So sánh về ba ông lớn ngành viễn thông Nhật

Đăng ngày 10/10/2014 bởi Hung Truong

Như đã đề cập ở bài trước, ở Nhật hiện tại có ba “ông lớn” đang thống trị ngành viễn thông. Đó là NTT Docomo, KDDI au và Softbank. Ở bài này, iSenpai xin được giới thiệu cũng như đưa ra những so sánh nhỏ về chất lượng dịch vụ cũng như giá cước của từng hãng để bạn đọc tham khảo khi chọn mua điện thoại ở Nhật.

Giới thiệu về ba “ông lớn”

Đầu tiên phải nhắc đến “ông” lớn nhất, đó chính là NTT Docomo. Cái tên Docomo bắt nguồn từ “do communications over the mobile network” (có nghĩa là liên lạc trên mạng di động) và cũng từ chữ dokomo (どこも) trong tiếng Nhật, có nghĩa là bất cứ nơi đâu. Hãng viễn thông này hiện đang nắm giữ 40.2% thị trường viễn thông Nhật Bản. Đã từng có thời cái tên Docomo nắm giữ đến gần một nửa thị trường điện thoại di động Nhật Bản (năm 2008), tuy nhiên với do chậm chân trong việc phân phối iPhone, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt từ phía Softbank và KDDI au nên hiện tại Docomo đã phần nào suy yếu. Hiện tại do đã bắt đầu phân phối iPhone 6, cùng chất lượng dịch vụ tốt nên Docomo vẫn giữ được miếng bánh thị trường lớn nhất.

Tiếp theo là “ông kẹ” Softbank, được sáng lập bởi nhà đầu tư nổi tiếng Masayoshi Son. Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhất, nhưng với sự nhạy bén thị trường, Softbank đã có nhiều bước đi đúng đắn, có thể kể đến như việc đưa iPhone vào thị trường Nhật Bản đầu tiên, hoặc hàng loạt vụ thâu tóm các hãng viễn thông bé như eMobile hay Willcom. Những chiến lược kinh doanh hiệu quả đã khiến Softbank phát triển thần tốc, vượt qua KDDI au để nắm giữ vị trí số hai thị trường (31.4%) và đang đe dọa vị trí độc tôn của Docomo.

Cuối cùng là KDDI au. Không ồn ào như Softbank, tuy nhiên hãng viễn thông này vẫn có sự phát triển vững chắc khi liên tục nắm giữ vị trí số hai thị trường, và chỉ mới bị Softbank vượt mặt trong năm nay. Hiện tại, sau khi thâu tóm UQ Communications thì KDDI au đang nắm 28.4% miếng bánh viễn thông. Cùng với việc nắm quyền phân phối iPhone, cùng chất lượng dịch vụ tốt và nhiều chương trình khuyến mãi ưu đãi, au vẫn sẽ là cái tên phải nhắc đến trong nhiều năm nữa.

japanmarket

Sự thay đổi về miếng bánh thị trường viễn thông của ba “ông lớn” từ năm 2008 đến năm 2014

So sánh về chất lượng dịch vụ

Chất lượng dịch vụ ở đây bao gồm độ phủ sóng, chất lượng đường truyền, sự đa dạng về mẫu mã điện thoại được cung cấp.

NTT Docomo được đánh giá là có độ phủ sóng cùng chất lượng đường truyền tốt nhất. Những trường hợp mất kết nối mạng (圏外) rất hiếm gặp. Hiện Docomo đã bắt đầu phân phối iPhone 6 và iPhone 6 plus, cùng với đó là những dòng diện thoại dùng Android như Samsung Galaxy, Sony Xperia…

KDDI au có độ phủ sóng không kém gì Docomo, tuy ở vài vùng chất lượng đường truyền có thể sẽ kém hơn. Trường hợp mất kết nối mạng (圏外) cũng rất ít khi xảy ra. au hiện nay là hãng duy nhất phân phối các loại smartphone của cả ba hệ điều hành Android, iOS và Windows.

Softbank có độ phủ sóng và chất lượng đường truyền kém nhất trong ba “ông lớn”. Sóng của Softbank khá yếu ở vùng nông thôn và vùng núi. Hiện tại Softbank hầu như chỉ có iPhone và điện thoại của SHARP, tuy nhiên do là hãng đầu tiên phân phối iPhone nên Softbank có nhiều dịch vụ dành cho iPhone hơn.

So sánh về giá cước

Giá cước cũ

NTT Docomo au / Softbank
Cước điện thoại cơ bản 743 yen 934 yen
Tiền dịch vụ 4G/LTE 300 yen 300 yen
Gói dung lượng 7GB 5200 yen 5200 yen
Tổng cộng 6243 yen 6434 yen

Giá cước mới

Nhà mạng NTT Docomo KDDI au SoftBank
Ngày ra mắt 1 tháng 6, 2014 13 tháng 8, 2014 1 tháng 7, 2014
Giá cước gọi thoải mái 2,700 yen 2,700 yen 2,700 yen
Tiền dịch vụ 4G/LTE 300 yen 300 yen 300 yen
Gói dung lượng (2GB) 3,500 yen 3,500 yen 3,500 yen
(3GB)   4,200 yen  
(5GB) 5,000 yen 5,000 yen 5,000 yen
(8GB)   6,800 yen  
(10GB) 9,500 yen 8,000 yen 9,500 yen
(13GB)   9,800 yen  
(15GB) 12,500 yen   12,500 yen
(20GB) 16,000 yen   16,000 yen
(30GB) 22,500 yen   22,500 yen


Hiện tại các nhà mạng đã tung ra những gói cước mới. Hầu như không có sự khác biệt nhiều về giá cước mới này. Cụ thể cước điện thoại cơ bản sẽ tăng từ 934 yen lên 2700 yên, nhưng sẽ cho phép bạn gọi thoải mái. Cùng với đó, giá 4G LTE cũng đã thay đổi. Hiện tại bạn có nhiều lựa chọn hơn về dung lượng sử dụng, so với gói dung lượng 7GB với giá 5200 yen trước đây. Nếu bạn không sử dụng Internet quá nhiều, bạn có thể chọn gói 2GB với giá 3500 yen (giống nhau ở các hãng). Nếu bạn dùng smartphone để xem phim nhiều, bạn có thể chọn gói 15GB trở lên với giá từ 12500 yen.

Một ví dụ đơn giản để bạn dễ hình dung. Nếu tại thời điểm này, mình muốn mua một iPhone 6 16GB của Docomo, đăng kí thuê bao trong hai năm và chọn gói dung lượng 2GB, mình sẽ phải trả số tiền cơ bản là:

– Tiền máy: miễn phí (vì hiện nay đang có chương trình hỗ trợ )

– Tiền cước điện thoại: 2700 yen

– Tiền sử dụng dịch vụ 4G/LTE: 300 yen

– Gói dung lượng 2GB: 3500 yen

Tổng cộng: 6500 yen

Trên đây chỉ là giá ước tính. Trong thực tế, số tiền bạn phải đóng hằng tháng của bạn sẽ khác, vì có thể sẽ có nhiều chương trình khuyến mãi khác nhau. Ví dụ như chương trình hỗ trợ mua iPhone, hỗ trợ tiền khi đổi nhà mạng, hỗ trợ sinh viên… Những chương trình này không phải lúc nào cũng có, nên bạn cần phải chú ý thời điểm của chúng để có quyết định chính xác. Giống như hiện tại đang có chương trình khuyến mãi mua iPhone 6 miễn phí, nhưng sau này thì chưa chắc đã có. 

(Bài viết được viết vào thời điểm tháng 10, 2014. Tùy vào thời điểm, thông tin có thể bị sai lệch)

Hung Truong (đại học Hitotsubashi)

Trả lời