Nhật Bản muốn đưa sản xuất từ Trung Quốc về nước, tuy nhiên việc phá vỡ chuỗi cung ứng vẫn là một điều khá khó khăn.
Tháng 4 năm nay, công ty Iris Ohyama của Nhật đã đồng ý tiến hành sản xuất khẩu trang tại Nhật Bản. Đây là sự kiện đánh dấu chiến thắng của Thủ tướng Shinzo Abe, người muốn đưa sản xuất từ Trung Quốc về nước. Trước tình trạng nhiều nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa do virus corona, chính phủ của ông Abe đã chi 2 tỷ USD để giúp các công ty Nhật Bản chuyển sản xuất về nước. Chính sách này được một số quan chức gọi là vấn đề an ninh quốc gia, là một phần của gói kích thích khổng lồ để đối phó với đại dịch.
Trả lời phỏng vấn của báo chí vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Kinh tế ông Yasutoshi Nishimura cho biết: “Chúng ta đang trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều chúng ta cần làm là phải đẩy mạnh và đa dạng chuỗi cung ứng, mở rộng nguồn cung và tăng cường sản xuất trong nước.” Việc sản xuất khẩu trang tại Nhật Bản đem lại rất nhiều ý nghĩa, bởi lẽ nhu cầu trong nước hiện tại đang tăng vọt. Mặc dù trước đó chỉ sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, Oris Ohyama được biết đến là doanh nghiệp duy nhất tận dụng được các khoản trợ cấp từ Nhật Bản.
Nhiều công ty Nhật cho rằng việc chuyển sản xuất về nước đơn giản là một điều không có tính kinh tế và cũng không thực tế. Bởi vì phần lớn sản phẩm mà các công ty Nhật Bản sản xuất ra sau cùng là để phục vụ cho người tiêu dùng Trung Quốc, và để đáp ứng nhu cầu sản xuất ‘just-in-time’ (đúng sản phẩm – đúng số lượng – đúng nơi – và đúng thời điểm), ưu tiên giao hàng trong thời gian ngắn để sản xuất hiệu quả. Do đó, việc có mặt tại Trung Quốc là một điều hiển nhiên và tất yếu.
Người phát ngôn của Yorozu Corp, một công ty chuyên sản xuất hệ thống giảm xóc và linh kiện ô tô, ông Chikara Haruta cho biết: “Các bộ phận mà chúng tôi sản xuất ra có kích thước khá lớn, vì vậy chúng tôi cần phải ở gần với khách hàng để kiểm soát được chi phí”. Nhà máy của Yorozu tại Vũ Hán, Trung Quốc nằm cách nhà máy lắp ráp của Honda Motor chỉ khoảng chừng 7 km. Đối với các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản, việc nhờ cậy vào các nhà cung cấp Trung Quốc trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới là một việc làm khá đúng đắn.
“Ngay cả khi chúng tôi muốn, thì cũng rất khó để giảm sự tiếp xúc với các linh kiện do Trung Quốc sản xuất”, giám đốc điều hành tại một nhà máy sản xuất ô tô của Nhật Bản trả lời báo Reuters. Ông còn nói thêm rằng, trong một thập kỷ qua, các nhà cung cấp Trung Quốc đã rất nỗ lực và để cung cấp một loạt các linh kiện có chất lượng đa dạng với chi phí thấp. Riêng Toyota, Nissan và Honda cũng đều có ít nhất 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc.
Theo chia sẻ của một viên chức giấu tên làm việc tại một nhà cung cấp linh kiện Nhật Bản, thì “Những nơi có phần mềm phát triển sẽ kéo theo sự phát triển và sản xuất của phần cứng. Nếu chỉ tập trung vào việc mang sản xuất về nước, mà coi nhẹ chức năng của R&D, thì chính sách khuyến khích mới của chính phủ là một sự sai lầm”
QÚA PHỤ THUỘC VÀO TRUNG QUỐC?
Các chính trị gia Nhật Bản đang rất băn khoăn về sự phụ thuộc của Nhật Bản vào sản xuất của Trung Quốc. Từ đầu những năm 2000, tiền lương của lao động Trung Quốc đã tăng lên, dẫn đến một cuộc đàm phán về chiến lược ‘Trung Quốc cộng một” – một chính sách quản lý rủi ro bằng việc đặt nhà máy và các cơ sở tại Trung Quốc và một quốc gia Châu Á nào đó. “Trung Quốc cộng một” đã thu hút thêm nhiều sự chú ý vào năm 2012 khi căng thẳng song phương gia tăng và nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phải chạy theo để đa dạng hóa với các hoạt động tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, sự đóng cửa gần như hoàn toàn của các nhà máy Trung Quốc vào tháng 2, khi mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải tìm cách để dập tắt sự lây lan của virus corona, đã thuyết phục các doanh nghiệp phụ thuộc vào Trung Quốc của Nhật Bản về nước. Gói hỗ trợ 220 tỷ yên (2 tỷ USD) là trợ cấp đầu tiên của chính phủ Nhật Bản đưa ra để mang sản xuất về nước. Chính phủ cũng hỗ trợ 23.5 tỷ yên cho các doanh nghiệp Nhật Bản để củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á.
Theo một khảo sát của Bộ thương mại Nhật Bản, thì tính đến tháng 3 năm 2018, các công ty của Nhật đã có ít nhất 7,400 chi nhánh tại Trung Quốc, tăng 60% so với năm 2008. Cùng năm đó, doanh thu từ việc bán hàng của các chi nhánh sản xuất Nhật Bản tại Trung Quốc là 252 tỷ USD, trong đó 73% là bán tại Trung Quốc và 17% là xuất khẩu trở về nước. Các nhà sản xuất thiết bị điện tử cũng nói rằng họ sẽ đấu tranh để cắt đứt quan hệ với chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Nidec Corp, một công ty sản xuất mô-tơ cho mặt hàng điện tử, đã cho biết, cần phải cải thiện chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Việc mua các linh kiện cơ bản trong năm nay là vô cùng khó khăn, trong khi mà mọi người vẫn cho rằng chúng được cung cấp trong nước, thì thực tế các linh kiện lại được chuyển từ Châu Âu về.
Trả lời báo chí, CEO Shigenobu Nagamori cho biết “Chúng tôi cần tăng cường khả năng tìm nguồn cung tại các nhà máy Trung Quốc của mình. Chúng tôi cần sản xuất các loại linh kiện này trong nội bộ” Công ty Japan Display và nhà sản xuất chip Rohm nhận định việc chuyển sang tự động hóa hoàn toàn đối với các quy trình vốn cần nhiều sức lao động có thể sẽ đem lại một phương pháp lắp ráp mới tại Nhật Bản, trên cơ sở tận dụng những lợi thế sản xuất tại nước nhà. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, Trung Quốc vẫn là lựa chọn tiết kiệm hơn.
Nhà sản xuất bảng hiển thị và tivi Sharp đã sản xuất ra các cảm biến mạch siêu mỏng tại Nhật Bản, sau đó được chuyển sang Trung Quốc để lắp ráp thêm đèn nền, giắc nối và các bộ phận khác – một quy trình đòi hỏi việc kiểm tra thủ công và điều chỉnh máy móc liên tục.
“Quá trình xử lý cuối cùng thường được diễn ra tại Trung Quốc, bởi vì lực lượng lao động ở đây khá là đông đảo. Vì vậy mà việc đưa sản xuất về nước sẽ là một việc làm khá tốn kém”, theo chia sẻ của người phát ngôn cho Sharp, một doanh nghiệp được thu mua bởi Foxconn Đài Loan vào năm 2016.
Theo Japan Today, Al Jaezzara