Làm thế nào để học cách trân trọng những gì mình có? Bằng cách nào mà triết lý lâu đời này có thể giúp bạn định hướng những đấu tranh của xã hội hiện đại để vươn tới sự hoàn hảo?
Giữa thời đại của những thông tin truyền thông xã hội được quản lý hoàn hảo, những giới hạn dường như vô hạn của những sản phẩm, dịch vụ mới, và những yếu tố con người khác có thể giúp bản thân bạn trở nên tốt hơn, thật khó để có thể lùi lại và trân trọng những gì mình đang có. Làm sao chúng ta có thể hài lòng với những gì đang có nếu chúng ta luôn luôn muốn những thứ hay những điều không thể đạt được? Vậy thì có lẽ hệ tư tưởng wabi-sabi truyền thống của Nhật Bản có thể hữu ích.
Khái niệm wabi-sabi, mặc dù rộng và gần như không thể rút gọn lại, nhưng nó có thể dễ dàng được áp dụng một cách đơn giản với những khoảnh khắc đời thường hàng ngày. Wabi-sabi bao hàm cho mọi mặt, từ nghệ thuật, đến những đền thờ, những vườn hoa cổ điển, và nghệ thuật gốm sứ – nhưng chúng ta sẽ để dành chúng cho một lần khác. Bây giờ, hãy thử lấy wabi-sabi làm ống kính và hướng tiêu điểm vào cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta xem nào.
Wabi-Sabi là gì?
Nếu bạn đã từng nghe qua thuật ngữ wabi-sabi, rất có thể là trong lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật Nhật Bản, như một chiếc tách trà cũ đã được đẽo gọt thô sơ gồ ghề từ những năm tháng của nghệ thuật trà đạo. Một ví dụ điển hình của wabi-sabi là nghệ thuật kintsugi, trong đó đồ gốm nứt được trám đầy lại bằng sơn lót vàng như là một cách để bộc lộ vẻ đẹp của năm tháng và những hư hao hơn là ẩn giấu chúng.
Ban đầu wabi và sabi là hai khái niệm riêng biệt. Tiến hóa từ một từ để mô tả sự cô đơn của một cá thể bình thường tồn tại trong tự nhiên, từ “wabi” (侘 – SÁ) đã trở thành một cách để thể hiện sự trân trọng nét đẹp trong sự sang trọng đầy giản dị khiêm nhường, mộc mạc. ‘Sabi’ (寂 – TỊCH) từng là một thuật ngữ để mô tả sự phong hóa dưới ảnh hưởng của thời gian. Đó có thể là sự chuyển giao giữa các mùa hoặc các trang hoen ố mục nát của một cuốn sách cổ. Đó là vẻ đẹp của sự vô thường khi mọi thứ trở nên già cỗi. Những khái niệm này đặt cạnh nhau tạo nên sự hài hòa trong 1 tổng thể của một khái niệm bao quát hơn về sự trân quý những điểu giản đơn nhưng vô thường của cuộc sống.
Kiến trúc sư người Nhật nổi tiếng Tadao Ando đã miêu tả wabi-sabi trong cuốn sách “The Wabi-Sabi House: Nghệ thuật đẹp không hoàn hảo của Nhật Bản” là:
“Quan điểm cuộc sống của Nhật Bản hướng tới một nét thẩm mỹ đơn giản và nó phát triển mạnh mẽ hơn khi những thứ không cần thiết bị loại ra và cắt bỏ đi.”
Sau khi thất bại trong việc đưa ra một định nghĩa chính xác về hệ tư tưởng wabi-sabi, nhà văn Leonard Koen đã viết trong cuốn sách của ông “Wabi-Sabi: dành cho các nghệ sỹ, nhà thiết kế, nhà thơ và triết gia” lời giải thích tổng thể của chính mình:
“Wabi-sabi là vẻ đẹp của những điều không hoàn hảo, vô thường, và không đầy đủ, là sự đối nghịch với quan niệm cổ điển phương Tây rằng cái đẹp phải là một cái gì đó hoàn hảo, trường tồn, và tráng lệ.”
Wabi-sabi và Phật giáo
Mặc dù có rất nhiều thông tin lý giải wabi-sabi, chưa từng có một biên bản chính thức nào ghi lại triết lý này. Thay vào đó, triết lý wabi-sabi đã được truyền dạy giáo viên sang học sinh một cách gián tiếp. Với cách này, những diễn giải lại mang màu sắc riêng của cá nhân, sự hiểu biết và ảnh hưởng đã định hình nên những ý nghĩa của triết lý này khi nó truyền qua mỗi người.
Nếu bạn truy về nguồn gốc của triết lý này, bạn sẽ thấy rằng lịch sử của wabi-sabi nằm trong phạm vi của Phật giáo, cụ thể là những lời răn dạy của Đức Phật về “Ba dấu hiệu tồn tại” hoặc trong sanboin của Nhật Bản. Lời răn dạy này là:
* Nắm lấy sự vô thường: Chấp nhận rằng vì cuộc sống luôn tịnh tiến về phía trước nên mọi thứ trong nó cũng vậy, và đi cùng với đó là vẻ đẹp của riêng nó. Hãy suy nghĩ về các lễ hội địa phương quanh mùa hoa anh đào hanami mỗi độ xuân về hay mùa lá đỏ koyo vào thu ở Nhật Bản. Chúng ta đón mừng vẻ đẹp của những cánh hoa anh đào màu hồng và những chiếc lá chuyển màu đỏ rực cháy nồng hậu vẫy chào chúng ta chỉ vài tuần ngắn ngủi mỗi năm trước khi những cơn gió cuốn theo bụi thổi tới, khiến chúng rụng xuống rồi dần dần chôn mình sâu vào lòng đất.
* Khổ đau: Và thừa nhận rằng đó là một phần của cuộc sống luôn tiến hóa này mà chúng ta đang sống. Mặc dù không dễ chịu, nhưng sự đau khổ này cuối cùng có thể dẫn đến sự trưởng thành và sự hiểu biết sâu sắc hơn về nhiều mặt của cuộc sống.
* Sự thiếu vắng bản ngã: Điều này có thể dẫn ta liên hệ với vô thường, nhưng theo một cách tự nhận thức hơn. Giống như mọi thứ xung quanh chúng ta, chúng ta luôn ở trong trạng thái thay đổi liên tục.
Đưa lý thuyết wabi-sabi vào những tư duy thường ngày
Giống như sự hồi sinh của ikigai trong xã hội nhiều xu hướng đương đại hơn, các yếu tố của wabi-sabi có thể được chuyển tải trực tiếp vào cuộc sống hàng ngày. Nhiều người trong chúng ta sống trong một trạng thái khao khát thường xuyên, không hài lòng với những gì chúng ta có, phấn đấu để vươn tới một mức độ hoàn hảo không thể đạt được.
Phương tiện truyền thông, ảnh hưởng xã hội, so sánh liên tục với người khác mà chúng ta cho rằng đang làm tốt hơn ta, luôn có điều gì đó nằm cuối đường chân trời thu hút sự chú ý của chúng ta khỏi những điều tích cực trong cuộc sống. Mặc dù việc ham muốn được tốt hơn chẳng có hại gì, nhưng có rất nhiều điều cần nói về việc dành ra thời gian để trân trọng những gì mình đang có.
Trong nhà: Trong những năm gần đây wabi-sabi đã trở thành nguồn cảm hứng chính cho các nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp. Ý tưởng cân bằng giữa những giới hạn biên của chủ nghĩa tối giản, nhưng không phải là sự cộc cằn lạnh lẽo. Mà đó là việc sử dụng những gì bạn có và không mua những gì bạn không cần. Một ngôi nhà là nơi để sinh sống, vậy tại sao lại không trưng ra những dấu hiệu của sự sống chứ?
Thay vì rơi vào chu trình của các món đồ nhanh chóng tiếp cận, gia công giá rẻ, nhanh bị vứt bỏ, hãy cân nhắc việc đầu tư vào các hàng gia dụng sẽ bền lâu và tồn tại cùng với bạn theo thời gian. Hãy nghĩ đến một chiếc bàn mộc mạc đã được truyền lại qua các thế hệ, nơi mà mỗi vết xước lại là một câu chuyện được thêm vào trong lịch sử của chính vật phẩm ấy. Một cách tuyệt vời khác để thêm wabi-sabi vào căn nhà của bạn là cân nhắc việc mua hàng cũ và trân quý cuộc sống của đồ vật trước khi tới với bạn. Đây cũng là một cách tuyệt vời để tiết kiệm tiền và giảm chi tiêu của bạn.
Trong nhà bếp: Thời gian chuẩn bị đồ ăn có thể là một trải nghiệm căng thẳng, một trải nghiệm bị che khuất bởi nỗi sợ hãi thất bại. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu bạn cứ chầm chậm tận hưởng thì đó có thể là một trải nghiệm thiền định, tạo ra một cái gì đó từ những đường thái cắt tinh tế, thưởng thức mùi thơm, hương vị và dành thời gian để nấu ra một món ăn cho những người bạn yêu. Wabi-sabi cho rằng một món ăn không cần phải được nấu rồi trình bày hoàn hảo. Hãy suy nghĩ về nó, bạn không yêu việc nấu ăn tại gia bởi vẻ đẹp của nó, mà bạn yêu thích câu chuyện và sự chăm sóc đằng sau món ăn sáng tạo ấy.
Không chỉ việc nấu. Khi chọn lựa ăn gì, cho dù đó là một bữa ăn ở nhà hay món gì đó để mang đi, đôi khi đơn giản lại tốt hơn. Thưởng thức hương vị tươi mát của quả táo tươi, vị ngọt dịu của yaki imo (khoai lang Nhật Bản) trực tiếp từ bếp nướng của gánh hàng rong. Sự trân trọng này hy vọng sẽ làm cho món ăn trở nên đáng suy ngẫm hơn, điều gì đó chính yếu để duy trì một chế độ ăn uống cân bằng hơn.
Tại nơi làm việc: Cho dù bạn là một nhân viên của một công ty lớn hoặc bạn làm việc cho chính mình, nơi làm việc là một cuộc chiến liên tục giữa thời hạn, áp lực bên ngoài và việc phải đạt được sự hoàn hảo. Việc cố gắng để làm nhiều việc cùng lúc thực sự chỉ ức chế năng suất làm việc của bạn. Mặc dù bạn có thể cảm thấy như bạn đang làm được nhiều việc hơn, thực tế là bạn đang tự làm mình phân tâm trong khi thời gian cứ tiếp tục trôi qua.
Nếu bạn có một dự án cần phải làm, đừng ngại chấp nhận ý tưởng cô lập của wabi để dành sự chú ý không bị phân tán cho đến khi đạt được nó. Đóng tab Facebook, tắt thông báo email của bạn và bước vào vùng cần chú tâm. Bạn sẽ ngạc nhiên về việc danh sách công việc phải làm ngắn dần nhanh đến mức nào. Cũng trong khoảng thời gian nghỉ đều đặn, hãy dành một chút thời gian để thư giãn, hít thở, làm 1 tách cà phê, đi ra ngoài, trân trọng từng phút giây đó và “sạc” lại pin cho mình.
Trong thế giới xinh đẹp: Sự tồn tại của vẻ đẹp vĩnh cửu tuổi trẻ, một khái niệm đã ăn sâu vào tất cả chúng ta (dù là nam giới hay nữ giới) từ khi bắt đầu cuộc đời, là phản đề của wabi-sabi. Mặc dù chăm sóc cơ thể là điều quan trọng, nhưng chúng ta cũng phải chăm sóc sức khoẻ tinh thần bằng cách chấp nhận thực tế rằng có rất nhiều phần trong chúng ta không thể thay đổi. Thay vì quá chú ý đến những nếp nhăn, hãy trân trọng những tiếng cười đã tạo ra những nếp nhăn ấy. Thay vì che giấu vết sẹo, hãy nghĩ đến nó như một lời nhắc nhở vĩnh viễn về những cuộc phiêu lưu mà bạn từng qua.
Một sự cân bằng giữa trân trọng những gì mình có, làm thế nào để có và dành thời gian để hiểu được sự phù du của vạn vật, wabi-sabi là một cách để bước ra khỏi dòng chảy liên tục của những thông điệp thúc giục chúng ta nên muốn nhiều hơn nữa. Wabi-sabi là một trạng thái của chánh niệm, sống trong hiện tại và tìm thấy sự hài lòng trong cuộc sống của mỗi chúng ta ngay cả khi điều đó khiến bản thân dễ dàng rơi vào cái bẫy của suy nghĩ đối lập.
Theo Savvy Tokyo
Dịch: Týt