Ảnh: nakashibetsu.jp
Những người đã đang học tiếng Nhật hay từng tiếp xúc với người Nhật chắc hẳn ít nhiều đã từng nghe đến từ “Tatemae” và chắc cũng không ít người đã từng “gặp sự cố” với cách nói Tatemae của người Nhật rồi phải không? Vậy đã bao giờ các bạn cho rằng Tatemae là sự giả tạo trong tính cách của người Nhật chưa?
Tatemae (建前) là gì?
Tatemae thường được dùng với hai nghĩa, thứ nhất mà có lẽ ít người biết đến đó là khung nhà, nghĩa thứ hai cũng là nghĩa mà bài viết muốn nói tới là thái độ bên ngoài, cách ứng xử, giao tiếp bên ngoài. Trái nghĩa với nó là từ “Honne” nghĩa là suy nghĩ thực sự bên trong.
Nếu có người Nhật nào nói với bạn rằng : 今度うちに行ってくださいね。(Lần tới hãy đến nhà tôi chơi nhé) thì đó thực ra chỉ là một câu mời chào mang tính lịch sự thôi bởi vì “Lần tới” là một khái niệm thời gian rất mơ hồ, không cụ thể. Nếu bạn không nhận ra đó là “Tatemae” của họ mà muốn tới nhà chơi thì có lẽ họ sẽ tìm một lý do nào đó để từ chối bạn đó.
“Tatemae” của người Nhật cũng thể hiện rất rõ ở việc họ sẽ không bao giờ nói “No” để từ chối một cách thẳng thừng với đối phương. Khi không muốn làm gì đó thường họ sẽ nói lòng vòng một hồi rằng họ cũng rất muốn làm đấy nhưng đang vướng mắc chuyện gì đó mà không thể làm được.
Đặc biệt, Tatemae được người Nhật sử dụng rất nhiều trong công việc kinh doanh bởi nó có thể khiến công việc, sự hợp tác trở nên thuận lợi hơn.
Tuy nhiên với những người nước ngoài ít tiếp xúc với người Nhật hoặc ít tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản thì chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn với Tatemae của họ.
Nguồn gốc của Tatemae
Ngày xưa có một người thợ xây rất lành nghề vào một buổi tối đứng trước khung nhà (cũng đọc là Tatemae) ông bỗng phát hiện ra một vết xước tuy ngắn nhưng không thể sửa lại được trên cây trụ ở đó. Từ đó ông sinh ra căm ghét sự thiếu cẩn thận của bản thân và bắt đầu nghĩ tới cái chết. Thấy chồng như thế, vợ của ông đã chuốc rượu cho ông ngủ thật say và trong khoảng thời gian đó đã nghĩ ra cách để sửa vết xước đó. Ngày hôm sau khi tỉnh dậy, người thợ đi đến chỗ vết xước và thấy nó đã được sửa gần như không còn dấu vết. Tuy nhiên thay vì vui mừng và khen ngợi người vợ ông ta lại vì sợ lỗi mình đã phạm phải bị người khác biết sẽ ảnh hưởng đến danh dự của bản thân nên đã ra tay giết hại vợ của mình. Nhưng sau khi giết vợ xong người thợ lại vô cùng hối hận vì việc làm của mình, ông ta quyết định dùng 7 đồ vật của phụ nữ trang trí trên nóc nhà để làm lễ truy điệu cho vợ. 7 đồ vật đó là son, gương, lược, trâm, phấn, thoa, tóc giả.
Và câu chuyện của người vợ đáng thương làm theo suy nghĩ thực sự của mình và người thợ vì chỉ để ý đến danh dự của bản thân và khung nhà (cũng là Tatemae) mà giết hại vợ chính là nguồn gốc của từ Tatemae mà chúng ta sử dụng sau này.
Tatemae có phải sự giả tạo của người Nhật?
Ảnh: lingvistika.blog.jp
Thực ra, Tatemae được coi là một nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản, bởi vì bản chất của người Nhật rất để ý đến cảm nhận và suy nghĩ của người khác. Họ sợ rằng khi từ chối thẳng thừng với lời mời mọc, đề nghị, yêu cầu của đối phương sẽ làm đối phương bị tổn thương từ đó có thể ảnh hưởng đến quan hệ của hai bên và làm câu chuyện trở nên bế tắc, khó xử hơn. Nhất là trong kinh doanh, Tatemae lại càng được sử dụng nhiều hơn, nếu ai biết sử dụng nó một cách nhuần nhuyễn thì sẽ càng thuận lợi trong công việc.
Còn với những câu mời mọc kiểu Tatemae thì ở Việt Nam cũng có, đôi khi người ta cũng hay dùng những câu mời nhưng mục đích chỉ mang tính chất lịch sự như “Khi nào đến nhà tôi chơi nhé”, “Bao giờ anh rảnh chúng ta đi cà phê nhé”…những câu mời rủ như thế chúng ta hay gọi là “mời rơi”. “Mời rơi” của Việt Nam hay mời kiểu Tatemae của người Nhật về bản chất đều như nhau, không hề có ý xấu hay giả tạo của người nói mà chỉ mang tính lịch sự hay xã giao mà thôi.
Tham khảo: https://pouchs.jp/lifestyle/GyA2k