Ngay trong tháng đầu tiên nổ ra chiến sự của năm 1894, quân Nhật đã đẩy quân Thanh từ Vịnh Asan về Bình Nhưỡng, sau đó ra biển Hoàng Hải, gần cửa sông Áp Lục, nơi quyền thống trị mặt biển của Nhật được xác lập sau khi tiêu diệt 8 trên 10 tàu chiến của Hạm đội Bắc Dương.
Sang tháng 10, quân Nhật bí mật vượt sông Áp Lục, áp sát Đan Đông, rồi chiếm bán đảo Liêu Đông mà không chịu nhiều tổn thất. Đến cuối tháng10, cảng chiến lược Lữ Thuận đã nằm trong tay quân Nhật và tại đây, quân Nhật gây ra một vụ thảm sát hàng ngàn người dân tại thành phố Lữ Thuận.
Cuộc đối đầu lớn giữa Nhật và Thanh diễn ra tại thành Uy Hải, song sĩ khí quân Thanh lúc này đã xuống rất thấp, đi kèm với sự lãnh đạo kém cỏi của tướng lĩnh khiến họ phải rút chạy khỏi thành trì khá kiên cố này sau 23 ngày giao tranh. Sang tháng 3/1895, quân Nhật chiếm được quần đảo Bành Hồ, ngoài khơi Đài Loan mà không bị thương vong nào, sau đó Hải quân Nhật đổ bộ và chiếm toàn bộ Đài Loan.
Chiến tranh kết thúc khi Hòa ước Mã Quan (hay Shimonoseki) được ký kết ngày 17/4/1895, theo đó nhà Thanh công nhận sự độc lập hoàn toàn của Triều Tiên, nhượng lại bán đảo Liêu Đông cho Nhật Bản, bồi thường khoản chiến phí khổng lồ 340 triệu lạng bạc cho Nhật, bằng 1/3 tổng thu ngân sách nhà Thanh và tương đương việc Nhật thu ngân sách trong vòng 2,5 năm.
Hòa ước cũng trao Bành Hồ, Đài Loan “cùng toàn bộ các đảo thuộc Đài Loan cho Nhật”, đánh dấu hoạt động thôn tính thuộc địa đầu tiên của đế chế Nhật Bản. Ảnh hưởng của Nhật đối với Triều Tiên tiếp tục được khẳng định sau khi nước này đánh bại đế quốc Nga – quốc gia cũng nhòm ngó bán đảo này, trong Chiến tranh Nga – Nhật 1905.
Nhưng hậu quả của Chiến tranh Giáp Ngọ còn lâu dài hơn thế. Việc để mất Triều Tiên và Đài Loan đã có ảnh hưởng to lớn đối với tình hình trong nước của Trung Quốc, mà trước hết làm gia tăng sự bất mãn đối với nhà Thanh. Triều đình Mãn Thanh nay phải chịu trách nhiệm về nỗi nhục nhã còn lớn hơn so với những mất mát trước đó trong các cuộc chiến với người Anh và Pháp. Việc nhà Thanh bị coi là một chế độ “man di, ngoại tộc” hơn là của người Hán Trung Quốc đã càng làm gia tăng sự bất mãn trong dân chúng.
Ngay cả sau khi chấm dứt triều đại nhà Thanh năm 1911, các điều khoản của Hòa ước Mã Quan tiếp tục để lại “di sản” của nó. Năm 1936, Mao Trạch Đông chia sẻ với nhà báo Mỹ Edgar Snow rằng ông đã có được sự thức tỉnh về chính trị khi đọc tài liệu về việc Trung Quốc đã mất Triều Tiên và Đài Loan như thế nào và đó giống như là Trung Quốc bị “chặt mất chân tay” của mình. Ông hứa rằng nếu Triều Tiên, quốc gia bị Nhật thôn tính năm 1910, muốn “tách khỏi vòng cung đế quốc Nhật”, Trung Quốc sẽ nhiệt tình hỗ trợ cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nước này.
Trong cuộc trò chuyện với nhà báo Snow, Mao Trạch Đông vẫn xem Triều Tiên như một phên dậu tự nhiên của nước này và chính từ suy nghĩ đó đã khiến ông quyết định đổ quân vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.
Thủ tướng Chu Ân Lai cũng từng lấy Chiến tranh Thanh – Nhật ra làm dẫn chứng khi đề cập tới mối đe dọa từ Mỹ: “Mỹ đang tiếp bước lịch sử của cuộc Chiến tranh Thanh – Nhật 1895, đó là chinh phục khu vực Đông Bắc (như Mãn Châu) trước khi thôn tính Trung Quốc và chiếm Triều Tiên trước khi tiến vào vùng Đông Bắc” kể trên.
Vào thời điểm Hòa ước Mã Quan được ký kết, việc xác định hòn đảo nào “là một phần” của Đài Loan không phải là vấn đề gây nhiều tranh cãi hay được hai nước quan tâm. Tuy nhiên, với việc sáp nhập quần đảo Ryukyu, trong đó có đảo Okinawa năm 1879, Nhật Bản đã kiểm soát hiệu quả toàn bộ phần phía Bắc của “chuỗi đảo thứ nhất” – theo cách gọi của Trung Quốc đối với chuỗi quần đảo mà Mỹ và đồng minh hình thành thế bao vây nước này.
Căng thẳng Trung – Nhật thời gian qua liên quan tới quần đảo Senkaku cũng được cho là một “di sản” khác của cuộc chiến năm 1895. Theo Hiệp ước San Francisco sau Thế chiến 2, Nhật Bản nhất trí trả lại những vùng đất mà Nhật đã lấy theo thỏa thuận tại Hòa ước Mã Quan gồm: Đài Loan và “tất cả các đảo thuộc nó”.
Tuy nhiên, Tokyo lập luận rằng Senkaku không phải là một phần chiến lợi phẩm của cuộc chiến tranh năm đó, mà quần đảo này đã nằm dưới sự kiểm soát của Nhật 4 tháng trước khi hòa ước trên được ký kết. Trước thời điểm này, Senkaku là quần đảo hoang chứ không phải là một phần của Đài Loan hay thuộc quyền sở hữu của nhà Thanh. Tất nhiên Trung Quốc không sẵn sàng thừa nhận điều này.
Mặc dù Trung Quốc và Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều kể từ sự kiện năm 1894 trên bán đảo Triều Tiên, nhưng cuộc chiến tranh ngắn ngủi này vẫn là một minh chứng sống động rằng cuộc cạnh tranh vị trí thống lĩnh khu vực giữa hai cường quốc châu Á đã được định hình kể từ 120 năm trước.
Nguồn báo tin tức