(Viên nghiên cứu Đông Bắc Á) – Kết cục của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai không chỉ mở ra một thời kỳ mới cho các dân tộc trên thế giới mà còn cả cho nhiều dân tộc Đông Á, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, so với các quốc gia như Hàn Quốc ở Đông Bắc Á hay Philippine ở Đông Nam Á, thì quá trình tác động của hệ giá trị phương Tây đã thành công hơn hẳn, mặc dù các nước này đều đặt dưới sự chiếm đóng của Mỹ. Hiến pháp năm 1946 thực sự là dấu mốc của một kỷ nguyên mới dân chủ và hòa bình cho Nhật Bản. Tinh thần của bản Hiến pháp Nhật Bản thể hiện khát vọng dân chủ và hòa bình triệt để nhất của một dân tộc trên thế giới cho đến nay. Nguyên nhân của sự thành công đó cần được xem xét từ hai phía: từ các tố chất nội bộ và truyền thống của xã hội Nhật Bản với tinh thần “bái địch vi sư” (vái kẻ thù làm thầy), và từ bên ngoài – tức là chính sách và năng lực của người đứng đầu bộ máy quân quản Mỹ.
Trong bài viết này, tác giả nêu một số nhận xét từ góc độ giá trị về bản Hiến pháp 1946 như sau:
– Vai trò của Thống chế Douglas MacArthur và Bộ tư lệnh Mỹ tại Nhật Bản trong quá trình xây dựng Hiến pháp 1946
– Nội dung dân chủ cơ bản của Hiến pháp 1946
– Dấu ấn giá trị phương Tây trên thực thi Hiến pháp 1946 ở Nhật Bản.
1. Vai trò của Douglas MacArthur và Bộ tư lệnh Đồng minh
Người ta đều biết Douglas MacArthur (1880-1964) nổi tiếng toàn thế giới về những thành tích lẫy lừng của ông khi ông là Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Đông Á: Philippine, Triều Tiên, Nhật Bản, thậm chí ông còn là Thống chế sáng lập quân đội của Philippine (Field Marshal). Công tích của ông đối với nước Nhật Bản đã khiến cho ông được nhiều người xưng tụng là một trong “12 người lập ra nước Nhật”.([1])
Trong 6 năm cầm quyền ở Nhật Bản cho đến cuộc chiến trên Bán đảo Trriều Tiên, ông đã để lại một di sản to lớn cho Nhật Bản trên nhiều phương diện, từ chính trị, luật pháp, kinh tế, xã hội, kể cả nghi lễ hoàng gia. Tinh thần cơ bản của mọi thành tựu ấy là xây dựng nền dân chủ theo mô hình nước Mỹ, biến Nhật Bản thành một “nước Mỹ lý tưởng.”. Điều đó thể hiện rõ rệt nhất trong nội dung bản Hiến pháp Nhật Bản hậu chiến. Về thực chất, các lực lượng Đồng minh chiếm đóng đã thực hiện một số biện pháp dân chủ nhằm thay đổi tính chất xã hội Nhật Bản từ “quân chủ” sang “dân chủ”, từ “quân phiệt”, “hiếu chiến” sang “hòa bình” xây dựng xã hội mới.
Để thực thi có kết quả hai nhiệm vụ căn bản đã nêu trên, Tướng Douglas MaArthur, Tư lệnh tối cao Bộ Tổng tư lệnh Đồng minh (SCAP), rất chú trọng đến việc dự thảo Hiến pháp mới. Sau 4 lần soạn thảo và và nhiều lần sửa đổi của cả hai bên Mỹ và Nhật, bản “Dự thảo sơ lược” của Hiến pháp và được Nội các Shidehara ban hành vào ngày 6 tháng 3 năm 1946. Dự thảo này chỉ khác với Dự thảo của MacArthur trên một số điểm, ví dụ: sự duy trì cơ quan lập pháp hai viện. Như vậy Hiến pháp 1946 trong thực tế là Hiến pháp của Mỹ do MacArthur chỉ đạo soạn thảo.
Nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Liên Xô và các nước đế quốc khác, MacArthur đã thúc đẩy nhanh việc thông qua Hiến pháp mới. Ngày 16 tháng 4 năm 1946, Nội các Nhật Bản chấp nhận thông qua “Dự thảo sơ lược” Hiến pháp và Luật sửa đổi Hiến pháp của Chính phủ. Sau khi đã thông qua một quy trình nghiêm ngặt trước Nghị viện, Hội đồng Cơ mật, và cuối cùng là Thiên hoàng phê chuẩn, Hiến pháp mới của Nhật Bản đã được Thiên hoàng công bố ngày 3 tháng 11 năm 1946 và có hiệu lực vào ngày 3 tháng 5 năm 1947.
2. Tinh thần dân chủ của Hiến pháp 1946
Hiến pháp Nhật Bản 1946 đã trở thành “Luật căn bản của quốc gia” dựa trên 3 nguyên tắc: chủ quyền của toàn dân và vai trò tượng trưng của Thiên hoàng, hòa bình và tôn trọng các quyền cơ bản của con người.([2])
Mục đích của hiến pháp này là nhằm bắt nhà nước phải hoạch định nền chính trị theo những quy định tối cao của hiến pháp, nghĩa là để hướng tới một nhà nước pháp quyền, các hoạt động chính trị phải theo luật định do Quốc hội thông qua. Hiến pháp mới xác lập ba nội dung cơ bản: nguyên tắc chủ quyền cho nhân dân, bảo đảm nhân quyền cơ bản và tinh thần hòa bình.
Kết cấu của bản Hiến pháp 1946 gồm lời nói đầu, 11chương, 103 điều. Các điều khoản của Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở phủ định khuynh hướng quân phiệt và xâm lược của Nhật Bản trong quá khứ, triệt để quán triệt nguyên tắc hòa bình (Điều 9 – Chương III). Nhật Bản từ bỏ chiến tranh, không được thành lập quân đội và không được phép gây chiến tranh với nước khác.
– Về Thiên hoàng, “Thiên hoàng là biểu tượng của Nhà nước và sự thống nhất của toàn dân, có địa vị xuất phát từ ý nguyện của nhân dân”. Mọi hoạt động liên quan đến chính trị của Nhật hoàng và hoàng gia Nhật đều bị chịu sự giám sát và sự chấp thuận từ Nội các, điều 4 quy định: “Thiên hoàng sẽ thực hiện những hành động đối với vấn đề Nhà nước như đã được quy định trong Hiến pháp này và sẽ không có quyền lực gì liên quan đến chính phủ”. Điều 3 của Hiến pháp còn nhấn mạnh: “Mọi hành động của Thiên hoàng có liên quan tới vấn đề Nhà nước đều phải được thông báo và được sự phê chuẩn của Nội các và Nội các phải chịu trách nhiệm đối với những hành động như vậy”. Như vậy, Nhật hoàng không có vai trò gì liên quan đến quốc chính.
– Về Quốc hội, trái ngược với Hiến pháp 1889, Hiến pháp 1946 quy định: “Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, là cơ quan lập pháp duy nhất của quốc gia”. Quốc hội Nhật Bản được tổ chức theo hình thức hai viện: Hạ viện và Thượng viện, tạo cơ chế giám sát và hạn chế quyền lực của nhau, bảo đảm không thái quá của mỗi viện trong quá trình thực hiện chức năng. Các nghị sĩ (cả Hạ viện lẫn Thượng viện) là đại biểu của toàn thể nhân dân (khác với tổ chức Nghị viện của Anh khi Thượng viện có phương thức thành lập không dân chủ, các thành viên có xuất thân từ giới quý tộc, quan chức có nhiệm kỳ suốt đời) . Hai viện của Quốc hội được giao cho quyền hành rất rộng rãi trong việc điều hành hoạt động chính trị của đất nước.
– Về cơ quan hành pháp: Nội các Nhật Bản, cũng giống như Nội các Anh quốc, Nội các Nhật Bản được thành lập trên cơ sở bầu chọn của hai viện Quốc hội, tuy nhiên quyền quyết định thuộc về Hạ viện.
Nội các Nhật Bản là nhánh hành pháp của chính quyền Nhật Bản. Theo Hiến pháp, các Bộ trưởng được Thủ tướng lựa chọn và bổ nhiệm. Phần lớn thành viên của Nội các, bao gồm cả Thủ tướng phải là đại biểu của một trong hai viện thuộc Quốc hội và tất cả thành viên đều phải là dân sự. Theo Luật Nội các năm 2001, số lượng Bộ trưởng không được quá 14 người, tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, vẫn có thể lên đến 17 người. Trong trường hợp Nội các từ chức tập thể, Nội các vẫn phải điều hành công việc cho đến khi có một Thủ tướng mới được bổ nhiệm. Trong khi tại nhiệm, các hoạt động pháp lý vẫn có thể chống lại các Bộ trưởng mà không cần có sự đồng ý của Thủ tướng.
– Về cơ quan Tư pháp: Hệ thống Tòa án trong khi, nhánh lập pháp và hành pháp của chính quyền Nhật Bản được tổ chức về cơ bản giống chính trị Anh quốc, thì nhánh tư pháp- tòa án lại được cấu trúc giống như hệ thống tòa án của Mỹ.
Theo Hiến pháp 1946, cơ quan tư pháp gồm 3 cấp: Tối cao Pháp viện, 8 tòa án cao cấp và các tòa án địa phương, tòa án gia đình. Tối cao Pháp viện gồm Chánh án được Thiên hoàng Nhật Bản bổ nhiệm và 14 vị Thẩm phán do Nội các chọn. Tất cả các vụ án đều được xét xử công khai, nhất là các vụ vi phạm chính trị, báo chí và nhân quyền.
Tòa án tối cao Nhật Bản gồm 16 thành viên (ở Mỹ là 9 thành viên), do Thiên hoàng bổ nhiệm theo đề nghị của Nội các với chức danh Chánh án và Nội các bổ nhiệm thông qua trưng cầu dân ý với các chức danh thẩm phán còn lại, nhiệm kỳ 10 năm (trong khi ở Mỹ, Tổng thống bổ nhiệm các thẩm phán Tòa Tối cao thông qua Quốc hội, và có nhiệm kỳ suốt đời). Cũng giống như các Thẩm phán Mỹ, các thẩm phán Nhật Bản phải từ bỏ đảng phái để đảm bảo hoạt động độc lập, lương rất cao.
– Về phân quyền địa phương, một nguyên tắc chính trị quan trọng được quy định trong hiến pháp là nguyên tắc tự trị địa phương. Hiến pháp khẳng định: cơ quan hành chính địa phương là “trường học của nền dân chủ”, là yếu tố để dân chủ hóa toàn bộ đất nước.
Sau khi ban hành Hiến pháp 1946, Nhật Bản về hình thức là nhà nước quân chủ lập hiến. Nhưng về thực chất mọi quyền hành đều nằm trong tay quốc hội đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Có tác giả cho hình thức này thực chất là dân chủ đại nghị hoặc theo tác giả Mishin A.A, Entin L. M cho là quân chủ đại nghị. Trên cơ sở nguyên tắc “chủ quyền do dân quyết định”.
3. Dấu ấn giá trị dân chủ Phương Tây trong thực thi Hiến pháp
Cuối những năm 40, MacArthur đã từng đưa ra thuyết “Nhật Bản mới 12 tuổi” như sau: “Hiện nay Nhật Bản mới được 12 tuổi, mới có trình độ trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở). Nhưng rồi đây, tốt nghiệp xong trung học đệ nhất cấp sẽ tiến lên bậc trung học đệ nhị cấp (trung học phổ thông), thành người trưởng thành ra làm việc xã hội. Cuối cùng hẳn Nhật Bản cũng sẽ thành một nước người lớn bề thế như Mỹ. Quốc dân Nhật Bản phải biết nhắm tới mục tiêu ấy”.([3])
Đặc điểm đầu tiên của dân chủ kiểu phương Tây là bầu cử theo phổ thông đầu phiếu. Nhưng dân chủ Nhật Bản là dân chủ nghị viện, chứ không phải phải dân chủ tổng thống như ở nước Mỹ. Tại sao người Mỹ lại không áp đặt mô hình Mỹ cho nước Nhật? Rõ ràng ở đây người Mỹ đã rất thực tế và tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc Nhật Bản, khi giữ lại ngôi vương vị cho Thiên hoàng. Mặt khác, nếu tiến hành chế độ bầu cử tổng thống trên toàn quốc kiểu Mỹ, thì khả năng sẽ có một nhân vật chống Mỹ đắc cử.([4])
Đặc điểm thứ hai là Hiến pháp trao nhiều quyền tự trị cho địa phương. Bằng kinh nghiệm ở Mỹ, MacArthur tin rằng dân chúng ở đâu cũng thế, đều muốn tự cai quản xóm làng của mình, do đó nên để cho dân chúng các địa phương bầu ra người lãnh đạo của địa phương mình, đối trọng lại chính quyền trung ương.
Đặc điểm thứ ba là, MacArthur coi trọng sự bình đẳng, tự do và an toàn xã hội. Bình đẳng kiểu Mỹ là bình đẳng về cơ hội. Nó cổ vũ cho bình đẳng giới, xây dựng công đoàn, cải cách ruộng đất, xoá bỏ chế độ đại gia đình nhiều thế hệ và gia trưởng truyền thống. Tuy nhiên, bình đẳng ở Nhật Bản chủ yếu là bình đẳng về kết quả, gần với ý nghĩa chủ nghĩa bình quân, trái với ở Mỹ. Biện pháp truyền thống của Nhật là chấp nhận bất bình đẳng về cơ hội để quản lý bình đẳng về kết quả thông qua hệ thống quan liêu ưu tú.
Trên hoạt động thực tiễn của đời sống văn hoá, chính quyền chiếm đóng tìm mọi hình thức và khả năng truyền bá văn hoá Mỹ ở Nhật Bản, nhất là trong nhà trường. Trong đó ba khía cạnh chủ chốt là điện ảnh, thể thao, sex (người ta gọi là 3 S). Người Mỹ cố gắng truyền bá chủ nghĩa vật chất nhằm huỷ diệt chủ nghĩa duy tâm coi trọng tinh thần của người Nhật. Do đó người Mỹ đã trọng dụng các học giả kinh tế học, các quan chức ngành kinh tế, biểu dương các doanh nghiệp có năng suất cao, những người giàu có.
Tóm lại, bản Hiến pháp 1946 của Nhật Bản là một bước tiến lớn lao trên con đường dân chủ hoá nước Nhật. Dưới áp lực của quân chiếm đóng Mỹ, bản hiến pháp mới đã vận dụng khá sáng tạo thể chế dân chủ của các nước phương Tây mà chủ yếu là mô hình thể chế tam quyền phân lập (quân chủ lập hiến/ quân chủ đại nghị) của Vương quốc Anh và hệ thống tư pháp mang tính độc lập cao của Mỹ. Điều đáng chú ý là, mặc dù người Mỹ có toàn quyền của chính quyền quân quản, nhưng họ đã tôn trọng truyền thống văn hoá Nhật Bản. Quá trình thực thi Hiến pháp ở Nhật Bản theo mô hình phương Tây đã đem lại nhiều thay đổi cơ bản trong thang giá trị của xã hội Nhật Bản, trước hết là các khía cạnh quyền dân chủ, tự do, bình đẳng, phân quyền, đặc biệt là chủ nghĩa hoà bình. Nhờ vậy nước Nhật từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai đến nay là một quốc gia ổn định, dân chủ, văn minh, đi theo chủ nghĩa hoà bình và đạt trình độ phát triển thần kỳ. Những kinh nghiệm của họ xứng đáng để các nước Châu Á khác, trong đó có Việt Nam noi theo.
LƯƠNG VĂN KẾ
(TSKH, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Bích Vân (2007), Tác động của yếu tố nước ngoài đối với Nhật Bản thời Minh Trị, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 12(82).
2. Hoàng Thị Minh Hoa (1993), Truyền thống và hiện đại của Nhật Bản từ Minh Trị duy tân đến nay, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4/1993, Hà Nội.
3. Quang Chính (1957), Nguyên bản Hiến pháp 1889 do Nhật hoàng công bố ngày 11/2/1889 [in trong “Chính trị Nhật Bản (1854-1954)”].
4. Sakaiya Taichi (2004), Mười hai người lập ra nước Nhật, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Tadao Umesao (2007), Lịch sử nhìn từ quan điểm sinh thái học, Nxb Thế giới, Hà Nội
6. Yukichi Fukuzawa (2006), Phúc ông tự truyện, Nxb Thế giới, Hà Nội.
7. Website Chính phủ Nhật Bản: http://www.kantei.go.jp/foreign/cabinet_system/2.html,
([1]) Sakaiya Taichi: Mười hai người lập ra nước Nhật, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004.
([2]) Bùi Bích Vân (2007), Tác động của yếu tô nước ngoài đối với Nhật Bản thời Minh Trị, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 12(82), tr. 44-52.
([3]) Sakaiya Taichi, Mười hai người lập ra nước Nhật, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004, tr. 352.
([4]) Sách đã dẫn trên, tr. 354.