Là thành viên của đội 222 nữ sinh thuộc một đơn vị y tá được điều động gấp ra chiến trường để phục vụ quân đội Thiên hoàng trong tháng 3/1945, bà Shimabukuro còn bị cảm giác tội lỗi dày vò, bởi bản thân vẫn sống sót, trong khi rất nhiều người bạn học đã bỏ mạng.
Nỗi đau của người còn sống
“Chúng tôi chỉ được huấn luyện cơ bản về cách băng bó. Nhưng những người lính bị thương mà họ đưa tới đã hoàn toàn không thể cứu chữa được nữa” – bà Shimabukuro nói với hãng tin AFP bên lề lễ kỷ niệm 70 năm trận chiến – “Có những người bị pháo tiện đứt chân, lòi ruột, mất một phần gương mặt. Chúng tôi đơn giản là chẳng biết phải làm gì. Tôi mới 17 tuổi khi ấy. Tôi cứ tưởng sẽ được đưa trở lại trường học sau khoảng 1 tuần.”
Có ít hơn một nửa trong số hơn 200 cô gái kể trên sống sót sau trận chiến dài 82 ngày, vốn đã xóa sổ 1/4 dân số tại Okinawa. Nhiều người chết sau khi bị lính Nhật yêu cầu rời khỏi các hang đá mà họ đang ẩn náu và chạy dưới làn đạn bắn từ phía quân Mỹ kéo tới gần. Số khác nhảy khỏi vách núi hoặc tự sát bằng cách cho nổ lựu đạn, để khỏi phải đầu hàng.
“Chúng tôi muốn ở trong hang và chết cùng nhau, nhưng những người lính Nhật đã bắt chúng tôi phải rời đi” – Shimabukuro nói, không kìm được nước mắt – “Nhiều người nhanh chóng bị giết hoặc bị thương nặng. Chúng tôi đã không thể mang theo những người bị thương và buộc phải bỏ họ ở lại sau lưng.
Bà cho biết ngày hôm nay vẫn gặp ác mộng và thấy bạn bè còn sống trong mơ: “Tôi thường tỉnh giấc trong đêm và thét lên. Thật đau lòng khi tôi còn sống, còn các bạn của tôi đã phải chết tức tưởi.”
Cái chết khủng khiếp xuất hiện khắp nơi
Trận chiến cướp đi mạng sống của hơn 100.000 người dân Okinawa và 80.000 lính Nhật Bản. Màn kháng cự của lính Nhật chỉ dừng lại khi Thiếu tướng Mitsuru Ushijima, chỉ huy quân đội Nhật Bản ở Okinawa, nhảy khỏi một vách núi và tự sát
Ngày hôm nay, chiến tranh đã để lại những dấu hằn sâu sắc ở Okinawa. Gần như mọi gia đình tại đây đều có ít nhất 1 người thương vong trong các màn pháo kích và ném bom dồn dập của Mỹ.
Hơn 12.000 lính Mỹ cũng đã bỏ mạng trong trận chiến gây thương vong tồi tệ nhất, tại cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương. Nhiều người lo ngại trận chiến ở Okinawa sẽ báo trước về điều tồi tệ hơn còn chờ đợi trước mắt, khi họ tiến sâu hơn vào Nhật Bản. Nhưng trận chiến đó đã không bao giờ diễn ra, một phần do Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.
Shimabukuro mất 2 người anh chị và suýt nữa đã phát điên khi phải làm việc liên tục tại các bệnh viện ngầm bẩn thỉu, nơi binh lính bị cắt cụt chi mà không được, hoặc được tiêm ít thuốc giảm đau. Họ đau đớn tới mức thường xin các bác sĩ giết chết mình.
Theo Shimabukuro, một số người lính đã hóa rồ hoặc trở nên bạo lực quá mức, khi các vết thương của họ bị nhiễm trùng, bị dòi bu đầy. “Họ đã bị đưa ra phía cuối hang và cách ly ở đó” – bà kể – “Chúng tôi không được phép tới đó. Những tiếng thét gào vang lên không ngớt thật quá đỗi khủng khiếp.”
Đơn vị y tá của Shimabukuro bị giải tán vào ngày 18/6. Bà đã suýt chết vì nhiễm trùng nặng. May mắn thay, bà được một người lính Mỹ giải cứu.
“Người ta nói với chúng tôi rằng bất kỳ cô gái nào rơi vào tay lính Mỹ cũng sẽ bị hiếp dâm và thiêu sống” – bà kể – “Tôi hẳn đã tự sát nếu có lựu đạn. Nhưng người lính đó đã chỉ nhẹ nhàng chăm sóc vết thương và đưa tôi tới bệnh viện.”
Khó tha thứ cho chính quyền
Zenichi Yoshimine, người đang chuẩn bị vào tiểu học khi trận chiến nổ ra, nói rằng dân Okinawa đã bị bộ máy tuyên truyền của chính quyền Nhật Bản nhồi sọ nặng nề. “Người ta nói với chúng tôi rằng Nhật Bản là đất nước thần thánh, không thể thua trong cuộc chiến” – ông kể khi nhìn ra một khu vực từng được lính Mỹ đặt cho biệt danh “vách núi tự sát” – “Chúng tôi tin người Mỹ là những kẻ xấu, rằng họ rất tàn bạo. Người ta nói rằng nếu lính Mỹ bắt được, họ sẽ xẻo tai, cắt mũi móc mắt và dùng xe tăng chẹt nát chúng tôi.”
Yoshimine nói rằng hàng ngàn người đã chạy trốn mũi tiến công của lính Mỹ bằng cách chạy lên các vách núi. Hàng trăm người sau đó đã trúng đạn của lính Mỹ và chết.
“Chúng tôi chẳng còn có nơi nào khác để chạy nữa” – ông cho biết -“Chúng tôi giống như chuột mắc bẫy vậy. Chẳng mấy chốc, có rất nhiều người chết, tới mức chúng tôi phải đạp qua xác họ.
Sự tức giận về cuộc chiến hiện vẫn âm ỉ cháy ở Okinawa – nơi từng là một vương quốc độc lập, trước khi bị Nhật Bản chiếm vào thế kỷ 19. Với việc hàng ngàn lính Mỹ vẫn đóng lại trên đảo này – di sản của thời Thế chiến II – căng thẳng đã không ngừng tăng cao.
Mấy tháng gần đây, người dân Okinawa đã tức giận biểu tình liên quan tới kế hoạch di chuyển một căn cứ quân sự của Mỹ đóng trên đảo. Sự phẫn nộ tăng thêm khi chính quyền Nhật Bản đã có kế hoạch mở rộng vai trò và giao thêm quyền cho quân đội.
Shimabukuro lo sợ rằng những thay đổi đó sẽ khiến Okinawa sẽ lại trở thành chiến địa. “Tôi không bao giờ tha thứ cho Nhật Bản về chuyện đã diễn ra” – người phụ nữ 87 tuổi, giờ là giám đốc một bảo tàng về các y tá thời chiến, cho biết – “Giờ chúng tôi đã có hòa bình, nhưng Nhật Bản lại đang cố thay đổi hiến pháp để trở thành quốc gia có thể phát động chiến tranh thêm một lần nữa. Điều đó sẽ lôi hòn đảo khốn khổ này trở lại làn lửa đạn thêm một lần nữa”.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
One thought on “70 năm trận chiến Okinawa: Ký ức về một địa ngục trần gian khủng khiếp”
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.
Chiến tranh là điều người dân phải chịu thiệt hại, đau thương nhất, và không ai muốn điều đó xảy ra. Nhưng tiếc thay, các thế lực cầm quyền hiện nay như Trung Quốc đã và đang gây dựng một cuộc chiến cướp bóc mới với khu vực Thái Bình Dương, nên CP Nhật đã phải diễn dịch lại Hiến pháp để có quyền tự vệ chính đáng trước bọn TQuốc. Thật đau thương khi nhân gian còn phải chịu đựng những kẻ khát máu như TQ hiện nay.