Đây là toàn bộ bài Tuyên ngôn hòa bình được Thị trưởng thành phố Nagasaki Tomihisa Taue đọc tại buổi lễ tưởng niệm 74 năm ngày thành phố bị đánh bom nguyên tử.
Nhắm mắt lại và lắng nghe
Hàng ngàn cánh tay đôi chân bị xé nát
Lòng ruột bị phơi bày
Dòi bọ nhung nhúc
Những người sống sót tìm kiếm người thân
Và hỏa táng thi thể họ tìm thấy
Khói đốt xác bốc lên trời
Máu người vô tội nhuộm đỏ nước sông Urakami
Chỉ để lại những vết sẹo, cuộc chiến cuối cùng cũng kết thúc
Nhưng
Bố tôi, mẹ tôi đã ra đi
Anh tôi, chị tôi không bao giờ trở về
Con người yếu đuối và nhanh quên
Họ lặp đi lặp lại lỗi lầm
Nhưng
Điều này sẽ không bao giờ bị quên lãng
Điều này sẽ không bao giờ nên lặp lại
Ở bất kì hoàn cảnh nào…
Đây là bài thơ một người phụ nữ trải qua vụ đánh bom nguyên tử vào 11:02 phút sáng ngày 9/8/1945 viết lên. Năm mười bảy tuổi, bà mất gia đình và chịu tổn thương nghiêm trọng. Bài thơ thể hiện niềm tin mãnh liệt của bà rằng không ai khác trên thế giới này phải chịu bi kịch như thế.
Bom nguyên tử được chế tạo bởi bàn tay con người và nổ trên đầu loài người. Cho nên vũ khí hạt nhân có thể được loại bỏ bởi ý chí của con người và nguồn gốc của ý chí đó, không nghi ngờ gì, là tư tưởng của mỗi người.
Tình hình thế giới hiện nay liên quan đến vũ khí hạt nhân đang rất nguy hiểm. Ý kiến cho rằng vũ khí hạt nhân là hữu ích một lần nữa thu hút sự chú ý. Hoa Kỳ đang phát triển vũ khí nhân dạng nhỏ hơn, dễ điều khiển hơn. Nga đang tuyên bố phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân mới. Hơn nữa, Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces INF) kết thúc cuộc đua vũ trang chiến tranh lạnh đang đối mặt với việc bị giải trừ, và Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) đang gặp nguy cơ không thể tiếp tục. Thành tựu của nhân loại và kết quả của những nỗ lực lâu dài để từ bỏ vũ khí hạt nhân trên thế giới của chúng ta đang lần lượt sụp đổ và nguy cơ thảm họa hạt nhân đang gia tăng.
Những người sống sót sau thảm hoa bom hạt nhân nỗ lực để mong cầu địa ngục đó không “lặp lại”, có phải lời kêu gọi tuyệt vọng của họ không lan tỏa trên toàn thế giới hay không?
Câu trả lời là không. Rất nhiều người ở Liên Hiệp Quốc, trong chính quyền quốc gia và khu tự trị, và đặc biệt là các nhóm xã hội dân sự, bao gồm những người sống sót sau thảm họa bom hạt nhân, có cùng quan điểm và đang lên tiếng.
Tuy là tập hợp của những tiếng nói nhỏ nhoi, nhưng các nhóm xã hội dân sự đã cho thấy sức mạnh có thể thay đổi thế giới. Việc thử nghiệm bom Hydro ở Bikini Atoll năm 1954 đã khuấy động làn sòng phản đối khắp toàn cầu và kết quả là các hiệp ước cấm thử nghiệm ra đời. Tương tự, sức mạnh của các phong trào công dân đóng vai trò quan trọng trong việc ký kết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân năm 2017. Sức mạnh của một cá nhân tuy nhỏ nhưng không có nghĩa là yếu.
Tôi kêu gọi xã hội dân sự trên toàn thế giới.
Chúng ta hãy tiếp tục nói về chiến tranh và bom nguyên tử và truyền thông điệp cho thế hệ tương lai. Biết về sự kinh hoàng của chiến tranh là bước đi quan trọng đầu tiên đến hòa bình.
Chúng ta hãy tiếp tục thúc đẩy niềm tin giữa con người vượt qua biên giới quốc gia. Những cây cầu niềm tin được xây dựng bởi các cá nhân sẽ giúp ngăn chặn chiến tranh bùng nổ do xung đột quốc gia.
Chúng ta hãy cho con cái của mình biết về tầm quan trọng của việc hiểu được nỗi đau của người khác. Điều đó sẽ gieo hạt giống hòa bình trong tim các em.
Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm vì hòa bình. Đừng tuyệt vọng và thờ ơ, hãy tiếp tục nuôi dưỡng nền văn hóa hòa bình. Chúng ta hãy lên tiếng và nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không cần thiết.
Tuy chúng ta nhỏ bé nhưng chúng ta có thể đóng vai trò lớn như thế.
Các nhà lãnh đạo thế giới! Hãy ghé thăm các thành phố bị ném bom nguyên tử, nhìn, nghe và cảm nhận những gì xảy ra dưới đám mây hình nấm. Hãy khắc sâu trong tâm trí sự vô nhân đạo của vũ khí hạt nhân.
Các nhà lãnh đạo của các quốc gia hạt nhân! Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) sẽ chạm mốc 50 năm trong năm tới. Tất cả các quốc gia hạt nhân nên nhớ lại ý nghĩa của hiệp ước, là lời hứa hủy bỏ vũ khí hạt nhân và các quốc gia đều phải thực hiện. Tôi đặc biệt kêu gọi nước Mỹ và nước Nga nhận trách nhiệm là siêu cường hạt nhân bằng cách chứng minh cho thế giới thấy những cách cụ thể để giảm mạnh các kho dự trữ hạt nhân.
Tôi cũng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản. Nhật Bản đã quay lung lại với Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Là quốc gia duy nhất trên thế giới chịu sự tàn phá do bom hạt nhân gây ra, Nhật Bản phải ký và phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân càng sớm càng tốt. Như là một biện pháp, tôi kêu gọi Nhật Bản nắm bắt xu hướng phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và khởi xướng nỗ lực biến Đông Bắc Á thành khu vực phi hạt nhân, nơi tất cả các quốc gia cùng tồn tại. Và trên tất cả, tôi mong muốn Chính phủ Nhật Bản đề cao tinh thần “không bao giờ gây chiến” được ghi trong Hiến pháp và đi đầu trong việc lan tỏa tinh thần đó ra toàn thế giới.
Tuổi thọ trung bình của người sống sót sau thảm họa hạt nhân đã vượt 82. Tôi yêu cầu Chính phủ Nhật Bản áp dụng các biện pháp tiếp theo để hỗ trợ những người sống sót đã lớn tuổi, đồng thời hỗ trợ những người tiếp xúc với vụ đánh bom nhưng chưa được công nhận là nạn nhân.
Là thành phố chịu thảm họa bom nguyên tử, Nagasaki sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Fukushima, những người vẫn đang vật lộn với ô nhiễm phóng xạ 8 năm sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân.
Những suy nghĩ chân thành của tôi hướng đến những người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom nguyên tử. Tôi tuyên bố quyết tâm của Nagasaki, cùng với Hiroshima và mọi người khắp nơi cam kết vì hòa bình, phấn đấu không ngừng để xóa bỏ vũ khí hạt nhân vì hòa bình lâu dài của thế giới.