Nếu bạn muốn chia sẻ những trải nghiệm về đất nước, con người, cuộc sống ở Nhật; hãy gửi tới chuyên mục “Tôi kể bạn nghe về nước Nhật” được đăng tải tối thử Bảy hàng tuần trên iSenpai qua địa chi contact.isenpai@gmail.com.
Có người nói, đã đến Nhật thì ít nhất một lần phải leo tới đỉnh núi Phú Sĩ. Tôi đã ở Nhật cũng khá lâu rồi nhưng chưa từng nghĩ về điều ấy. Bởi lẽ tôi chẳng phải là người yêu thích thể thao, lại bộn bề công việc nên không muốn hành xác mình chỉ để đổi lấy vài phút giây phải chăng chỉ là niềm tự hào ngắn ngủi.
Nhưng rồi suy nghĩ của tôi bắt đầu thay đổi kể từ khi đặt chân đến Osaka và làm quen với nhiều bạn trẻ năng động và đầy nhiệt huyết. Cùng các bạn ấy tham gia tổ chức các hoạt động tình nguyện, vui chơi, giao lưu văn hoá cho cộng đồng người Việt, tôi như nhìn thấy một khía cạnh khác của bản thân mình. Sức trẻ trong tôi tưởng chừng đã tắt từ lâu bỗng dưng trỗi dậy, mãnh liệt và tràn trề hơn bao giờ hết. Tôi quyết định tìm kiếm cho mình những trải nghiệm mới, những điều mà tôi chưa từng thử bao giờ để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Thế rồi vào một ngày đẹp trời, tôi quyết định sẽ leo núi Phú Sĩ. Mục đích không phải vì muốn nhìn ngắm phong cảnh bao la hùng vĩ hay thưởng thức cảnh bình minh gì cả, mà hơn hết là để vượt qua chính bản thân mình, để thử xem với sức trẻ hiện có trong tôi, tôi có thể làm được những gì tưởng chừng như không thể hay không. Cứ như thế, ý nghĩ về việc chinh phục đỉnh Phú Sĩ cứ ngày một thôi thúc trong tôi, như ngọn lửa cồn cào triền miên không dứt. Vậy là không chần chờ nữa, tôi bắt tay vào lên kế hoạch chi tiết để chinh phục đỉnh núi này.
Mặc dù đã dự định rèn luyện thể lực trước khi leo núi 2 tháng nhưng vì công việc và môt số hoạt động tình nguyện khác chiếm gần hết thời gian nên tôi hầu như chẳng luyện tập được gì. Gần đến ngày đi, tôi thật sự vô cùng lo lắng, cộng thêm các đồng nghiệp liên tục ngăn cản “ Thôi V đừng đi, leo núi Phú Sĩ nguy hiểm lắm, mà sức khỏe V lại không tốt, lỡ có chuyện gì thì khổ”. Tôi cười đùa đáp “ Không sao, V có bảo hiểm rồi, có gì bất trắc thì nhớ gửi tiền về cho mẹ V nha” . Dù nói vậy nhưng trong lòng tôi vẫn không khỏi bồn chồn. Đã biết bao lần, tôi gọi điện cho những người bạn đồng hành với mình trong đoàn leo núi, dự định sẽ hoãn chuyến đi, nhưng lại nhận được sự động viên khích lệ nồng nhiệt khiến tôi vô cùng khó xử. Và vì không muốn làm lỡ kế hoạch của mọi người nên tôi đành “đâm lao thì phải theo lao”, được tới đâu thì tới. Tôi lên mạng tìm đọc một số bài chia sẻ kinh nghiệm leo núi Phú Sĩ của các trang tiếng Nhật lẫn tiếng Việt và bắt đầu chuẩn bị hành trang cùng tâm lý cho chặng hành trình hứa hẹn sẽ đầy gian nan của mình.
Và rồi ngày ấy cũng đến. Đúng thời gian, chúng tôi có mặt tại chỗ tập kết, hỏi thăm dặn dò, kiểm tra đồ đạc rồi xuất phát lên đường. Bầu trời trong xanh không một gợn mây, hứa hẹn một ngày nắng đẹp. Chúng tôi leo theo tuyến Subashiri, bắt đầu từ tầng 5 ở độ cao 1,970 mét thấp nhất trong 4 tuyến leo của núi Phú Sĩ. Khi bắt đầu di chuyển, ai nấy đều tỏ ra hồ hởi, cất giọng rõ to “Ohayo gozaimasu” (Xin chào) với tất cả những người đi xuống. Đi thêm một đoạn, tôi bắt đầu thấm mệt và cảm thấy ba lô trên lưng như ngày một nặng hơn. Bước thêm xíu nữa, tôi biết rằng nếu cứ khoác ba lô như vậy thì đừng nói tới chuyện lên đến đỉnh, ngay cả tầng 6 tôi cũng không thể nào leo được. Thấy thế, anh bạn đi cùng liền ngỏ ý khoác hộ tôi ba lô. Ban đầu tôi cũng cảm thấy hơi ngại vì chỉ vừa mới quen anh trước đó mấy ngày, nhưng vì không còn cách nào khác nên tôi đành chấp nhận. Nhìn anh vừa khoác ba lô của mình nặng trịch ở phía sau, lại quải thêm ba lô kềnh càng cuả tôi phía trước trông thật tội. Tôi tự trách mình giá mà có thể khoẻ hơn để không phải làm phiền anh. Nhưng dù sao cũng đã lỡ rồi, tôi chỉ biết vừa đi vừa chuyện trò để anh vơi gánh nặng.
Chúng tôi cứ thế tiếp tục đi, mỗi lúc đường càng trắc trở hơn. Những người bạn đi cùng tôi đều là dân thể thao và cũng đã từng có kinh nghiệm leo núi rồi nên bước đi ai nấy trông thật thong dong, chỉ có mỗi bước chân tôi sao mà nặng nề quá đỗi. Chúng tôi di chuyển rất chậm, vì cứ đi một đoạn thì phải dừng lại cho tôi nghỉ, ấy thế mà không ai cảm thấy bực bội gì, trái lại còn mỉm cười với tôi: “ Cứ đi được tới đâu thì đi, khi nào mệt thì nói nha, leo chậm một chút cũng không sao cả”. Những lời động viên ấy khiến tôi như có thêm nghị lực, lại vững tin cùng mọi người bước tiếp. Lên tầng 6, tôi thấy mệt lả cả người. Thấy tôi thở dốc, anh bạn khi nãy bèn tiến lại gần, đưa tay ra và nhẹ nhàng nói: “Để anh dắt em đi nha”. Tôi liền nắm lấy cánh tay ấy, bởi tôi biết để lên tới đỉnh thì chỉ còn cách đó mà thôi. Con đường từ tầng 5 lên tầng 7 thật đẹp, có những đoạn cây xanh trập trùng, mỗi lần ngồi nghỉ chân nhìn xuống phong cảnh phía dưới là tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh mà bước tiếp. Khoảng 5 giờ rưỡi chiều, chúng tôi đặt chân lên tầng 7, dự định ăn cơm tối và nghỉ lại nhà trọ tại đây đến 10 giờ đêm thì xuất phát. Vào đến nhà trọ, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì bỗng tiếng chuông tin nhắn vang lên “ Vợ bác M vừa qua đời sáng nay rồi em ạ”. Bác M là ân nhân của tôi, người đã đứng ra bảo lãnh tôi sang Nhật du học, giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày tháng sinh viên. Hai vợ chồng Bác ấy vẫn dõi theo bước chân tôi cho đến tận bây giờ. Bác gái bị ung thư bao tử từ trước, mỗi lần về thăm nhìn Bác ấy ngày một gầy đi tôi cũng không khỏi xót xa. Nhưng tôi không ngờ rằng bác lại ra đi đột ngột như vậy. Cảm giác ứ nghẹn ở trong lòng, nước mắt chực trào ra nhưng tôi cố gắng kìm nén lại, không để những người trong đoàn được biết, vì bây giờ chúng tôi đang ở tầng 7 không thể quay lại được và dù tôi có nói ra cũng chỉ làm mất tinh thần mọi người mà thôi. Đã nghĩ thế rồi nhưng không hiểu sao khi vừa leo lên được chỗ nằm của mình là tôi bật khóc nức nở. Ai nấy đều nhìn tôi lo lắng không biết đã xảy ra chuyện gì. Sau khi biết chuyện mọi người đều quay sang an ủi, động viên tôi. Đứa em gái đi cùng ôm chặt lấy tôi, ân cần: “Chị ơi, cố lên”. Tình cảm của mọi người thật ấm áp làm tôi thấy mình như đang được ở trong một gia đình vậy. Phải chăng vì giữa chốn núi rừng hiểm trở này, con người ta lại càng xích lại gần nhau hơn?
Không biết do thời tiết thay đổi đột ngột hay do vừa nhận được tin dữ mà tôi lên cơn sốt. Chẳng thể nào nuốt nổi phần cơm của nhà trọ, tôi húp liền ba bát súp thịt heo Butajiru chỉ mong làm cho cơ thể ấm lên. May mà đã lường trước, nên tôi có chuẩn bị miếng dán hạ sốt và ít rượu tỏi uống cho đỡ lạnh. Mấy người bạn thấy tôi như vậy thì nói “ Thôi V cứ ngủ đi, khi nào dậy thì xuất phát cũng được, không cần phải lên đúng lúc mặt trời mọc đâu”. Tôi khẽ gật đầu. Trời khuya dần, mọi người cũng quay về giường ngơi nghỉ.
Có lẽ do đã đi một chặng đường dài mệt mỏi nên tất cả đều nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, chỉ còn mình tôi nằm thao thức với màn đêm. Tôi cứ thế nằm đó, tai lắng nghe âm thanh của những đoàn leo núi khác từ bên ngoài vọng vào. Họ nói chuyện, cười đùa nom chừng vui vẻ lắm. Có rất nhiều thứ tiếng đan vào nhau, đâu đó có cả tiếng Việt., khiến trong lòng tôi bỗng dấy lên một cảm giác rất lạ mà chẳng biết gọi là gì. Gần 10 giờ, tôi lay mọi người dậy để tiếp tục cuộc hành trình, may ra có thể tới đỉnh núi cho kịp lúc mặt trời mọc. Thời tiết bây giờ đã lạnh hơn rất nhiều, mặc thêm mấy lớp áo, đội cả mũ len và đeo găng tay vào rồi mà 2 tay cứ run lên cầm cập. Mọi người vẫn tươi tỉnh như lúc chiều, vừa đi vừa đùa giỡn cho đường ngắn lại. Riêng mình tôi cứ nắm chặt tay anh bạn, lầm lũi bước đi. Nói chi tới chuyện đáp trả những lời đùa, ngay cả việc thở đối với tôi lúc này cũng vô cùng khó nhọc Mấy bình oxy mua dưới chân núi được dịp phát huy tác dụng, tôi cứ đi một chút lại nghỉ chân thở oxy một lần. Đến tầng 8 thì đường chúng tôi đang đi hợp lại với đường Kawaguchi Yoshida. Đường Kawaguchi là đường có nhiều người leo nhất, ai nấy đều chen nhau bước đi khắp mọi ngóc ngách khiến tôi vô cùng choáng ngợp, cảm giác như đang ở một hội chợ huyên náo dưới đồng bằng chứ không phải giữa đồi núi bao la. Nghỉ một chút, chúng tôi lại bước đi. Anh bạn tôi liền chỉ tay về phía căn nhà có ánh đèn le lói xa xa và nói “Em nhìn kìa, phía trên là tầng 9, cố gắng một chút nữa là tới thôi”. Nhìn thì gần vậy mà sao quá xa xôi, tôi đi hoài đi mãi cũng không thấy tới. Trên đường, chúng tôi bắt gặp một đoàn Việt Nam đi ngang qua, thấy chúng tôi đang ngồi nghỉ, các em liền động viên ríu rít:“ Cố lên, cố lên” .Và khi chúng tôi tiếp tục lên đường thì các em lại ngồi nghỉ, chúng tôi cũng động viên lại “Các em cố lên!”. Cứ thế đoàn này đi rồi đến đoàn kia nghỉ, đoàn này nghỉ thì đoàn kia lại đi. Vậy là suốt một quãng đường dài chúng tôi đã có bạn đồng hành, khiến khoảng cách dường như ngắn lại. Đến tầng 9, đường càng ngày càng trở nên khó đi, đôi chân có vẻ đã không muốn nghe lời tôi nữa.. Đầu óc đông cứng vì khó thở nhưng kỳ lạ là chưa một phút giây nào tôi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, lúc nào cũng chỉ có một ý nghĩ duy nhất là bằng mọi giá phải leo được lên đỉnh núi. Càng lên cao đường càng hẹp và nguy hiểm, anh bạn đi cùng cứ nắm chặt lấy tay tôi và liên tục hướng dẫn tôi cách đặt chân lên những hòn đá sao cho an toàn. Thời điểm đó cả thế giới trong tôi chỉ là làm sao có thể bước lên thêm một bước nữa mà thôi. Vì dòng người quá đông nên thỉnh thoảng phải dừng một lúc chứ không đi liên tục được. Bất ngờ tôi quay lại đằng sau thì thấy một quang cảnh hùng vĩ hiện ra trước mắt mình. Từng đoàn người nối đuôi nhau trải dài theo sườn núi, ánh đèn pin của họ le lói trong đêm như những ánh đuốc lập loè chơi vơi giữa muôn trùng núi cả. Khung cảnh ấy toát lên một vẻ huyền ảo đến lạ lùng, vừa thiêng liêng mà cũng vừa kì bí, khiến tôi tưởng như mình đang ở trong một thánh địa xa xôi, hoà vào dòng người bước từng bước oai nghi để đưa thứ ánh sáng tôn nghiêm đến một đấng tối cao nào đó. Đây cũng là đoạn khó khăn nhất trong cuộc hành trình, thời tiết khắc nghiệt, sức khỏe suy giảm, đường xá hiểm trở, chân không nhích nổi bởi bị kẹt giữa biển người còn đích đến dù đã thấy được rồi mà như còn ở tít mù xa.
Thế nhưng sự cố gắng nào rồi cũng được đền đáp, gần bốn giờ sáng chúng tôi đã đặt chân lên tới đỉnh. Cả một trời mây hiện ra trước mắt, tôi không biết có phải mình đang lạc giữa thiên đường. Mười phút sau, khi nhìn thấy ánh bình minh đầu tiên vừa ló dạng, tim tôi như vỡ òa trong sung sướng. Tôi đã được đón tia nắng đầu tiên của ngày mới ở nóc nhà Nhật Bản, một nơi mà dẫu nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có thể đặt chân lên. Tôi ngồi đó tận hưởng tuyệt tác của thiên nhiên, lòng rộn ràng ngân lên bao nhạc khúc. Mặc dù vậy nhưng điều quan trọng nhất tôi nhận được không phải là cảm giác ngây ngất khi ngồi lọt thỏm giữa mây trời để ngắm bình minh, mà là niềm vui đã vượt qua bản thân và nhận ra mình có những người bạn thật tuyệt vời. Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để làm một điều tưởng chừng như chẳng bao giờ làm được. Chuyến đi này đã cho tôi hiểu rằng chỉ cần đặt ra mục tiêu rồi thực hiện tới cùng, dù có khó khăn thế nào cũng không bỏ cuộc thì tuy có chậm nhưng chắc chắn bạn sẽ đạt được thành công. Và tôi lại có thêm một động lực lớn mỗi khi đương đầu với sóng gió cuộc đời: “ Núi Phú Sĩ mà mình con leo được thì việc này chắc chắn mình sẽ làm được thôi”. Và bạn tôi ơi, đừng bao giờ giới hạn bản thân bởi những điều mình hay người khác nghĩ mình sẽ không làm được, hãy cố gắng vượt qua và bạn sẽ thấy ở đâu đó đang chờ bạn là một chân trời mới…
Nhật Vy (Tôi kể bạn nghe về nước Nhật – iSenpai) (Việc đăng tải lại bài viết phải có sự đồng thuận từ iSenpai)