Những trận đại dịch bệnh trong lịch sử Nhật Bản

Đăng ngày 16/04/2020 bởi iSenpai

Trước khi đại dịch Covid xuất hiện làm thay đổi hoàn toàn xã hội, Nhật Bản từng ghi nhận những đợt dịch bệnh lớn khác trong lịch sử. Hãy cùng điểm lại những đại dịch lớn trong lịch sử nước Nhật trong bài viết này!

  • Bệnh đầu mùa năm 735 – 737

Bệnh đậu mùa vào năm 735 – 737 là dịch bệnh đầu tiên cũng như nghiêm trọng nhất tại Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8. Sự tiếp xúc và giao thương ngày càng mạnh mẽ giữa Nhật Bản và lục địa châu Á đã tăng khả năng bùng phát của các bệnh truyền nhiễm. Dịch bệnh đậu mùa 735 – 737 được ghi nhận bắt nguồn vào khoảng tháng 8 năm 735 tại thành phố Dazaifu, Fukuoka, phía bắc Kyushu, từ một ngư dân nhiễm bệnh khi bị mắc kẹt trên bán đảo Triều Tiên. Căn bệnh nhanh chóng lây lan khắp miền bắc Kyushu vào thời điểm đó, đến năm 736, nhiều người dân ở Kyushu đã chết, cũng như mất khả năng lao động hay thu hoạch mùa màng, dẫn đến sản lượng nông nghiệp sụt giảm và gây ra nạn đói.

Ngoài ra, vào năm 736, một nhóm các quan chức chính phủ Nhật Bản đã đi qua phía bắc Kyushu trong khi dịch bệnh đang bùng phát mạnh nơi đây rồi trở về thủ đô, lây lan dịch bệnh sang khu vực miền đông Nhật Bản và Nara . Dịch bệnh tiếp tục tàn phá Nhật Bản vào năm 737, một biểu hiện của tác động lớn của đại dịch vào đất nước là vào tháng 8 năm 737, việc miễn thuế đã được mở rộng ra toàn bộ Nhật Bản. 

Dựa trên các báo cáo, cơn dịch bệnh đã khiến 2 – 3,5 triệu người chết (chiếm 33 – 60% dân số Nhật Bản), tất cả các tầng lớp của xã hội đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Dịch bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến dân số nước Nhật, nó còn gây ra sự mất trật tự, di cư và mất cân bằng lao động đáng kể trên khắp đất nước, đặc biệt là ngành nông nghiệp trong canh tác và trồng lúa. 

  • Dịch tả châu Á vào đầu thế kỷ 19

Dịch tả châu Á, bắt nguồn từ Ấn Độ vào đầu thế kỷ 19, lan rộng khắp thế giới và ảnh hưởng các nước trên thế giới theo nhiều cách khác nhau. Dịch tả bắt đầu hoành hành tại Nhật vào năm 1823, bắt nguồn từ bán đảo Triều Tiên đến Nagato qua Tsushima và nhanh chóng lan sang Tây Nhật Bản. Thời điểm đó, không ai có thể chẩn đoán được căn bệnh này, vì vậy, nó được đặt tên là Mikka Korori (cái chết đột ngột trong ba ngày) dựa trên những triệu chứng của căn bệnh.

Vào năm 1858, dịch tả xâm nhập vào Nhật lần thứ hai, khi đất nước chính thức mở cửa cho người nước ngoài. Một phi hành đoàn trên tàu Mỹ, đến Nagasaki từ Thượng Hải, được cho là đã mang theo căn bệnh và lan rộng dịch bệnh đến tận Đông Nhật Bản, khiến 30.000 mất mạng và Kanagawa đã phải chịu một tổn thất nặng nề. Vào thời điểm dịch bệnh tả lần thứ hai, các bác sĩ Hà Lan và Pháp ở Nagasaki đã điều trị và đưa ra lời khuyên cho người dân về căn bệnh này.

Sau đó, Nhật Bản phải chịu nhiều lần ảnh hưởng của dịch tả vào các năm 1877, 1879, 1882, 1886, 1890, 1891 và 1895. Dịch tả ở Nhật Bản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nước, đồng thời cũng có tác động lớn đến y học Nhật Bản hiện đại trong việc thiết lập quản lý hệ thống y tế.

  • Dịch cúm Tây Ban Nha 1918 – 1920

Từ thời Heian, dịch bệnh cúm đã liên tục xuất hiện và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Trong đó, dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 là cơn dịch bệnh gây ra những tổn thất cao nhất về người và của cho Nhật Bản. 

Khoảng thời gian 1918 – 1920 đánh dấu sự xuất hiện của đại dịch cúm toàn cầu cướp đi sinh mạng của 20 triệu đến 50 triệu người trên toàn thế giới, trong đó, gần 470.000 người trên bốn hòn đảo chính của Nhật Bản cũng đã chết vì dịch cúm hoặc do các trường hợp viêm phổi thứ phát sau đó. Dịch cúm Tây Ban Nha đã tàn phá Nhật Bản một cách nặng nề, nhiều ngôi làng đã bị xóa sổ, phần lớn các thành phố lớn của đất nước phải ngừng hoạt động khi dịch bệnh lây lan, gây ảnh hưởng đến mọi người ở mọi cấp độ kinh tế xã hội. 

Japan Times cho rằng vào cuối tháng 10/1918, đã có hơn 9.600 bệnh nhân cúm ở Kobe và 6.000 ở Kyoto. Trong thời gian từ tháng 10 – 12, đã có 362.842 trường hợp nhiễm cúm Tây Ban Nha ở Osaka, trong đó đã có 6.329 ca tử vong. Chỉ trong các ngày từ 25 – 31/1/1919, đã có ​​hơn 2.100 người chết ở thủ đô, trong khi gần 13.000 học sinh bị bệnh. Các ca nhiễm  dịch bệnh mới liên tục gia tăng tại các thành phố như Kyoto, Hiroshima và Fukui.

 

  • Đại dịch cúm A/H1N1 2009

Vào mùa xuân năm 2009, virus cúm A thuộc chủng H1N1 đã xuất hiện ở Mexico và lan rộng khắp thế giới trong vòng vài tháng, dẫn đến đại dịch cúm đầu tiên của thế kỷ 21, được tuyên bố bởi Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 11 tháng 6 năm 2009. Tại Nhật Bản, H1N1 được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 9/5/2009 rồi lan rộng khắp cả nước. Sự ảnh hưởng của cơn đại dịch tại Tokyo bắt đầu vào giữa tháng 8/2009 và đạt đỉnh vào cuối tháng 10, sau đó giảm dần số ca nhiễm và kết thúc vào đầu năm 2010. 

Đại dịch cúm H1N1 đã lây nhiễm khoảng 20 triệu người và gây ra 198 ca tử vong ở Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã phải áp dụng một số biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, bao gồm cả việc cách ly khách du lịch hàng không vào Nhật Bản và những người bị nghi ngờ nhiễm virus, đồng thời đóng cửa các trường học ở các khu vực có số ca nhiễm bệnh cao của Nhật Bản.

Nguồn: 

https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_epidemics

https://en.wikipedia.org/wiki/735%E2%80%93737_Japanese_smallpox_epidemic

https://en.wikipedia.org/wiki/1817%E2%80%931824_cholera_pandemic

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11639554

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20845733

https://www.japantimes.co.jp/news/2019/05/08/national/century-later-spanish-flu-pandemic-still-holds-valuable-lessons-japanese-global-health-experts/#.XpK9TcgzZPY

https://en.wikipedia.org/wiki/2009_swine_flu_pandemic_in_Japan

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4166591/

https://en.wikipedia.org/wiki/2020_coronavirus_pandemic_in_Japan

 

Trả lời