Bộ phim lấy bối cảnh vào thế kỷ 14-15 của Nhật Bản. Trước đó, loài người và các thần linh chung sống hòa bình với nhau. Cho tới một ngày, tại ngôi làng của bộ tộc Emishi, một con quái vật từ trong rừng bắt đầu tấn công dân làng. Hoàng tử Ashitaka đã nhìn ra con quái vật đó chính là vị thần rừng Nago, nhưng lúc này vị thần đã hóa điên và để cứu bộ tộc Ashitaka đành phải giết vị thần, nhưng cũng vì thế mà cánh tay anh bị vị thần nguyền rủa.
Nếu không tìm cách hóa giải lời nguyền, Ashitaka sẽ chết, vì vậy anh cắt tóc, rời bỏ bộ tộc và đi tìm phương thức chữa trị. Trên hành trình đó, anh gặp bà Eboshi – chủ nhân của Làng Sắt – một người phụ nữ mạnh mẽ, hung dữ, đang chặt phá rừng để lấy chất đúc vũ khí, dùng những viên đạn sắt để giết các vị thần rừng và khiến họ phát điên. Ashitaka còn gặp được Mononoke Hime – cô gái bị bỏ rơi và được Lang thần cưu mang, vì vậy Mononoke vô cùng căm thù loài người phá hoại khu rừng và đã quyết sát vai cùng các vị thần trong cuộc chiến ngăn chặn loài người. Vì gặp gỡ họ, Ashitaka bị cuốn vào cuộc chiến giữa hai bên, để rồi giúp mọi người nhận ra rằng cả hai bên đều có cái sai và cái đúng, con người và thiên nhiên phải sống hòa thuận với nhau.
Mình đặc biệt thích cách nhân vật Ashitaka được xây dựng, cậu không hoàn toàn đứng về một phe nào cả. Chính Ashitaka là người đặt ra câu hỏi “Tại sao con người và khu rừng không thể chung sống với nhau”, vì vậy cậu đã trở thành cầu nối để cả hai bên hiểu ra những điểm đúng và sai của mình, để từ đó tìm ra cách giải quyết và chung sống hòa bình. Mặc dù không phải nhân vật chính nhưng Ashita lại là nhân vật giúp kết nối các nhân vật và sự kiện với nhau, cũng như giúp người xem nhìn ra ý nghĩa của bộ phim.
Có thể nói cả bộ phim là sự thay đổi của San, từ cô công chúa Sói căm ghét con người, căm ghét Làng Sắt và tìm mọi cách để giết bà Eboshi, San dần tìm thấy bản ngã con người của mình. Cô sát cánh với Trư tộc trong trận chiến với loài người, không phải vì cô căm ghét con người nữa, mà vì lo lắng và muốn bảo vệ cánh rừng, muốn giúp đỡ cuộc chiến đấu mạnh mẽ, kiêu hạnh nhưng lại đầy hồ đồ này của Trư tộc.
Eboshi được xây dựng với hình tượng một nhân vật cố chấp với suy nghĩ rằng thiên nhiên phải phục vụ con người và không ngừng ra tay phá hủy cánh rừng và các vị thần. Tuy nhiên, ngoài điều đó ra, mình chẳng thấy Eboshi có điều gì đáng trách, một người phụ nữ mạnh mẽ, giỏi giang, giúp đỡ những nô lê, cho họ một mái nhà, cho họ ý chí để sống thì có gì đáng trách? Eboshi đại diện cho loài người, còn Làng Sắt thì đại diện cho nền công nghiệp văn minh, Eboshi không hiểu và xem thường sức mạnh của thiên nhiên, để rồi từ đó phải nhận lại hậu quả thích đáng.
Các nhân vật của khu rừng được xây dựng với các ý nghĩa riêng, đặc biệt là vị thần rừng với tạo hình kỳ lạ, là người ban lại sự sống nhưng cũng đoạt đi sự sống của cánh rừng. Hình ảnh khi thần rừng mất đi chiếc đầu khiến cảnh vật khắp nơi trở nên úa tàn, rồi lại lần nữa sinh sôi nảy nở chính là minh chứng rõ ràng nhất về sức mạnh của thiên nhiên. Thiên nhiên chính là sự sống. Nó đem đến cho chúng ta sự sống và cũng có thể đoạt đi sự sống đó. Bên cạnh đó, các nhân vật như Lang thần, Trư thần hay Tà thần xuất hiện với cùng một tâm thế, buộc tội con người đã làm ảnh hưởng đến họ, và sự thật đúng là con người đã làm như thế. Có thể nói lý lẽ của các vị thần đều là lý lẽ của thiên nhiên, những vị thần này chính là thể hiện của sức mạnh và ý chí của khu rừng.
Một chi tiết nhỏ mình khá thích chính là cảnh phim khi Ashitaka dẫn theo hai người Làng Sắt băng qua khu rừng dưới sự chỉ dẫn của Kodama. Có thể thấy khi nhìn thấy Kodama, người đàn ông Làng Sắt đã tỏ ra sợ hãi và lo lắng, hoàn toàn khác với Ashitaka vô cùng thân thiện và vui vẻ với chúng. Với mình, đây là một chi tiết nhỏ về sự thiếu hiểu biết của con người đối với thiên nhiên, người Làng Sắt luôn lo sợ những linh hồn trong khu rừng, lo lắng chúng gây hại đến họ, để rồi chính họ là người bắt đầu cuộc chiến trước, một cuộc chiến vô nghĩa khiến họ phải trả một cái giá vô cùng lớn.
Cả bộ phim đều hướng đến ý nghĩa về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, con người muốn phát triển thì cần đến môi trường, nhưng con người lại không ngừng ô nhiễm và giết chết thiên nhiên. Còn thiên nhiên kia, tựa hồ vô hại, hiền hòa nhưng thật ra lại ẩn chứa đầy những bí ẩn và nguy hiểm – những điều mà con người khó có thể tưởng tượng nổi.
Những bộ phim của Ghibli luôn là những cảnh phim đậm màu nghệ thuật, những nét vẽ tự nhiên, chân thật nhưng lại không thiếu phần tinh tế và hoàn hảo. Từ khung cảnh núi rừng bạt ngàn, xanh thẳm cho đến hình ảnh cuộc sống con người nơi Làng Sắt, tất cả khung hình đều được thể hiện một cách tỉ mỉ, rõ ràng. Bố cục phim chặt chẽ, không một chi tiết rườm rà, giúp người xem dễ dàng hòa vào mạch phim, đắm chìm trong câu chuyện. Phối hợp cùng những ca từ sâu lắng, chậm rãi của nhạc nền làm bộ phim càng trở nên đặc sắc, ý nghĩa. Có thể nói, đối với mình Mononoke không phải là một bộ phim dành cho mọi lứa tuổi, nhưng ý nghĩa mà nó mang lại thì đặc sắc hơn bất kỳ bộ phim nào của Ghibli.