Inamori Kazuo (sinh ngày 30/01/1932 tại tỉnh Kagoshima, Nhật Bản) là nhà sáng lập hãng điện tử khổng lồ Kyocera, tập đoàn viễn thông KDDI, cựu CEO của hãng hàng không Japan Airlines. Ông được xem là vị thần doanh nhân của Nhật Bản với nhiều triết lý kinh doanh “ngược đời” và tư tưởng làm người mẫu mực.
Inamori Kazuo tốt nghiệp đại học Kagoshima năm 1955, thành lập Công ty TNHH gốm sứ Kyoto (nay là Tập đoàn Kyocera) vào năm 1959 chỉ với 8 nhân viên. 10 năm sau đó, Kyocera lên sàn chứng khoán tại Nhật Bản và phát triển thành công ty toàn cầu. Năm 1984, khi kinh doanh viễn thông được tự do hóa tại Nhật, Kazuo Inarmori thành lập DDI (nay là KDDI – hãng viễn thông lớn thứ hai Nhật Bản đứng sau NTT Docomo).
Ông dùng tài sản riêng lập Quỹ Inamori vào năm 1984, tổ chức trao giải Kyoto Prize (còn được gọi là giải Nobel của Nhật Bản) cho một số lĩnh vực công nghệ cao, khoa học cơ bản, nghệ thuật và triết học.
Sau khi thôi giữ chức Chủ tịch Hãng Kyocera, ông quyết định trở thành nhà sư đạo Phật với pháp danh Đại Hòa. Ông luôn hướng đến việc cống hiến giá trị vật chất và tinh thần cho cuộc sống hạnh phúc của con người, của toàn xã hội. Cũng chính bởi vậy, ông được mệnh danh là “vị thánh” trong giới kinh doanh của Nhật Bản.
Tuổi thơ đầy trắc trở
Inamori Kazuo từng kể về thời ấu thơ đầy trắc trở của mình, khi còn trẻ ông làm gì cũng không được như ý, ước mơ liên tiếp thất bại, ông oán hận số phận, trách trời đất.
Ban đầu là thi trượt trong kỳ thi tuyển sinh lên cấp 2, tiếp đến là bị nhiễm bệnh lao phổi rồi cả gia đình bị gọi là “Gia đình bệnh lao phổi” (thời ấy bệnh lao phổ là bệnh nan y, bị xa lánh, họ hàng của ông cũng có nhiều người bị lao phổi mà qua đời).
Bản thân ông cũng nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa mình cũng sẽ chết. Tâm trí nhỏ bé của Inamori lúc ấy không chịu đựng nổi sự đả kích khiến tâm trạng cực kỳ sa sút, chán chường và tuyệt vọng trên giường bệnh.
Thật may khi đó người hàng xóm tốt bụng đã cho Inamori mượn một cuốn sách. Mặc dù chưa đủ trình độ để hiểu được ý nghĩa cao siêu của cuốn sách nhưng khi ấy ông xem cuốn sách như một vị cứu tinh, đọc nó một cách ngấu nghiến, chỗ hiểu chỗ không. Và rồi ông đã tìm được nguồn sáng cho cuộc đời mình từ trong cuốn sách đó.
Cuối cùng Inamori cũng chữa khỏi được bệnh lao và trở lại trường học tập. Tuy nhiên, vẫn là những thất bại liên tiếp. Thi đại học hạng Quốc gia không đỗ, đành phải học ở trường địa phương. Kết thúc đại học là thời điểm chiến tranh Triều Tiên vừa kết thúc, kinh tế rơi vào suy thoái. Là sinh viên mới tốt nghiệp, Inamori không thể xin được việc làm. Tâm trạng ông lại rơi vào vòng luẩn quẩn, chán nản với vận mệnh của mình và bất bình xã hội bất công.
Sau đó nhờ trợ giúp của một giáo sư đại học Inamori đã vào làm việc ở một công ty sản xuất sứ cách điện cao áp ở Kyoto. Nhưng làm ở đó một thời gian, Inamori mới biết rõ công ty này vô cùng cũ nát, đang đối mặt nguy cơ phá sản, tiền lương thường xuyên chậm trễ, lãnh đạo mâu thuẫn.
Chính trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan đó, Inamori đã thay đổi tâm trí, suy nghĩ tích cực hơn, không còn oán trách số phận mà dồn hết tinh lực vào công việc, nghiên cứu. Rồi thành quả nghiên cứu bắt đầu xuất hiện, ông chủ khen ngợi. Điều đó càng tiếp thêm động lực để Inamori tiếp tục nghiên cứu. Ông đã thành công phát triển một loại vật liệu gốm công nghê cao mới tại Nhật Bản, được sử dụng trong ống chân không của tivi, khi đó tivi vừa mới bắt đầu được phổ cập. Từ đó ông đã nắm vững và tích lũy được căn nguyên kỹ thuật, có được một chút tiếng tăm, trở thành yếu tố quan trọng khi thành lập Kyocera sau này.
Trải qua đủ loại thất bại và khó khăn, ông đã nhận ra được chân lý mà mình khắc sâu vào đáy lòng:
Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, tôi đã minh bạch rằng vận mệnh của mình do mình tạo ra. Cho dù là thông minh thế nào thì hạnh phúc hay bất hạnh, thất bại hay thành công trong cuộc đời đều không ngoại lệ, cũng là từ tâm mình mà sinh ra. Bản thân mình gieo hạt giống giống nào thì tự bản thân mình sẽ nở hoa, kết trái đó.
Triết lý kinh doanh “lạ đời”
“Hãy làm cho nhân viên hạnh phúc” – Chính triết lý “lạ đời” không tuân theo bất kỳ nguyên lý quản trị điển hình nào này lại là bí quyết xây dựng nên hãng điện tử khổng lồ Kyocera, nhà mạng trị giá 64 tỷ USD – KDDI Corp và cứu Japan Airlines khỏi tình trạng phá sản vào năm 2010.
“Tập trung hết vào các cổ đông ư, quên điều nó đi, thay vào đó hãy dành thời gian để làm cho nhân viên của bạn được hạnh phúc”.
“Nếu bạn muốn có trứng hãy chăm sóc cho những con gà mái. Nếu bạn hành hạ hay giết chúng thì chúng sẽ chẳng đẻ đâu” – Kazuo Inamori đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện vào ngày 23/10/2015.
Khi Inamori được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của Japan Airline năm 2010, ông đã 77 tuổi và không có bất cứ kinh nghiệm gì trong ngành hàng không. Nhưng trong những năm tiếp theo, ông đã giúp Japan Airline tạo ra lợi nhuận và thoát khỏi tình trạng phá sản. Năm 2012, ông đã đưa hãng trở lại sàn chứng khoán Tokyo.
“Tôi cảm nhận đây chính là việc làm giúp ích cho đất nước và người dân Nhật Bản nên sẽ quyết tâm cố gắng hết mình”.
Sau khi nhận vai trò Giám đốc điều hành không nhận lương của JAL, ông đã cho in những quyển sách nhỏ cho mỗi nhân viên về triết lý của mình, khẳng định hãng luôn hết lòng với sự phát triển của họ. Ông cũng giải thích về ý nghĩa xã hội mà công việc của họ đang làm và lấy triết lí của đạo Phật để họ hiểu rằng mỗi nhân viên cần phải sống một cách khiêm tốn và làm điều đúng đắn. Những điều Inamori chia sẻ đã khiến những nhân viên của hãng cảm thấy tự hào về hãng hàng không và sẵn sàng làm việc chăm chỉ hơn.
Quan điểm quản lý của ông đạt được thành công một phần bởi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân ở Nhật Bản mờ nhạt, không rạch ròi như ở Mỹ. Tuy vậy, không phải mọi chiến thuật của Inamori đều mang tính tâm linh. “Hệ thống quản lý amoeba” của ông chia đội ngũ nhân viên thành các đơn vị nhỏ, các nhóm này tự lên kế hoạch và theo dõi hiệu quả công việc hàng giờ dựa trên hệ thống kế toán sẵn có. Điều này dựa trên khái niệm rằng tất cả các nhân viên đều tham gia quản lý doanh nghiệp, không chỉ một số quản lý cấp cao. Ông cũng nói rằng “quản lý bởi tất cả – management by all” là yếu tố quan trọng nhất. Sự thay đổi này buộc ông phải cắt giảm 1/3 nhân công của hãng Japan Airline khi tiếp quản (khoảng 16.000 người).
Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Phố Wall, Ông Inamori đã chia sẻ về sự thay đổi cơ bản mà ông đã thực hiện khi đảm nhận chức vụ ở JAL:
“Khi tôi vừa đến JAL, tôi đã nói với các quản lý rằng chúng ta phải đưa ra triết lý quản lý và chia sẻ điều đó với mọi người trong công ty. Tôi cũng nói với họ rằng chúng ta không cần nhiều triết lý. Điều duy nhất chúng ta cần nói đó là mục tiêu của ban lãnh đạo là theo đuổi hạnh phúc của tất cả nhân viên, cả về thể chất và tinh thần… Chung quy là như vậy. Không phải cho các cổ đông, cũng không phải cấp quản lý. Mà là cho tất cả các nhân viên làm việc tại công ty. Chúng tôi đã đặt điều đó lên hàng đầu trong triết lý của chúng tôi. “Đây là công ty của bạn và mục tiêu của công ty là làm cho tất cả các bạn hạnh phúc”.
Triết lý này được chia sẻ bởi mọi người trong công ty và liên kết tất cả họ lại cùng đưa công ty hướng tới một mục tiêu chung.
“Các nhà lãnh đạo công ty nên tìm cách làm cho tất cả nhân viên của họ hạnh phúc, cả về vật chất lẫn trí tuệ. Đó là mục đích của họ, chứ không phải chỉ làm lợi cho các cổ đông”.
Kazuo Inarmori tin rằng sứ mệnh của một doanh nghiệp là tạo ra một thế giới tốt hơn cho loài người. Triết lý quan trọng này là đèn hiệu dẫn lỗi cho các quyết định của ông, giúp ông thấy được sự rõ ràng và những điều đúng đắn phải làm. Kazuo Inamori có niềm tin mãnh liệt rằng hạnh phúc của nhân viên là nền tảng thành công của công ty.
Nếu hỏi bất kỳ nhà lãnh đạo nào, họ có thể sẽ nói điều tương tự về nhân viên của mình. Vấn đề là thực hiện. Khi được yêu cầu xếp hạng tầm quan trọng của cổ đông, khách hàng và nhân viên trong cuộc phỏng vấn với CCTV, ông đã chọn nhân viên. Đối với ông, nếu doanh nghiệp không có những nhân viên phù hợp thì doanh nghiệp đó sẽ không bền vững.
“Đúng là công ty thuộc về các cổ đông, nhưng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhân viên cũng là điều sống còn đối với công ty. ‘Gà mái’ phải luôn được khỏe mạnh”, ông nói.
Dù vậy, khi Inamori nói về việc khiến cho nhân viên hạnh phúc, không có nghĩa là họ có thể “được đằng chân, lân đằng đầu”. Theo ông “hạnh phúc” được hình thành từ làm việc chăm chỉ hơn bất cứ ai. Điều này được lấy ra từ tư tưởng Phật giáo mang tên “shojin”- sự thăng hoa tâm hồn có được thông qua sự tận tụy với công việc. Trong cuốn sách về triết lý của mình được xuất bản năm 2004, ông đã đặt câu hỏi về khuynh hướng ngày càng tăng của người dân Nhật Bản đối với những giá trị của thời gian giải trí.
Kazuo Inamori đã chứng minh cho chúng ta thấy sức mạnh của việc tạo ra một đội ngũ nhân viên hạnh phúc, chính là tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Ông đã dựa vào triết lý này để tạo ra Kyocera, KDDI và hồi sinh JAL. Đối với việc chọn người kế nhiệm mình, không có gì ngạc nhiên khi ông tập trung vào các nguyên tắc cơ bản của con người. Ông chia sẻ về tiêu chí lựa chọn người kế nhiệm: “Một người đứng đầu, tất nhiên, phải có kinh nghiệm và hiểu biết về kinh doanh. Nhưng trên hết tôi cho rằng đạo đức con người là điều quan trọng nhất.”