Ngày 8 tháng 8, ổ dịch tại nhà máy đóng tàu Ariake thuộc tập đoàn đóng tàu hàng đầu Nhật Bản Japan Marine United (JMU), có địa chỉ tại Nagasu, tỉnh Kumamoto chính thức ghi nhận 108 ca nhiễm, trong đó có 47 ca là thực tập sinh người Việt Nam.
Được biết tại nhà máy đóng tàu Ariake có tổng cộng 245 thực tập sinh Việt Nam làm việc và ngoài 47 người được xác định dương tính thì vẫn có một số người dù âm tính nhưng vẫn có các dấu hiệu sốt nhẹ hay khó thở.
Công ty JMU cho biết trong số 661 người được được xét nghiệm PCR có 108 người đã xác nhận dương tính bao gồm 51 nhân viên, 47 thực tập sinh Việt Nam và 10 nhân viên từ các công ty tập đoàn.
Anh N.X.N quản lý thực tập sinh tại xưởng cho biết “Từ khi nhận được thông báo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka đã tích cực hỗ trợ chúng tôi để liên hệ với chính quyền địa phương thực hiện cách ly và điều trị kịp thời”.
Tuy chi phí các bữa ăn cũng như nhu yếu phẩm hàng ngày khi cách ly đều được phía nhà máy hỗ trợ nhưng bởi vì số ca nhiễm nhiều nên phía các thực tập sinh cũng khá bất an. Họ lo ngại rằng nếu số lượng thực tập sinh bị nhiễm bệnh tiếp tục tăng lên thì công việc của nhà máy sẽ bị đình trệ, doanh thu giảm sút và khi đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Hiện tại 47 người này đang được cách ly tại cơ sở y tế địa phương.
Ngoài ra, ban đầu tỉnh Kumamoto thông báo rằng 47 thực tập sinh đó là “nhân viên của JMU”. Tuy nhiên đến ngày 8, Phòng Quản lý nguy cơ về sức khoẻ của tỉnh đã thừa nhận trong ổ dịch có thực tập sinh nhiễm bệnh và đồng thời giải thích trong tiêu chuẩn công bố của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi không bao gồm quốc tịch. Ngoài ra, họ cũng nhấn mạnh rằng trong tương lai đứng trên góc độ ngăn chặn các hành vi phỉ báng, bôi nhọ danh dự sẽ không tiến hành công khai quốc tịch và chỉ có trường hợp nào nêú xét thấy cần thiết trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan thì mới công bố thông tin.
Mặt khác, vào tháng 7 vừa qua thành phố Kumamoto cũng đã thông báo có người nước ngoài bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên sau đó vì lý do thông tin cá nhân của người nhiễm có thể bị xác định nên đã chuyển sang chính sách không chủ động công bố nếu nó không cần thiết trong việc ngăn ngừa lây nhiễm. Đại diện thành phố cho biết họ sẽ cẩn trọng hơn khi cân nhắc giữa việc bảo vệ quyền riêng tư và công khai thông tin cá nhân.
Tham khảo:
https://www.viet-jo.com/m/news/nikkei/200807131341.html
https://news.yahoo.co.jp/articles/3d8a6a26503e8ccb53b008df34751217a5b6370e
https://kumanichi.com/news/1554153/