Môn Xã hội tổng hợp (Sougoukamoku) là một trong ba môn thi bắt buộc đối với nhiều bạn thi vào ban Xã hội. Môn thi này bao gồm kiến thức lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội của Nhật Bản và thế giới. Thời gian làm bài là 80 phút với khoảng 40 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm. Điểm tổng của môn này là 200 điểm.
1. Cần trình độ tiếng Nhật thế nào để thi môn này?
Trả lời: Không có yêu cầu gì về trình độ tiếng Nhật khi dự thi Xã hội tổng hợp. Bạn hoàn toàn có thể đăng kí làm bài bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu bạn đăng kí dự thi môn này bằng tiếng Nhật, bạn sẽ cần có một lượng từ vựng tiếng Nhật đủ để đọc hiểu các từ ngữ chuyên ngành liên quan tới chính trị, kinh tế, xã hội v.v… Vậy nên, có lẽ những bạn nào có trình độ tiếng Nhật tương đương N2 trở lên sẽ dễ dàng học và thi môn này hơn.
2. Mình nên học sách nào?
Trả lời: Tuỳ theo mục tiêu của bạn. Đề thi Xã hội tổng hợp được chia thành nhiều mức câu hỏi, từ dễ tới khó. Những câu dễ được phân bổ điểm cao hơn những câu khó. Những câu hỏi khó thường yêu cầu suy luận thực tế, nắm thông tin mới nhất về các sự kiện lớn gần đây.
Với những bạn mới bắt đầu học, bạn có thể tham khảo quyển 日本留学試験対策 ハイレベル総合対策 . Quyển sách này khá dày, viết chi tiết, nội dung bao quát nhiều chủ đề. Nếu bạn có thể nắm vững quyển sách này, bạn có thể được trên 150 điểm môn thi này.
3. Mình cần bao nhiêu điểm để đỗ môn này?
Trả lời: Không có đỗ trượt trong kỳ thi EJU, chỉ tính điểm cao hay thấp thôi.
4. Giới hạn phạm vi học như thế nào?
Trả lời: Bạn nên tham khảo phạm vi ra đề tại website của Jasso.
5. Mình đã học thi Xã hội tổng hợp như thế nào?
Tác giả có dự thi EJU vào tháng 12 năm 2016 và đạt 195/200 điểm môn Xã hội tổng hợp. Mặc dù phong cách học thi của mỗi người không giống nhau, mình tin rằng kinh nghiệm học của mình cũng sẽ có ích phần nào đó cho các bạn đang có ý định dự thi môn học này.
- Nghe và hiểu bài trên lớp. Ghi nhớ bằng tai hiệu quả hơn ghi nhớ bằng mắt. Nếu có thể, bạn hãy ghi nhớ trên 70% nội dung bài giảng của thầy cô trên lớp nhé.
- Take note ngắn gọn, dễ hiểu. Sơ đồ hoá, lập bảng với một số phần kiến thức. Hãy viết ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu. Người duy nhất cần hiểu cái note đó là bạn. Vậy nên, bạn có thể sử dụng kí hiệu, lập sơ đồ cây, bảng tuỳ ý miễn là bạn hiểu.
Ví dụ: 湾岸戦争 ( Chiến tranh Vùng Vịnh), bạn có thể chỉ viết tắt 湾戦、hoặc dùng tên tiếng Anh của nó Gulf War. Với phần liên quan tới các tổ chức quốc tế lớn như IAEA, UNICEF, WHO v.v.. bạn có thể lập bảng với các mục như tên cơ quan, năm thành lập, trụ sở, nội dung hoạt động v.v..
- Làm nhiều đề thi các năm trước. Thời gian học ôn thi năm 2016, mình đã làm ít nhất 2 lần đề thi từ năm 2004 tới 2016. Từ khoảng năm 2010, cách ra đề và giới hạn phạm vi đề có sự thay đổi (gần với cách ra đề hiện tại nhất). Vậy nên, riêng phần này, mình đã luyện tập khoảng 3-4 lần. Điểm quan trọng nhất là, bạn cần tìm ra lỗi sai của mình trong những lần trước, hiểu được nguyên nhân sai, phần kiến thức bị hổng và học chắc phần kiến thức đó cùng với kiến thức liên quan.
- Đọc nhiều sách liên quan. Để được mức điểm cao trên 180, bạn cần trang bị nhiều kiến thức cho bản thân hơn kiến thức từ một quyển sách. Vào khoảng năm 2016, mình không học quyển sách trên mà học sách ôn thi Kinh tế chính trị, Địa lý dành cho học sinh cấp ba của Nhật. Ngoài làm đề thi EJU, mình cũng làm thử một vài đề thi tốt nghiệp cấp ba của học sinh Nhật (Hình như có trúng 1 câu hỏi khó hôm thi EJU).
Tóm lại, theo kinh nghiệm của mình, môn Xã hội tổng hợp là một môn rộng nhưng không sâu. Vậy nên, mình nghĩ các bạn chỉ cần đọc nhiều sách, làm nhiều đề thì sẽ đạt được điểm kha khá trong kì thi này. Chúc các bạn thành công nhé!
yul7love (isenpai)