Lễ Thành Nhân là gì?
Lễ Thành Nhân là một nghi lễ có từ lâu đời được tổ chức để chúc mừng sự trưởng thành thành người lớn. Nghi lễ này là một trong những nghi lễ chuyển đổi, tổ chức vào vào các cột mốc quan trọng của đời người như: sinh ra, trưởng thành, kết hôn, mất đi. Nam giới sẽ thực hiện nghi lễ Genpuku (元服), nữ giới thực hiện nghi lễ Mogi (裳着). So với 18 tuổi, sau khi trải qua lễ Thành Nhân, người đó sẽ được coi là đã trưởng thành và được làm những việc trước đây bị cấm như được uống rượu, hút thuốc, được thi bằng lái xe ô tô… Lễ Thành Nhân là một ngày lễ có ý nghĩa rất quan trọng đối với các thanh niên Nhật Bản. Sau khi trải qua lễ Thành Nhân, mỗi người được xã hội thừa nhận là những công dân của xã hội đã trưởng thành và bắt đầu phải thực hiện trách nhiệm của một công dân.
Từ thời Nara, người Nhật tổ chức nghi lễ Genpuku cho các bé trai từ 12~16 tuổi. Trong nghi lễ này, các bé trai sẽ để tóc búi như người lớn và mang trang phục của nam giới trưởng thành. Nữ giới sẽ tổ chức nghi lễ Mogi, nghi lễ được tổ chức khi quyết định kết hôn hoặc sắp kết hôn, đồng thời tóc các bé gái cũng được vấn lên cao vào lúc này. Lễ Thành Nhân được tổ chức theo hình thức như ngày nay được bắt nguồn từ lễ hội Seinensai (青年祭) tổ chức ở tỉnh Saitama năm 1946. Nước Nhật thời đó đang rơi vào cảnh cùng kiệt sau Thế Chiến thứ 2, vì thế, để cổ vũ tinh thần cho thế hệ trẻ – người gánh trên vai tương lai đất nước, tỉnh trưởng tỉnh Saitama lúc ấy, ông Takahashi Shoujirou đã đề xướng tổ chức lễ hội Seinensai. Sau đó, cách tổ chức này được lan rộng ra cả nước, và ngày nay tại thành phố Wasabi, Saitama lễ Thành Nhân vẫn được gọi với cái tên Seinensai.
Thời gian và địa điểm tổ chức
Lễ Thành Nhân được tổ chức vào ngày thứ Hai lần thứ 2 tháng 1, năm nay sẽ là ngày 13/1, là lễ Thành Nhân đầu tiên của năm Reiwa. Những người tham gia lễ Thành Nhân là những người đã tròn 20 tuổi. Theo cách tính trước kia là những người có ngày sinh nhật lần thứ 20 trong khoảng thời gian từ ngày tổ chức lễ Thành Nhân của năm trước đến ngày Thành Nhân của năm sau. Tuy nhiên, gần đây quy định độ tuổi tổ chức đã được thay đổi, thành những người tròn 20 tuổi có ngày sinh nhật trong khoảng từ ngày 2/4 năm trước đến ngày 1/4 năm sau. Vì thế những bạn sinh sớm đã có thể tham gia lễ Thành Nhân cùng các bạn cùng khóa thay vì khóa dưới như trước kia. Địa điểm tổ chức lễ Thành Nhân tại văn phòng các địa phương, sau đó là buổi tiệc cùng gia đình và bạn bè.
Trang phục
Trong ngày lễ trọng đại này, nam giới hay mặc Hakama hoặc vest, nữ giời mặc Furisode. Trang phục biểu tượng của Nhật Bản là kimono, tuy nhiên cùng là kimono nhưng tùy thược vào tuổi tác, địa vị thì kiểu cách của kimono cũng thay đổi. Theo đó, trang phục chính thống của phụ nữ chưa kết hôn là Furisode sẽ được mặc khi thực hiện nghi lễ quan trọng của đời người ví dụ như lễ Thành Nhân, lễ kết hôn. Động tác vẩy tay áo trong nghi thức nhằm để xua đuổi điều xấu, thanh tẩy ô uế nên việc mặc Furisode có ý nghĩa “gột rửa bản thân trước ngưỡng cửa cuộc đời”.
Vì Furisode là một trong những kimono được mặc trong những dịp đặc biệt quan trọng nên những phép tắc khi mặc cũng được quy định rất nghiêm ngặt, ví dụ như cách đứng, cách ngồi, cách đi,… Đồng thời, do furisode có vạt tay áo rất dài nên cũng cần chú ý không để tay áo chạm đất khi ngồi hay lên xuống cầu thang, hay khi vẫy gọi người khác cũng cần chú ý không để lộ cánh tay, khuỷu tay ra ngoài.
Là một ngưỡng cửa quan trọng trước khi bước vào xã hội, lễ Thành Nhân không chỉ quan trọng với bản thân các thanh niên, mà đối với cả các bậc phụ huynh khi chứng kiến sự trưởng thành của con em mình. Nếu có may mắn được tham gia buổi lễ quan trọng này, hãy chia sẻ cùng chúng mình nhé!