Kinh nghiệm học thi môn tiếng Nhật trong kì thi EJU

Đăng ngày 22/09/2017 bởi iSenpai

Hôm nay, mình muốn được chia sẻ kinh nghiệm học thi môn tiếng Nhật của EJU. Tháng 12 năm 2015, mình thi EJU tại Việt Nam và chỉ được khoảng 280/400 (không tính phần thi viết luận) môn tiếng Nhật. Sau một năm mình sang Nhật học tiếng, điểm tiếng Nhật của mình tăng lên 360/400 vào kì thi tháng 12/2016. Đây có lẽ là môn học mình có nhiều điều để chia sẻ nhất.

Mình đã học Đọc hiểu như thế nào?

Môn Đọc hiểu có khoảng 25 câu hỏi với thời gian làm bài 40 phút, tức 1.6 phút/câu. Vậy nên, với mình, điểm quan trọng nhất của phần đọc hiểu là sự chính xác và tốc độ. Có những câu hỏi dễ, bạn có thể sẽ chỉ mất chưa tới 1 phút để chọn đáp án, tuy nhiên cũng có những câu sẽ tốn khoảng 2 phút trở lên để tìm ra được câu trả lời.

Image result for japanese eju

Chiến lược làm bài của mình là:

  • Làm nhanh phần đoản văn.

Phần đoản văn có rất nhiều câu hỏi đại loại như: Tác giả nói gì về A, tác giả có ý kiến gì về A, điều tác giả muốn nói là gì. Những câu hỏi kiểu này thường có câu trả lời tại những câu cuối của đoạn. Vậy nên, thứ tự đọc của mình sẽ là câu hỏi -> câu văn mở đầu (tìm hiểu đoạn văn nói về gì) -> câu văn cuối đoạn hoặc 2 câu cuối (tìm ý kiến của tác giả) -> so vào đáp án

Với những đoạn văn có câu hỏi tìm kiếm thông tin như: Trong các đáp án dưới đây, đáp án nào sai, đặc điểm của X là gì v.v.. Rất tiếc, chúng ta chỉ có cách đọc cả đoạn văn để tìm ra câu trả lời. Với những câu hỏi này, thường mình sẽ đọc câu hỏi -> câu mở đầu (biết chủ đề đoạn văn) -> đáp án (tìm từ khóa) -> so ngược lại vào đoạn văn.  

Image result for japanese eju

  • Thông tin ở phần gạch chân sẽ xuất hiện trong vòng 2-3 câu trước hoặc sau từ đó.

Tại đoạn văn dài, bạn sẽ gặp các câu hỏi liên quan tới phần gạch chân. Bạn sẽ tìm được thông tin liên quan tới phần này tại 2-3 câu ngay trước hoặc ngay sau nó. Đây là kĩ năng nhiều bạn sẽ được dạy khi học thi đọc hiểu JLPT nên mình không nhắc lại nữa. Thứ tự đọc phần này của mình là câu hỏi -> câu chủ đề -> câu kết -> đáp án (từ khóa) -> tìm thông tin có từ khóa trong bài.

* Chú ý: Phân bổ thời gian hợp lý. Phần đoản văn và trung văn có số lượng câu tương đương nhau nên bạn cần phân bổ thời gian hợp lý. <20 phút cho phần đoản văn, <20 phút cho phần trung văn, > 3 phút để kiểm tra lại bài.

               Cần luyện đề nhiều. Cải thiện tốc độ đọc bằng việc làm nhiều đề, đọc nhiều văn bản linh tinh như sách báo. Cải thiện sự chính xác qua các đề thi thử.

              Nên đặt thời gian làm bài cho mình theo đúng kì thi thật. Bạn chỉ được làm đề trong vòng 40 phút nên hãy đặt thời gian như thế mỗi khi luyện đề. Sau khi làm được khoảng 7-8 câu, hãy kiểm tra thời gian còn lại để có thể căn chỉnh hợp lý.

              Với những câu làm sai, bạn nên tìm ra lý do câu đó sai, lý do đáp án đúng hợp lý mà bạn lại không chọn để hiểu thật rõ lỗi sai và sửa cho lần sau.

Mình đã học Nghe đọc hiểu và Nghe hiểu ra sao?

  • Cách thức làm bài thi:

Với phần Nghe đọc hiểu, mình đã đọc câu hỏi trước băng -> dùng thời gian băng đọc câu hỏi để lướt đáp án -> tìm điểm đặc trưng của đáp án -> vừa nghe vừa loại trừ -> chọn đáp án.

Với phần Nghe hiểu: nghe câu hỏi-> nghe và tìm câu trả lời luôn (không take note)-> nghe và khoanh đáp án.

Đây là cách học mình được cô giáo trường tiếng dạy. Đó chính là không take note, nghe, loại trừ đáp án, tìm ra câu trả lời trong băng.

Nhiều bạn sẽ hỏi: Không take note nhỡ quên thì sao? Nhỡ không nghe được thì sao?

Câu trả lời của mình là nếu bạn làm chủ được bài nghe thì không phải sợ gì cả. Và cách thức học thi là:

  • Cách thức học thi: Chép chính tả.

Hãy chọn 1-2 bài bạn cảm thấy khó nhằn nhất trong mỗi đề thi để tập nghe và chép chính tả. Mỗi bài chép chính tả có thể tốn của bạn từ 30 phút tới 1 tiếng nhưng kết quả đạt được hoàn toàn đáng mong đợi. Trình độ tiếng Nhật của bạn sẽ cải thiện đáng kể trong vòng 3-6 tháng đấy.

* Chú ý: Phần thi nghe cuối cùng thường là lúc bạn buồn ngủ nhất. Vậy nên hãy luyện cách tập trung nhé. Nếu có thể, bạn nên ngồi làm đề liên tục trong 2 tiếng với trình tự y hệt đề thi thật để cho luyện cho não bạn “nhớ” cường độ làm việc đấy nhé.

Chúc các bạn đạt điểm cao trong kì thi EJU sắp tới.

yul7love (isenpai)

 

Trả lời