Shokuhin Rosu (食品ロス)- vấn đề nan giải của Nhật Bản

Đăng ngày 15/10/2021 bởi iSenpai

Shokuhin Rosu (食品ロス)?

 Shokuhin Rosu (食品ロス) là từ dùng để gọi tên các thực phẩm bị đem bỏ dù chúng vẫn có thể ăn được.

Shokuhin Rosu gồm các loại thực phẩm không đủ tiêu chuẩn, thực phẩm bị trả lại, thực phẩm bán không hết, thực phẩm ăn thừa…của các nhà hàng ăn, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và các công ty sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, nó còn bao gồm các loại thức ăn không ăn hết, các phần của rau củ quả, thức ăn bị cắt bỏ quá nhiều khi chế biến, các loại đồ ăn vẫn còn trong hạn sử dụng…tại các hộ gia đình Nhật Bản.

Hiện trạng và những con số thống kê

Trung bình mỗi năm Nhật Bản đổ đi 6320000 tấn thức ăn còn ăn được. Trong khi đó tổng số lương thực dùng để tiếp tế cho các quốc gia nghèo trên thế giới năm 2014 chỉ có 3200000 tấn, tức là số thức ăn còn ăn được bị đổ đi tại Nhật có thể giúp người dân các vùng khó khăn trên thế giới nhận được gần gấp đôi lượng họ được cứu tế hàng năm.

Theo tính toán, mỗi ngày, mỗi người dân Nhật Bản sẽ bỏ đi khoảng 139g thức ăn còn ăn được, tức là bằng 1~2 chiếc onigiri (cơm nắm của Nhật), theo đó mỗi ngày Nhật Bản sẽ lãng phí khoảng 100 triệu chiếc cơm nắm.

Và mỗi năm mỗi người Nhật sẽ vứt đi khoảng 51kg đồ ăn còn ăn được. Mà thực tế ước tính trong một năm mỗi người chỉ cần 54kg gạo để ăn. Như vậy, mỗi năm mỗi người Nhật vứt đi lượng thức ăn còn ăn được tương đương với số gạo họ ăn.

Hơn nữa, Nhật Bản chỉ đáp ứng được 39% nhu cầu thực phẩm của người dân còn 61% họ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ấy vậy mà hang năm họ lại vứt đi một lượng thức ăn khổng lồ như thế.

Lượng thực phẩm phát sinh từ các hộ gia đình nhiều như thế nào? 

Một điều gây ngạc nhiên là lượng đồ ăn vẫn còn ăn được bị bỏ đi tại các hộ gia đình chiếm gần 50% tổng số lượng thực phẩm còn ăn được bỏ đi trên toàn nước Nhật. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Nhật Bản năm 2016, các hộ gia đình vứt đi khoảng 3 triệu tấn đồ ăn còn ăn được. Trong đó nhiều nhất là rau xanh và hoa quả. Trong rác  thải sống của họ có đến 20% là đồ ăn còn nguyên tem mác, trong đó ¼ là đồ ăn chưa hết hạn sử dụng.

Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản đã tiến hành điều tra nguyên nhân của sự lãng phí này và dưới đây là những câu trả lời của người dân.

Các nguyên nhân lần lượt từ nhiều đến ít như sau:

  • Không thể ăn hết khi còn đang trong hạn sử dụng
  • Sau khi mua về không nhớ vẫn còn để ở tủ lạnh hay nơi bảo quản thực phẩm
  • Mua quá lượng cần thiết
  • Mua mà không biết cách chế biến hay cách ăn
  • Các nguyên nhân khác
  • Không biết

Tổng kết: Hiện nay chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các chính sách nhằm giảm thiểu tình trạng lãng phí đồ ăn đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế thực phẩm. Hi vọng trong tương lai Nhật Bản sẽ có những chuyển biến tích cực trong việc cắt giảm tình trạng lãng phí thực phẩm như hiện tại.

Tham khảo thêm từ video sau: https://www.youtube.com/watch?v=uNibdQJs9sQ 

Trả lời