Một trong những vấn đề kinh tế xã hội lớn nhất ở các nước phát triển là sự chênh lệch về thu nhập giữa những người giàu và những người bình thường. Ở Mỹ, sự chênh lệch này lớn khủng khiếp, 1% dân số siêu giàu sống cách biệt với đám đông trong những toàn lâu đài kín cổng cao tường.
Những người giàu ở Nhật thì lại rất khác, hay họ tỏ ra khác với người Mỹ. Người ta thường nói rằng ở Nhật bạn có thể là hàng xóm của một tỷ phú nhưng lại chẳng biết điều này vì nhìn nhà ông ta cũng chỉ như nhà bạn.
Lý do vì sao người giàu ở Nhật không khoe khoang sự giàu có của mình có lẽ bắt nguồn từ tập quán không cố tỏ ra nổi trội trong đám đông của văn hoá nước này. Gần đây với sự đi lên của thị trường chứng khoán, truyền thông Nhật đang bắt đầu nhắc tới giới siêu giàu.
Thế nhưng làm sao để định nghĩa được thế nào là một người giàu ở Nhật? Theo Miura Atsuhi, người vừa xuất bản quyển sách “The New Rich” năm ngoái, giới tài chính công nhận một người là giàu có nếu thu nhập của họ trên 30 triệu yên một năm và họ có tài sản vào khoảng 100 triệu yên. Có khoảng 1,3 triệu người Nhât nằm trong số này, chiếm khoảng 1% dân số. Một cách khác để định nghĩa người giàu đó là họ chỉ cần sống dựa trên lợi tức từ đống tài sản của mình mà chẳng cần đầu tư thêm.
Trong nghiên cứu của mình, Miura phát hiện ra 1% dân số đó thật sự tránh việc phô trương tài sản. Họ không xây dinh thự để khoe khoang. Tuy nhiên họ lại chi tiền cho những thứ họ thích và có xu hướng chọn các tài sản phi vật thể. Họ thích sưu tầm nghệ thuật, đi nghe hoà nhạc hơn là những chiếc xe thể thao đắt tiền hay trang sức. Họ thường đi du lịch và thuê du thuyền riêng.
Miura cũng phát hiện ra những người Nhật giàu mới này hướng nội hơn: Họ mua đồ Nhật và đi du lịch trong nước. Họ thích rượu Nhật hơn vang ngoại và tác phẩm nghệ thuật Nhật hơn hàng Tây. Đó không chỉ là vấn đề về sở thích mà còn thể hiện trách nhiệm với đất nước. Những người này hiểu được vị thế của họ trong xã hội và biết rằng nước Nhật cần tiền của họ. Có thể nói họ hiểu sâu sắc lý thuyết kinh tế “Abenomics”.
Tuy vậy vẫn có nhiều người giàu ở Nhật muốn trốn thuế nên họ gửi tài sản của mình ở nước ngoài. Và năm nay chính phủ đã phải ra quy định rằng những người có tài sản hơn 50 triệu yên ở nước ngoài buộc phải khai báo lại.
Một đặc tính khác của những người giàu mới nổi này là họ ý thức được sự giàu có trong khi những người giàu thuộc thế hệ cũ ở Nhật không để ý tới điều này và cho đó là điều hiển nhiên. Đó là vì những người giàu mới thường trở nên giàu có thông qua nỗ lực cá nhân mình hoặc bằng tài năng hay ý tưởng đặc biệt. Thậm chí những người được thừa kế cũng tự kiếm việc làm và làm việc cho chính mình. Không có khái niệm “những gã nhà giàu ngu ngốc” ở Nhật.
Trên thực tế, thứ mà con cái của những người giàu được thừa hưởng không phải là tiền mà là cách để kiếm tiền: chất lượng giáo dục tốt nhất mà tiền có thể mua được và những kiến thức cơ bản về cách đồng tiền hoạt động, những thứ mà những người bình thường không thể được tiếp cận.
Ý kiến này được trình bày chi tiết trong chương trình tái chính của TV Tokyo tên là “Nikkei Plus 10”, trong đó một thành viên của Nomura Research tên là Hatoriya Junji nói về cách những người giàu thế hệ mới làm giàu, ông chỉ ra ba nhóm quan trọng trong số những người có thu nhập cao và “sẽ trở thành người giàu trong tương lai”.
Nhóm thứ nhất là con cái những người giàu: con cái của những người giàu không nhất thiết phải thừa kế tài sản từ gia đình mà họ sẽ học hỏi từ kinh nghiệm của cha mẹ rồi tự xây dựng một chiến lược đầu tư riêng. Chỉ có 8% người bình thường có kinh nghiệm đầu tư cá nhân trong khi có tới 24% con nhà giàu trải qua việc này và 52% có danh mục đầu tư riêng.
Nhóm thứ hai là các “cặp đôi quyền lực”: đó là những cặp vợ chồng cùng làm việc và mang về hơn 10 triệu yên mỗi năm. 44% trong số này có kinh nghiệm đầu tư trong khi chỉ có 15% người bình thường trải qua việc này.
Nhóm cuối cùng là nhóm sành công nghệ. Họ học hỏi từ thế giới và tự dạy mình cách đầu tư qua Internet. Điều này không có nghĩa là họ mua bán cổ phiếu online mà là họ có kiến thức sâu sắc về những biến động tài chính và có thể nhận được tư vấn từ các chuyên gia. Nomura ước tính có 8,8 triệu người thuộc nhóm này và họ có tài khoản trung bình tầm 26 triệu yên trong khi ở hai nhóm kia là 14 triệu yên.
PHILIP BRASOR, MASAKO TSUBUKU
H.M iSenpai lược dịch từ Japan Times