Edo Shigusa (江戸しぐさ) là bộ quy tắc ứng xử của người Nhật vào thời Edo. Đây được coi là một trong những cơ sở tạo nên sự tinh tế trong quy cách đối nhân xử thế của người Nhật.
Đôi nét về bộ quy tắc Edo Shigusa
Thời kì Edo được coi là “Thời kì thái bình” của nước Nhật bởi trong hơn 260 năm của thời đại này không hề có cuộc chiến tranh nào, người dân được hưởng thái bình, thịnh vượng. Vào thời kì này, Edo là đô thị đông dân nhất thế giới, việc giao thương buôn bán diễn ra tấp nập. Và Edo Shigusa đã được sinh ra như một bộ quy tắc giúp cho sự giao tiếp giữa người với người tại đây được diễn ra trơn tru, hiệu quả hơn.
Đến nay, tuy đã trải qua hơn 150 năm thăng trầm cùng lịch sử Nhật Bản nhưng rất nhiều quy tắc trong Edo Shigusa vẫn còn nguyên giá trị, nó trở thành quy tắc ứng xử chung của người Nhật và tạo một nét đặc trưng độc đáo trong tính cách cũng như cách hành xử của người Nhật trong con mắt của bạn bè quốc tế.
Một số quy tắc ứng xử trong Edo Shigusa
- Để ý, quan tâm đến đối phương bằng việc “ nghiêng ô” 「傘かしげ」
Vào ngày mưa khi đi ngược chiều nhau, cả hai bên nên nghiêng ô ra phía ngoài, tránh để đối phương bị ướt.
- Thể hiện sự biết ơn bằng việc nói 「いただきます」
Bạn có biết từ Itadakimasu mà người Nhật luôn nói trước mỗi bữa ăn để biểu thị lòng biết ơn với đồ ăn, với người làm ra đồ ăn, thực chất bắt nguồn từ bộ quy tắc Edo Shigusa.
- Kể cả người “thấp hơn” cũng dùng 「ございます」
Trong bộ quy tắc Edo Shigusa quy định, khi có người chào mình 「おはようございます」hay 「お疲れ様です」, kể cả đó là người “thấp hơn” mình ví dụ như đàn em khóa dưới, cấp dưới, người ít tuổi thì cũng phải trả lời lại là 「おはようございます」, 「お疲れ様です」chứ không được chỉ nói lại là 「おはよう」, 「お疲れ」.
- Không nói từ “Bận” 「忙しい」
Không nói từ “Bận” cũng là một trong những quy tắc trong Edo Shigusa. Bởi vì họ quan niệm, hán tự của chữ “Bận”「忙」khi mất đi bộ bên trái thì nó sẽ biến thành chữ 「心」thế nên “Bận” 「忙しい」cũng có nghĩa là mất đi tâm hồn 「心を亡くす」mà người dân Edo lại rất xem trọng tâm hồn nên họ không bao giờ nói từ “Bận”.
- Mottainai- Lãng phí quá 「もったい大事」
Trong Edo Shigusa quy định phải biết quý trọng đồ vật, không được dễ dàng vứt bỏ chúng mà bỏ tâm sức sử dụng tiếp đến khi nào không sử dụng được thì thôi.
Hiện nay, Mottainai cũng là một trong những từ tiếng Nhật được thế giới biết đến nhiều nhất, thể hiện sự tôn trọng của thế giới với tinh thần tiết kiệm của người Nhật.
- Nghiêng vai để tránh đụng đối phương 「肩引き」
Khi đi ngược chiều với đối phương trên đường, phải để ý đến họ, để tránh đụng thì phải nghiêng nhẹ vai sang phía bên ngoài.
- Chia đường theo tỉ lệ 3:7 「七三の道」
Khi đi trên đường dù không có ai cũng không nên đi giữa đường mà chỉ đi ở khoảng đường bằng 3 phần để lại 7 phần trống để nhường cho người khác đi.
Khi bắt gặp người Nhật đi thang máy, bạn sẽ thấy họ sẽ chỉ đứng về một bên nhỏ còn để phần rộng hơn cho người có việc gấp họ sẽ chạy theo đường đó. Đây cũng là một trong những đức tính của người Nhật mà chúng ta nên học tập.
- Xê hông để nhường một phần chỗ 「こぶし腰浮かせ」
Khi đang ngồi ghế dài ở trên tàu nếu có người đến sau thì những người đến trước sẽ xê hông, ngồi xát vào phía trong nhằm tạo khoảng trống cho người đến sau. Họ quan niệm rằng dù mình ngồi trước nhưng chỗ ngồi đó không phải của riêng mình mà chỉ là chỗ ngồi đang đi mượn thôi.
- Không sử dụng liên từ đối ngược「 逆らいしぐさ」
Vì không muốn gây tâm lí khó chịu cho đối phương hay gây ra những phiền phức thừa thãi không đáng có nên khi nói chuyện với người khác người Edo sẽ cố gắng không sử dụng các liên từ có ý đối ngược lại với đối phương như 「しかし」「だけど」(Nhưng, Nhưng mà..). Điều này chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng khi giao tiếp với người Nhật hiện nay.
- Quy tắc về hút thuốc 「喫煙しぐさ」
Ngay từ thời Edo, người Nhật đã có những quy định rõ ràng về nơi được hút thuốc và nơi không được hút thuốc. Tuy nhiên, dù là ở nơi được phép hút thuốc nhưng nếu có người không hút thuốc ở đó thì cũng không được hút thuốc cũng nằm trong quy tắc của bộ Edo Shigusa. Dù việc hút thuốc có được cho phép nhưng nếu gây sự khó chịu cho người khác thì họ cũng không hút thuốc.
- Xin lỗi dù bản thân không sai 「うかつあやまり」
Nghe thì có vẻ vô lý nhưng trong Edo Shigusa, nếu hai bên ngoan cố, không khí xung quanh trở nên kì lạ thì họ nghĩ nếu mình xin lỗi và nhận bản thân bất cẩn trước thì bầu không khí sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Với họ thì cảm xúc của đối phương và giữ không khí ôn hòa giữa hai bên còn quan trọng hơn cảm xúc của bản thân.
- Sống lạc quan, hướng về phía trước 「陽に生きる」
Sống hướng về phía mặt trời, luôn sống lạc quan. Dù là sống trong lo lắng hay sống tích cực thì không hẳn cái gì đó sẽ thay đổi nhưng chí ít khi sống tích cực thì tâm trạng của bản thân sẽ trở nên hoàn toàn khác. Vì thế, sống tích cực, lạc quan sẽ luôn tốt hơn. Đó chính là quy tắc trong Edo Shigusa.
- Chú ý khi cắt ngang trước người khác 「横切りしぐさ」
Khi đi cắt ngang trước người khác phải giơ tay ra trước tương tự như hình con dao cắt và nói “Xin thất lễ cho tôi qua” 「前、失礼」. Đến ngày nay ta vẫn bắt gặp hinhf ảnh này ở rất nhiều người Nhật.
- Quy tắc kẻ trộm thời gian 「時泥棒」
Có nghĩa là không được cướp đi thời gian quan trọng của đối phương với việc không hỏi họ trước mà đến thăm đột xuất. Đối với mỗi người thời gian là vô cùng quý giá nên việc tước mất thời gian của họ cũng giống với cướp đi vàng vậy.
Quý trọng thời gian của người khác cũng đồng nghĩa đến đúng giờ hẹn, giữ đúng lời hứa.
Đây cũng là một trong những nét đặc trưng trong nhân cách của người Nhật, luôn đến đúng giờ, giữ đúng lời hứa và không đến nhà người khác chơi khi chưa đặt lịch hẹn.
- Quy tắc cẩn thận, tỉ mỉ, chi tiết 「念入れしぐさ」
Trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong công việc để tạo sự yên tâm và sự tin tưởng từ đối phương bản thân phải xác nhận thật cẩn thận, thật tỉ mỉ, cố gắng không để xảy ra lỗi.
- Có chào phải có đáp「おはようにはおはよう」
Khi được ai đó chào thì cũng phải cất lời chào đáp lại. Là một lẽ tất nhiên nhưng là một việc rất quan trọng. Dù đối phương có là người nào, là người hoàn toàn xa lạ thì việc bắt đầu bằng một câu chào là một việc không thể bỏ qua.
- Cách nói chuyện 「お世辞を言えて一人前」
Nói câu chào quan trọng hơn bất kì điều gì cũng không sai nhưng nếu chỉ có mỗi câu chào thì rất khó để kết nối với đối phương. Việc thêm một hai câu đằng sau câu chào như “Thời tiết hôm nay tuyệt nhỉ.” hay “Dạo này thời tiết bất thường quá, sức khỏe anh vẫn ổn chứ ạ?” sẽ giúp cho cuộc giao tiếp trôi chảy hơn.
- Giao tiếp trong cộng đồng 「束の間のつき合い」
Kể cả với người lần đầu tiên gặp hay đôi khi ngồi chung chỗ ngồi trên tàu thì cũng vẫn nên chào và tận hưởng cuộc nói chuyện giữa hai bên. Dù cho đôi khi chỉ là những câu chuyện về thời tiết.
Tham khảo: https://asakusakanko.com/edoshigusa/, https://www.researchgate.net/publication/340421787_Edo_Shigusa-_A_system_of_behavior_manners_for_Japanese_merchants_in_Edo_period