Có thể trong số những bạn đọc bài viết này sẽ có vài người là những con mọt phim, thích thú với chuyện ngồi trước màn ảnh hàng giờ đồng hồ mỗi ngày. Nhưng có những bộ phim khiến bạn cảm thấy giống như bị thôi thúc phải tới rạp chiếu bóng để xem. Đó có thể là những bộ phim hành động mà khi xem bằng cái màn hình lớn thật lớn ấy thì cảm giác hồi hộp tăng lên gấp bội, hoặc có thể là những cảnh phim kinh dị mà hệ thống âm thanh vòm trong phòng chiếu khiến cho sự sợ hãi như bóp nghẹt từng hơi thở. Dù là gì, trải nghiệm xem phim ngoài rạp cũng khác hẳn việc ôm ti vi hay máy tính ở nhà. Vì vậy, trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ vài mẹo nhỏ bỏ túi về việc đi xem phim ngoài rạp tại đất nước Nhật Bản này. Trước khi bắt đầu, có 2 từ căn bản mà các bạn nên biết, đó là 映画 (えいが, eiga) có nghĩa là phim, và 映画館 (えいがかん, eigakan) có nghĩa là rạp chiếu phim.
1. Làm sao để tìm một rạp chiếu phim ở Nhật
Dù có rất nhiều cách khác nhau để tìm được một rạp chiếu phim tại Nhật, nhưng trang MovieWalker đặc biệt hữu ích. Và mặc dù trang này hoàn toàn bằng tiếng Nhật thì nó cũng không quá khó để sử dụng như tôi sẽ chỉ ra dưới đây. Đầu tiên, bạn cần chọn địa điểm của bạn http://movie.walkerplus.com/theater/
Sau đó, chọn thành phố trong thanh công cụ phía bên trái. Bạn không cần quá để tâm về những lựa chọn ở trên đầu trang trừ khi bạn thấy không có vấn đề gì và muốn luyện tập thêm tiếng Nhật, còn không thì bạn có thể dung các công cụ chuyển ngữ để trợ giúp.
Bạn sẽ được chuyển tiếp tới một trang với đầy đủ thông tin về các rạp chiếu phim như là giá vé, các phim đang chiếu và các thông tin căn bản khác. Để biết rõ hơn bạn có thể xem ảnh dưới, những thông tin về giá vé cụ thể cho từng loại đối tượng, những khán giả được ưu tiên giảm giá, có cung cấp ghế ngồi cho trẻ em hay người khuyết tật hay không, thậm chí trang này cũng cung cấp cả thông tin về việc trong rạp có bán thức uống chứa cồn hay không, hoặc trong rạp có những chiếc chăn nhỏ cho khán giả mượn khi họ cảm thấy điều hòa nhiệt độ trong phòng chiếu quá lạnh hay không nữa.
Để tra cứu website chính thức của một rạp chiếu phim cụ thể, bạn chỉ cần sao chép tên của rạp và đưa vào một công cụ tìm kiếm nào đó trên Internet. Một cách khác nữa để tìm một rạp chiếu phim nào gần nơi bạn sống bằng Google maps (hoặc một công cụ khác tương tự) và gõ vào từ khóa 映画間(えいがかん, movie theater).
2. Làm sao để biết được phim nào đang công chiếu
Bạn hãy tìm kiếm bằng từ khóa kiểu như 上映中の映画 (có thể tìm kiếm ngay trên MovieWalker), mặc dù nhiều website của các rạp chiếu liệt kê các đường dẫn về các kết quả tìm kiếm bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật. Các từ khóa khác như 上映スケジュール (じょうえい, jouei, screening, và sukejuuru, schedule, hoặc là screening schedule) đều có thể dùng được.
Bạn có thể cũng sẽ muốn đọc được bộ chữ katakana của Nhật để đọc tựa đề của các bộ phim nếu phim đó không có ảnh hay poster (nhưng hầu hết trên website của các rạp đều có poster của phim ở cạnh lời dẫn phim và/hoặc lịch chiếu của phim). Hãy luôn nhớ rằng một vài phim có thể được đặt cho một cái tên hoàn toàn khác. Ví dụ như, phim “Up” ở Nhật có tên là “Grandpa and the Flying House” hoặc cái tên khác bằng tiếng Nhật.
3. Làm sao để biết ngày khởi chiếu của phim tại Nhật
Có rất nhiều cách để biết điều này (thực sự thì bạn có thể tìm ra nó bằng bất kì một công cụ tìm kiếm nào), nhưng thường thì tôi sẽ tìm kiếm về bộ phim tôi quan tâm trên IMDB. IMDB mặc định sẽ cho tôi thấy ngay ngày khởi chiếu ở Nhật Bản (tất nhiên vì tôi đang ở Nhật mà), nhưng dù nó có cho thấy ngày khởi chiếu của quốc gia nào đầu tiên đi chăng nữa, nếu bạn kích chuột vào nagfy đó (xem ảnh minh họa bên dưới) nó cũng sẽ cho ra kết quả về những thời điểm khởi chiếu bộ phim ở tất cả những quốc gia khác nhau.
Giả sử tôi tìm kiếm phim Kung Fu Panda 2, và IMDB cho thấy phim sẽ bắt đầu chiếu trên lãnh thổ Nhật vào ngày 19 tháng 8.
Một điều đáng lưu ý là, tại Nhật Bản nếu bạn muốn xem một bộ phim của nước ngoài (thường là các nước phương Tây), thì nó thật sự không đáng với số tiền bạn phải bỏ ra (trừ khi bạn thật sự cực kỳ là muốn xem bộ phim đó ngoài rạp hoặc muốn xem một bộ phim 3D). Lý do là bởi chỉ trong vòng 2 tới 3 tuần thì bộ phim đó sẽ được tung lên iTunes và bạn có thể mua hoặc thuê chúng để xem. Các phim nước ngoài thường khởi chiếu ở Nhật chậm hơn rất nhiều so với các nước khác. Tôi nhớ rằng tôi đã phải rất vất vả để không đọc các bài chia sẻ trên mạng của các bạn tôi ở nhà về Pacific Rim hay The Avengers để hồi hộp chờ những màn hành động nghẹt thở trên màn hình lớn với âm thanh vòm chân thực sau đó tận 2 tháng tại rạp chiếu phim tại Nhật.
4. Làm sao để biết một bộ phim được lồng tiếng hay có phụ đề
Để biết một bộ phim được chèn phụ đề (có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể xem bộ phim ấy bằng ngôn ngữ nguyên bản của phim, thường là tiếng Anh) hay là được lồng tiếng thuyết minh bằng tiếng Nhật, hãy tìm những từ sau đây trong thông tin về phim tại rạp chiếu mà bạn chọn:
Có phụ đề: 字幕 (じまく, jimaku) hoặc 字幕版 (じまくはん, jimakuhan).
Thuyết minh: 吹替 ( ふきかえ, fukikae) hoặc 吹き替え.
*Lưu ý là một vài website của các rạp phim cũng có chỉ dẫn bằng tiếng Anh dù bộ phim có là tiếng Anh hay tiếng Nhật.
Hầu hết các bộ phim phương Tây cho trẻ em sẽ được thuyết minh, ví dụ như phim của Pixar, Disney… Tất nhiên vì trẻ em còn quá nhỏ để đọc được phụ đề tiếng Nhật. Còn những thể loại phim nước ngoài khác thường được chèn phụ đề, nên bạn hoàn toàn có thể thoải mái thưởng thức bộ phim với ngôn ngữ nguyên bản. Thi thoảng, cũng có những phim vừa có bản thuyết minh và bản phụ đề, khi tới rạp khán giả có thể lựa chọn suất chiếu thuyết minh hay phụ đề tùy vào sở thích.
5. Giá vé và các khuyến mãi giảm giá
Bạn nên biết những khái niệm dưới đây để mua vé và biết về số tiền bạn phải trả:
基本料金(hoặc料金) | きほんりょうきん | kihonryoukin | Giá cơ bản |
一般 | いっぱん | ippan | Vé chung |
大学 | だいがく | daigaku | Sinh viên |
高校 | こうこう | koukou | Học sinh cấp 3 |
学生* | がくせい | gakusei | Học sinh cấp 3 hoặc sinh viên |
中学 | ちゅうがく | chuugaku | Học sinh cấp 2 |
小人(hoặc 故学生) | こども | kodomo | Học sinh cấp |
幼児 | ようじ | youji | Trẻ em < 7 tuổi |
シニア | shinia | Người già | |
身障者 | しんしょうしゃ | shinshousha | Người khuyết tật |
*(Tất cả các vé cho sinh viên có thể đều có đuôi 生).
割引(わりびき) – Vé giảm giá
Có nhiều loại giảm giá được áp dụng và đáng để xem xét sau khi cân nhắc tới sự đắt đỏ để đi xem phim tại Nhật. Các chế độ giảm giá cũng rất khác nhau tùy thuộc vào hệ thống rạp chiếu hoặc các vùng khác nhau, tuy nhiên cũng có vài ví dụ điển hình:
Ngày đầu tháng
Ví dụ: 毎月1日hoặc ファーストデー.
Ngày phụ nữ
Ví dụ: Ngày thứ 4 được coi là ngày phụ nữ – 水曜女性. Ngày phụ nữ cũng có thể được ghi là レディースデイ.
Ngày đàn ông
Ví dụ: Ngày thứ 6 được coi là ngày đàn ông – 金曜男性. Bạn có thể sẽ thường thấy ngày phụ nữ hơn là ngày đàn ông. Ngày này cũng có thể được ghi bằng katakana là メンズデイ .
Giảm giá cho các dịch vụ đỗ xe (nếu bạn di chuyển bằng xe hơi)
Ví dụ: ドライバー割引(cũng có thể được biểu đạt bằng các cách viết khác nhau)
Các cặp vợ chồng có ít nhất một người trên 50 tuổi
Ví dụ: いずれかが50際以上の夫婦パア hoặc 夫婦50割引
Trên đây chỉ là vài ví dụ, còn trên thực tế có rất nhiều kiểu giảm giá khác, vì vậy bạn nên xem xét chi tiết ở rạp chiếu phim bạn muốn tới. Một vài rạp thậm chí còn có những ngày giảm giá vào giữa tháng.
Một điểm cần lưu ý: khi bạn mua vé, nhân viên sẽ yêu cầu bạn chọn chỗ ngồi, kể cả khi chỉ có 5 người xem suất chiếu đó.
6. Làm sao để biết một bộ phim có phải phim 3D hay không
Ngày càng có nhiều bộ phim được công chiếu dưới định dạng 3D (và đôi khi chỉ có dạng 3D). Nếu rạp chiếu đó có chiếu một bộ phim 3D, thì chữ “3D” sẽ được thêm vào trước hoặc sau tên phim. Và tất nhiên, nếu xem phim 3D bạn sẽ phải trả thêm tiền (khoản tiền này tùy thuộc vào mỗi rạp chiếu, nhưng thường là khoảng vài trăm yên).
7. Khi bạn đi xem phim
Hầu hết các rạp chiếu phim đều mở cửa từ sáng sớm tới tối muộn (rất nhiều rạp chiếu đưa ra những hình thức giảm giá cho ca chiếu cuối lúc tối muộn, và vài rạp thì có cả giảm giá cho các suất chiếu buổi sáng). Thời gian cũng khác nhau tùy theo mỗi rạp chiếu và mỗi bộ phim. Một vài phim, ví như những bộ phim cho trẻ em mà có cả bản phụ đề và bản thuyết minh, thì những suất chiếu có phụ đề sẽ có ít hơn những suất chiếu có lồng tiếng. Nhìn chung tuy khá khác nhau, những điều này bạn có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin này trên lịch chiếu của mỗi phim, trên trang chủ của rạp chiếu đó hoặc trên MovieWalker, hoặc trên bất kì trang thông tin nào bạn thấy tiện.
Bức ảnh dưới đây cho thấy lịch chiếu phim Cướp biển vùng Caribe, bản phụ đề và thuyết minh, cả hai đều ở dạng 3D.
Bây giờ thì bạn đã sẵn sàng để đi tới rạp chiếu phim chưa? Một điều nữa tôi muốn nhắc tới là đồ ăn vặt, nhưng tôi nghĩ nên để chủ đề này cho lần sau. Hầu hết các rạp đều bán bắp rang bơ, có thể có cả bắp rang caramel, churros (bánh rán Tây Ban Nha), cùng nhiều loại đồ ăn thức uống khác (bao gồm cả đồ uống có cồn). Nhiều rạp chiếu đưa ra các combo bao gồm bắp rang và nước uống, nếu khán giả mua những combo này sẽ tiết kiệm hơn là mua riêng lẻ từng thứ. Hi vọng các bạn sẽ có những phút giây thư giãn tuyệt vời với những bộ phim!
Mai Phương Tú dịch