Với những người Nhật làm việc ở các thành phố lớn thì một ngày mới bắt đầu từ trạng thái sushi-zume, thuật ngữ chỉ việc nhồi nhét người vào những toa tàu tựa như người ta ép cơm khi làm sushi. Cơn đau đầu không dừng lại ở đó. Văn hóa làm việc nổi tiếng ở đất nước này khiến người ta phải ngồi hàng giờ liền trong các văn phòng và bị quản lý bởi những luật lệ phức tạp. Làm quá giờ không phải chuyện bất thường và những chuyến tàu cuối ngày trong tuần lúc nửa đêm đầy ắp những người mặc suit. Vậy người Nhật làm thế nào để vượt qua những chuyện này?
Bí quyết có thể nằm ở ikigai. Không có từ tương đương trong các ngôn ngữ khác nhưng đó là một thuật ngữ để chỉ chỉ ý tưởng về hạnh phúc trong cuộc đời. Về cơ bản, ikigai là lý do vì sao bạn thức dậy mỗi ngày. Với người phương Tây nó liên quan đến các giá trị chồng chéo nhau: điều bạn yêu, điều bạn giỏi, điều thế giới cần và điều bạn sẽ được trả tiền để làm còn với người Nhật thì nó sẽ khác đi một chút. Ikigai của một người có thể không liên quan gì đến thu nhập. Thực tế trong một cuộc điều tra năm 2010 của Central Research Service năm 2010 trên 2000 người Nhật thì chỉ có 31% số người trả lời cho rằng công việc là ikigai của họ. Nhiều người có thể cho rằng giá trị của cuộc sống là công việc nhưng nó không chỉ giới hạn ở đó.
Cái nhìn cận cảnh
Một đồng tác giả trong một nghiên cứu năm 2001 về ikigai, Akihiro Hasegawa, phó giáo sư tâm lý học lâm sàng ở đại học Toyo Eiwa đã đặt từ ikigai như một phần của tiếng Nhật thường ngày. Nó là sự kết hợp của 2 từ: iki, nghĩa là sống và gai, có nghĩa là giá trị. Theo ông, từ nguyên của ikigai bắt đầu từ thời Heian (794 đến 1185). “Gai đến từ chữ kai (“vỏ sò” trong tiếng Nhật) là một thứ rất có giá trị và ikigai là một từ dùng để chỉ giá trị của cuộc sống.
Còn một số từ khác cũng dùng từ tố kai: yarigai hay hatarakigai nghĩa là giá trị của hành động hay làm việc. Ikigai có thể được coi là một khái niệm toàn diện bao hàm các giá trị khác nhau trong cuộc sống.
Có nhiều sách viết về ikigai ở Nhật nhưng có một cuốn rất đáng chú ý: Ikigai-ni-tsuite (Về Ikigai), xuất bản năm 1966. Tác giả của nó, nhà tâm lý học Mieko Kamiya giải thích rằng ikigai giống như hạnh phúc nhưng có khác biệt một chút về sắc thái. Ikigai cho phép bạn hướng tới tương lai dù cho hiện tại bạn đang khốn khó.
Hasegawa chỉ ra rằng ikigai có thể được dịch như là “mục đích sống”: “Ở Nhật chúng tôi có từ jinsei, có nghĩa là đời người và seikatsu, có nghĩa là cuộc sống hàng ngày”. Khái niệm ikigai gần với seikatsu và thông qua nghiên cứu của mình, Hasegawa khám phá ra người Nhật tin rằng tổng hợp những niềm vui nhỏ trong cuộc sống hàng ngày sẽ mang lại một cuộc sống trọn vẹn hơn xét về toàn thể.
Một khái niệm về sự trường sinh?
Nhật Bản là nước có tuổi thọ trung bình cao bậc nhất thế giới. Liệu ikigai có liên quan đến việc sống lâu? Dan Buettner, tác giả cuốn sách Blue Zones: Lessons on Living Longer from the People Who’ve Lived the Longest tin là có. Ông đã đi tới các cộng đồng những người sống lâu nhất thế giới mà ông gọi là “blue zone”. Một trong số đó là Okinawa, hòn đảo có một lượng đáng chú ý những người sống trên trăm tuổi. Trong khi các bữa ăn kiêng độc đáo cũng có liên quan chặt chẽ đến tuổi thọ trung bình ở đây, Buettner cho rằng ikigai đóng góp một phần quan trọng.
“Những người cao tuổi ở đây được trọng vọng và họ cảm thấy cần phải truyền lại trí tuệ của mình cho các thế hệ trẻ. Điều này goups họ có một mục đích để sống ngoài việc sống cho bản thân mà còn phục vụ cho cộng đồng.” Theo Buettner, ikigai không chỉ dành riêng cho người dân ở Okinawa: “Có thể họ không có từ riêng cho nó nhưng ở các khu vực khác như Sardinia hay bán đảo Nicoya, người ta cũng có những khái niệm tương tự,”
Buettner gợi ý người ta nên lập ra 3 danh sách: giá trị của bạn, điều bạn muốn làm, điều bạn giỏi. Phần giao giữa những danh sách đó chính là ikigai. Tuy nhiên chỉ hiểu ikigai đơn thuần là không đủ. Bạn cần phải hành động. Với cụ bà Tomi Menaka, ikigai của bà là nhảy và hát cùng những người bạn trong nhóm nhạc KBG84 toàn các cụ giả ở Okinawa và có thể nó cũng tương tự với những người khác trong nhóm.
Hành động
Trong một nền văn hoá nơi mà giá trị của tập thể vượt trội so với cá nhân, người lao động Nhật Bản được thúc đẩy bởi sự hữu ích với người khác, được cảm ơn và được các đồng nghiệp của họ quan tâm theo lời Toshimitsu Sowa, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn nhân sự Jinzai Kenkyusho. Giám đốc điều hành của công ty tuyển dụng Probity Global Search Yuko Takato dành nhiều thời gian với những nhân sự trình độ cao, coi công việc là ikigai của họ, và theo Takato, tất cả họ đều có một điểm chung: họ có động lực và nhanh chóng hành động.
“Nếu bạn muốn bắt đầu một công ty, nhưng bạn sợ sẽ phải làm những cái bạn không biết, hãy đi xem một ai đó đang làm công việc tương tự như trong tưởng tượng của bạn,” Bằng cách nhìn thấy các kế hoạch của bạn trong thực tế, Takato nói, “Nó mang lại sự tự tin rằng bạn cũng có thể làm điều đó “.
Nghĩ nhỏ hơn
Không hề đúng khi nói làm việc chăm chỉ hơn và lâu hơn là những nguyên lý chính của triết lý ikigai – gần một phần tư số nhân viên Nhật làm việc hơn 80 giờ làm thêm giờ một tháng, và kết quả thật bi thảm – đó là hiện tượng karoshi (chết vì làm việc quá sức). Thay vào đó, ikigai là cảm giác thấy công việc của bạn mang lại một sự khác biệt trong cuộc sống của người khác.
Cách mọi người tìm thấy ý nghĩa trong công việc của họ là một chủ đề các chuyên gia quản lý rất quan tâm. Một nghiên cứu của giáo sư ngành quản trị Wharton Adam Grant đã giải thích đó là điều thúc đẩy nhân viên “làm việc có tác động đến hạnh phúc của người khác” và “nhìn thấy hoặc gặp gỡ những người có ảnh hưởng từ việc họ làm”.
Trong một cuộc thí nghiệm, những nhà xét tuyển ở trường Đại học Michigan đã dành thời gian với một người nhận học bổng mà họ đang cố gắng huy động tiền và kiếm thêm 171% tiền quỹ khi so sánh với những người chỉ làm việc qua điện thoại. Hành động đơn giản gặp gỡ người hưởng lợi của sinh viên mang lại ý nghĩa cho người gây quỹ và tăng cường hiệu quả của họ.
Điều này áp dụng cho cuộc sống nói chung. Thay vì cố gắng giải quyết nạn đói trên thế giới, bạn có thể bắt đầu nhỏ bằng cách giúp đỡ một ai đó xung quanh bạn, giống như một nhóm tình nguyện viên địa phương.
Đa dạng hóa ikigai
Nghỉ hưu có thể mang lại một sự mất mát và trống trái to lớn cho những người tìm thấy ikigai của họ trong công việc. Điều này đặc biệt đúng với các vận động viên, những người có sự nghiệp tương đối ngắn.
Dai Tamesue, người nghỉ hưu vào năm 2012, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng câu hỏi cơ bản của anh sau khi nghỉ hưu là: “Tôi đã muốn đạt được điều gì khi chơi thể thao?”
“Đối với tôi, điều tôi muốn đạt được thông qua việc thi đấu trong lĩnh vực này là để thay đổi nhận thức của mọi người về môn thể thao đó”. Sau khi nghỉ hưu, anh mở một công ty hỗ trợ kinh doanh liên quan đến thể thao.
Câu chuyện của Tamesue cho thấy bản chất linh hoạt của ikigai và cách nó có thể được áp dụng. Khi nghỉ hưu, bạn cần phải hiểu rõ lý do tại sao bạn làm những gì bạn làm ngoài việc nhận lương. Bằng cách chú ý đến điều này, nó sẽ có thể giúp bạn sống một cuộc sống trọn vẹn hơn.