Nếu ở Việt Nam bạn thường ăn rau muống, rau ngót, rau mùng tơi, rau đay, mướp, rau bí, rau dền,… thì ở Nhật, nơi tất cả các loại rau kể trên đều KHÔNG CÓ hoặc chỉ bán ở rất ít những nơi rất khó tìm với giá khá đắt, thì ở đây bạn sẽ ăn rau gì? Với khí hậu, địa hình và thói quen ăn uống của người dân khác xa với ở Việt Nam, các loại rau củ của Nhật cũng có rất nhiều điểm khác biệt.
Gobo (rễ cây ngưu bàng)
Cây ngưu bàng tồn tại khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên gobo – loại rau lấy từ rễ của cây này – chỉ được tiêu thụ chủ yếu ở châu Á và đặc biệt là tại Nhật Bản. Cây gobo lớn có thể dài 1-2m, nhưng khi bán chúng được cắt ngắn bớt. Gobo luôn được nấu chín trước khi ăn và thường được ăn trong các loại canh, súp.
Các món ăn phổ biến nhất có gobo là Kinpira gobo, trong đó gobo và cà rốt được thái sợi, xào lên với nước tương, đường và cả rượu sake.
Ninjin (cà rốt)
Cà rốt là một loại rau phổ biến rộng rãi và phổ biến ở Nhật Bản. Cà rốt Nhật thường dày hơn so với cà ở Bắc Mỹ và châu Âu nhưng có vị giống hệt.
Cũng giống như cà rốt ở các nơi khác trên thế giới, cà rốt thường được ăn sống trong salad, hoặc chế biến thành các món ăn khác nhau như cà ri Nhật Bản và lẩu (nabe).
Do có màu sắc tươi sáng và độ cứng chắc, cà rốt thường được cắt tỉa thành các hình trang trí trong các món ăn, hoặc đơn giản chỉ được cho thêm vào để thêm màu sắc cho món ăn đó.
Tamanegi (hành tây)
Nhật Bản là một trong những nước sản xuất hành tây hàng đầu thế giới, và hành tây được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều món ăn Nhật Bản.
Cũng như trong hầu hết các món ăn khác, hành tây thường được nấu chín trước khi ăn, và là một thành phần đặc trưng của nhiều món ăn chiên và hầm như cà ri Nhật Bản, các loại donburi (cơm phần với thức ăn được cho hết vào cùng bát cơm), và lẩu (nabe).
Hành tây cũng có thể được cho vào súp miso, hoặc nướng cùng với thịt trong Teppanyaki (món thịt nướng bản sắt).
Shoga (gừng)
Gừng vốn được du nhập vào Nhật từ Trung Quốc, thường được sử dụng trong các món ăn Nhật. Mó được gọi là một loại “gia vị mùa đông” , vì thường được sử dụng để làm nóng các bữa ăn mùa đông hay ăn kèm với cá để trung hòa vị tanh của cá.
Một số loại sushi và sashimi được ăn với gừng xay nhuyễn và wasabi và để thêm hương vị hoặc trung hòa vị tanh. Gừng xay nhuyễn cũng còn được ăn với đậu phụ để gia tăng hương vị.
Gừng thái lát mỏng và ướp chua bằng giấm, được gọi là gari, được dùng để ăn kèm với sushi. Một loại gừng ngâm giấm, màu đỏ sẫm và có vị đạm hơn gari – beni shoga – thường được ăn kèm với các loại thịt hoặc các món ăn chiên dầu như yakisoba và tonkatsu.
3. Các loại rau khác
Takenoko (măng)
Ở Nhật măng là loại rau tượng trưng cho mùa xuân. Tên gọi của nó có nghĩa là “con của tre”. Măng phải được thu hoạch trước khi nó mọc chồi ra khỏi mặt đất, nếu không măng sẽ trở nên cứng và chuyển sang màu xanh lá cây.
Măng có thể được nướng, hấp với cơm, tẩm bột chiên trong tempura, hoặc được luộc chín trong các món canh và món hầm.
Negi (hành lá)
Hành lá có trong nhiều món ăn chiên và luộc, hoặc được rắc lên trên các món domburi (cơm phần) như trong gyudon (cơm thịt bò).
Ở các vùng khác nhau của Nhật Bản lại có những loại hành lá khác nhau, tuy nhiên có 2 giống phổ biến nhất: 1 loại của khu vực Kanto có gốc màu trắng, dài, và loại của khu vực Kansai có gốc chủ yếu là màu xanh.
Tomato(Cà chua)
Tại Nhật Bản, cà chua được ăn chủ yếu trong các món Tây, ăn sống trong salát hoặc được dùng để trang trí món ăn. Mặc dù là một trong những loại rau phổ biến nhất ở Nhật Bản, nhưng cà chua hiếm khi được nấu trong các món ăn Nhật Bản truyền thống. Do kích thước vừa phải và màu sắc đẹp mắt, cà chua đặc biệt phổ biến trong các hộp bento (cơm hộp).
Kyuri (dưa chuột)
Dưa chuột Nhật thường bé hơn so với dưa chuột phương Tây, và khi ăn thì không cần gọt vỏ. Dưa chuột thường được dùng trong salát, hoặc dùng để trang trí, hoặc được ngâm vào nước muối lạnh. Dưa chuột là một trong những loại rau phổ biến nhất trong mùa hè.
Nasu (cà tím)
Cà tím của Nhật nhỏ hơn và ít đắng hơn so với cà tím của Bắc Mỹ và châu Âu. Cà tím là một nguyên liệu quan trọng trong ẩm thực Nhật Bản và được sử dụng trong rất nhiều các món ăn.
“Nasu dengaku” là một món ăn điển hình, gồm có rau củ được cát đôi và nướng lên với một lớp miso phủ ở trên. Một món ăn phổ biến có chứa cà tím là “Nasu miso itame”, gồm có cà tím và các loại rau xào với hành tây, miso và đường.
Cà tím cũng có một vị trí trong văn hóa dân gian của Nhật: Vào dịp năm mới, nếu bạn mơ thấy núi Phú Sĩ, hoặc một con chim ưng, hoặc một quả cà tím, đó sẽ được coi là một điềm may mắn. Ở Nhật còn có một câu tục ngữ nói về cà tím: “秋茄子は嫁に食わすな”(Aki nasu wa yome ni kuwasuna), có nghĩa là “không được cho con dâu ăn cà tím mùa thu“. Câu nói này xuất phát từ thực tế là cà tím là một loại rau mát, tốt nhất nên ăn trong những tháng hè nóng bức chứ không phải là mùa thu. Ngoài ra cũng vì thế nên nó được cho là giảm khả năng mang thai, và thế nên bị coi là món quà không nên tặng cho con dâu mình.
Piman (ớt xanh)
Tên gọi Piman bắt nguồn từ chữ “ớt xanh” trong tiếng Pháp. Ớt xanh Nhật Bản thường nhỏ hơn so với ớt chuông, mỏng hơn và vị ngọt hơn, và thường được tẩm bột chiên thành món tempura hoặc xào lên trong các món ăn kiểu Hoa. Ớt chuông cũng được cho vào salát để ăn sống.
Shishito (ớt xanh Nhật Bản nhỏ)
Shishito – ớt xanh Nhật Bản, nhỏ hơn nhiều so với ớt chuông. Nhìn chung shishito là một loại ớt xanh nhỏ và vị nhẹ, tuy một số giống có thể khá cay. Cách ăn shishito phổ biến nhất là chiên bột (tempura) hoặc rán lên, rưới nước tương và ăn kèm với katsuobushi (cá ngừ khô bào mỏng)
Kabocha (bí ngô)
Mùa của bí ngô là mùa thu và mùa đông. Với hàm lượng vitamin A rất cao, bí ngô là một loại rau cực kỳ quan trọng trong những mùa đông kéo dài ở Nhật.
Kabocha thường được ăn trong lễ kỷ niệm ngày đông chí, ngày ngắn nhất trong năm, khi người ta khó tìm được các thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng như trong các loại rau mùa hè. Kabocha thường được chiên bột rán (tempura) hợc được luộc lên với đường và nước tương thành một món ngọt và bở.
Gần đây, với việc du nhập của ngày Halloween từ Bắc Mỹ vào Nhật, kabocha đã trở thành một thành phần phổ biến trong các món ăn vào dịp Halloween, ví dụ như trong bánh purin bí ngô.
Tomorokoshi (ngô)
Du khách nước ngoài đến Nhật Bản có thể nhận thấy người Nhật thường xuyên cho thêm ngô vào các món của họ như bánh mì, pizza, mì ống, salát và nhiều món khác nữa.
Ngô là một loại rau phổ biến ở Nhật Bản, đặc biệt là ở Hokkaido nơi nó được trồng phổ biến. Tuy nhiên, ngô đã trở nên phổ biến đến mức người nông dân trong nước không thể trồng đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, và vì thế gần đây ngô được nhập khẩu từ Mỹ, kể cả ngô tươi và ngô đóng hộp.
Vào mùa thu hoạch ngô người ta thường nướng ngô tươi, có thể tẩm bơ hoặc nước tương. Ngô cũng có trong nhiều món ăn đặc sản Hokkaido, như mì ramen Hokkaido hoặc súp miso Hokkaido.
Okura (đậu bắp)
Đậu bắp có một lớp nhớt giữa và hạt, khiến cho khi ăn cảm giác nó tương tự với Nagaimo (khoai núi) nếu ăn sống hoặc tái, tuy nhiên khi luộc hoặc chiên kỹ thì tính nhớt này không còn nữa.
Đậu bắp là một loại rau mùa hè thường được ăn sống trong các món salad, tẩm bột chiên trong tempura, hoặc ăn kèm với nước tương và katsuobushi (cá ngừ khô bào mỏng). Ở Nhật người ta thường không ăn lá đậu bắp.
Goya (mướp đắng)
Mướp đắng là loại rau nổi tiếng nhất trong ẩm thực Okinawa, và là thành phần chính trong Goya champuru, món ăn đặc trưng của Okinawa bao gồm mướp đắng, đậu phụ và trứng xào.
Mr.Kro
(dịch từ www.japan-guide.com)
One thought on “Các loại rau phổ biến ở Nhật (P2)”