Ngành công nghiệp anime của Nhật đang đối mặt với khủng hoảng dù được mến mộ
Ngành công nghiệp anime của Nhật đang gặp khủng hoảng – mức lương thấp, giờ làm việc dài và khan hiếm nghệ sĩ – khi mà độ phổ biến toàn cầu chưa bao giờ cao như thế.
Mới đầu tháng này, nhà làm phim hoạt hình người Pháp Jeremy Clapin thắng giải phim hay nhất với bộ phim “I lost my body” (Tôi mất cơ thể) tại Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Annecy, nhưng 3 trong 10 bộ phim được đề cử là của các nhà làm phim Nhật Bản. Nhật hiện đang là đối thủ duy nhất đối với sự thống trị của Hollywood trong lĩnh vực này. Nhưng khi mà anime Nhật dường như đe dọa sự chiếm ưu thế trong văn hóa đại chúng của Pixar và Disney với tác phẩm đình đám “Your name” và Super Mario của Nintendo thì những vấn đề tồn tại đang đe dọa sự phát triển của nó.
Ảnh: Miyazaki và các tác phẩm của mình
Quay lại chuyện thiếu hụt tài năng trẻ. Cây đại thụ của ngành, Hayao Miyazaki, đồng sáng lập hãng phim Ghibli đã quay trở lại làm việc ở tuổi 78 với tác phẩm “君たちはどう生きるか?” – có thể sẽ được phát hành vào năm sau – và có thể ông sẽ làm một tác phẩm nữa nếu sức khỏe cho phép. Miyazaki đã đi tiên phong dòng phim nghệ thuật với các tác phẩm kinh điển từng thắng giải Oscar “Spirited Away” (千と千尋の神隠し), “Howl’s Moving Castle” (ハウルの動く城) và câu chuyện thần thoại “My neighbor Totoro” (となりのトトロ).
Nhưng Yoshiaki Nishimura, người từng sản xuất bộ phim được đề cử Oscar “The tale of princess Kaguya,” ( かぐや姫の物語) nói rằng ngành anime đang đối mặt với “thiếu nghệ sĩ, điều kiện làm việc tồi và có lẽ là cả thiếu sự sáng tạo.” Đồng nghiệp của anh cũng phàn nàn về việc bị trả lương thấp, thiếu tài năng trẻ và thường xuyên làm việc kiệt sức từ 12 đến 18 giờ mỗi ngày.
Ngôi sao đang lên của ngành, Keiichi Hara, đã dành giải của hội đồng nghệ thuật tại Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Annecy bốn năm trước với phim “Miss Hokusai.” Năm nay anh giới thiệu phim mới của mình “The wonderland” tại Annecy. Hara e sợ cho tương lai của anime Nhật, “Có lẽ vấn đề lớn nhất của ngành công nghiệp anime Nhật là không còn nữa các tài năng trẻ.”
Ayumu Watanabe với tác phẩm “Children of the sea” được trình chiếu ở Liên hoan phim, cũng lo lắng về “sự tiêu chuẩn hóa” phần hình ảnh và thiếu tính độc đáo, điều này theo anh là khó cứu vãn bởi “ngày càng ít nghệ sĩ hoạt hình có thể vẽ tay giỏi.”
Ngay cả ông lớn của ngành như Mamoru Hosoda, thiên tài sáng tạo đứng đàng sau các tác phẩm ““Wolf Children,” “The Boy and the Beast” và “The Girl Who Leapt Through Time,” cũng phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày với ê kíp tương đối nhỏ. Trong cuộc phỏng vấn vào năm ngoái, Hosoda cho biết tác phẩm “Mirai” của ông được lấy cảm hứng từ việc vợ ông thường xuyên phàn nàn rằng bà như quả phụ và để bà phải “nuôi con một mình.”
Ảnh: Poster phim “Mirai”
Watanabe nói rằng ngành đang chia làm hai thái cực khác nhau: “Các tác phẩm lớn có thể chiêu mời được một số lớn các nghệ sĩ và ở thái cực kia là các dự án nghệ thuật thiếu kinh phí.”
Tất cả sự chú ý năm nay đều đổ dồn về bộ phim “Weathering with you,” (Đứa con của thời tiết) tác phẩm tiếp theo của Makoto Shinkai sau hiện tượng “Your name,” tác phẩm đang có doanh thu cao nhất lịch sử hoạt hình Nhật Bản. Bộ phim kể về cuộc gặp gỡ của một cậu học sinh trung học bỏ nhà ra đi và cô gái có thể thay đổi thời tiết. Với việc “Your name” đang được làm live-action (tác phẩm người đóng), và truyền hình Mỹ sắp làm lại “Train man” – câu chuyện về một thanh niên chìm đắm trong anime – dòng phim này chưa bao giờ đến gần với khan giả quốc tế như thế.
Ảnh: Poster phim “Đứa con của thời tiết”
Nishimura nói rằng anh cố giữ “tinh thần và phong cách của Ghibli với sự pha trộn giữa vẽ tay và dùng phần mềm máy tính” ở xưởng phim Ponoc. Đây là nơi anh sáng lập ra sau khi Miyazaki tuyên bố nghỉ hưu vì vấn đề sức khỏe vào năm 2013. Xưởng phim Ponoc có tác phẩm ấn tượng đầu tay “Mary and the Witch’s Flower” (メアリと魔女の花) vào năm 2017. Nishimura cũng giới thiệu một loạt phim ngắn tại Liên hoan phim Annecy. Đối với Nishimura, khủng hoảng của ngành là “kết quả của các vấn đề tồn tại cả năm mười năm nay,” nhưng anh nhấn mạnh rằng xưởng phim của anh đang cố gắng “tạo ra một môi trường làm việc mới.”
Tác phẩm “Ride your wave” (きみと、波にのれたら) của Masaaki Yuasa đã nhận được sự tán thưởng của khán giả tại Liên hoan phim Annecy. Điều này chứng minh rằng mặc dù khủng hoảng nhưng anime Nhật vẫn đang được yêu thích. Câu chuyện về tình yêu, lướt sóng và nỗi đau nhận được sự khen ngợi từ các nhà phê bình ở liên hoan phim nước Pháp.
Amel Labombe đang làm việc cho Eurozoom, nhà phân phối phim hoạt hình chính ở Pháp, cho rằng khó khăn của ngành là do tốc độ tăng trưởng quá nhanh, và đây đang trong giai đoạn điều chỉnh. Cô tin rằng chính quyền Nhật Bản đang ý thức được tầm quan trọng của anime và tiếp cận toàn cầu như là một giá trị xuất khẩu.
Nguồn: Japan Times