Từ khoảng trung tuần tháng 2, chắc hẳn các bạn đã thấy nhiều gia đình người Nhật trưng bày các búp bê nhiều màu sắc sặc sỡ, phong tục này được gọi là Hina matsuri, là ngày lễ dành riêng cho các bé gái độc đáo ở Nhật. Sau đây hãy cùng chúng mình tìm hiểu xem phong tục này có gì thú vị nhé!
Nguồn gốc lễ hội Hina matsuri
Lễ hội Hina matsuri là một nghi lễ truyền thống tổ chức vào ngày 3/3 hàng năm dành riêng cho các bé gái để cầu chúc các bé lớn lên mạnh khỏe và hạnh phúc. Một số nơi của Nhật vẫn tiến hành nghi lễ theo lịch cũ nên ở đó lễ hội sẽ được kéo dài đến tận ngày 3/ 4.
Nghi lễ Hina matsuri vốn dĩ bắt nguồn từ 1 trong ngũ tiết (Setsuku), không phân biệt trai gái để xua đi bệnh tật và điều rủi. Theo quan niệm của người Nhật, các ngày lẻ trùng với số tháng được gọi là Ngũ tiết là ngày không tốt, vì vậy các lễ trừ tà thường được tổ chức vào những thời điểm này. Một năm có 5 tiết đó là, ngày 7/1 Jinjitsu (人日の節句) (Ngày không xử tội các phạm nhân), ngày 3/3 Joumi (上巳の節句) (ngày lễ bé gái), ngày 5/5 Tango (端午の節句) (ngày lễ bé trai), ngày 7/7 (七夕の節句) (lễ Thất tịch), ngày 9/9 Chouyou (重陽の節句) ngày mà người ta dùng hoa cúc để cầu sự trường thọ.
Nghi thức này trở thành nghi lễ dành riêng cho các bé gái từ thời Edo khi phong tục Trung Quốc được du nhập vào Nhật Bản. Tháng 3 ở Nhật cũng đúng là lúc hoa đào bắt đầu nở, đồng thời cây đào cũng có tác dụng xua đuổi bệnh tật, tà ma nên trên kệ trưng bày búp bê thường có 1 nhành đào, và lễ Hina matsuri còn được gọi với tên khác là Momo matsuri.
Đến thời Heian người ta hay thả những hình nhân làm bằng giấy hay gỗ xuống sông để xua đi những điều không may mắn. Các bé gái trong các gia đình quý tộc thường chơi đồ hàng bằng các cặp búp bê nam nữ làm từ giấy được gọi là Hiina asobi, sau đó buộc chúng lại với nhau rồi thả xuống sông gọi là tục Nagashi bina. Dần dần kỹ thuật làm búp bê càng ngày càng phát triển, người ta không thả sông nữa mà thay vào đó trưng bày ở vị trí thật trang trọng trong nhà. Như vậy, búp bê Hina giống như một vị thần bảo hộ bằng cách hút lấy các tai ương. Cũng chính vì thế mà có quan niệm rằng, nếu đến ngày đã định mà không thu dọn búp bê đi thì bé gái sẽ khó lấy chồng.
Thời điểm trưng bày búp bê Hina
Thời gian bắt đầu trưng bày vào lập xuân (sau ngày Setsubun tức khoảng 4/2) cho đến trung tuần tháng 2, muộn nhất thì trước ngày 3/3 1 tuần là phải hoàn thành xong việc trưng bày búp bê. Thời gian cất búp bê thường là sau ngày 3/3 dọn búp bê là hợp lý, nhưng cũng có vùng tiếp tục trưng bày cho đến tận 3/4 ổn nhất là sau lễ Hina khoảng 2 tuần là ổn nhất.
Người Nhật thường lưu truyền một truyền thuyết đáng sợ khi cất búp bê đi muộn, đó chính là không dọn búp bê vào ngày đã định trước thì đó không phải là cô gái chỉn chu nên sẽ khó trở thành cô dâu được.
Đồng thời, không chỉ phải cất đi vào đúng ngày đã định trước mà chọn ngày cất búp bê cũng cần chú ý kỹ. Bởi bộ búp bê được dùng cho cả những năm về sau nữa nên nếu độ ẩm cao khi cất đi có thể sẽ gây ra nấm mốc sẽ làm hư hại búp bê thậm chí sẽ phải bỏ đi. Vậy nên quyết định ngày nào cất búp bê đi cũng thể hiện được sự cẩn thận của cô gái.
Búp bê Hina thực ra không phải một nàng công chúa
Từ Hina trong Hina matsuri có nghĩa là từ một vật to, làm thành một vật nhỏ, vừa nhỏ vừa đáng yêu. Khi nói búp bê Hina tức chỉ tất cả búp bê được đem trưng bày. Các búp bê trưng bày miêu tả các khung cảnh của lễ kết hôn trong cung đình, trong đó gồm búp bê Odairi-sama là hoàng thượng và hoàng hậu, 3 nữ quan, 5 người nhạc công, 2 cận thần bên trái phải, và các hộ vệ.
Một kệ trưng bày tiêu chuẩn thường là 7 tầng, gồm 15 búp bê, tuy nhiên tùy thuộc vào điều kiện của gia đình mà số lượng khác nhau như 3 tầng hoặc 5 tầng. Ví dụ những nhà không có điều kiện thì chỉ cần hai búp bê vua và hoàng hậu, nhưng tại những gia đình khá giả thì số lượng búp bê có thể trên con số 15.
Trong dịp lễ Hina matsuri, bài Ureshi hina matsuri thường được vang lên. Giai điệu vui tươi nhưng thực ra lại ẩn chứa nhiều nỗi niềm của tác giả. Trong lời 2 của bài hát có câu, お嫁にいらした ねえさまに よく似た官女(カンジョ)の 白い顔, tạm dịch là khuôn mặt trắng trẻo của nữ quan tựa như khuôn mặt của chị gái, người đã đến nhà cô dâu. Câu hát này được cho là tâm tư của tác giả về người chị gái của mình, người đã mất ở độ tuổi 18 xuân sắc nhất vì bệnh lao, và mong chị sống thật hạnh phúc ở thế giới bên kia.
Cách bài trí búp bê
Tùy từng điều kiện của gia đình mà số lượng và số tầng của kệ búp bê sẽ khác nhau, nhưng có quy tắc không đổi đó là số kệ là số lẻ, như 3 hay 5. Nhiều bộ búp bê Hina trở thành tài sản quý giá của gia đình, và được làm của hồi môn cho cô dâu khi lấy chồng. Sau đây, mình sẽ trình bày cách bài trí của kệ búp bê 7 tầng theo quy chuẩn.
Ở tầng cao nhất là vua và hoàng hậu, vị trí trái phải tùy thuộc phong tục của vùng, phía sau là bức bình phong dát vàng, hai bên là hai chiếc đèn đứng, ở giữa là mâm cúng kiểu Nhật. Sự bài trí búp bê có sự khác nhau ở vùng Kansai và Kanto. Ở Kansai, khi nhìn từ đối diện thì bên trái là búp bê hoàng hậu, bên phải là búp bê vua. Còn Kanto thì ngược lại, bên trái là búp bê vua, bên phải là búp bê hoàng hậu.
Tại sao lại có sự khác nhau như vậy? Đó là do trong quan niệm của người Nhật xưa thì bên trái có vị trí cao hơn dựa trên suy nghĩ, “Thiên tử mặt quay hướng nam”, tức khi quay lưng hướng bắc, mặt hướng về hướng nam thì mặt trời sẽ mọc từ bên trái (tức hướng đông). Vì thế, búp bê vua sẽ được đặt bên trái (nhìn từ đối diện là bên phải), còn búp bê hoàng hậu sẽ được đặt bên phải (nhìn từ đối diện là bên trái).
Tuy nhiên, sự du nhập của văn hóa phương Tây, bên phải được cho là có vị trí cao hơn nên Kantou, nơi đặt Hoàng cung sẽ đặt búp bê vua bên phải (nhìn từ đối diện là bên trái), búp bê hoàng hậu ở bên trái ( nhìn từ đối diện là bên phải), điều này có thể thấy rất rõ trong các dịp lễ như sinh nhật của Nhật hoàng hay viếng thăm vào năm mới. Còn vùng Kansai như Kyoto thì vẫn giữ các bài trí truyền thống vua bên trái, hoàng hậu bên phải đến bây giờ.
Tầng thứ 2, có 3 nữ quan, trong đó có 1 người ngồi sẽ ngồi giữa dâng mâm cúng, người ngồi bên phải cầm Nagaeno choushi, người bên trái cầm Kuwae no choushi. Giữa các nữ quan là bàn ăn có chân cao, được trang trí bằng bánh mochi.
Tầng thứ 3 là 5 người nhạc công được tạo hình mặt ngây thơ như trẻ con, có 3 người cầm trống, 1 người cầm sáo, 1 người hát.
Tầng thứ 4 có 1 cặp cận thần có nhiệm vụ bảo vệ vua và hoàng hậu. Cận thần bên trái cầm cung, trông già hơn cận thần bên phải, cận thần bên phải tay cầm mũi tên, lưng đeo bao tên.
Tầng thứ 5, gồm 3 hộ vệ với 3 biểu cảm phổ biến khóc, cười, giận dữ. Từ trái sang 3 người lần lượt mang Daigasa, Kutsudai, Tategasa. Hai bên 3 hộ vệ là chậu đào và chậu quất.
Tầng thứ 6 trang trí nhiều vật dụng như giá gương, hộp kim, lò than, bộ pha trà…
Tầng 7 ở giữa là hộp cơm nhiều tầng, hai bên là kiệu và xe ngựa. Không có quy tắc nghiêm ngặt phải bày bên nào nhưng thường thì bên trái là kiệu, còn bên phải là xe ngựa.
Ý nghĩa món ăn trong lễ Hina matsuri
Hamaguri
Bởi vì vỏ sò phải bắt buộc là chiếc vỏ cùng cặp thì mới khớp với nhau. Với ý nghĩa đó, người Nhật thường dùng Hamaguri để cầu chúc bé gái sẽ tìm được đức lang quân như ý.
Hina Arare
Bỏng nổ Hina arare được làm từ gạo với 3 màu sắc hồng, trắng, xanh. Trắng tượng trưng cho tuyết, hồng là đào, xanh là đất, để miêu tả khung cảnh mùa xuân khi tuyết tan, cỏ mọc lên từ đất, và hoa đào nở. Khi ăn món này sẽ nhận được năng lượng từ thiên nhiên, và lớn lên khỏe mạnh.
Hina arare giữa hai vùng Kanto và Kansai cũng có sự khác nhau. Ở Kanto dùng gạo nổ bỏng, sau đó được tẩm vị bằng đường và màu sắc được gọi Pon gashi, còn ở Kansai thì là mochi được tẩm vị bằng muối hoặc nước tương ngọt sau đó chiên lên. Tuy nhiên ở những nơi giao nhau giữa 2 vùng đều có bán cả 2 loại Hina arare nên sẽ tùy theo khẩu vị của từng người.
Hishi mochi
Hishi mochi là loại bánh mochi được xếp các lớp mochi lên thành hình tháp với 3 màu xanh, trắng, hồng, là 3 màu đặc trưng của lễ hội Hina matsuri.
Chirashizushi
Bản thân món ăn Chirashi sushi không có ý nghĩa gì đặc biệt nhưng các nguyên liệu tạo nên món ăn mang ý nghĩa tốt như tôm với ý nghĩa mong được sống lâu đến lúc lưng cong như tôm, hay ngó sen với ý nghĩa tương lai hanh thông, đậu phụ với ý nghĩa làm việc khỏe mạnh.
Dịp Hina matsuri này nếu được người Nhật mời đến nhà, thì ngại gì không tham gia để trải nghiệm nét văn hóa độc đáo này đúng không nào!?
Tham khảo:
https://news.line.me/issue/oa-cookpad-baby/7ae10db08138
https://www.houzz.jp/ideabooks/61013698/list