Học ở Nhật thế nào – Kỳ 2: Phan Anh (Đại học Ryukoku)

Đăng ngày 16/06/2017 bởi iSenpai

 

Tiếp tục chuyên mục ” Học ở Nhật thế nào” kì này chúng ta hãy cùng gặp bạn Nguyễn Phan Anh, và nghe Phan Anh chia sẻ về ngành học năng động của mình nhé!
iSenpai gặp Phan Anh vào một ngày chủ nhật đẹp trời trong khuôn viên trường đại học Ryukoku, nơi cậu bạn đang là sinh viên năm 3 ngành quốc tế học. Cho dù là một thành viên năng nổ trong tất cả các hoạt động của Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Kyoto (VYSA Kyoto) vẫn có thành tích học tập tốt với việc gần như các năm nhận học bổng của trường đại học . Học bổng gần đây nhất là học bổng lên đến 1.200.000 ¥  của quỹ Heiwa Nakajima cho một năm học. Không chỉ vậy anh chàng đa tài này còn gây ấn tương với những bức ảnh hết sức có hồn và từng được giải ba trong một cuộc thi nhiếp ảnh về mùa thu của Kyoto.
Hãy cùng nghe iSenpai chia sẻ về cuộc sống sinh viên cũng như bí kíp săn học bổng ngay nào!
Cậu sinh viên năm 2 và quyết định liều lĩnh.
Đi du học khi đang là sinh viên năm 2 của trường đại học Bách Khoa Hà Nội và bắt đầu với tiếng Nhật gần như bằng không. Thế nhưng, sau 2 năm học tập tại trường tiếng cậu bạn nhận được chứng chỉ tiếng Nhật N2 và vượt vũ môn thành công vào một ngành trái ngược hoàn toàn với khối tự nhiên trước kia đó là Quốc tế học và chuyên ngành là Truyền Thông và Nghệ Thuật. Anh bạn chia sẻ rằng đó thực sự là dấu mốc quan trọng khi đã dám từ bỏ khi nhận thấy cái gì không hợp với mình. Và nước Nhật chính là nơi để bắt đầu lại, nơi tìm thấy đam mê và thỏa sức khám phá những gì mình yêu thích. Sau đó một năm cậu bạn lại tiếp tục thử sức và thành công với chứng chỉ năng lực Nhật ngữ N1.

13475174_10201733252689537_7159064023695118456_o


Chân dung anh chàng đa tài nhân vật kì 2 của chúng ta

Ngành quốc tế học, lựa chọn tuyệt vời cho những bạn muốn khám phá thế giới.

Chia sẻ cùng iSenpai Phan Anh kể rằng ngành Quốc Tế học là tên gọi chung nhưng trong đó lại phân ra hai ngành chính đó là Văn Hoá quốc tế và Toàn cầu học trong đó lại chia ra các ngành thú vị khác như Thế giới và Nhật Bản, Truyền thông và nghệ thuật, Giao lưu đa văn hoá. Năm đầu tiên chúng mình sẽ được các thầy cô giới thiệu, định hướng về từng chuyên ngành để chọn cho mình những ngành phù hợp với bản thân và muốn nghiên cứu chuyên sâu cho những năm tiếp theo. Bạn rất hào hứng khi kể về việc được học về các nền văn hoá, tôn giáo trên thế giới, học về lịch sử phim ảnh đã khiến bản thân được mở mang rất nhiều.

IMG_3556

Trường đại học Ryukoku ngôi trường mang hơi hướng Phật giáo nơi Phan Anh đang theo học

Bí kíp săn học bổng “biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”.

Với kinh nghiệm gần như các năm đều nhận được học bổng Phan Anh nói: “Mình thấy có rất nhiều các học bổng mà du học sinh có thể lựa chọn như học bổng của trường đại học, của các tổ chức pháp nhân bên ngoài, cũng không có bí quyết gì quá kinh khủng nhưng điều đầu tiên khi muốn nhắm tới các học bổng này là chúng ta phải có một vốn tiếng Nhật thật tốt vì rất nhiều các học bổng giá trị đều phải trải qua khá nhiều vòng như xét duyệt hồ sơ, viết luận, phỏng vấn hay các bài kiểm tra khác. Khi đã có vốn tiếng nhật vững vàng rồi thì đối với mình sẽ là 3 bước quan trọng sau đây:

Bước 1: Tìm kiếm thông tin và lựa chọn các loại học bổng phù hợp với bản thân. Đây là một bước rất quan trọng vì khi bạn đã nhắm được mục tiêu và đặc biệt phải hiểu rõ đây là học bổng cần ở bạn những gì, mang lại gì cho bạn thì vạch ra lộ trình để phấn đấu trong cuộc đua giành học bổng sẽ khoa học hơn. Các bạn có thể tìm thông tin về học bổng trên Internet, hoặc trên bảng tin của trường cũng dán rất nhiều, hoặc có thể liên hệ văn phòng trường, đối với trường mình ở văn phòng các thầy cô rất thân thiện nên mình chỉ cần lên đề cập vấn đề sau đó các thầy với sẽ gửi Mail trả lời về những học bổng phù hợp với mình hay những học bổng mà mình nói đang quan tâm, ngoài ra việc mạnh dạn hỏi han kinh nghiệm từ các senpai cũng là điều không thể thiếu nữa nhé! Ngoài ra theo kinh nghiệm cá nhân của mình thì học bổng tưởng chừng như khó nhằn đôi khi lại ít đối thủ cạnh tranh hơn.

Bước 2: Khi bạn đã “nhắm” được mục tiêu thì việc còn lại là chinh phục thôi. Theo mình đối với những học bổng càng lớn thì đòi hỏi công sức chuẩn bị bỏ ra càng nhiều. Học bổng mà mình đang nhận hiện tại cho năm 3 thậm chí mình đã phải chuẩn bị trước hẳn 1 năm. Tuỳ từng tiêu chí của loại học bổng nào mà chúng ta sẽ chuẩn bị cho phù hợp. Có học bổng thì chỉ xét duyệt hồ sơ vậy chúng ta phải xây dựng cho mình một bộ hồ sơ thật tốt như điểm trên lớp, điểm chuyên cần, tích cực tham gia các hoạt động của trường. Đây là những thứ mà không phải ngày một ngày hai chúng ta xây dựng được mà là cả một quá trình cố gắng. Ngoài ra còn rất nhiều những học bổng không chỉ xét hồ sơ mà còn trải qua rất nhiều vòng khác nữa nên chuẩn bị một chút về kế hoạch học tập, hay dự định trong tương lai cũng là một sự chuẩn bị chu đáo cho phần phỏng vấn nhé!

Bước 3: Vậy là quá trình chuẩn bị gian nan đã xong và chúng ta chỉ chờ đến bước cuối là làm bài kiểm tra hay phỏng vấn nếu có thôi. Đối với cá nhân mình thì mình nghĩ việc trong giờ học phát biểu, hay chịu khó nói chuyện với cách giảng viên cũng rất quan trọng. Khi chúng ta làm điều này thì các thầy cô sẽ nhớ mặt và để lại những ấn tượng tốt đẹp nên việc xin giấy tiến cử từ các thầy cô cho bộ hồ sơ long lanh hơn sẽ dễ dàng. Và sau đó là một phong thái tự tin khi phỏng vấn hay việc biết được điểm mạnh điểm yếu của mình để tự đánh bóng bản thân trước người tuyển chọn theo mình nghĩ sẽ là phần quyết định cuối cùng.”

IMG_3573
Phan Anh xuất hiện trên trang chủ của khoa quốc tế đại học Ryukoku

Cuộc sống sinh viên sôi động trong lòng Kyoto cổ kính.

Nói về việc hoà nhập cùng các bạn học Phan Anh chia sẻ rằng mình khá may mắn khi học trong một khoa mà phần nhiều các bạn sinh viên Nhật chọn học khoa này đều là những bạn cởi mở, thích giao tiếp, giỏi ngoại ngữ và có ý định đi du học nước ngoài. Tuy vậy năm đầu tiên cuộc đối thoại của cậu bạn với các bạn học vẫn chỉ dừng lại ở: ” Xin chào! Rất mong được cậu giúp đỡ.” Sau này khi đã trở nên thân thiết hơn và có những phi vụ đi chơi xa khi được hỏi những người bạn này mới trả lời rằng thực ra lúc đó họ rất bối rối, vì nếu như nhìn các bạn du học sinh này tóc vàng mắt xanh thì các bạn ấy có thể nói chuyện bằng tiếng Anh, tuy nhiên với những bạn du học sinh châu Á nhìn giống người Nhật lại nói được tiếng Nhật lại không phải là người Nhật làm cho các bạn ấy rất bối rối. Phan Anh nhận định rằng không phải họ không muốn kết bạn hay thiếu thân thiện mà cái khó của người Nhật là họ không biết bắt đầu thế nào, và đôi chút rụt rè. Năm đầu tiên cậu bạn chỉ chơi thân với các bạn trong một nhóm nhỏ nhưng từ năm hai trở đi thì đã thân thiết hơn rất nhiều. Thậm chí còn có những phi vụ về nhà các bạn người Nhật chơi trong kì nghỉ lễ và được bố mẹ các bạn tiếp đón hết sức chu đáo. Mặc dù nhiều bạn hiện tại đã đi du học ở xa nhưng Phan Anh vẫn giữ liên lạc và nói chuyện với nhau rất vui.

“Kỉ niệm gần đây nhất là phi vụ nướng BBQ bên bờ sông được bố mẹ của một bạn thân chuẩn bị hết cho nguyên vật liệu, chở ra tận nơi và con gái của hai bác thì phải xem các bạn được bố mẹ mình chăm lo chu đáo qua video call vì hiện cô bạn này đang du học ở Canada”. Phan Anh hài hước nhớ lại.

IMG_3572
Buổi dã ngoại thiếu cô bạn đang đi du học nơi xa

“Ngoài ra trong năm đầu tiên mình thường nhờ các bạn trong lớp chữa lỗi chính tả cho các bản báo cáo của năm đầu, vừa là cách để mở lời kết bạn với các bạn, bản thân lại được dịp rèn luyện nâng cao khả năng tiếng Nhật”. Phan Anh trả lời sau khi được hỏi về vài “chiêu” làm sao để hoà nhập cùng những người bạn mới.

Cho đến anh chàng nhiếp ảnh tác giả của loạt ảnh đẹp và series Nhật kí hành trình trên iTabi.

Về đam mê nhiếp ảnh của mình, Phan Anh nói rằng việc chụp ảnh không những là sở thích mà còn là phương tiện để truyền tải cách nhìn về cuộc sống, về khung cảnh xung quanh mỗi ngày cho bố mẹ, bạn bè ở nhà được yên tâm. Và đặc biệt chuyên trang gợi ý các địa điểm đẹp cho những cuộc hành trình ý nghĩa của độc giả iTabi là nơi cậu được thử sức mình, phát huy khả năng và thử áp dụng trong ngành học liên quan. “Sở thích này cũng giúp mình có cơ hội được đi nhiều nơi, khám phá nhiều cảnh đẹp của nước Nhật và đặc biệt là tô điểm cho cuộc sống du học không nhàm chán nữa” – Phan Anh hào hứng đúc kết.

12695007_10201277771302787_3498329244953335459_o

Bức ảnh Phan Anh đạt giải trong cuộc thi về mùa thu Kyoto

Video Nhật kí hành trình mới nhất do Phan Anh dàn dựng trên iTabi.

Chia tay chàng sinh viên tài năng luôn tràn đầy nhiệt huyết. iSenpai và nhân vật kì này hi vọng có thể chia sẻ được phần nào về vài gợi ý, kinh nghiệm trong việc lựa chọn ngành học và xin học bổng.

Nếu bạn cũng muốn học tập trong môi trường đa dạng với ngành học thú vị như Phan Anh thì ngành quốc tế học là một gợi ý không tồi phải không nào?

Huyền Trang (iSenpai)

 

 

Trả lời