Tiếng Nhật và những điều bạn không học ở trường (Phần 1-2)

Đăng ngày 11/10/2014 bởi Mr. Kro

“Trong tiếng Nhật, cái gì được sử dụng quá nhiều thì nó tự nhiên sẽ ngắn lại”

(tiếp theo phần trước)

Và với câu tiếp theo, bởi vì ありがたい nghĩa là “biết ơn, cảm thấy biết ơn” chắc hẳn bạn cũng đã dễ dàng nhận ra ありがとうございます có nghĩa là 「ありがたいです」 “Tôi rất lấy làm biết ơn”. Nhưng đối với câu này, bạn vẫn còn có thể xẻ nhỏ nó ra hơn nữa.

Tiếng Nhật thời trước thực sự còn để lại rất nhiều dấu ấn trong tiếng Nhật hiện đại, đặc biệt là qua các cách nói cứng nhắc – điều mà tôi hy vọng sẽ được bàn luận thêm cùng các bạn ở một bài viết trong tương lai gần. Nhưng trước tiên hãy nhớ lại một cách nói cứng: V(masu) + がたい
これはとても信じがたいことだ。
その件については、この状況では大丈夫だと言いがたいと思います。
Bạn có thể dễ dàng đoán được nghĩa của がたい trong cách nói này nếu biết, khi viết thành kanji thì nó được viết là 難い – đúng, nghĩa của nó chỉ đơn giản là “khó”. Vì một lý do nào đó mà người Nhật những thời kỳ lịch sử trước đã không dùng 難しい(むずか・しい) như chúng ta học ngày nay, mà thay vào đó là dùng các tính từ 難し(かた・し) và 難し(むつか・し) để diễn đạt tính từ “khó”. Và bạn sẽ nhận thấy sự tương đồng khi biết rằng cách viết kanji của ありがたい và ありがとう lần lượt là
有り難い
有り難う
Một lần nữa, dĩ nhiên, bạn có thể dùng bộ gõ tiếng Nhật của mình để kiểm chứng.

Tuy đã phân tích được ý nghĩa của từng chữ trong câu, nhưng để dịch để hiểu được nghĩa đen thực sự của câu thì lại không đơn giản. Người Nhật giải thích rằng, khi ai đó làm giúp ta một việc gì, ta nói 有り難うございます – mà bây giờ bạn đã có thể hiểu là “有り難いです” với nghĩa, việc anh làm giúp tôi là việc đáng ra rất khó xảy ra, tức là một điều rất đáng trân trọng (*). Với địa vị của anh, hay với hoàn cảnh của anh, khó lòng có thể nghĩ anh sẽ bỏ thời gian hay công sức ra mà giúp tôi, nhưng anh vẫn giúp, vì thế tôi coi đó là một việc hết sức đáng quý. Thật là xa xôi, nhưng khi con chữ đã rõ ràng thế này thì chúng ta có lẽ chỉ còn cách dịch này.

Tiếp theo chúng ta sẽ mổ xẻ nốt đến chữ さようなら. Đầu tiên là phần tiếng Nhật hiện đại. Sau 2 lần trước, lần này bạn đã nghĩ đến việc thử chuyển đổi chữ Hán của từ này chưa? :)) Cho dù máy tính của bạn có thể chuyển đổi được chữ kanji, có lẽ bạn cũng sẽ hơi ngập ngừng vì có đến vài cách viết cho từ này. Theo nghiên cứu của tôi, chính xác nhất nó sẽ là 左様なら.

左様 với nghĩa 「以上のとおり」 – “chính xác như vậy”, đến nay vẫn còn được dùng – và có 2 điều hẳn các bạn có thể đoán được: thứ nhất, nó là một cách nói cứng nhắc. Thứ hai, vào thời Edo nó đã được viết bằng hiragana là さやう. Hãy nhìn kỹ chữ さやう này. Bạn có nhớ quy tắc số 1 của tiếng Nhật? Có lẽ không phải là số 1 vì không ai đánh số cho nó cả, nhưng hãy nhớ:

“Trong tiếng Nhật, cái gì được sử dụng quá nhiều thì nó tự nhiên sẽ ngắn lại”

Dẫn chứng: những cái gì đã ngắn lại? スーパーマーケット, do bị sử dụng quá nhiều nên đã ngắn lại thành スーパー. ビルディング, bị ngắn lại thành ビル. 関西空港, 関空. プラットフォーム, ホーム. レモコン. デジカメ. ミスった. ちゃう. Và 1 tỉ ví dụ khác.
Có thể nói さやう đã bị sử dụng quá nhiều, và kết cục tương tự đã xảy đến với nó. Bạn có thể đoán được kết quả? Dễ lắm, hãy nói thật nhanh từ này thật nhiều lần. Bạn đã nghe thấy phát âm của mình giống cái gì chưa?
そう、そう
Chính nó. Mặc dù trong tiếng Nhật hiện đại 「左様です」 vẫn được dùng như một cách nói cứng nhắc và đôi khi có thể chọc giận đối phương của bạn trong giao tiếp, nhưng hậu duệ của nó – 「そうです」 cũng được dùng với ý nghĩa tương tự và dĩ nhiên là được dùng phổ biến hơn nhiều.

Tiếp theo là phần tiếng Nhật “cũ” – なら. Nếu bạn thấy nó quen quen, thì có thể bạn đã nhớ đúng rồi đấy – nó chính là thể điều kiện dành cho danh từ và tính từ Na. Vào thời “cũ”, người ta không nói なら mà nói ならば, cũng như không nói さようなら mà nói さやうならば. Nói thêm một chút về phần này, nếu bạn đã từng nghe một số câu thành ngữ tục ngữ của Nhật bạn hẳn đã thắc mắc vì sao người ta lại kết câu như thế này:
継続は力なり
心の楽しみは良薬なり
Lý do thì là bởi vì, “cái ngày xưa ấy” người ta không dùng です、だ、である mà thay vào đó là なり. Bạn có bao giờ để ý những động từ 異なる, 更なる hay 単なる, rằng chúng ko có cặp tự động từ – tha động từ như đa phần các động từ khác? Xin thưa, vì chúng đơn giản chỉ là cách nói hiện đại của 異なり, 更なり, 単なり, tức là 異です, 更である, 単である mà thôi, nên lấy đâu ra tự với tha. Thế còn ならば, thì đó là thể điều kiện của なり, tức là trong văn hiện đại nó là thể điều kiện của です, ví dụ như であれば. Đến đây chúng ta đã có thể chuyển さやうならば thành tiếng Nhật hiện đại với nghĩa đen tương đương:
さやうならば = 以上であれば
Có thể hiểu nó là 「以上で何もなければ(失礼します)」, 「それでは(失礼します)」: “Vậy thì (tôi xin phép)”, “Nếu tất cả chỉ có thế (không còn gì nữa) (thì tôi xin phép)”… Các samurai thời trước được cho rằng đã chào nhau bằng 「さやうならば」

Tiếng Nhật và những điều bạn không học ở trường - Phần 1-2 おはよう ありがとうございます さよなら nghĩa là gì? Giải thích, tìm hiểu ý nghĩa qua tiếng Nhật cổ

Các Samurai – vào thời của họ – luôn luôn dùng một thứ tiếng Nhật khác với tầng lớp bình dân

Vậy là nếu như đã hiểu hết những gì tôi đã viết ở trên, khi có ai hỏi bạn câu hỏi như tôi đã hỏi, các bạn đã có thể tự tin dõng dạc nói: “Biết, tôi biết おはようございます, ありがとうございます, さようなら. Có thể không biết hết, nhưng biết rất rõ“. Còn nếu không ai hỏi bạn câu hỏi như tôi đã hỏi, thì bạn hãy lấy câu đó đi hỏi tất mọi người xung quanh mình.

Đến đây tôi rất tiếc phải báo cho bạn một tin buồn: tất cả những kiến thức tiếng Nhật tôi vừa chia sẻ với bạn, hầu như không có một tác dụng gì trong việc sử dụng tiếng Nhật hàng ngày của bạn. Vì thế nên nếu bạn là một tu nghiệp sinh, du học sinh đang muốn trau dồi khả năng tiếng Nhật để có thể sống sót và sống tốt ở Nhật, thì tôi rất xin lỗi đã để phí thời gian của bạn. Nhớ đừng áp dụng vào đời sống, kẻo hôm sau đến lớp lại chào bạn bè 「お早いですね」, chẳng may phải thằng đi học muộn mà cũng chào vậy nó lại oánh cho. Hay bạn nhặt hộ cái bút bị rơi thì cũng đừng cung kính 「有り難いです」 kẻo nó sợ quá bảo, gì mà như tao vừa cứu mạng mày vậy. Hoặc lúc về cũng đừng chào thầy giáo 「さようならば」 kẻo thầy lại chơi cho câu 「ではご機嫌よう」(*).
Tuy nhiên, như tôi đã nói ban đầu, dù là ai đi nữa biết đâu bạn cũng sẽ là một người yêu tiếng Nhật thì sao. Nếu như vậy, thì biết rõ hơn về “đối tượng” của mình, bạn sẽ không thiệt gì cả. Mà bạn sẽ biết rõ hơn về “đối tượng” đó, để rồi một ngày nếu có nhận ra mình đã yêu nó rồi, thì cũng sẽ không phải ân hận hay lăn tăn nghĩ rằng liệu có phải mình đã yêu mù quáng không, mà có thể tự tin nói rằng: bạn đã yêu bởi vì bạn đã hiểu.

(Hết kỳ 1)

Nhớ đón đọc kỳ sau trên iSenpai nhé.

Mr.Kro

(*) Cách chào của các Samurai

2 thoughts on “Tiếng Nhật và những điều bạn không học ở trường (Phần 1-2)

Trả lời