Anh Phạm Nguyên Quý, một bác sĩ người Việt đã làm việc lâu năm tại một bệnh viện ở Kyoto đã chia sẻ lại một câu chuyện sâu sắc về y đức theo quan điểm của giới y khoa Nhật.
(Trích đăng)
“Nhân chuyện “Lương y như từ mẫu” …. mình nhớ lại chuyện của nhiều năm trước, khi còn là sinh viên năm 3…
Một bác Nhật già hỏi “Cháu muốn học gì từ y tế của Nhật?” Mình trả lời hồn nhiên “Cháu muốn master một kỹ thuật cao, mới của Nhật để về Việt Nam hành nghề!”
Quả thực, đó là thứ duy nhất trong đầu lúc đó, vì ở Việt Nam nhiều người cho rằng cứ phải có “Nội công thâm hậu” hay “Bí kíp võ công” thì mới có chỗ đứng và duy trì cuộc sống.
Bác Nhật có vẻ rất giận và nói bác đã rất kỳ vọng cháu học được cái Nhân văn trong y tế Nhật để chia sẻ với bệnh nhân Việt Nam.
Hai bác cháu cãi nhau một hồi rồi chia tay ra về, mãi đến khi vào làm lâm sàng mình mới hiểu được ý nghĩa mà bác nói tới. Kỹ thuật cao, OK, nó là thứ để dễ nổi đình nổi đám hơn, nhưng nó không phải là thứ duy nhất làm bệnh nhân hạnh phúc. Tính nhân văn trong y tế, dù ít người chú ý, nhưng nó mới là nền tảng. Khi chưa có được nền tảng thì những bí kíp võ công chỉ là diễu võ dương oai mà thôi.
Một dịp khác trong khi học Nghiên cứu sinh (tức vẫn chưa biết gì về lâm sàng), một bác sĩ Nhật hỏi thử “Mày sẽ làm gì nếu bệnh nhân tới than là bị nổi mề đay ở tay?”
Mình trả lời ngay tức khắc là cần phải nói các chẩn đoán phân biệt A, B, C,..và đề nghị các xét nghiệm X, Y, Z, theo đúng kiểu được học ở trường. Bác cười khì rồi bảo thế là mày chưa biết gì về bệnh nhân. Người ta muốn mày nắm tay lên, suýt xoa, chia sẻ cái sự ngứa đó trước. Đối với họ bao nhiêu xét nghiệm cũng không bằng thái độ chia sẻ của mày đâu.
Quả là vậy, sau vài năm làm lâm sàng mình mới thấy làm bác sĩ khó nhất là hiểu được bệnh nhân muốn gì và làm sao giải tỏa được những lo lắng mong mỏi của họ.
Xin chia sẻ lại slide tóm tắt 2 nhiệm vụ đối lập khó khăn của bác sĩ, và giải thích cụ thể hơn trong clip (phút 24-34) của Webinar kết hợp giữa YHCD và VietMD về đề tài giao tiếp trong y tế.