Kimono gồm loại kimono nhuộm và loại kimono dệt. Các họa tiết của kimono nhuộm được vẽ lên trong quá trình nhuộm vải, còn hoa văn của kimono dệt được tạo ra ngay trong quá trình dệt vải. Mặt khác, khi nhắc tới kimono người ta thường hay nói tới “Cách” (格-Kaku), ngắn gọn chỉ cách kết hợp trang phục kimono. Kimono có rất nhiều Kaku, ứng với mỗi Kaku là hoàn cảnh sử dụng khác nhau, nếu không tuân thủ theo thì có nghĩa đã phạm phải quy tắc. Ở đây, chúng mình sẽ giới thiệu 7 loại kimono đại diện, cùng với Kaku và ứng dụng của chúng. Ngoài ra, tùy vào loại, số lượng của gia huy, họa tiết, cách kết hợp cùng obi, phụ kiện mà sẽ có nhiều ngoại lệ khác nhau.
1. Kuromontsuki
Là loại kimono đại diện cho tinh thần Nhật Bản, loại lễ phục trang trọng nhất.
Đây là loại lễ phục trang trọng nhất, bất kể chưa hay đã kết hôn đều có thể dùng được. Kết hợp cùng loại Fukuro Obi có màu sắc lộng lẫy, quy cách, dùng trong các hỷ sự với ý nghĩa chúc mừng. Khi kết hợp cùng loại Nagoya obi màu đen (hay còn gọi là Kurodomo obi) thì sẽ được sử dụng trong các tang lễ.
Kuromontsuki chỉ có một màu đen, không có họa tiết, trên áo có gắn 5 gia huy (ở lưng, hai bên ngực, hai bên tay áo) là loại lễ phục trang trọng nhất. Tùy vào loại obi mặc cùng mà dùng để mặc đến đám hỷ hay đám tang.
Huy hiệu ở lưng đại diện cho tổ tiên, hai huy hiệu ở ngực đại diện cho cha mẹ, hai huy hiệu ở tay áo đại hiện cho anh chị em và họ hàng.
2. Tomesode
Là loại kimono dùng trong những hoàn cảnh trang trọng nhất. Tùy vào số lượng gia huy thì hoàn cảnh sử dụng cũng thay đổi.
Là bộ lễ phục được mặc trong 4 nghi thức quan trọng bao gồm Lễ trưởng thành, Lễ kết hôn, Lễ tang, Lễ tạ ơn. Người mặc là gia chủ của nghi lễ. Thường dùng trong các nghi lễ vào cột mốc quan trọng trong đời (ví dụ lễ thành hôn). Với ý nghĩa hạnh phúc chồng chất, nên sẽ sử dụng loại Fukuro obi.
Kurotomesode: lễ phục của phụ nữ đã kết hôn, mặc trong các dịp quan trọng, có 5 huy hiệu đính trên áo.
Irotomesode: có đính huy hiệu, đặc trưng là những họa tiết trên vạt áo. Phụ nữ đã hoặc chưa kết hôn đều có thể mặc.
Ngày trước, người ta hay mặc lớp áo lót chồng lên nhau. Tuy nhiên gần đây, cách mặc để lộ lớp áo xếp lên nhau sao cho có thể nhìn thấy từ ngoài ở cổ, ống tay, vạt áo trở nên phổ biến hơn.
3. Houmongi
Đặc trưng với họa tiết to bản, sặc sỡ, trải dài theo thân mình.
Là loại lễ phục giản lược. Mặc khi được mời tới những nơi xa hoa, lộng lẫy, được mặc cùng với Fukuro obi.
Đặc trưng của áo là họa tiết to bản trải dọc theo thân mình từ vai, đến ngực, qua ống tay đến vạt áo. Tranh sẽ được vẽ từ khi vải chưa nhuộm, trên các nếp gấp tạm thời của áo.
4. Tsukesage
Tất cả các họa tiết đều hướng lên trên.
Là loại lễ phục giản lược, thường mặc khi được mời đến những nơi xa hoa, lộng lẫy. Áo được thắt bằng Fukuro obi.
Trang trọng ngang với Houmongi. Đặc trưng là những họa tiết được vẽ ở từng phần của tấm vải, và tất cả họa tiết đều hướng lên trên.
5. Iromuji
Loại kimono chỉ nhuộm một màu trơn.
Nếu đính gia huy thì là lễ phục giản lược. Nếu không có gia huy thì là trang phục chưng diện (dùng mặc khi ra ngoài). Nếu có huy hiệu thì thắt bằng Fukuro obi, nếu không thì cũng có thể thắt bằng Nagoya obi.
Nếu có gắn huy hiệu thì mức độ trang trọng gần như Houmongi. Tùy theo loại obi, vật trang trí, nếu obi có màu sắc tươi sáng thì dùng trong lễ hỷ, nếu màu tối thì dùng trong tang lễ.
6. Komon
Đại diện cho kimono mặc trưng diện. Có thể mặc hàng ngày, hoặc mặc khi ra ngoài như khi dạo phố.
Obi mặc cùng: Fukoro obi (tùy loại họa tiết và chất liệu), Nagoya obi, Hanhaba obi.
Kimono này có họa tiết tươi sáng, điệu đà, cách mặc cũng dễ dàng. Ở thời Edo, đây là loại trang phục có tính trang trọng cao.
7. Loại kimono dệt Tsumugi
Kết cấu chắc chắn. Loại kimono mặc chưng diện khi ra ngoài. Có thể mặc hàng ngày, hoặc mặc khi ra ngoài như khi dạo phố.
Obi mặc cùng: Fukoro obi (tùy loại họa tiết và chất liệu), Nagoya obi, Hanhaba obi.
Do chất liệu nên vải mặc rất ấm áp. Những loại kimono có giá thành đắt đỏ như Yuukitsumugi (loại kimono dệt từ lụa được sản xuất chủ yếu ở Ibaraki-ken và Tochigi-ken) và Ooshimatsumugi (loại kimono được làm thủ công, kéo sợi bằng tay, nhuộm lụa bằng bùn ở vùng Omami Ooshima) có phần ống tay rất sâu.
Nguồn: https://www.wasou.com/chiebukuro/kimono_type.html