới đại lý bất động sản, tiền thuê nhà trả trước, phí dọn dẹp khi chuyển đi, bảo hiểm hỏa hoạn, phí bảo lãnh, v.v.
Nhìn từ khía cạnh con gái lớn đang đi học, nơi ở lý tưởng là cách ga dưới 15 phút đi bộ. Nếu muốn thuê một căn hộ với 2LDK ( ngoài phòng khách, nhà bếp, nhà ăn còn có 2 phòng nữa), sẽ phải tốn hơn 10 man. Như vậy, ít nhất tôi phải chuẩn bị sẵn 60 man. Dù có giảm được chút chi phí nhờ vào bảo hiểm học sinh sinh viên, nhưng cộng thêm tiền học của con gái nữa, tôi sẽ khó lòng chi trả toàn bộ những chi phí này. Thêm một việc nữa, càng khiến ước mơ này trở nên xa xôi đó là, tôi sẽ phải sắm một bộ nội thất hoàn chỉnh. Nếu có thể mang theo tủ lạnh hoặc máy giặt đang sử dụng thì chi phí sẽ giảm đi, nhưng không bao giờ chồng tôi đồng ý. Ngay cả khi chọn cách mua đồ tại một cửa hàng tiết kiệm, việc này cũng sẽ tốn hơn 20 man. Như vậy, tôi sẽ cần ít nhất 80 man để có thể ở riêng. Chuyển đi được không có nghĩa là đã kết thúc. Tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền ăn, tiền học cho con gái lớn, nhà trẻ cho con gái thứ hai, tất cả đều phải tự mình gánh vác. Tôi đã rất trăn trở rằng vậy thì dựa vào lương của mình tôi có thể làm điều đó hay không. Trước hết, vì là mẹ đơn thân nên tôi không thể sử dụng khoản hỗ trợ dành cho hộ gia đình. Ngay cả khoản “trợ cấp nuôi con” được nhận mỗi năm ba lần cũng chuyển vào sổ tiết kiệm đứng tên chồng. Hơn nữa, tôi còn có thể bị yêu cầu trả lại sổ tiết kiệm của mình.
Nghĩ đến đây, tôi dường như không còn đường để tiến nữa rồi. Nhưng không, sau rất nhiều tìm tòi, tôi đã tìm ra một phương pháp hữu ích cho cuộc sống của mình sau khi ly thân. Trước hết, tôi nghĩ rằng giá nhà ở phụ thuộc rất lớn vào khu vực, nhưng việc thuê nhà theo hình thức UR( nhà ở theo diện tái cơ cấu thành phố) có vẻ tốt. Các khu cho thuê của UR mà tôi thấy chủ yếu là ở các khu nhà ở cũ, nhưng có rất nhiều chỗ đã được cải tạo theo cách bài trí hiện đại. Giá thuê ở mức 6 man đến 8 man cho 3LDK. Hơn nữa, tiền cảm ơn, phí môi giới và phí gia hạn là miễn phí, do đó, chi phí có thể được giảm xuống. Có một số chỗ còn có chế độ giảm giá cho các bà mẹ. Đối với tôi bây giờ, đây đúng là sự lựa chọn tốt nhất. Tìm hiểu kĩ hơn, đối với một cặp vợ chồng, người có thu nhập thấp hơn có thể yêu cầu người có thu nhập cao hơn hỗ trợ phí sinh hoạt. Về vấn đề này, tốt hơn hết là nhờ đến sự giúp đỡ luật sư. Nếu có thể thông qua việc thảo luận để quyết định xem số tiền hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng này là bao nhiêu thì không có gì đáng nói, nhưng chồng tôi sẽ chẳng thể cho qua dễ dàng. Ngoài ra, tôi nghĩ mình nên cân nhắc sử dụng ” Houterasu” (dịch vụ hỗ trợ li hôn). Và không thể quên vấn đề về trường mẫu giáo của cô con gái thứ hai. Khu vực tôi ở không phải là khu đô thị, nhưng không hiểu sao lại chật ních những đứa trẻ nằm trong danh sách chờ đợi. Không có gì lạ khi phải mất hơn nửa năm để cho con vào học. Vì vậy, cần kiểm tra số lượng trẻ đang chờ tại địa điểm mới và tìm nhà trẻ tạm thời cho con nữa.
Dù nói là “sống riêng”, nhưng trên cương vị là một người cha người mẹ, tôi lại không thể dứt khoát hành động. Tôi muốn cho các con đến trường mà các con muốn đến. Vì vậy, tôi cần một sự xem xét kĩ càng về hệ thống các trường học. So với việc chỉ vì tiền mà phải tiếp tục sống với chồng và mẹ chồng, tôi chọn sống một cuộc sống hạnh phúc mà không phải lo lắng vì bất cứ ai. Tất nhiên, mục tiêu cuối cùng là sống bằng thu nhập của chính mình. Tôi mơ về một ngày mà thu nhập hàng năm của tôi vượt qua chồng, và chính ngày hôm nay tôi vẫn đang nỗ lực hết sức mình.
Theo Yahoo News, Gendai Media, Twitter @maron99668508

Trả lời