Điểm chung của Akinori Kimura, Masanobu Fukuoka và Takao Furuno là sự kiên định và lòng tin vào cách làm nông không hóa chất. Câu chuyện của họ truyền cảm hứng lớn cho người làm nông nghiệp sạch ngày nay.
Lão nông dành 20 năm tìm cách trồng táo sạch cho vợ
Akinori Kimura là một nông dân Nhật bình thường, ông cũng từng làm trang trại và sử dụng hóa chất nông nghiệp. Tuy nhiên, vợ ông bị dị ứng nặng với thuốc trừ sâu và hóa chất. Điều này góp phần thôi thúc ông tìm ra cách làm nông không dùng hóa chất. Thí nghiệm đầu tiên của ông được tiến hành với vườn táo.
Lúc đầu thử nghiệm, vườn táo bùng phát sâu bệnh, táo rụng lá trái mùa hàng loạt, cây không ra hoa. Mảnh vườn cuối cùng bị mang ra cầm cố, Kimura còn phải đi làm bồi bàn ở quán rượu và phát tờ rơi trên phố, gia đình có lúc hết thực phẩm, phải dùng cỏ ngọt nấu ăn. Sau 6 năm, vườn táo không hóa chất vẫn không ra quả. Giữa lúc chán nản, định tự tử, ông Kimura phát hiện ra những cây táo dại tươi tốt đầy quả trên núi. Ông không hiểu tại sao trên núi nhiều côn trùng xâm hại, không ai chăm sóc mà cây táo vẫn sinh trưởng tốt. Cuối cùng, Kimura nhận thấy, bùn đất, độ xốp, không khí, độ ẩm, thậm chí mùi đất rừng cũng khác với đất vườn, và đưa ra kết luận đất đai là điểm cốt yếu cho việc gieo trồng.
Về nhà, ông bắt đầu để cỏ dại mọc và gây dựng lại hệ sinh thái trong vườn táo, tập trung làm đất tơi xốp. Ngày ngày, ông lắng nghe, vuốt ve từng gốc táo. Khu vườn của Kimura phong phú với các loại côn trùng, vi sinh vật, giun, bướm, chim… Đến mùa thu, ông mới cắt cỏ để độ ẩm của đất giảm xuống.
2 năm sau, những cây táo của ông ra hoa và bắt đầu cho quả. Đến nay, táo của Kimura trở thành loại trái cây nổi tiếng Nhật Bản. Nó được gọi là những quả táo thần kỳ bởi chúng có thể để tới 4 năm không hỏng. Một nhà hàng Pháp sang trọng tại quận Minato, Tokyo còn có món ăn đặc biệt mang tên “súp táo của ông Kimura”.
Takao Furuno – lão nông nổi tiếng với phương pháp canh tác Aigamo
Takao Furuno, sinh năm 1950, sống tại làng Keisen trên đảo Kyushu (miền Tây Nhật Bản) nổi tiếng với phương pháp canh tác độc đáo “Aigamo” – tên giống vịt ông sử dụng trên ruộng lúa của mình.
Học theo người nông dân xưa nuôi vịt trong ruộng lúa, ông Furuno thấy rằng, những chú vịt con khoảng 2 tuần tuổi khi thả vào ruộng lúa chỉ ăn cỏ, mầm cỏ dại, côn trùng và sâu bọ gây hại, chứ không làm hại lúa non như vịt trưởng thành. Ngoài ra, cách di chuyển tự nhiên của vịt còn làm đất tơi và cây lúa khỏe hơn. Ông cũng nảy thêm sáng kiến nuôi cá trong ruộng lúa. Vịt và cá đều là những nông sản cho lợi ích kinh tế cao.
Ruộng lúa của Takao Furuno còn xuất hiện bèo hoa dâu. Nhưng thay vì diệt bỏ, ông để chúng phát triển tự nhiên bởi bèo không chỉ là thức ăn cho vịt, cá mà còn là nguồn tổng hợp nitrogen tự nhiên. Mỗi ha bèo hoa dâu có thể tạo ra 9 tấn đạm. Sản lượng thóc gạo của ông vì thế mà tăng 20-50% so với trước.
Ở Nhật Bản, hiện có khoảng 10.000 nông dân áp dụng phương pháp “Aigamo”. Nhiều quốc gia có ngành nông nghiệp lúa nước phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippine cũng đưa vào ứng dụng. Ông Furuno được vinh danh trong cuốn sách “80 người làm thay đổi thế giới” của Sylvain Darnil và Mathieu Le Roux. Cuốn sách “Quyền lực của vịt” (Power of duck) viết về cách làm của ông Furuno xuất bản năm 2010 cũng thu hút sự quan tâm của hơn 75.000 nông dân khắp thế giới và nhiều đoàn sinh viên trong, ngoài nước Nhật đến học tập.
Masanobu Fukuoka – người khởi đầu “cuộc cách mạng một cọng rơm”
Masanobu Fukuoka (1913 – 2008) được coi là ông tổ của nền nông nghiệp tự nhiên Nhật Bản và cũng là tác giả của cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm”. Câu chuyện của Masanobu Fukuoka cùng nhiều câu nói của ông trong cuốn sách đã trở thành nguồn cảm hứng cho nông dân và những người yêu nông nghiệp sạch.
Năm 25 tuổi, khi đang làm việc cho cục hải quan Yokohama ở bộ phận thanh tra cây trồng, Masanobu Fukuoka bị trầm cảm nặng sau khi suýt chết bởi bệnh viêm phổi cấp. Trong lúc lang thang và kiệt sức trên ngọn đồi nhìn ra bến cảng, tiếng kêu chói tai của một con diệc ăn đêm đã làm ông thức tỉnh. Một năm sau, ở tuổi 26, sau khi đi lang thang khắp cả nước với ý định truyền bá tư tưởng: “thực ra trên đời này chẳng có gì, rằng mọi thứ đều quay về hư vô”, ông trở về trang trại gia đình và bắt đầu áp dụng phương pháp làm nông tự nhiên: “nông nghiệp không làm gì cả”.
Ông mất 30 năm để thử nghiệm các phương thức canh tác khác nhau, cuối cùng, ông tìm ra 4 nguyên tắc của việc làm nông tự nhiên là không cày xới, không bón phân (kể cả phân hóa học và vi sinh), không làm cỏ (thay vào đó kiểm soát cỏ), và không diệt côn trùng.
Ông đã trả toàn bộ rơm rạ lại đồng ruộng, chọn thời điểm gieo hạt và cứ để mọi thứ thuận theo lẽ tự nhiên cho đến kỳ thu hoạch. Fukuoka còn phát hiện ra công dụng kỳ diệu của rơm rạ khi chứng kiến trên một khu ruộng từng bỏ hoang, lúa phát triển khỏe mạnh, xuyên qua những cọng rơm mà không cần bàn tay con người. Năng suất lúa và ngũ cốc trên những thửa ruộng tự nhiên của Fukuoka đạt gần 6 tạ trên 1.000 m2, cao ngang ngửa với những người canh tác tốp đầu của Nhật thời điểm những năm 1970.
Mặc dù giống cây (cỏ ba lá, đại mạch…) và cách thực hành của Masanobu Fukuoka mô tả lại trong cuốn sách dựa trên điều kiện đặc thù của Nhật Bản, nhưng triết lý và nguyên tắc canh tác tự nhiên của ông đã được nhiều người làm nông nghiên cứu, áp dụng, thử nghiệm trên khắp thế giới.
Hoàng Nguyên (VnExpress)