Số liệu trên được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội công bố trong bối cảnh nước này chuẩn bị tổ chức kỷ niệm ngày lễ quốc gia Keiro no Hi (Ngày tôn trọng người cao tuổi), ngày 15/9 hàng năm.
Cơ quan trên dự kiến tính tới ngày 15/9, số người sống thọ trên 100 tuổi sẽ lên tới 61.568 cụ, tăng 2.748 người so với năm trước, trong đó, nữ giới vẫn chiếm ưu thế với 87,3%. Tỉnh Shimane giữ kỷ lục có nhiều người sống trên 100 tuổi nhất với tỷ lệ 90,67 cụ trên 10.000 người. Xếp thứ hai là tỉnh Kagoshima với tỷ lệ 80,40/100 người.
Người đàn ông cao tuổi nhất Nhật Bản là cụ Yasutaro Koide, 112 tuổi, sống tại Nagoya. Người phụ nữ cao tuổi nhất Nhật Bản là một cụ bà 115 tuổi, hiện sống tại quận Shibuya của Tokyo.
Khi Chính phủ Nhật Bản bắt đầu tiến hành thống kê số người thọ trên 100 tuổi vào năm 1963, quốc gia này chỉ có 153 cụ. Nhờ vào tiến bộ của y học và cải thiện điều kiện sống, con số này sau đó đã tăng với tốc độ nhanh chóng, vượt qua mức 10.000 người vào năm 1998, đạt mức 30.000 cụ vào năm 2007 và lên tới 50.000 người vào năm 2012.
Nhật Bản được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khoẻ và tinh thần cho người già hàng đầu thế giới. Hiện nay, Nhật Bản có số người già nhiều nhất thế giới với tuổi thọ trung bình lên tới 82 tuổi. Tuy nhiên, dân số lão hoá hiện cũng đang là trở thành một gánh nặng cho hệ thống phúc lợi xã hội nước này.
Một điều đáng ngạc nhiên là sự dẻo dai của người cao tuổi ở Nhật Bản rất tự nhiên không cần phải có sự hỗ trợ của máy móc các thiết bị y tế hỗ trợ, và có những cụ ông, cụ bà sống trên 100 tuổi vẫn chăm sóc được bản thân mình, và tham gia lao động ở một mình.
Trong một cuộc phóng vấn với cụ Bà Matsu Taisa, 99 tuổi ở làng Ogimi (Okinawa) – ngôi làng được gọi là “làng trường thọ” ở Nhật, cụ nói rằng bí quyết sống lâu của mình là do lúc nào cũng nghĩ mình còn trẻ, lạc quan, cụ vẫn tham gia lao động được, vẫn trồng khoai lang, đậu tương và làm vườn. Và bí quyết quan trọng giúp tăng tuổi thọ của cụ chính là luôn vận động, và tập thể dục, thể thao.